Số ca tử vong lịch sử trong trận lũ lụt 'nghìn năm có một' ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tờ BL đưa tin, ĐCSTQ đã báo cáo một số lượng rất ít những người chết và mất tích trong trận lũ lụt kinh hoàng ở thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, con số gây sốc được tiết lộ lại hoàn toàn trái ngược với những gì được đưa tin từ các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Những thước phim và hình ảnh kinh hoàng về trận mưa lũ “nghìn năm có một” ở Trịnh Châu đã được lan truyền rộng rãi trên Internet. Theo bà Jennifer Zeng – một nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng về Trung Quốc – trái ngược với những bằng chứng rõ ràng đang được phơi bày trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ chỉ xác nhận một số rất ít các trường hợp tử vong và vẫn giữ “im lặng” về thiệt hại.

Cụ thể, vào sáng ngày 24/7, Tân Hoa xã của ĐCSTQ đã báo cáo có 33 người chết và 8 người mất tích. Tuy nhiên, Bà Jennifer Zeng cho biết, “Số người thiệt mạng có thể ít nhất là hàng nghìn, hoặc thậm chí hàng chục nghìn người.”

Giải thích cho con số ước tính này, bà Zeng nói rằng: “Đường hầm mà chúng ta đã thấy dài khoảng 5 km, có 6 làn xe, có người nói là 8 làn. Cứ cho là có 6 làn đường, và nước ngập đạt đỉnh vào cuối buổi chiều ngày 20/7, thời điểm mà mọi người đang hối hả về nhà”.

Bà tiếp tục: “Nếu cứ 7 mét lại có một chiếc ô tô chạy trong đường hầm, đây là một ước tính khá thận trọng. Nếu 5.000 mét chia cho 7, nhân với 6 làn xe, chúng ta được 4.285 ô tô. Nếu 1 trong số 3 xe ô tô có 2 người ngồi trong đó, thì số người chết có thể lên đến hơn 6.000 người. Số người chết có thể vượt quá 8.000, thậm chí 12.000 người nếu mỗi chiếc xe có 2 hoặc 3 người bên trong.”

Bà Zeng nói: “Trong một đường hầm ở Trịnh Châu, khi lũ tràn vào và tình hình ngày càng nguy cấp, máy thu phí vẫn đang thu phí đường hầm. Trong vòng 5 phút, đường hầm đã chìm trong nước, cùng với toàn bộ những chiếc xe ô tô bị mắc kẹt bên trong”.

Trong một bài đăng khác trên Internet, bà Zeng cho biết, các nạn nhân bị mắc kẹt trong hầm suốt 20 giờ trên chuyến tàu tại một địa điểm cách Trịnh Châu 10 km vào ngày 20 tháng 7. Một người đã cố gắng liên hệ với tất cả các đường dây nóng của chính phủ, nhưng không nhận được sự trợ giúp nào. Hàng trăm người bị đói, bị lạnh và có thể bị ngạt thở khi mắc kẹt trong hệ thống tàu điện ngầm của Trịnh Châu và chỉ được cứu vào lúc 1:30’ sáng ngày 21/7 (theo giờ địa phương).

Vậy điều gì đã gây ra thảm kịch này?

Vào năm 2018, ĐCSTQ tuyên bố rằng, họ chi số tiền 53,4 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 7,7 tỷ USD) để biến Trịnh Châu thành “Thành phố Bọt biển”, ngụ ý rằng, thành phố sẽ có thể hấp thụ, lưu trữ, sau đó thải và lọc nước trong trường hợp xảy ra mưa lớn.

Các khu vực nông thôn ở Hà Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. (Ảnh tổng hợp)
Các khu vực nông thôn ở Hà Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. (Ảnh tổng hợp)

Bà Zeng đặt câu hỏi rằng: “Chỉ sau trận lụt chết người này, người ta mới bắt đầu đặt câu hỏi, rằng 53 tỷ nhân dân tệ đang ở đâu? ĐCSTQ đã làm gì để xây dựng hệ thống thoát nước và tàu điện ngầm của thành phố?”

Trước đó, được biết, các nhân viên tại Hồ chứa nước Trường Trang đã bắt đầu xả nước vào khoảng 10:30’ sáng ngày 20/7. Tuy nhiên, thông tin này lại được phát đi vào lúc 1 giờ sáng ngày 21/7, tức là khoảng 15 giờ đồng hồ sau đó. Như vậy, các nhà chức trách đã có nhiều thời gian để phản ứng với việc xả nước này, vì toàn bộ quá trình tàu điện ngầm bị ngập không diễn ra chỉ trong một phút. Tuy nhiên, họ đã không làm như vậy.

Vào lúc 7:01’ tối ngày 20/7, chính quyền Trịnh Châu tuyên bố rằng: “Mặc dù mưa lớn, nhưng người dân Trịnh Châu vẫn mạnh mẽ, lạc quan và không hề phàn nàn. Chúng tôi tin chắc rằng, sau trận mưa hiếm hoi này, thành phố của chúng ta sẽ sạch hơn, cỏ cây xanh tươi hơn bao giờ hết”.

Trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo vào ngày 21/7 đã không hề đề cập đến trận lũ lụt kinh hoàng ở Trịnh Châu. Các trang nhất của các tờ báo khác cũng không đưa tin về vụ việc này.

Một số kênh truyền thông phương Tây tuyên bố rằng, đó là trận mưa “nghìn năm có một” (như điều mà Cục Dự báo Thời tiết Trịnh Châu đã nói). Các kênh truyền thông này chỉ sử dụng các bức ảnh hoặc cảnh quay do ĐCSTQ cung cấp về trận lụt.

Lũ lụt lịch sử ở Hà Nam hay ‘não ngập nước’? - Đảng viên Trung Quốc cảnh báo đó là ‘Vũ khí thời tiết’ của thế lực thù địch (Ảnh: STR/AFP)
Lũ lụt lịch sử ở Hà Nam hay ‘não ngập nước’? - Đảng viên Trung Quốc cảnh báo đó là ‘Vũ khí thời tiết’ của thế lực thù địch (Ảnh: STR/AFP)

Như thường lệ, ĐCSTQ đã tìm kiếm cho mình một “con dê tế thần”. Và lần này là quân đội Mỹ! Cụ thể, ông Jin Canrong – Phó Chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc – đã nói trên mạng xã hội Sina Weibo rằng: “Tôi chỉ muốn hỏi rằng, quân đội Mỹ đã gửi đến Đài Loan cái quái gì vậy? Tại sao chỉ vài ngày sau khi các vị đặt chân đến Đài Loan, chúng tôi đã gặp phải trận lụt ngàn năm có một? Thật là trùng hợp!” Theo ông Jin Canrong, quân đội Mỹ đã mang “vũ khí thời tiết” đến Đài Loan để gây ra trận lụt kinh hoàng cho thành phố Trịnh Châu. Để chứng minh cho lập luận của mình, ông Canrong còn đăng nhiều bức ảnh và đoạn phim liên quan đến các loại vũ khí thời tiết mà quân đội Mỹ sử dụng.

Vào ngày 26/7, ngày “đầu thất” của các nạn nhân thiệt mạng trên tuyến số 5 tàu điện ngầm Trịnh Châu, nhiều người thân và bạn bè của nạn nhân đã tổ chức lễ tưởng niệm những người đã khuất để bày tỏ lòng thương tiếc. Rất nhiều bó hoa đã được đặt tràn ra cả vỉa hè ở ga tàu điện ngầm. Tuy nhiên các nhà chức trách đã sử dụng vách ngăn để che lại. Đêm đó, một số người đã tự ý tháo bỏ vách ngăn. Vào ngày 27/7, nhà chức trách một lần nữa cho đóng vách ngăn, nhưng sau đó lại một lần nữa bị dỡ bỏ.

Một người bình luận trên Twitter rằng: “Họ (các quan chức ĐCSTQ) rất sợ hãi. Họ vây kín những bó hoa lại vì sợ người khác trông thấy”.

Có người để lại lời nhắn: “Đừng chặn đường trở về nhà của các nạn nhân”.



BÀI CHỌN LỌC

Số ca tử vong lịch sử trong trận lũ lụt 'nghìn năm có một' ở Trung Quốc