Sau 20 ngày, Vịnh Đại Liên Trung Quốc vẫn đang bị phong tỏa, người dân trở nên suy sụp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã gần 20 ngày kể từ khi thành phố Đại Liên thông báo bước vào "trạng thái thời chiến" vào sáng ngày 24/7. Cư dân ở Vịnh Đại Liên, khu vực trung tâm của dịch, vẫn chưa biết khi nào sẽ được dỡ phong tỏa. Các khu dân cư ngày càng bị kiểm soát nghiêm ngặt, việc mua thức ăn và cuộc sống sinh hoạt của người dân đã trở thành vấn đề cấp bách, nhiều người đang phải đối mặt với khủng hoảng thất nghiệp, cùng với đó là những chiếc máy bay không người lái bay lượn trên đầu theo dõi họ bất cứ lúc nào, khiến cư dân địa phương hoàn toàn suy sụp.

Hôm 10/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thành phố Đại Liên thông báo rằng, thôn Dương Gia (Yangjia) thuộc khu phố Trạm Tiền (Zhanqian), quận Kim Phổ (Jinpu) - khu vực có nguy cơ trung bình của đợt dịch lần này ở Đại Liên đã được dỡ bỏ phong tỏa. Cộng với 3 khu cộng đồng khác được thông báo trước đó thì Đại Liên đã có tổng cộng 4 khu vực có nguy cơ trung bình được dỡ bỏ phong tỏa, nhưng phố Vịnh Đại Liên, quận Cam Tỉnh Tự (Ganjingzi) vẫn là khu vực có nguy cơ cao.

Theo người dân Vịnh Đại Liên phản ánh, từ ngày 8/8, các biện pháp kiểm soát ở Vịnh Đại Liên không những không được nới lỏng mà ngày càng nghiêm ngặt hơn. Hôm 9/8 chính quyền nói rằng, trong thời gian phòng chống dịch, có cư dân mạng đã bịa đặt "tin tức sai sự thật", bao gồm cả việc xúc phạm các cơ quan chính phủ trên mạng, vượt qua hàng rào phong tỏa, tụ tập đông người để đánh bài ở khu vực có nguy cơ cao… nên đã bắt giam hành chính những người này 5 ngày hoặc 10 ngày.

The Epoch Times có được đoạn video cho thấy vào tối ngày 1/8, một người đàn ông ở khu đô thị Cảng Vịnh Hằng Đại (hengda gangwan) thuộc Vịnh Đại Liên, đi trên con đường nhỏ và vượt qua hàng rào để mua rau thì bị nhân viên bảo vệ bắt được. Hai bên xảy ra xô xát và người đàn ông bị nhân viên bảo vệ khống chế bằng bạo lực, bị tạm giữ hành chính 5 ngày.

Theo một nguồn tin khác, chủ một cửa hàng nhỏ ở thôn Hậu Diêm (Houyan), Vịnh Đại Liên, bị cảnh sát bắt giữ vì mở cửa bán hàng và bị máy bay không người lái theo dõi chụp được. Cư dân mạng đề nghị mọi người về sau phải cẩn thận hơn khi bán đồ.

Cư dân đang mong chờ ngày được dỡ bỏ phong tỏa vì các biện pháp quản lý quá khắc nghiệt. Trên mạng xuất hiện một thông báo cộng đồng nói rằng, Vịnh Đại Liên đã tiến hành thử nghiệm acid nucleic lần thứ tư và hiện tại không có trường hợp nào dương tính. Nếu không có trường hợp mới, dự kiến ​​sẽ được dỡ phong tỏa hoàn toàn sau một tuần nữa. Thông báo cho biết đội thanh tra quận (Cam Tỉnh Tử) đã di chuyển đến khu đô thị Lệ Vịnh Hải Cảnh (Liwan Haijing) (cách Công ty hải sản Khải Dương khoảng 2 km - nơi được chính quyền công bố là nguồn phát bệnh của đợt dịch lần này) để thị sát và sẽ có các cuộc tuần tra bằng máy bay không người lái trên không.

Thông báo này cũng nhắc nhở người dân không được tản bộ hay dắt chó đi dạo trong khu dân cư, nếu nhắc hai lần mà không chấp hành sẽ bị giam 7-15 ngày. Ngoại trừ vứt rác, tất cả người dân đều không được phép xuống lầu.

Một cư dân ở khu đô thị Hân Gia Viên (Xinjiayuan), quận Cam Tỉnh Tự tên là Lý Bình (bí danh) nói với The Epoch Times rằng, chính quyền nói rằng nếu sau 14 ngày không có ca nhiễm mới, họ có thể giảm mức độ xuống thành khu vực có nguy cơ trung bình, nhưng không nói rõ khi nào lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Thông tin chính thức cho thấy sau ngày 6/8, thành phố Đại Liên không có ca nhiễm mới nào. Bệnh nhân cuối cùng được xác chẩn là người trước kia đã có tiếp xúc gần với người bị bệnh, sau khi được cách ly thì xét nghiệm cũng đã bị nhiễm. “Điều chúng tôi thắc mắc là rốt cuộc là tính 14 ngày kể từ ngày anh ta được xác chẩn (ngày 5/8) hay là ngày anh ta bắt đầu cách ly?”.

Hình ảnh thôn Hậu Diêm bị phong tỏa. (Ảnh: The Epoch Times do nguồn thông tin cung cấp)
Hình ảnh thôn Hậu Diêm bị phong tỏa. (Ảnh: The Epoch Times do nguồn thông tin cung cấp)
Hình ảnh thôn Hậu Diêm bị phong tỏa. (Ảnh: The Epoch Times do nguồn thông tin cung cấp)
Hình ảnh thôn Hậu Diêm bị phong tỏa. (Ảnh: The Epoch Times do nguồn thông tin cung cấp)

Việc phòng ngừa và kiểm soát ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn, giám sát bằng máy bay không người lái

Sở dĩ cư dân Vịnh Đại Liên quan tâm đến ngày dỡ bỏ phong tỏa như vậy là do cách quản lý phong bế của các cơ quan chức năng từ ngày 24/7 khiến những cư dân bị mắc kẹt nhiều ngày nay càng cảm thấy lo lắng. Bà Lý Bình cho biết: “Lúc đầu (ngày 24/7), họ nói với chúng tôi rằng làm xét nghiệm acid nucleic và có kết quả xét nghiệm này thì có thể ra vào khu dân cư bình thường. Nhưng sau đó thì không phải vậy, họ đã nhốt chúng tôi ở trong này".

Bà Lý nói rằng khu dân cư này thực ra cách Công ty Khải Dương khá xa, “khoảng cách đường chim bay là khoảng 8 - 10 km, công ty ấy thuộc vùng ngoại vi (của Vịnh Đại Liên), cách rất xa. Chúng tôi chưa bao giờ đến khu vực ấy để mua đồ, vì nó xa quá”.

Bà Lý Bình cũng tiết lộ rằng: có 70 đến 80 khu dân cư ở khu phố Vịnh Đại Liên, một khu vực rất rộng và khu vực trung tâm có nguy cơ cao nhất là khu Vịnh Đại Liên. Các cộng đồng ngoại vi (như Hân Gia Viên, Phúc Gia Tân Thành, Hậu Diêm, Tiền Quan v.v.) thì chỉ vì quy hoạch và nằm dưới sự quản lý của khu phố Vịnh Đại Liên nên cũng bị đưa vào diện bị kiểm soát như vậy.

"Chúng tôi không có trường hợp chẩn đoán chính xác nào cả, không có trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng, và rất nhiều khu dân cư không có người tiếp xúc gần với người nhiễm virus. Tôi đã xét nghiệm acid nucleic bốn lần và kết quả đều âm tính".

Mặc dù vậy, các biện pháp kiểm soát vẫn rất nghiêm ngặt và ngày càng khắt khe hơn. "Ban đầu, một số cư dân của chúng tôi dắt chó đi dạo hoặc nhà có trẻ em nên có thể ra ngoài trong nửa giờ, hoặc đi mua rau cỏ gì đó, hoặc đến một cửa hàng nhỏ để mua muối hoặc gạo. Nhưng bắt đầu từ thứ Bảy tuần trước (ngày 8/8) đột nhiên không được phép ra ngoài nữa".

"Bạn không thể đi vứt rác, phải đưa rác cho người quản lý tòa nhà hoặc các tình nguyện viên, và các tình nguyện viên sẽ giúp bạn vứt nó đi. Có một cánh cửa trong khu dân cư, bình thường đều mở nhưng bây giờ nó đã bị căng dây chặn, có 3 người đang ngồi bên ngoài canh gác, nếu bạn nhất quyết muốn ra ngoài, cảnh sát sẽ đến bắt bạn và trực tiếp giam giữ”.

"Có cả máy bay không người lái chụp ảnh trên không". Bà Lý Bình nói rằng có rất nhiều máy bay không người lái đang giám sát trong toàn bộ Vịnh Đại Liên, "mỗi một chiếc máy bay không người lái giám sát một khu vực, hầu như khu dân cư nào cũng phản ánh rằng có máy bay không người lái (chụp ảnh trên không)".

Cư dân phát bực vì ở nhà mỗi ngày

Bà Lý Bình đề cập rằng ban đầu, cư dân vẫn có thể đi mua sắm vào lúc nửa đêm và cuộc sống cũng không tính là khó khăn. "Lúc đó, không phải tất cả các cửa hàng xung quanh Vịnh Đại Liên đều đóng cửa rồi sao? Trong khu dân cư không được phép bán hàng, nhưng nửa đêm sẽ có một vài sạp bán phía ngoài hàng rào phong tỏa, ngày nào chúng tôi cũng như đi đánh du kích, đồng hồ báo thức đặt lúc hai, ba giờ đêm, chuông kêu một cái là chạy ngay ra hàng rào để mua rau”.

"Toàn phải tranh nhau mua, mua được là tốt lắm rồi. Sau đó một tuần, thì họ cũng không được phép bán nữa. Tôi chỉ có thể mua hàng online, nhưng ở trên ấy căn bản là không mua nổi (đắt quá). 20 tệ một cân trứng gà (khoảng 67.000 VNĐ, ở Trung Quốc bán trứng gà theo kg), một quả đào có giá 5 tệ (khoảng 17.000 VNĐ), mua về còn có quả bị thối rồi. Vì nhà có trẻ con nên tôi phải cắn răng mà mua, nói thật với bạn, hai tuần qua tôi chỉ ăn được một quả táo, hơn nữa nó hỏng rất nhanh, không ăn nổi!”.

Về sau nhờ có người bán buôn trái cây có giấy phép kinh doanh ở trong khu dân cư giúp mọi người giải quyết vấn đề mua rau, còn thịt thì càng không dám nghĩ tới. Lương thực, thực phẩm đều rất khó mua, lại không được phép xuống nhà, sau 20 ngày bị cách ly, cảm thấy rất áp lực về tâm lý và thể chất. "Ai cũng bị nhiệt miệng, ai cũng rất bực bội!".

Cách ly vô thời hạn và thất nghiệp khiến cư dân lo lắng

Bà Lý Bình cho biết, dịch bệnh lần này có thể đã khiến hơn một nửa dân số trong toàn bộ khu vực Vịnh Đại Liên thất nghiệp. “Những người không thể xử lý công việc tại nhà về cơ bản là thất nghiệp. Hầu hết họ là những người thuộc tầng lớp lao động và nhiều người trong số họ làm việc trong ngành dịch vụ. Nửa tháng không đi làm nên ông chủ phải tuyển người mới".

Bà Lý Bình nói rằng công việc của bà may mắn là có thể làm việc ở nhà. "Nhưng lãnh đạo cũng gây áp lực, ngày nào cũng hỏi khi nào thì hết phong tỏa? Chúng tôi thực sự rất nóng lòng muốn ra ngoài làm việc. Chúng tôi không muốn ở nhà, rất muốn đi làm. Thực sự rất bực bội, năm nay vốn đã khó khăn, ngay cả tìm được việc cũng rất khó, nếu như lại thất nghiệp nữa thì nửa cuối năm này biết sống làm sao?”.

Chứng kiến ​​các khu vực khác của Đại Liên dần dần được dỡ phong tỏa và cuộc sống bình thường trở lại, cư dân Vịnh Đại Liên càng thấy vô vọng hơn, "Tôi đang rất thất vọng, ngồi tù cũng có thời hạn phải không, (còn biết là) bị kết án 3 năm hoặc là 5 năm, còn chúng tôi chỉ biết ngồi đây đợi và đợi".

“Cách làm này thực sự làm khổ người dân. Có người sắp suy sụp rồi, và cứ sau một hoặc hai ngày là có thể nghe thấy ai đó tranh cãi và ném đồ đạc trong nhà. Con gái tôi (gần 4 tuổi) ở nhà mỗi ngày và nói rằng, mẹ ơi, con muốn đi tắm biển, muốn xuống nhà chơi với các bạn, ngày nào cũng đứng trước cửa sổ hỏi, sao không cho con ra ngoài, còn hỏi, “dịch bệnh" là cái người nào vậy, sao đáng ghét thế?”.

Chính quyền vẫn không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về việc khi nào thì dỡ phong tỏa. Bà Lý Bình nói: “Mọi người tức đến nỗi đập vỡ cả điện thoại, (chính quyền) nói rằng phải mất đến 15 ngày làm việc thì mới có câu trả lời? Gọi đến đường dây nóng 12345 của Thị trưởng cũng vô ích. Nói tóm lại, mọi người sắp phát điên rồi, cả gia đình bị nhốt ở trong nhà”.

Đông Phương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Sau 20 ngày, Vịnh Đại Liên Trung Quốc vẫn đang bị phong tỏa, người dân trở nên suy sụp