Quyền con người Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang soạn thảo dự luật để chấm dứt nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc

WASHINGTON — Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang nỗ lực hướng tới luật mới buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm về việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công. Trong hơn 20 năm qua, chính quyền Trung Quốc đã giết hại các học viên Pháp Luân Công để mổ cướp nội tạng và cộng đồng y tế đã làm ngơ trước sự tàn bạo này, theo một nhóm chuyên gia tham dự một hội nghị trực tuyến do nhóm vận động Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) tổ chức vào ngày 19/11.

Phát biểu tại hội nghị, Hạ nghị sĩ Steve Chabot cho biết ông đang dẫn đầu các nỗ lực về một dự luật được đồng thuận từ hai đảng tại Hạ viện và sẽ sớm hoàn thành.

Dự luật nhằm mục đích “buộc các quan chức ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp Pháp Luân Công và hy vọng có thể ngăn chặn được nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, một thực tiễn vô cùng man rợ được tiến hành dưới sự bảo trợ của ĐCSTQ”, ông nói.

“Dự luật vẫn chưa xong. Chúng tôi vẫn đang đàm phán, nhưng tôi hy vọng sẽ sớm hoàn thiện để ban hành”.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện khí công Phật gia, dựa trên nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn cùng các bài tập thiền nhẹ nhàng.

Sau khi được giới thiệu ra công chúng năm 1992, môn tập này càng ngày càng trở nên phổ biến. Theo ước tính chính thức, có khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990. Số lượng đông đảo người theo tập môn này được xem là một mối đe dọa đối với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, người đã phát động chiến dịch diệt trừ Pháp Luân Công vào tháng 7/1999.

Các học viên Pháp Luân Công tuần hành để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại mà họ phải chịu đựng ở Trung Quốc, hình ảnh chụp tại Washington vào ngày 16/7/2015. Biểu ngữ trong ảnh là "Đưa Giang Trạch Dân ra trước công lý" (Bring Jiang Zemin to Justice). (Edward Dye / Epoch Times)
Các học viên Pháp Luân Công tuần hành để kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại mà họ phải chịu đựng ở Trung Quốc, hình ảnh chụp tại Washington vào ngày 16/7/2015. Biểu ngữ trong ảnh là "Đưa Giang Trạch Dân ra trước công lý" (Bring Jiang Zemin to Justice). (Edward Dye / Epoch Times)

Kể từ đó, Pháp Luân Công đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp nghiêm trọng. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giam trong các nhà tù, trại lao động và trung tâm tẩy não, nơi họ bị tra tấn nếu họ từ chối từ bỏ đức tin của mình. Các cuộc điều tra độc lập đã phát hiện ra rằng họ đã trở thành nạn nhân của nạn mổ cướp nội tạng.

Ông Chabot cùng với DAFOH đã tổ chức hội nghị trực tuyến để giới thiệu ngắn gọn với các nhà lập pháp Hoa Kỳ về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước Trung Quốc bảo trợ trên cơ thể các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.

“Lần cuối cùng Hạ viện thông qua nghị quyết lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công là khoảng bốn năm trước”, ông Chabot nói, đề cập đến H.Res. 343. “Kể từ đó, chúng tôi đã có rất nhiều lần thay đổi thành viên Quốc hội và nhân viên. Vì vậy, đối với nhiều người trong Quốc hội, đây có thể là một vấn đề hoàn toàn mới”.

Hội nghị có hai nhân chứng là hai học viên Pháp Luân Công đã chứng kiến ​​nạn mổ cướp nội tạng trong nhà tù của Trung Quốc.

Xét nghiệm máu và kiểm tra sức khỏe

Winston Liu là một kỹ sư làm việc tại một công ty quốc tế ở Hoa Kỳ, đã trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2005 sau khi bị bức hại dã man vì ông là người tu luyện Pháp Luân Công. Ông cho biết trong lời khai của mình: “Năm 1999, khi đó tôi là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc”.

“Tôi từng là thành viên của giới nghiên cứu khoa học tinh hoa của Trung Quốc. Giống như nhiều nghiên cứu sinh Tiến sĩ khác, tôi mơ ước trở thành giáo sư, tôi thích ngồi đọc sách và suy nghĩ ở trong thư viện. Mặc dù tôi hay tưởng tượng, nhưng ngay cả trong những giấc mơ hoang đường nhất, tôi cũng chưa bao giờ thấy mình bị bắt, bị bỏ tù, bị tra tấn dã man và bị ngược đãi cả về thể xác lẫn tinh thần. Và khi đó, như thể là tôi bị rối loạn tâm thần”.

Ông Liu bị đình chỉ khóa học tiến sĩ, bị hành hung nơi công cộng, bị giam giữ nhiều lần, và sau đó bị kết án ba năm tù. Vợ ông là một kỹ sư, cũng bị bỏ tù. Những năm tháng bị giam cầm trong tù đã khiến hạnh phúc gia đình ông Liu bị tan vỡ.

Trong khi phải chịu nhiều hình thức tra tấn về thể xác, sự ngược đãi về tinh thần thậm chí còn tồi tệ hơn, ông Liu cho biết. Trong sáu tháng đầu tiên, ông bị biệt giam trong một căn phòng rộng khoảng 2,5 mét vuông.

Winston Liu ở Vườn Quốc gia Banff, Canada, năm 2011. (Được phép của Winston Liu)
Winston Liu ở Vườn Quốc gia Banff, Canada, năm 2011. (Được phép của Winston Liu)

Khi ở trong tù, ông Liu phải làm xét nghiệm máu và kiểm tra sức khỏe.

Ông Liu hồi tưởng: “Một ngày tháng 7 năm 2002, tôi được gọi đến và được yêu cầu xếp hàng với tất cả các học viên Pháp Luân Công khác. Có khoảng 40 học viên được lính canh hướng dẫn đến bệnh viện liên kết với nhà tù. Tôi được xét nghiệm máu, chụp X-quang, khám mắt, xét nghiệm nước tiểu, và làm một số xét nghiệm khác nữa.

“Chúng tôi được thông báo rằng đây là cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ của tù nhân”.

Nhưng đó là lời dối trá. Cuối cùng, vào năm 2006 khi hai nhà nghiên cứu người Canada tiến hành điều tra những tuyên bố đáng lo ngại về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc, ông Liu đã biết được rằng ông được xét nghiệm và khám sức khỏe là để cung cấp nội tạng cho một ca cấy ghép tiềm năng.

“Tôi tin rằng tôi đã [được chọn] là một trong những người hiến tạng không tự nguyện trong nhà tù”, ông Liu nói và nhấn mạnh rằng, nếu nội tạng của ông phù hợp với bệnh nhân cần ghép tạng, ông sẽ bị giết để lấy nội tạng cấy ghép cho bệnh nhân đó.

Các cáo buộc về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức trên cơ thể các học viên Pháp Luân Công còn sống để cấy ghép cho bệnh nhân lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2006. Cựu thành viên Quốc hội Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas đã tiến hành các cuộc đánh giá độc lập và công bố các báo cáo minh chứng cho các cáo buộc. Nhà báo điều tra Ethan Gutmann cũng tiến hành các cuộc điều tra độc lập và xuất bản cuốn sách về vấn đề này dưới tiêu đề “Kẻ sát nhân”.

Mổ cướp nội tạng sống là một trong những tội ác của ĐCSTQ gây ra đối với chính công dân của họ, ông Liu nói.

Một người cha bị mổ cướp nội tạng

Một nhân chứng khác là Jiang Li đã chia sẻ những gì gia đình cô phải chịu đựng khi đi tìm công lý cho người cha đã chết tại trại lao động cưỡng bức ở thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.

“Cha tôi là người tu luyện Pháp Luân Công. Ông rất khỏe mạnh. Trong Tết Nguyên Đán 2009, cha tôi bị bắt giam trong trại lao động chỉ vì đức tin vào Pháp Luân Công. Khi chúng tôi đến thăm ông, ông còn khỏe mạnh”, cô Li nói trong lời khai của mình tại hội thảo trực tuyến.

Tuy nhiên, ngày hôm sau, gia đình cô đã nhận được điện thoại từ trại lao động cho biết rằng cha cô đã qua đời sau một cơn đau tim cấp tính. Khi cô và gia đình đến nhà tang lễ, họ phát hiện rằng thi thể của ông vẫn còn ấm và được đặt trong phòng lạnh.

Các lính canh từ trại lao động đã ngăn gia đình cô kiểm tra thi thể của cha cô để tìm hiểu nguyên nhân thực sự của cái chết và đẩy gia đình cô ra khỏi căn phòng. Gia đình cô buộc phải ký vào đơn đồng ý hỏa táng cho người quá cố.

Jiang Li cầm bức ảnh của cha đã bị ĐCSTQ giết hại ở Trung Quốc vì tu luyện Pháp Luân Công. Ảnh chụp tại khu phố Flushing của Queens, N.Y., vào ngày 1/11/2015. (Benjamin Chasteen / Epoch Times)
Jiang Li cầm bức ảnh của cha đã bị ĐCSTQ giết hại ở Trung Quốc vì tu luyện Pháp Luân Công. Ảnh chụp tại khu phố Flushing của Queens, N.Y., vào ngày 1/11/2015. (Benjamin Chasteen / Epoch Times)

Giám đốc văn phòng công tố thành phố Trùng Khánh sau đó đã thừa nhận rằng nội tạng của cha cô đã được lấy và hài cốt của ông đã được hỏa táng.

Kể từ đó, Li đi tìm kiếm công lý cho cha mình và đồng thời, cô cùng gia đình đã bị sách nhiễu, bị đe dọa và bị quản thúc, bị đột nhập vào nhà riêng và lục soát đồ đạc. Mẹ cô còn bị kết án tám năm tù.

Li cũng bị hãng hàng không Shanghai Airlines sa thải.

“Cả gia đình tôi đều là học viên Pháp Luân Công và đều bị giam giữ và tra tấn nhiều lần trong nhiều năm”, cô Li nói khi ra làm chứng.

“Chúng tôi đã thuê hai luật sư ở Bắc Kinh, nhưng do điều tra vụ án của cha tôi, cả hai đều bị cảnh sát đánh đập dã man và bị thu hồi giấy phép hành nghề luật sư”.

Văn phòng công tố viên nhiều lần đề nghị đưa tiền cho cô Li để cô im lặng nhưng cô đã từ chối.

Hiện tại Li đang sống ở thành phố New York. Cô vẫn cảm thấy bất lực và tiếp tục đau khổ về cái chết bí ẩn của cha cô.

Cô nói: “Hiện tại, sự tàn bạo này vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc”, cô Li hy vọng rằng Quốc hội sẽ “có những hành động cụ thể” để giúp chấm dứt tình trạng bạo ngược này.

Học viên Pháp Luân Công là nguồn cung nội tạng

Mùa hè năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập có trụ sở tại London, được gọi là Tòa án Trung Quốc, đã đưa ra kết luận sau cuộc điều tra rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã và đang diễn ra trong nhiều năm ở Trung Quốc "trên quy mô đáng kể", với các học viên Pháp Luân Công là "nguồn cung cấp nội tạng chính”.

Hội đồng thẩm phán cho biết tội ác rùng rợn này đã khiến "nhiều người vô tôi phải chết một cách khủng khiếp không có lý do".

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Hamid Sabi, một luật sư từng là cố vấn cho Tòa án Trung Quốc, cho biết các học viên Pháp Luân Công là nguồn nội tạng chính vì họ “rất khỏe mạnh”. Họ không uống rượu, không hút thuốc và không có thói quen ăn uống nhậu nhẹt.

Ông Sabi cũng nhấn mạnh rằng các bệnh viện Trung Quốc có nguồn cung cấp “nội tạng không giới hạn theo yêu cầu” và sự thực nghiệt ngã này đã đến tai bác sĩ phẫu thuật ghép tim người Israel, Tiến sĩ Jacob Lavee vào năm 2005.

Một bệnh nhân nói với bác sĩ Lavee rằng anh ta sẽ đến Trung Quốc để ghép tim theo lịch hẹn trong hai tuần tới, nhưng ông Lavee biết rằng, về mặt y tế, những cuộc phẫu thuật như vậy là không thể lên lịch trước được.

Biết rằng đây chỉ có thể là kết quả của việc thu hoạch nội tạng sống, ông đã đứng đầu trong việc soạn thảo Luật Cấy ghép Nội tạng của Israel, có hiệu lực vào năm 2008, về cơ bản, luật này cấm mua bán nội tạng người.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ vào tháng 12/2012, động thái này đã làm giảm đáng kể du lịch cấy ghép từ Israel.

Các tù nhân lương tâm khác như người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và người theo đạo Thiên chúa tại gia cũng là nhóm mục tiêu của nạn mổ cướp nội tạng, theo DAFOH.

Ông Sabi cho biết một tòa án độc lập riêng biệt đã được thành lập để điều tra cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.

“Bằng chứng là họ đang xây dựng hai trại giam mới cực lớn [ở Tân Cương] —có sức chứa khoảng 50.000 tù nhân. Và giữa hai trại, họ đã xây dựng một lò hỏa táng đồ sộ. Và nó gần sân bay, ”điều này khiến nó thích hợp cho việc mổ cướp nội tạng, ông Sabi nói.

mổ cướp nội tạng đem lại nguồn thu khổng lồ
Thu hoạch và cấy ghép nội tạng từ những tù nhân lương tâm đem lại một nguồn thu khổng lồ cho ĐCSTQ... (Ảnh: Getty Images).

Chế tài Pháp lý

Matt Salmon, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ tại Đại học Bang Arizona và là cựu đại diện của Hoa Kỳ, đã kêu gọi Quốc hội có hành động cụ thể hơn để chấm dứt nạn buôn bán nội tạng.

“Tôi dám chắc rằng chỉ có dự luật lên án các hành động mổ cướp nội tạng thôi thì chưa đủ. Đằng sau hành động này cần phải có biện pháp chế tài”, ông phát biểu tại hội thảo.

Ông Salmon cho rằng một cách để ngăn chặn hành vi này là áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với người Mỹ mua hoặc sử dụng nguồn nội tạng cưỡng bức từ Trung Quốc, cũng như cấm các cơ sở ghép tạng sử dụng nguồn nội tạng cưỡng bức.

Ông nói: “Chúng ta có số lượng người có nhu cầu cấy ghép nội tạng lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác và vì vậy nếu chúng ta thực sự khống chế tại Hoa Kỳ, chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt lớn.

Theo Phó giám đốc DAFOH Weldon Gilcrease, Trung Quốc là quốc gia duy nhất được cho là thực hiện mổ cướp nội tạng dưới sự điều hành của nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị, ông Gilcrease nhấn mạnh rằng việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc rất đặc thù so với việc buôn bán nội tạng trên thị trường chợ đen.

Toàn bộ quá trình thu hoạch nội tạng cưỡng bức là một tội ác lớn do chính quyền trung ương Trung Quốc thực hiện và liên quan đến các tổ chức y tế, tư pháp, hệ thống nhà tù, trại lao động, quân đội và các quân y viện, ông nói.

Theo ông Gilcrease, người đồng thời là trợ lý giáo sư y khoa tại Đại học Utah, ngành y nói chung đã làm ngơ trước tội ác này.

Ông nói, nạn mổ cướp nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc không phải là một vấn đề chính trị.

“Mặc dù thủ phạm gây nên tội ác này là một thực thể chính trị, việc sử dụng các bác sĩ và sử dụng hệ thống y tế làm công cụ thực hiện tội ác của ĐCSTQ là không thể dung thứ”, ông nói.

Nguyên Hương
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Quyền con người Trung Quốc