Sau 8 tháng trì hoãn, lần đầu tiên Trung Quốc công bố con số thương vong trong xung đột Trung - Ấn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay sau khi Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu rút quân khỏi khu vực đối đầu ở biên giới, kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin vào ngày 19/2 rằng trong cuộc xung đột Trung - Ấn vào tháng 6 năm ngoái, có bốn sĩ quan và binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng con số thương vong của ĐCSTQ cao hơn nhiều so với con số kể trên.

Theo tờ báo quân đội China Military của ĐCSTQ đăng ngày 19/2, bắt đầu từ tháng 4/2020, tình hình ở biên giới Trung - Ấn đột ngột nóng lên. Vào tháng 6, trong cuộc xung đột giữa hai bên, Trung đoàn trưởng Kỳ Phát Bảo (Qi Fabao) bị thương nặng; Tiểu đoàn trưởng Trần Hồng Quân (Chen Hongjun) và 3 binh sĩ Trần Tường Dung (Chen Xiangrong), Tiêu Tư Viễn (Xiao Siyuan), Vương Trác Nhiễm (Wang Zhuoran) đã tử vong.

Theo bài báo, Quân ủy Trung ương ĐCSTQ đã trao tặng danh hiệu "Trung đoàn trưởng Anh hùng bảo vệ tổ quốc và trấn thủ biên cương" cho ông Kỳ Phát Bảo; truy tặng danh hiệu "Tiểu đoàn trưởng Anh hùng bảo vệ tổ quốc và trấn thủ biên cương" cho ông Trần Hồng Quân; và truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 binh sĩ Trần Tường Dung, Tiêu Tư Viễn và Vương Trác Nhiễm.

Đây là lần đầu tiên ĐCSTQ chính thức công bố con số thương vong trong cuộc xung đột Trung - Ấn vào giữa năm ngoái.

Vào tối ngày 15/6 năm ngoái, lực lượng vũ trang của Trung Quốc và Ấn Độ đã nổ ra cuộc tấn công gây thương vong nghiêm trọng nhất trong 45 năm tại Thung lũng Galwan nằm ở phía tây Ấn Độ, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Sau vụ việc, ĐCSTQ vẫn luôn từ chối công bố con số thương vong.

Hãng truyền thông Mỹ News & World Report đưa tin ngày 16/6 rằng, theo báo cáo của tình báo Mỹ, 35 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng và bị thương nặng. Tuy nhiên, tờ The Times of India của Ấn Độ dẫn nguồn thông tin giấu tên cho biết đã có 43 binh sĩ Trung Quốc thương vong.

Những bức ảnh do các binh sĩ biên phòng của Ấn Độ chụp lại đã vạch trần rằng binh lính ĐCSTQ đã sử dụng gậy thép gỉ hàn đinh sắt để tấn công, trong khi Ấn Độ đáp trả bằng đá. Sau đó, quan hệ Trung - Ấn xấu đi rõ rệt, các sản phẩm và phần mềm do Trung Quốc sản xuất đã bị chính phủ và người dân Ấn Độ tẩy chay hoàn toàn.

Sau đó, căng thẳng biên giới giữa hai nước tiếp tục leo thang. Vào ngày 29 và 30 tháng 8 năm ngoái, xung đột lại nổ ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở hồ Pangong (Pangong Tso). Mặc dù cả hai bên đều nói không có thương vong, nhưng nhiều kênh truyền thông nước ngoài tiết lộ rằng, một Đại đội trưởng người Tây Tạng của quân đội Ấn Độ đã bị Trung Quốc bắn vào cổ và tử vong, một người lính Tây Tạng khác trong đội của vị Đại đội trưởng này cũng bị thương.

Vào ngày 7 tháng 9 năm ngoái, lực lượng đồn trú của Ấn Độ đã bắn một phát súng chỉ thiên vào biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ để cảnh cáo binh lính tuần tra Trung Quốc, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975 Ấn Độ nổ súng ở khu vực biên giới hai nước. Sau khi vụ việc xảy ra, hai bên đã cáo buộc nhau “nổ súng đe dọa”.

Trước tình hình căng thẳng, kể từ sau xung đột, các chỉ huy quân sự cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức 9 vòng đàm phán cấp chỉ huy quân sự.

Theo nhất trí đạt được trong vòng đàm phán mới nhất giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng loạt tổ chức rút quân khỏi khu vực hồ Pangong vào ngày 10 tháng 2 năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết vào ngày 11/2 rằng, sau khi tiếp tục đàm phán với Trung Quốc, hai bên đã đặt được một thỏa thuận về việc rút các lực lượng tiền tuyến trên bờ phía bắc và phía nam của hồ Pangong. Hai nước sẽ rút theo từng giai đoạn và có sự phối hợp. Ông cũng nói rằng Ấn Độ đã "không có bất kỳ nhượng bộ nào" trong các cuộc đàm phán.

Ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố rằng sẽ “thực hiện nghiêm túc sự nhất trí mà cả hai bên đã đạt được để đảm bảo việc thực hiện suôn sẻ quy trình rút quân”.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Sau 8 tháng trì hoãn, lần đầu tiên Trung Quốc công bố con số thương vong trong xung đột Trung - Ấn