Rốt cuộc Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan là của ai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phong trào dân chủ Hong Kong từng dấy lên cuộc tranh luận về chủ quyền của Hong Kong, vậy Hong Kong thuộc về Trung Quốc, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) hay Vương quốc Anh?

Hơn một trăm năm trước, nhà Thanh ký kết "Hiệp ước Nam Kinh" cắt nhường Hong Kong, Cửu Long và Tân Giới cho chính phủ Anh. Chính quyền kế thừa hợp pháp của nhà Thanh là Trung Hoa Dân Quốc và “Hiệp ước Nam Kinh” vẫn đang được lưu giữ trong Bảo tàng Cố cung Quốc gia ở Đài Bắc. Nếu vậy, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không có đủ tư cách hợp pháp để lấy lại Hong Kong.

Không biết có phải là do những lời ngông cuồng của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Đặng Tiểu Bình năm đó, rằng phải giành lại Hong Kong bằng mọi giá, đã khiến “người đàn bà thép” cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher sợ hãi hay không, mà bà đã đem đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long - hai khu vực được nhà Thanh giao nhượng vĩnh viễn, cùng với Tân Giới được cắt nhường trong 99 năm, trả hết cho ĐCSTQ.

Nếu sau năm 1997 ĐCSTQ sẵn sàng thực hiện lời hứa của mình và đảm bảo rằng Hong Kong sẽ không thay đổi trong 50 năm, thì người dân Hong Kong sẽ không phát động hết cuộc biểu tình này đến cuộc biểu tình khác, chứ đừng nói đến cuộc tranh luận về quyền sở hữu Hong Kong.

Vậy chính xác thì Hong Kong thuộc về ai?

Khái niệm dân tộc tự quyết được xã hội phương Tây đồng thuận chấp nhận vào cuối Thế chiến II. Người dân ở rất nhiều nơi được quyết định chủ quyền khu vực mình sinh sống thông qua các cuộc trưng cầu dân ý. Một trong những cuộc trưng cầu dân ý gây chấn động nhất thời cận đại là ở Scotland năm 2014. Tất cả người dân Scotland trên 16 tuổi đều có thể đi bỏ phiếu, số lượng người tham gia vượt quá 4 triệu người; 55% cử tri phản đối độc lập và 45% còn lại ủng hộ tách rời. Kết quả là Scotland chiểu theo ý nguyện của đại đa số nhân dân, không tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland.

Quyền tự quyết của dân tộc, theo định nghĩa của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, có nghĩa là “trong trường hợp không bị áp bức hoặc can thiệp từ bên ngoài, người dân có thể tự do xác định địa vị chính trị của họ và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của họ”.

Bởi vì người dân thuộc địa có quyền tự quyết, do đó việc đầu tiên khi ĐCSTQ gia nhập Liên Hợp Quốc là loại bỏ Hong Kong khỏi danh sách các thuộc địa. Kết quả là Hong Kong đã mất quyền tự quyết do “Tuyên ngôn trao quyền độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa” của Liên Hợp Quốc trao cho người dân Hong Kong.

Năm 1997, Anh Quốc giao chủ quyền Hong Kong cho ĐCSTQ. Tuy nhiên, cựu mẫu quốc không hề thờ ơ vô tình, mà để đảm bảo rằng những người dân Hong Kong từng sống dưới chế độ thuộc địa của Anh vẫn có thể sống như bình thường, Anh đã liệt kê các điều kiện để bàn giao trong "Tuyên bố chung Trung-Anh". Nhưng bây giờ, ĐCSTQ đã đơn phương phá bỏ hiệp ước, cho rằng “Tuyên bố chung” là một đống giấy lộn, rất nhiều người Hong Kong cho rằng Vương quốc Anh có căn cứ và nên kiện ĐCSTQ lên Liên Hợp Quốc; sau khi đòi lại chủ quyền của Hong Kong, và người dân Hong Kong sẽ được bỏ phiếu để thể hiện ý chí của mình và có quyền tự quyết về tương lai.

Nói đến đây, nhiều “tiểu phấn hồng” (chỉ những thanh niên ở trên mạng xã hội Trung Quốc có tình cảm dân tộc mạnh mẽ và ủng hộ ĐCSTQ) sẽ hét toáng lên rằng: Phần tử phong trào độc lập Hong Kong! Chia cắt tổ quốc! Phá hủy toàn vẹn lãnh thổ! v.v. Vài ngày trước, quan chức ngoại giao cấp cao của ĐCSTQ - ông Dương Khiết Trì cũng đã có những lời lẽ hùng hồn, nói rằng Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương và các vấn đề khác liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ĐCSTQ, nước ngoài không được phép can thiệp. Ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố rằng việc thống nhất hoàn toàn tổ quốc là điểm mấu chốt mang lại lợi ích cơ bản cho dân tộc Trung Hoa.

Tuy nhiên, đã đến lúc những người Trung Quốc sống trên mảnh đất Trung Hoa ấy phải suy ngẫm về một câu hỏi, đất nước này thuộc về ai? ĐCSTQ có đại diện cho dân tộc Trung Hoa hay không?

Một số người Hong Kong từng nói thẳng rằng, Hong Kong thuộc về Trung Quốc chứ không thuộc về ĐCSTQ, nhưng kết luận cuối cùng vẫn là Hong Kong thuộc về những người dân phổ thông sinh sống trên mảnh đất Hong Kong. Người dân có quyền quyết định luật pháp, hệ thống chính trị và kết cấu xã hội của Hong Kong, có quyền bầu ra các đại diện tham gia và thảo luận về chính trị.

158 năm trước, câu nói “of the people, by the people, for the people” (của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân) của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã thể hiện thấu triệt mối quan hệ giữa chính phủ và người dân. Nhân dân làm chủ đất nước, đất nước thuộc về nhân dân, và chức năng của chính phủ chỉ là thay mặt nhân dân điều hành đất nước.

Tương tự như vậy, Trung Quốc thuộc về những người dân Trung Quốc sống trên mảnh đất này, chứ không phải thuộc về ĐCSTQ, và Hong Kong thuộc về người dân Hong Kong. Cho dù Hong Kong thuộc Trung Quốc, Hong Kong là thuộc địa của Anh hay Hong Kong tách ra độc lập, thì chỉ cần người Hong Kong có thể sống hạnh phúc, Hong Kong thuộc quốc gia nào cũng không quan trọng. Điều này cũng đúng đối với Đài Loan, và lý do tại sao người Đài Loan chống lại ĐCSTQ là vì Hong Kong chính là vết xe đổ mà họ không thể lại dẫm vào.

Người dân Trung Quốc đã bị ĐCSTQ tẩy não trong nhiều thập kỷ cần phải từ bỏ khái niệm "đại thống nhất", vì thế giới này vốn là hợp rồi lại tan, tan lâu ắt hợp, bất kể là ai cầm quyền, người dẫn cũng chỉ mong cầu “đức chính”, tức là một chính quyền có đạo đức và vì dân. Ý thức hệ mà ĐCSTQ theo đuổi vốn là bóng ma đến từ phương Tây, không phải là sản vật của nền văn minh dân tộc Trung Hoa, chính quyền này không có sự ủy quyền của nhân dân, lại càng thù địch với ý dân. Sự tồn tại của nó chắc chắn sẽ gây ra quốc nạn cho Trung Quốc.

Một chế độ chứa đầy nỗi sợ hãi tột độ và luôn lo lắng về việc bị lật đổ chắc chắn sẽ loại bỏ tất cả các nhân tố chống đối từ trong trứng nước để duy trì sự cai trị của nó. Mà những nhân tố được gọi là đối lập này bao gồm quyền tự do và nhân quyền vốn có của mỗi một người dân Trung Quốc. Vì vậy, kẻ thù lớn nhất của người Trung Quốc, người Hong Kong, người Đài Loan, và tất cả những người theo đuổi và khao khát tự do chính là ĐCSTQ.

Thoát khỏi những ràng buộc về hệ tư tưởng của ĐCSTQ, hiểu được sự thật và đạt được tự do về mặt tinh thần là bước đầu tiên để cứu lấy chính mình.

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo Vision Times

Đông Phương biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Rốt cuộc Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan là của ai?