TikTok chỉ là ‘chuyện nhỏ’, khi WeChat mới là ứng dụng ‘đáng ngờ’ nhất của ĐCS Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

TikTok có thể chỉ mới khơi mào cuộc tranh luận về an ninh đối với ứng dụng Trung Quốc, nhưng WeChat đã kiểm soát các tin nhắn và cuộc trò chuyện của người dùng nhằm tuân theo đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Khi chính quyền Trump ban lệnh hành pháp vào ngày 6/8 về cơ bản sẽ cấm các ứng dụng WeChat và TikTok của Trung Quốc, vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia, các giám đốc điều hành tại TikTok đã nhanh chóng bác bỏ bất kỳ mối quan hệ nào của họ với chính quyền Trung Quốc.

WeChat thì không nhanh chóng bị đẩy lùi. Đó là bởi vì Tencent Holdings Ltd., công ty sở hữu WeChat, đã làm việc trong nhiều năm để giữ cho ứng dụng này phù hợp với các giá trị của ĐCSTQ.

Một ngày sau khi lệnh cấm được công bố, Tencent - công ty có vốn hóa thị trường hơn 660 tỷ USD - chỉ đơn giản nói rằng họ đang "xem xét các hậu quả tiềm ẩn" của lệnh hành pháp; sau đó họ đã cố gắng phân biệt giữa phiên bản tiếng Trung và phiên bản nước ngoài của ứng dụng, nhưng không giải quyết được các cáo buộc bảo mật của Hoa Kỳ.

Chính phủ Trung Quốc đã tấn công động thái của Hoa Kỳ — như họ đã làm nhiều lần trong vài năm qua khi Hoa Kỳ “trừng phạt” các công ty từ đại lục. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân nói với các phóng viên vào ngày 7/8 rằng “đây là sự bắt nạt".

Ông Vương tuyên bố: "Phía Hoa Kỳ đã đặt lợi ích ích kỷ lên trên nguyên tắc thị trường và các quy tắc quốc tế để gây tổn hại cho người dùng và công ty Mỹ. Sự thao túng và áp bức chính trị sẽ chỉ dẫn đến sự mất tinh thần, hình ảnh quốc gia bị xói mòn và thâm hụt lòng tin”.

WeChat là ứng dụng ‘nguy hiểm khó lường’ dưới sự thao túng của ĐCSTQ

WeChat ăn sâu vào xã hội Trung Quốc đến mức rất khó để người dân có thể gọi được một chiếc taxi hoặc đặt một chiếc bánh pizza mà không có nó.

Mặc dù được so sánh với WhatsApp của Facebook Inc., khi cung cấp các chức năng tìm kiếm, truyền thông xã hội cũng như thanh toán, Wechat bị kiểm duyệt, giám sát gắt gao và - theo các quan chức Hoa Kỳ - được sử dụng như một công cụ nhắn tin tuyên truyền của ĐCSTQ cho hàng triệu công dân Trung Quốc sống ở nước ngoài.

Fergus Ryan, một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho biết: “Điều quan trọng cần lưu ý là bộ máy kiểm duyệt và tuyên truyền của ĐCSTQ khiến trách nhiệm bị dồn xuống các công ty như Tencent và ByteDance (công ty mẹ của TikTok).

Ông Ryan cho biết, tất cả các nền tảng đều tuân theo đường lối của ĐCSTQ và đảm bảo nội dung không “vượt qua bất kỳ ranh giới đỏ nào của Bắc Kinh”.

Điều 28 trong luật an ninh mạng năm 2017 của Trung Quốc nói: “Các nhà khai thác mạng sẽ cung cấp hỗ trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan an ninh công cộng và các cơ quan an ninh quốc gia đang bảo vệ an ninh quốc gia và điều tra các hoạt động tội phạm theo quy định của pháp luật”.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ với các phương tiện truyền thông nước ngoài vào ngày 1 tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tuyên bố “gây sốc” rằng chính Washington chứ không phải Bắc Kinh đã biến các ứng dụng thành hệ thống giám sát để theo dõi công chúng.

Tencent cố gắng ‘luồn lách’ xung quanh phạm vi lệnh cấm

Hai lệnh hành pháp của ông Trump là cấm "bất kỳ giao dịch nào" của các cá nhân và tổ chức Hoa Kỳ với WeChat và TikTok, nhưng “ngôn ngữ sâu rộng” của chính quyền Trump dường như cho thấy lệnh cấm có thể mở rộng ra bên ngoài [việc sử dụng chúng ở] Hoa Kỳ - khiến các nhà đầu tư bối rối và cố gắng tìm hiểu định nghĩa trong quyết định trên.

Điều này liệu có bao gồm việc sử dụng các ứng dụng trên bên ngoài Hoa Kỳ, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi WeChat phổ biến và cần thiết cho doanh nghiệp không?

Nhà Trắng đang “ngập” trong những nỗ lực vận động hành lang và các câu hỏi từ các tập đoàn hàng đầu của Mỹ bao gồm Apple Inc., công ty có sự hiện diện lớn ở Trung Quốc.

Trong một cuộc gọi với các nhà đầu tư vào ngày 12 tháng 8, các giám đốc điều hành công ty Tencent đã cố gắng đề xuất rằng lệnh cấm chỉ áp dụng cho hoạt động ở Hoa Kỳ và — trong khi không bao giờ đưa ra các vấn đề liên quan đến bảo mật của ông Trump — nhiều lần nhấn mạnh sự khác biệt giữa WeChat và Weixin (ứng dụng hầu như giống hệt nhau, chỉ dành cho người dùng trong ràng buộc của “Vạn lý Tường lửa” (Great Firewall) của Trung Quốc, bởi các quy định pháp lý và ràng buộc công nghệ khiến Internet của Trung Quốc bị cách ly khỏi thông tin từ phần còn lại của thế giới mà ĐCSTQ cho là không mong muốn).

Tencent phản biện rằng WeChat chủ yếu là một tài nguyên dành cho tất cả mọi người sống bên ngoài tường lửa (ám chỉ lệnh cấm liên quan đến Weixin hơn là WeChat); Tencent cho biết hai ứng dụng hoạt động trên các bộ máy chủ khác nhau.

WeChat kiểm duyệt thông tin theo ‘chỉ đạo của ĐCSTQ’

WeChat có thể là một “nhân tố mạnh mẽ” ở các quốc gia nơi cộng đồng Hoa kiều chiếm tỷ lệ lớn vì nó thường là nguồn thông tin chính cho cộng đồng đó. Ví dụ, trong cuộc bầu cử liên bang năm ngoái ở Úc, các nhà lãnh đạo của các đảng chính trị chính đã sử dụng nền tảng này để tiến hành các phiên hỏi đáp với cử tri Úc gốc Hoa.

Bất chấp sự khác biệt về tên và máy chủ, WeChat và Weixin liên kết chặt chẽ với nhau: Người dùng WeChat giao tiếp với cư dân Trung Quốc đại lục thông qua ứng dụng Weixin và ngược lại. Gần đây, nó trở thành một liên kết quan trọng hơn khi các cuộc đàn áp của Bắc Kinh chống lại các giải pháp tường lửa và các nhóm đột nhập mạng.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, những người bên ngoài Trung Quốc và người dân trong nước đã phải chịu đựng “những trục trặc” trong cuộc trò chuyện của họ, như là: ảnh bị xóa trước khi chúng tới nơi và “một thư viện về những từ khóa bị cấm”, đôi khi dẫn đến toàn bộ thư bị mất hoàn toàn. Bất cứ điều gì bị coi là có yếu tố xúc phạm, lật đổ hoặc gây phiền hà cho ĐCSTQ đều nhanh chóng biến mất.

Theo Citizen Lab, một nhóm nghiên cứu tại Trường Các vấn đề Toàn cầu và Chính sách Công của Đại học Toronto, ngay cả tin tức về các lệnh cấm từ Hoa Kỳ cũng đã biến mất khỏi nền tảng.

Lotus Ruan, một nhà nghiên cứu tại Citizen Lab cho biết: “Chúng tôi nhận thấy WeChat đã chặn một số kết hợp từ khóa tiếng Trung và tiếng Anh liên quan đến: lệnh hành pháp, bộ máy kiểm soát thông tin của ĐCSTQ, cũng như các cáo buộc liên quan về sự tham gia của Tencent vào bộ máy này”.

Tencent không đưa ra bình luận nào về cáo buộc này. Citizen Lab đã lưu ý rằng mặc dù không có bằng chứng cho thấy việc giám sát người dùng ở nước ngoài là theo “chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc”, việc xóa từ khóa và ảnh lại phù hợp với các tuyên bố chính thức của chính quyền này— có lẽ còn hơn thế nữa.

Trong một thử nghiệm của Phòng thí nghiệm Citizen sử dụng WeChat và Weixin, cho thấy ngay cả những đoạn từ báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc sử dụng từ khóa cũng bị chặn.

Zhou Fengsuo, một cựu lãnh đạo sinh viên trong cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và là một công dân Mỹ (nhập quốc tịch và sống ở Mỹ), cho biết tài khoản WeChat của ông ấy đã bị tạm ngưng nhiều lần trong bảy năm qua.

Ông nói: “Kiểm duyệt WeChat rõ ràng đến mức mọi người không còn nhạy cảm với nó nữa. Tài khoản của tôi được xử lý theo cách tương tự như các tài khoản Trung Quốc, vốn luôn bị giám sát”.

Ngay sau khi nhà hoạt động Trung Quốc Lưu Hiểu Ba qua đời vào năm 2017, Zhou nói rằng ông không thể tưởng nhớ Lưu bằng cách chia sẻ ảnh của “người đoạt giải Nobel Hòa bình” và vợ anh ấy với bạn bè trên WeChat hoặc trên nguồn cấp dữ liệu bán công khai của ứng dụng.

Những hình ảnh Zhou gửi cho những người trong cuộc trò chuyện nhóm không bao giờ thành công, cũng như nhiều tin nhắn ông gửi trong các cuộc trò chuyện với người dùng ở đại lục cũng như ở nước ngoài.

“Bạn phải thừa nhận thực tế rằng không có cách nào để giao tiếp riêng tư với những người bên trong ‘Vạn lý Tường lửa”, Zhou nói và cho biết thêm rằng, theo các nhà hoạt động nhân quyền tại Trung Quốc, nếu những người bất đồng chính kiến ​​sử dụng ứng dụng để lên án chế độ, họ sẽ bị báo cáo với chính quyền, và sau đó sẽ bị đe dọa trả đũa.

‘Chính quyền Trung Quốc thèm muốn khối lượng lớn dữ liệu cá nhân nhạy cảm’

Trong một cuộc thảo luận trực tuyến gần đây tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế về việc chống gián điệp Trung Quốc, John Demers, trợ lý tổng chưởng lý về an ninh quốc gia tại Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết: “Chính quyền Trung Quốc thèm muốn khối lượng lớn dữ liệu cá nhân nhạy cảm”.

Ví dụ về tham vọng của Trung Quốc trong việc thu thập hàng loạt dữ liệu cá nhân trong một khu vực rộng lớn, Demers đã trích dẫn các vụ tấn công vào Văn phòng Quản lý Nhân sự của chính phủ Hoa Kỳ vào năm 2015 và cơ quan báo cáo tín dụng Equifax Inc. vào năm 2017, hai vụ vi phạm mà tin tặc Trung Quốc được cho là đã quét cập nhật thông tin cá nhân của hàng trăm triệu người.

Demers cho biết WeChat cũng được sử dụng như một công cụ nhắn tin để cố gắng duy trì lòng trung thành của những người Trung Quốc học ở nước ngoài.

“Đây là mục tiêu của chính phủ Trung Quốc: Gửi sinh viên Trung Quốc đến đây để gặt hái tất cả những lợi ích của nền giáo dục kỹ thuật Hoa Kỳ, nhưng không để họ bị ‘ô nhiễm’ bởi những ý tưởng như dân chủ tự do hoặc tự do tôn giáo”, Demers nói.

Ông trích dẫn các hình ảnh và chú thích kèm theo từ các trang tin tức của Trung Quốc - được xuất bản bởi Trung tâm Tương tác Toàn cầu tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ - đã được lưu hành trong các cuộc trò chuyện nhóm trên WeChat.

Ví dụ, một người đã cảnh báo người Trung Quốc ở Mỹ về khả năng xảy ra mối đe dọa khủng bố trong dịp lễ kỷ niệm ngày 4/7.

“Họ thông báo rằng Hoa Kỳ nguy hiểm như thế nào. Đừng ra ngoài đó và tìm hiểu đất nước đó”. Demers nói.

Các chuyên gia an ninh mạng đồng ý rằng khi nói đến an ninh quốc gia, lệnh cấm WeChat và thậm chí cả TikTok đối với việc thu thập hàng loạt dữ liệu người dùng cá nhân của Hoa Kỳ là nên được đưa ra.

“Nhưng rốt cuộc, có một lý do tại sao chỉ có một ứng dụng mà mọi người sử dụng. Đó là vì ‘Vạn lý Tường lửa’ của Trung Quốc và thực tế là họ đã chặn các lựa chọn thay thế từ khắp nơi trên thế giới. Đó là vị trí mà ĐCSTQ hiện đã đặt tất cả người dân của họ vào”, ông Ryan tại tại Viện Chính sách Chiến lược Úc cho biết.

Thiện Nhân

Theo bloomberg



BÀI CHỌN LỌC

TikTok chỉ là ‘chuyện nhỏ’, khi WeChat mới là ứng dụng ‘đáng ngờ’ nhất của ĐCS Trung Quốc