Quê ông Tập hô hào bảo vệ 'long mạch', có liên quan gì đến vận mệnh của Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm ngoái, khi ông Tập Cận Bình đến thăm dãy núi Tần Lĩnh ở tỉnh Thiểm Tây vào tháng 4 đã nói về phong thủy và "mạch tổ". Một năm sau, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Công an tỉnh Thiểm Tây đã tổ chức một cuộc họp chuyên đề qua video nhằm thúc đẩy việc "Bảo vệ mạch tổ Tần Lĩnh". Việc này có liên quan gì đến vận mệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)?

China News Service đưa tin ngày 20/4, cuộc họp "Bảo vệ mạch tổ Tần Lĩnh" của Công an tỉnh Thiểm Tây được tổ chức vào cùng ngày đã nhấn mạnh phải "nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng, tính cấp thiết và tính lâu dài của việc bảo vệ môi trường sinh thái của Tần Lĩnh… Bảo vệ tốt tài nguyên rừng và môi trường sinh thái trên toàn tỉnh với trọng tâm là dãy núi Tần Lĩnh”.

Hội nghị cũng cho rằng cần điều tra và loại bỏ toàn diện các loại tội phạm và nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến tài nguyên môi trường, tập trung lực lượng công an để triệt phá một số vụ án xâm hại đến tài nguyên môi trường sinh thái.

Động thái của Công an tỉnh Thiểm Tây khá bất thường. Có cư dân mạng bình luận rằng: Điều này có nghĩa là tin đồn về "long mạch" đã được xác nhận theo một nghĩa nào đó?

Ông Tập Cận Bình quê ở huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây. Ông sinh ra ở Bắc Kinh, năm 17 tuổi bị đưa về thôn Lương Gia Hà thuộc huyện Diên An, tỉnh Thiểm Tây. Nhà cũ và phần mộ của cha ông là ông Tập Trọng Huân cũng ở Phú Bình, Thiểm Tây. Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Thiểm Tây nghiễm nhiên trở thành trọng địa, thôn Lương Gia Hà và nơi ở trước đây cùng khu mộ của ông Tập Trọng Huân đều trở thành điểm du lịch đỏ.

Du lịch Đỏ là một loại hình du lịch bắt đầu được phát triển từ năm 2004 ở Trung Quốc và người dân sẽ đến thăm các địa điểm có ý nghĩa lịch sử cách mạng của ĐCSTQ.

Một phần dãy núi Tần Lĩnh, Thiểm Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Charlie439753/WikiMedia Commons/ CC-BY-SA-4.0)
Một phần dãy núi Tần Lĩnh, Thiểm Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Charlie439753/WikiMedia Commons/ CC-BY-SA-4.0)

Ông Tập Cận Bình đích thân đến thăm dãy núi Tần Lĩnh để chiêm bái "long mạch"

Năm ngoái, do ĐCSTQ che giấu dịch bệnh Vũ Hán và thúc đẩy ngoại giao "chiến lang", nên đã bị cộng đồng quốc tế bao vây và chính quyền ông Tập bị cô lập tứ phía. Từ ngày 20 đến ngày 23/4/2020, khi ông Tập đến thăm Thiểm Tây, điểm dừng chân đầu tiên của ông là dãy núi Tần Lĩnh.

Theo các kênh truyền thông chính thức, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trong cuộc điều tra nghiên cứu ở dãy núi Tần Lĩnh, Thiểm Tây vào thời điểm đó có thể được chia thành ba phần. Đầu tiên là đề cập đến dãy núi Tần Lĩnh là bức chắn quan trọng cho an ninh sinh thái của Trung Quốc; thứ hai là “rút kinh nghiệm sâu sắc từ vấn đề xây dựng biệt thự bất hợp pháp” của các quan chức; và thứ ba là nói về phong thủy của dãy núi Tần Lĩnh.

Ông Tập nói rằng, dãy núi Tần Lĩnh giúp cho Nam Bắc hòa hợp, phúc đức dồi dào, là tháp nước trung tâm của Trung Quốc, là mạch tổ của dân tộc Trung Hoa và là biểu tượng quan trọng trong nền văn hóa Trung Hoa. Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình về phong thủy của dãy núi Tần Lĩnh được cho là đang ám chỉ "long mạch" của dãy núi này.

Trong giới sử học, dãy núi Tần Lĩnh được gọi là "long mạch" của Trung Quốc. Đất có long mạch thì cấm kị xây dựng nhà cửa, đặc biệt không được trấn áp long mạch, phàm là triều đại nào làm hư long mạch thì sẽ xảy ra chuyện xấu. Ví như sau khi xây Cung A Phòng thì nhà Tần diệt vong; sau khi Hoàng đế Huyền Tông của nhà Đường xây dựng Hoa Thanh Trì thì xảy ra loạn An Sử. Ông Tập Cận Bình đã nhiều lần chỉ thị chấn chỉnh việc xây dựng trái phép ở dãy núi Tần Lĩnh, có thể thấy ông rất lo lắng vì nơi đây là "long mạch", có liên quan đến quyền vị của ông và vận mệnh của ĐCSTQ.

ĐCSTQ đi theo chủ nghĩa vô thần, và ngay cả các học vấn phức tạp và được truyền thừa từ bao đời như phong thủy cũng bị coi là mê tín. Nó không cho phép các quan chức tin vào thần linh, phong thủy nhưng các lãnh đạo của ĐCSTQ thì ai ai cũng tin.

Ông Thạch Tàng Sơn (Shi Zangshan), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc ở Washington, Mỹ, cho biết: “Ngoài miệng thì ông Tập Cận Bình thuyết giảng về chủ nghĩa cộng sản, nhưng bản thân ông ta rất tin vào phong thủy và tin vào tu luyện khí công. Vì vậy, ông ấy không ngại động tới các quan chức của tỉnh Thiểm Tây và thành phố Tây An, không ngại đắc tội Triệu Lạc Tế (1 trong 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ), cũng nhất định phải dỡ bỏ tất cả biệt thự của họ. Điểm quan trọng nhất là nó có liên quan đến phong thủy của Tần Lĩnh".

Ông Tập Cận Bình ở Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngưu Bối Lương, Tần Lĩnh, Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 20/4/2020. (Ảnh chụp màn hình video)
Ông Tập Cận Bình ở Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngưu Bối Lương, Tần Lĩnh, Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 20/4/2020. (Ảnh chụp màn hình video)

‘Tập Cận Bình bảo vệ long mạch của dãy núi Tần Lĩnh có ích gì không?’

Gần đây, nhà phân tích bình luận người Hoa - ông Tăng Tiết Minh (Zeng Jieming) có đăng một bài viết với tiêu đề “Tập Cận Bình bảo vệ long mạch của dãy núi Tần Lĩnh có ích gì không?”. Trong đó chỉ ra rằng, ông Tập vì để bảo vệ dãy núi Tần Lĩnh, đã không ngần ngại hạ thủ tập đoàn quan liêu Thiểm Tây và ra lệnh ngừng xây dựng biệt thự ở Tần Lĩnh, khiến chốn quan trường Thiểm Tây chấn động; ngoài ra, ông Tập cũng dày công cho xây dựng hệ thống sở chỉ huy chống hạt nhân dưới mặt đất ở Tần Lĩnh. Mục đích là nhằm chuẩn bị cho việc khi quân đội ĐCSTQ thống nhất Đài Loan, ông ta sẽ ẩn náu ở đó để đề phòng bị máy bay không người lái của Đài Loan hạ sát. Nếu cần, ông Tập cũng có thể dựa vào hệ thống ngầm ở Tần Lĩnh để tiến hành cuộc chiến tranh hạt nhân với Hoa Kỳ .

Ông Tăng cho rằng, ngay cả khi ông Tập Cận Bình bảo vệ được long mạch ở Tần Lĩnh, ông ta cũng sẽ không thể kéo dài thọ mệnh của ĐCSTQ; những nỗ lực bảo vệ long mạch Tần Lĩnh của ông Tập sẽ chỉ như một món quà tặng cho chính quyền mới sau khi ĐCSTQ sụp đổ. Bởi vì ĐCSTQ phất lên ở phía Đông Bắc giống như nhà Mãn Thanh, rồi sau đó cướp đoạt chính quyền thành công.

Theo tìm hiểu, từ xa xưa, Trung Quốc có 3 hệ long mạch được phân theo cơ sở địa lý, gồm Bắc Long, Trung Long và Nam Long:

  • Bắc Long: dọc theo sông Hoàng Hà, đi qua các khu vực phía Bắc gồm tỉnh Thanh Hải, Cam Túc, Sơn Tây, Hà Bắc và ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc, rồi kéo dài đến Bán đảo Triều Tiên.
  • Trung Long: đi qua khu vực giữa sông Hoàng Hà và sông Trường Giang, bao gồm tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Hà Bắc, Hồ Bắc, An Huy, Sơn Đông và kết thúc tại biển Bột Hải.
  • Nam Long: dọc sông Trường Giang, đi qua các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô và các vùng phía Nam khác của Trung Quốc rồi đi ra biển.

Theo ông Tăng, long mạch của ĐCSTQ và nhà Thanh đều ở phía Đông Bắc, quốc vận (vận số, khí số của quốc gia) sẽ phụ thuộc vào Bắc Long, còn long mạch của dãy núi Tần Lĩnh là long mạch thuộc hệ Trung Long, không liên quan gì đến vận mệnh của ĐCSTQ.

"Vùng đất Long Hưng" của ĐCSTQ đang suy bại

Bài viết cũng cung cấp thông tin rằng, dân tộc Hoa Hạ (tức dân tộc Hán ngày nay) vốn có truyền thống dựng đô ở Trung Nguyên (khu vực thuộc hệ Trung Long), nhưng sau hơn 1.100 năm thì suy tàn trong tay nhà Tống. Sau khi nhà Tống bị người Nữ Chân chinh phục và trải qua cuộc tàn sát của người Mông Cổ, vùng Trung Nguyên đã bị tàn phá và vương khí lụi tàn, quốc vận được chuyển sang hệ Bắc Long. Sau đó, trung tâm đổ về Bắc Kinh và sau hơn 800 năm lịch sử dựng đô, vương khí của Bắc Kinh cũng đã suy yếu. Có thấy thấy qua tình trạng thiếu nước và những cơn bão cát ở đây ngày càng gia tăng. Cộng với công trình “điều nước từ Nam về Bắc” của ĐCSTQ đã thất bại, ông Tăng dự đoán ĐCSTQ sẽ là chính quyền cuối cùng dựng đô ở Bắc Kinh trong thế kỷ này.

Không chỉ Bắc Kinh, mà toàn bộ hệ Bắc Long đã suy vong hoàn toàn: ba tỉnh Đông Bắc gồm Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm, nơi được ĐCSTQ gọi là "Vùng đất Long Hưng" (ý chỉ nơi khởi nguồn và phát triển của một triều đại), là cơ sở công nghiệp thịnh vượng và hùng mạnh nhất của chính quyền này vào thời kỳ đầu khi nó nắm quyền. Nhưng từ năm 1992 khi ĐCSTQ mở cửa toàn diện, nền kinh tế quốc doanh ở Đông Bắc cũng nhanh chóng sụp đổ.

Đồng thời, “chính sách kế hoạch hóa gia đình” của ĐCSTQ cũng khiến dân số trẻ suy giảm. Năm 2019, cả ba tỉnh Đông Bắc Trung Quốc đều tăng trưởng dân số âm. Trong đó, tỷ lệ tăng dân số của tỉnh Hắc Long Giang năm 2019 là -1,01 phần nghìn, thấp nhất trên thế giới! Từ năm 2011 đến năm 2020, dân số vùng Đông Bắc Trung Quốc mỗi năm sẽ giảm từ 200.000 đến 400.000 người, tương đương với sự biến mất của một thành phố vừa và nhỏ, đây là điều chưa từng có trên thế giới trong thời bình!

Bài báo kết luận rằng, vùng Đông Bắc - "Vùng đất Long Hưng" của ĐCSTQ, đang suy bại với tốc độ nhanh nhất trên thế giới, đây thực sự là một dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ sắp diệt vong.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Quê ông Tập hô hào bảo vệ 'long mạch', có liên quan gì đến vận mệnh của Trung Quốc?