Quyền lực thực sự của ông Tập trong quân đội vẫn luôn bị thách thức?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 13/9, trang ngôn luận chính thức về quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đăng một bài báo dài hơn 4.000 từ, nhấn mạnh về việc cần thiết phải tuân thủ, đảm bảo quyền lực bao trùm và duy nhất của Chủ tịch Quân ủy Tập Cận Bình. Trước đó, một tướng lĩnh cấp cao trong quân đội đã từng nhấn mạnh phải ‘đả thông cây số cuối cùng’ để đảm bảo quyền lực toàn bộ, tuyệt đối của Chủ tịch Quân ủy. Các động thái hiếm hoi này khiến ngoại giới đặt câu hỏi: “Phải chăng quyền lực thực sự của ông Tập trong quân đội đã bị thách thức hay nó vẫn luôn bị thách thức?”

Hôm 13/9, China Military - trang ngôn luận chính thức về quân sự của ĐCSTQ đã đăng một bài viết dài hơn 4.000 từ, nhấn mạnh khẩu hiệu “đảng chỉ huy nòng súng” và thể hiện lòng trung thành với Tổng bí thư, Chủ tịch quân ủy Tập Cận Bình. Đề mục của bài báo này nói rõ rằng, nếu quân đội muốn “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, thì phải xử lý kỷ luật nghiêm minh, trước hết đảm bảo “quân đội luôn nghe lời đảng, đi theo đảng”.

China Military "tuyên thệ" việc đảm bảo quyền lực bao trùm và duy nhất của Chủ tịch Quân ủy

Sau khi xác lập địa vị "Tập hạch tâm" (tức ông Tập Cận Bình là nòng cốt của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ), khẩu hiệu "nghe lời đảng, đi theo đảng" có thể được thay thế thành "đi theo Tập Cận Bình, chứ không phải là theo các nhà lãnh đạo cấp cao cũ". Đây cũng là lý do tại sao ông Tập nhấn mạnh đến quyền lực bao trùm và duy nhất của Chủ tịch Quân ủy trong quân đội - vị trí mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang kiêm nhiệm. Điều này cũng có nghĩa là quân đội Trung Quốc phát đi thông điệp toàn bộ quân đội, nhất quán từ trên xuống dưới, ở bất cứ khu vực nào, đều phải tuân lệnh và trung thành tuyệt đối với Chủ tịch Quân ủy - Ông Tập Cận Bình.

Tại sao cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội ĐCSTQ lại có động thái chưa từng có này? Có vấn đề gì đó với quyền lực thực sự của ông Tập Cận Bình trong lực lượng vũ trang của quốc gia này chăng?

Tại Trung Quốc, chức vụ cao cấp quan trọng nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phải là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng (hoặc Tổng Bí thư Đảng), Thủ tướng mà là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Bởi vì, triết lý quốc trị của ĐCSTQ, theo cựu Chủ tịch Mao Trạch Đông là “Súng đẻ ra chính quyền”.

Do vậy, vị trí Chủ tịch quân ủy nắm toàn bộ lực lượng quân đội, có quyền lực tối cao với quân đội và có sự trung thành tuyệt đối từ quân đội ĐCSTQ thường là người có quyền lực tối cao của ĐCSTQ. Do vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn là người kiêm nhiệm vị trí này trong suốt 70 năm qua. Trên danh nghĩa, ông Tập Cận Bình nắm giữ vị trí Chủ tịch quân ủy từ năm 2013 cho tới nay. Trong thời gian này, ông Tập cũng đã tiến hành cải cách Quân ủy Trung ương một cách sâu rộng hồi năm 2016.

Như vậy, về lý thuyết, không ai nghi ngờ việc quyền lực của ông Tập với toàn bộ hệ thống quân sự của nước này bị thách thức. Tuy nhiên, trong một bài báo đăng vào cuối tháng 7/2021 vừa qua, ông Lý Duy Kiệt (Li Weijie), Tư lệnh Trung đoàn Bắc Kinh thuộc Lực lượng Cảnh sát Vũ trang ĐCSTQ, nhấn mạnh rằng phải thực sự đả thông "cây số cuối cùng" để Chủ tịch Quân ủy (tức ông Tập Cận Bình) có thể đảm đương toàn bộ hệ thống.

Sau phát biểu này, ngoại giới mới hiểu rằng ông Tập vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được quân đội ĐCSTQ.

Trong bài báo ngày 13/9, China Military cũng nhấn mạnh cần phải đảm bảo quyền lực bao trùm và duy nhất của Chủ tịch Quân ủy, nói rằng phải “luôn dùng kỷ luật sắt để đảm bảo rằng quyền lãnh đạo tối cao và quyền chỉ huy quân đội tập trung vào Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và quyền kiểm soát thuộc về thống soái quân đội”.

Có thể nói, bài báo hơn 4.000 từ này được coi là một lời thề trung thành của quân đội dành cho ông Tập.

Trong bài báo, tên ông Tập xuất hiện 11 lần, trong khi tên của ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào hoàn toàn không có. Như vậy, đối tượng trung thành được nhắm đến trong bài viết này chính là ông Tập.

Xử lý đối thủ chính trị trong quân đội qua "chống tham nhũng"

Bài báo dùng chiêu cũ "chống tham nhũng" để uy hiếp những đối thủ chính trị trong quân đội. Những ví dụ tiêu cực bị nêu tên không chỉ bao gồm những con hổ trong quân đội như "Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Phòng Phong Huy, Trương Dương" mà ông Tập đã tiêu diệt kể từ khi lên nắm quyền, còn có Tiếu Ngọc Bích, người bị hành quyết ở Diên An năm 1941 với tội danh tham nhũng. Có quan điểm chỉ ra rằng, bài báo của China Military đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với phe chống ông Tập, động thái này trước giờ rất hiếm. Qua đó có thể thấy mức độ dữ dội của cuộc đấu đá nội bộ ĐCSTQ.

Khi khen ngợi ông Tập, bài báo nói rằng ông "đã kịp thời loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn nghiêm trọng trong quân đội, giải quyết hiệu quả vấn đề nổi cộm - đó là làm suy yếu vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội". Điều này cho thấy trong quân đội ĐCSTQ thực sự tồn tại vấn đề "làm suy yếu vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng". Nói cách khác, quyền lực quân sự của ông Tập Cận Bình đã bị thách thức hoặc giả quyền lực này luôn bị thách thức kể từ khi ông Tập lên nắm quyền từ năm 2013.

Mai Hạ

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Quyền lực thực sự của ông Tập trong quân đội vẫn luôn bị thách thức?