Số ca tử vong do coronavirus ở Trung Quốc đã tăng vọt lên hơn 360, vượt quá số người tử vong vì bệnh SARS

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số người chết do một loại Coronavirus mới ở Trung Quốc đã vọt lên trên 360 vào thứ Hai (3/2), vượt qua số người tử vong do cuộc khủng hoảng SARS cũng xảy ra ở đất nước này cách đây hai thập kỷ.

Tính đến sáng 3/2, có thêm 57 trường hợp tử vong mới là mức tăng lớn nhất kể từ khi coronavirus mới được phát hiện vào cuối năm ngoái tại thành phố trung tâm Vũ Hán, nơi được cho là virus đã lây từ động vật sang người tại một khu chợ

Virus này đã lây lan ra hơn 24 quốc gia, mặc dù nhiều chính phủ áp đặt lệnh cấm du lịch chưa từng có đối với những người đến từ Trung Quốc.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố cuộc khủng hoảng này là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, và trường hợp tử vong ngoài Trung Quốc do virus đầu tiên đã được xác nhận tại Philippines vào hôm Chủ nhật (2/2) vừa qua.

Tại Trung Quốc, số người chết đã lên tới 361 người, vượt quá 349 trường hợp tử vong cũng tại quốc gia này do Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS) trong giai đoạn 2002-2003.

SARS gây ra bởi một mầm bệnh tương tự như chủng Coronavirus mới và cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Căn bệnh này đã giết chết 774 người - số người chết chủ yếu là ở đại lục, còn lại hầu hết là ở Hồng Kông.

Thị trường chứng khoán lao dốc

Virus này đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế: nhiều doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc đã phải đóng cửa, du lịch quốc tế bị hạn chế và dây chuyền sản xuất của các thương hiệu quốc tế lớn cũng bị thiệt hại nặng nề.

Thị trường chứng khoán ở Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm gần 9% vào sáng thứ Hai (3/2) khi các nhà đầu tư quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết kéo dài để ngăn mọi người đi du lịch khắp Trung Quốc.

Mức độ sự sụt giảm là tương đối lớn ngay cả với các tiêu chuẩn của thị trường cổ phiếu nổi tiếng biến động như Trung Quốc, cho thấy mức độ ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh đến nền kinh tế.

Các chợ và siêu thị của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã đóng cửa vào ngày 24 tháng 1 để nghỉ Tết một tuần, nhưng vào thời điểm đó dịch virus khởi phát ở Vũ Hán và đã lan rộng ra toàn cầu. Họ đã lên kế hoạch mở lại vào thứ Sáu (31/1) nhưng chính phủ đã gia hạn kỳ nghỉ để đối phó với virus.

Các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đã chìm trong sắc đỏ khi các công ty lớn đóng băng hoặc thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc, đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang phụ thuộc rất nhiều vào quốc gia này.

Bệnh viện Hỏa Thần Sơn đã xây xong

Hôm thứ Hai (3/2) vừa qua, Trung Quốc đã cử nhân viên y tế và gửi trang thiết bị tới bệnh viện 1.000 giường này để điều trị cho các bên nhân, trong bối cảnh virus đã gây ra hơn 17.300 ca lây nhiễm trong và ngoài nước.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, khoảng 1.400 y sĩ quân đội sẽ điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện được mệnh danh là “Hỏa Thần Sơn”.

Tuy nhiên, với số người chết tăng mạnh ở Vũ Hán và các nơi khác ở tỉnh Hồ Bắc, không rõ bệnh viện này có tác động gì đến bối cảnh chung khi mà virus đã lây lan ra khắp các nơi trên thế giới.

Một bệnh viện thứ hai với 1.500 giường đang được xây dựng.

Các đội y tế của Quân đội Giải phóng Nhân dân tiếp tục đến Vũ Hán để giải cứu các nhân viên y tế đang kiệt quệ và làm việc tại bệnh viện mới nằm ở vùng nông thôn xa trung tâm thành phố. Đài truyền hình nhà nước công chiếu đoạn phim về các phòng bệnh được trang bị thiết bị y tế tiên tiến và hệ thống thông gió hiện đại.

Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, ông Zhong Nanshan cho biết không gian trong bệnh viện là rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng mới.

"Việc thiếu phòng bệnh viện buộc người bệnh phải trở về nhà, điều này cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, có thêm giường là một sự cải thiện tuyệt vời", ông Zhong nói với kênh tin tức 24 giờ của CCTV.

Ông Zhong đóng một vai trò quan trọng trong việc khắc phục dịch SARS năm 2002-2003 ở Trung Quốc, một loại Coronavirus thuộc cùng họ với mầm bệnh hiện tại.

Thành phố Ôn Châu bị phong tỏa

Trong một tín hiệu đáng lo ngại về việc virus đã lây lan với số lượng đáng kể đến các khu vực khác của Trung Quốc, thành phố công nghiệp phía đông Ôn Châu hôm Chủ nhật vừa qua (3/2) cũng bị phong tỏa giống như Vũ Hán.

Các đường phố ở Ôn Châu, 800km (500 dặm) về phía đông, đã bị chặn và 9 triệu dân được lệnh ở trong nhà.

Nhà chức trách tuyên bố mỗi hộ gia đình ở Ôn Châu chỉ được phép cho một người đi ra ngoài hai ngày một lần để mua nhu yếu phẩm.

Cấm du lịch quốc tế vì bệnh dịch lây lan

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết người đầu tiên chết ở nước ngoài vì virus corona là một người đàn ông 44 tuổi từ Vũ Hán tới Philippines.

Các quốc gia G7 - Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ - đều đã xác nhận các trường hợp nhiễm virus. Các nước này sẽ thảo luận về một phản ứng chung, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn phát biểu vào Chủ nhật (2/2).

Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Israel đã cấm công dân nước ngoài nhập cảnh nếu họ từng đến Trung Quốc những tuần gần đây và cảnh báo công dân của họ không được đi du lịch ở đó.

Mông Cổ, Nga và Nepal đều đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc.

Minh Thanh



BÀI CHỌN LỌC

Số ca tử vong do coronavirus ở Trung Quốc đã tăng vọt lên hơn 360, vượt quá số người tử vong vì bệnh SARS