Sau khi ông Tập đi thị sát, Đại học Thanh Hoa thành lập Học viện Mạch tích hợp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vài ngày trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Đại học Thanh Hoa và đề xuất nhà trường phải dũng cảm để đột phá các công nghệ cốt lõi chủ chốt mà Trung Quốc còn đang yếu kém. Đến hôm 22/4, Đại học Thanh Hoa thông báo đã thành lập Học viện Mạch tích hợp, chuyên nghiên cứu và phát triển chip cùng các công nghệ khác.

Ông Tập đi thị sát Đại học Thanh Hoa, sinh viên đứng chào đón được ‘sàng lọc’

Vào ngày 19/4, ông Tập Cận Bình dẫn đầu một nhóm quan chức đến Đại học Thanh Hoa để thị sát và thảo luận với các giảng viên và sinh viên. Theo các video trên mạng, ông Tập đi đến đâu cũng đều có sinh viên vẫy cờ và đồng thanh hô vang: "Xin chào Tổng bí thư! Xin chào học trưởng!". (Học trưởng là cách gọi tôn trọng bạn học cùng trường của người Trung Quốc, vì ông Tập là cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa)

Một người nắm rõ về chuyến thị sát này tiết lộ trên mạng rằng, vài giờ trước khi ông Tập đến, nhiều xe cảnh sát, xe cảnh sát đặc nhiệm, xe bọc thép và xe chặn tín hiệu đã đến trước để kiểm soát hiện trường.

Các sinh viên chào đón đứng gần ông Tập đều được “sàng lọc” trước và chia thành các cấp: cấp 1 là đảng viên, giảng viên, v.v., được đặc biệt chọn để gặp ông Tập trong sân vận động phía Tây của Đại học Thanh Hoa; cấp 2 ít nhất cũng phải là đảng viên dự bị, đã được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, được trường, khoa, ngành lựa chọn, đứng dọc bên đường để chào đón. Và họ chỉ có thể nhìn thấy ông Tập Cận Bình ngồi trên xe. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho ông Tập, tất cả các sinh viên tham gia hoạt động đều được yêu cầu đến trước vài giờ để kiểm tra an ninh.

Trung Quốc đang thiếu hụt nhân tài về vi mạch tích hợp

Ông Tập Cận Bình tuyên bố tại Đại học Thanh Hoa rằng, “nhu cầu về kiến ​​thức khoa học và nhân tài xuất sắc là cấp thiết hơn bao giờ hết” và các trường đại học nên “tăng tốc đào tạo số nhân tài đang thiếu hụt”.

Trước tình trạng phong tỏa công nghệ của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng nói rằng các trường đại học nên "nghĩ tới điều mà quốc gia đang lo nghĩ, gấp rút giải quyết vấn đề cấp bách của quốc gia, đáp ứng các nhu cầu của đất nước" và dũng cảm đột phá các công nghệ cốt lõi chủ chốt mà Trung Quốc còn đang yếu kém.

Trung Quốc đang thiếu hụt nhân tài về vi mạch tích hợp, đặc biệt là thiếu nhân tài lãnh đạo và nhân tài sáng tạo tổng hợp. Điều này đã trở thành điểm yếu lớn nhất hạn chế sự phát triển ngành vi mạch tích hợp của nước này. "Sách trắng về nhân tài trong ngành vi mạch tích hợp của Trung Quốc (ấn bản năm 2019-2020)" do Viện nghiên cứu Phát triển Công nghiệp Thông tin Điện tử Trung Quốc phát hành cho thấy, tính đến cuối năm 2019, số nhân lực trực tiếp tham gia vào ngành vi mạch tích hợp ở Trung Quốc là khoảng 511.900 người. Dự kiến ​​đến năm 2022, nhu cầu nhân lực trong toàn ngành đạt khoảng 744.500 người, vậy là sẽ thiếu gần 250.000 người.

Khi ông Tập Cận Bình đi kiểm tra dây chuyền sản xuất vi mạch tích hợp ở Vũ Hán trước đó đã nói: "Các con chip trong ngành sản xuất thiết bị giống như trái tim con người. Tim không khỏe thì người có to cỡ nào cũng không phải là mạnh. Phải nhanh chóng có được sự đột phá trong công nghệ chip”.

Đại học Thanh Hoa Trung Quốc. (LIU JIN/AFP qua Getty Images)
Đại học Thanh Hoa Trung Quốc. (LIU JIN/AFP qua Getty Images)

Đại học Thanh Hoa thành lập Học viện Mạch tích hợp

The Beijing News - kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Đại học Thanh Hoa thông báo thành lập Học viện Mạch tích hợp vào ngày 22/4.

Theo tờ báo, ngành mạch tích hợp dựa trên cơ sở các ngành như vật lý, hóa học và khoa học vật liệu, v,v, và liên quan đến sự tích hợp sâu rộng của các ngành kỹ thuật như thông tin điện tử, khoa học và công nghệ thiết bị, kỹ thuật điện và kỹ thuật cơ khí... Đại học Thanh Hoa tuyên bố rằng, việc xây dựng ngành mạch tích hợp sẽ được hoàn thành dưới sự hỗ trợ của các ngành đào tạo ưu thế của trường.

Ông Khâu Dũng (Qiu Yong), Hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa, cho biết, “Công nghệ cốt lõi quan trọng nhất định phải nằm trong tay chúng tôi”. Ông cũng nói rằng, việc Đại học Thanh Hoa thành lập Học viện Mạch tích hợp chính là để thực hiện mục tiêu đứng đầu thế giới trong việc đào tạo ngành học này và cống hiến cho sự nghiệp phát triển, sáng tạo và tự chủ của ngành công nghiệp vi mạch tích hợp của Trung Quốc.

Đại học Thanh Hoa là cơ sở quan trọng trong việc đào tạo nhân tài vi mạch tích hợp cho Trung Quốc. Số liệu chính thức cho thấy kể từ khi thành lập chuyên ngành bán dẫn vào năm 1956, đến nay Đại học Thanh Hoa đã đào tạo hơn 4.000 sinh viên đại học, hơn 3.000 thạc sĩ và hơn 500 tiến sĩ trong lĩnh vực vi mạch tích hợp.

Từ năm 2016 đến năm 2020, hơn 70% sinh viên tốt nghiệp của trường làm việc trong ngành vi mạch tích hợp và các lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Cụ thể, nhiều người sáng lập và điều hành các công ty trong ngành công nghiệp vi mạch tích hợp ở Trung Quốc như Unisoc, Unigroup Guoxin Microelectronics, GigaDevice, Yangtze Memory Technology Corp, Will Semiconductor, Maxscend Technologies, v.v. đều là sinh viên của Đại học Thanh Hoa.

Vào ngày 21/4, ông Morris Chang (Trương Trung Mưu), người sáng lập TSMC - nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới của Đài Loan, đã tham dự một diễn đàn về ngành công nghiệp này và nói rằng, ngành sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc tụt hậu ít nhất 5 năm so với TSMC và hiện tại "không phải là đối thủ". (SAM YEH/AFP qua Getty Images)
Vào ngày 21/4, ông Morris Chang (Trương Trung Mưu), người sáng lập TSMC - nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới của Đài Loan, đã tham dự một diễn đàn về ngành công nghiệp này và nói rằng, ngành sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc tụt hậu ít nhất 5 năm so với TSMC và hiện tại "không phải là đối thủ". (SAM YEH/AFP qua Getty Images)

Hiện Trung Quốc không phải là đối thủ của Đài Loan về ngành công nghiệp bán dẫn

Tuy nhiên, dù vậy, Trung Quốc vẫn đi sau các nước khác về chip cao cấp và các công nghệ khác.

Vào ngày 21/4, ông Morris Chang (Trương Trung Mưu), người sáng lập TSMC - nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới của Đài Loan, đã tham dự một diễn đàn về ngành công nghiệp này và nói rằng, ngành sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc tụt hậu ít nhất 5 năm so với TSMC và hiện tại "không phải là đối thủ". Về thiết kế vi mạch (IC), Trung Quốc đi sau Hoa Kỳ và Đài Loan từ một đến hai năm.

Ông Chang cũng cho biết, trong số các ngành công nghiệp của Đài Loan, sản xuất chất bán dẫn là ngành số 1 có thể cạnh tranh với thế giới và chiếm ưu thế. Nhưng ưu thế này không dễ có được và cũng không dễ để giữ vững, vì vậy "chính phủ, xã hội [Đài Loan] và cả bản thân TSMC phải nỗ lực để giữ vững [điều đó]".

Ông Nhậm Trọng Đạo (Ren Zhongdao), một nhà nghiên cứu tại Viện chính sách Chính trị và Kinh tế Thiên Quân, chỉ ra rằng việc có được chip cao cấp và loại bỏ thuế quan thương mại bổ sung mà Hoa Kỳ áp đặt là những điều mà chính quyền của ông Tập Cận Bình hằng mơ ước; còn đối với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thì đây chính là con bài mặc cả do ông Trump để lại để đàm phán với ông Tập và kiểm soát hướng đi của quan hệ Mỹ - Trung. Chính quyền Tập Cận Bình cũng đang không ngừng dò xét giới hạn cuối cùng của chính quyền Biden, có thể nói cả hai bên đều đang có những tính toán.

Có phải chip Trung Quốc đang tụt hậu so với các nước khác vì họ mới bắt đầu phát triển?

Ông Nhậm Trọng Đạo chỉ ra rằng không phải như vậy. Ngày 4/10/1982, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thành lập Nhóm lãnh đạo về Máy tính điện tử và Mạch tích hợp quy mô lớn để phát triển máy tính cỡ lớn và vừa, và loạt máy tính nhỏ.

Mặc dù sau đó nhóm này đã trải qua những lần đổi tên và sáp nhập, nhưng chức năng của nó vẫn luôn không đổi. Đặc biệt trong những năm gần đây, quy mô nhân sự của nó càng mở rộng, và hiện tại tên là “Ủy ban Thông tin và An ninh mạng Trung ương” hay “Cục quản lý Không gian mạng Trung Quốc” (CAC), Chủ nhiệm là ông Tập Cận Bình, các Phó chủ nhiệm là ông Lý Khắc Cường và ông Vương Hỗ Ninh.

Trong 40 năm qua, mặc dù chính quyền Tập Cận Bình rất coi trọng chip nhưng chip trong nước vẫn còn tương đối lạc hậu so với các nước phát triển. Khoảng 80% lượng chip mà Trung Quốc cần đều phải dựa vào nhập khẩu, đặc biệt là chip cao cấp, vốn rất khan hiếm ở Trung Quốc. Trong chuỗi ngành công nghiệp chip toàn cầu, Trung Quốc đang ở mức trung bình và thấp.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Sau khi ông Tập đi thị sát, Đại học Thanh Hoa thành lập Học viện Mạch tích hợp