Quan trường Trung Quốc đón ‘trào lưu từ chức’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau làn sóng giới nhà giàu di dân, làn sóng tháo chạy vốn ra nước ngoài, làn sóng doanh nghiệp tư nhân phá sản, làn sóng cho vay trực tuyến sụp đổ, làn sóng các công ty nhà đất phải đóng cửa, làn sóng thất nghiệp, làn sóng công nhân quay trở về quê, làn sóng ngân hàng vỡ nợ..., Trung Quốc lại đón chào một làn sóng các quan chức trong quan trường ‘từ chức’.

Không phải làm quan chức là một nghề ổn định vững chắc sao? Tại sao các quan chức lại muốn từ chức? Theo một số nhân viên chính phủ ở đại lục cho biết, ngày nay làm quan chức ở Trung Quốc không phải là một việc tốt, rất nhiều quan chức đều viện đủ các lý do để xin nghỉ. Giải thích cho việc các quan chức Trung Quốc từ chức chủ yếu có 4 nguyên nhân sau

Chưa lãnh được lương lại phải góp tiền quỹ

Theo phó giám đốc văn phòng thương mại của một huyện cho biết, để hoàn thành các chỉ tiêu GDP của thành phố, chính quyền huyện đã không ngừng vay tiền từ ngân hàng dùng cho các khu vực mới giải tỏa và khu công nghiệp mới. Ngày nay, các tòa nhà cao tầng ở các khu mới giải tỏa mọc lên khắp nơi nhưng vẫn không có bóng người tới ở. Khu công nghiệp chỗ nào cũng có nhà máy, nhưng cỏ mọc dày kín, trông như bãi bỏ hoang.

Ông phó giám đốc này nói rằng GDP của huyện đã tăng lên, các viên chức huyện cũng được thăng chức, nhưng chỉ giải quyết được bề mặt và tình hình chung vẫn rất ảm đạm. Chủ tịch huyện đương nhiệm không muốn gánh tất cả trách nhiệm nặng nề, nhiều lần xin từ chức nhưng đều bị từ chối, lãnh đạo thành phố yêu cầu ông nghĩ biện pháp và nói rằng chỉ cần ổn định được tình hình là lập được công lớn rồi. Tuy nhiên, thành phố cũng đang ngập trong nợ và không thể cung cấp vốn cho huyện, ngày càng khó có thể vay ngân hàng. Những người thuộc diện nhận trợ cấp nông thôn trong huyện (người già, người tàn tật và người chưa thành niên không có khả năng làm việc, không có nguồn sống) đã rất lâu rồi không nhận được tiền trợ cấp. Để ổn định tình hình, chính quyền huyện không những không trả lương cho công chức trong hơn nửa năm, mà còn mượn tiền của nhân viên cấp dưới, nói rằng tính vào tiền lãi trả ngân hàng.

Chính quyền huyện quy định trích 2.000 nhân dân tệ (NDT) đối với mỗi công chức bình thường, 5.000 NDT đối với mỗi cán bộ cấp phó phòng, 10.000 NDT đối với cán bộ cấp trưởng phòng, 20.000 NDT đối với cán bộ cấp phó giám đốc, 50.000 NDT đối với cán bộ cấp giám đốc. Ngay cả giáo viên và cán bộ đã nghỉ hưu cũng phải đi vay. Vì không ai sẵn sàng bỏ tiền ra, chính quyền quận đã trừ trực tiếp vào tiền lương của các cán bộ.

Một nhân viên của huyện phản ánh rằng tiền lương và trợ cấp hàng tháng của một cán bộ cấp trưởng phòng chỉ hơn 2.800 NDT. Hiện giờ, không có đãi ngộ phân nhà nữa, công chức dựa vào thu nhập chính đáng để duy trì chi phí gia đình bình thường là rất khó khăn.

Áp lực công việc quá cao, không hoàn thành được chỉ tiêu thúc đẩy đầu tư

Các doanh nghiệp tư nhân liên tiếp đóng cửa, các công ty nước ngoài lại vội vã chuyển ra nước ngoài, trung ương đã liên tục giảm chỉ tiêu cho vay và các loại chính sách trợ cấp cho các doanh nghiệp tư nhân, trong khi chỉ tiêu GDP do cấp trên đưa ra lại tăng lên hàng năm. Trong tình cảnh này, ngoài việc làm giả các con số, chính quyền địa phương các cấp giao chỉ tiêu thu hút đầu tư cho cán bộ ở tất cả các đơn vị, và thậm chí cả các cơ quan công quyền, cơ quan công tố, cơ quan hành pháp và quản lý đô thị cũng có nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư và phạt tiền. Những người hoàn thành nhiệm vụ ngoài việc được nhận thưởng còn có thể được thăng chức. Những người không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị trừng phạt, và thậm chí còn bị giáng cấp hoặc cách chức. Nhưng chỉ có một vài người thực sự có thể hoàn thành nhiệm vụ. Lấy huyện Thông Thành, tỉnh Hồ Bắc làm ví dụ:

Huyện Thông Thành nằm ở phía đông nam của tỉnh Hồ Bắc, tại ngã ba của ba tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc và Giang Tây. Đây là giao lộ của Hàm Ninh, Nhạc Dương và Cửu Giang. Các khu vực miền núi chiếm 42,84% tổng diện tích của huyện. Huyện có dân số 540.000 người và có 9 thị trấn và 2 xã. Trong số hơn 2.700 huyện ở Trung Quốc, Thông Thành là một huyện bậc trung.

Năm 2018, huyện quy định rằng toàn huyện sẽ giới thiệu một dự án mới với vốn đầu tư 10 tỷ NDT, 3 dự án với vốn đầu tư 5 tỷ NDT, 41 dự án có vốn đầu tư 100 triệu NDT trở lên (trong đó có trên 20 dự án công nghiệp) và 72 dự án có vốn đầu tư 50 triệu NDT trở lên (trong đó có trên 35 dự án công nghiệp), trên 115 dự án có vốn đầu tư 30 triệu NDT (trong đó có trên 55 dự án công nghiệp), quỹ đầu tư tại chỗ lên tới 11,9 tỷ NDT. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ xúc tiến đầu tư của huyện, cơ quan an ninh, kiểm sát, tòa án nhân dân và cơ quan quản lý đô thị có nhiệm vụ thúc đẩy đầu tư và phạt tiền, ngay cả ngành giáo dục, y tế và bảo vệ tài nguyên môi trường cũng được giao nhiệm vụ này, thậm chí kỳ quặc hơn, cả nhà hỏa táng cũng có chỉ tiêu kiếm tiền.

Trong thông báo huyện còn nêu rõ ràng rằng cán bộ, nhân viên của tất cả các đơn vị phải tích cực tham gia vào công tác thu hút đầu tư, làm được yêu cầu "mọi người đều có nhiệm vụ trên thân và gánh chỉ tiêu trên vai".

Trong đánh giá chính sách, chính quyền huyện quy định xúc tiến đầu tư được gắn với chi phí công tác. Đối với các thị trấn và các đơn vị cấp huyện đảm nhận nhiệm vụ thu hút đầu tư, việc hoàn thành nhiệm vụ thu hút đầu tư được gắn với ngân sách dành cho công tác hành chính. Nếu đánh giá cuối năm đạt được hơn 70 điểm chỉ tiêu, thì toàn bộ ngân sách sẽ phân bổ cho công tác hành chính và cứ ít hơn 1 điểm sẽ khấu trừ 1% trong ngân sách cho công tác hành chính.

Chính quyền huyện cũng quy định các đơn vị có nhiệm vụ thu hút đầu tư sẽ được thông báo và đánh giá theo hàng quý và hàng năm. Tới quý II, các đơn vị không có tiến triển trong xúc tiến đầu tư sẽ giải thích tình hình cho ủy ban huyện và chính quyền huyện, người đứng đầu bộ phận tổ chức của đảng ủy huyện sẽ hẹn nói chuyện với người chịu trách nhiệm chính của đơn vị. Trong quý III, nếu các đơn vị xúc tiến đầu tư không có tiến triển, người phụ trách chính sẽ được mời nói chuyện với phó bí thư huyện ủy. Tới quý IV, với đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu cả năm, người chịu trách nhiệm chính của đơn vị sẽ được mời nói chuyện với bí thư huyện ủy và chủ tịch huyện và sẽ được chỉ đạo phải xúc tiến đầu tư cho tới khi hoàn thành nhiệm vụ.

Theo một quan chức đại lục phản ánh, trong những năm gần đây, ở đại lục ngày càng ít các nhà đầu tư với vốn lớn, không thu hút được đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư ở nhiều nơi ngày càng xấu đi. Việc thúc đẩy đầu tư này là nhiệm vụ bất khả thi.

Sợ các chế tài trừng phạt quốc tế liên lụy tới người nhà

Theo truyền thông Hồng Kông, thống kê chính thức của Trung Quốc cho thấy hơn 90% người nhà của các ủy viên trung ương đã di cư ra nước ngoài. Hầu hết công dân Trung Quốc sau khi có quốc tịch ở nước ngoài sẽ không khai báo với chính quyền nhằm mục đích là giữ lại chứng minh nhân dân Trung Quốc để được hưởng phúc lợi và trợ cấp hưu trí ở trong nước. Hiện số người có hai quốc tịch hiện khoảng 8 triệu. Trong số đó, người nhà của cán bộ chính phủ cao cấp chiếm từ 56.000 đến 60.000 người. Mà chưa kể tới người thân của các cán bộ cấp sở, quận, huyện, và công chức bình thường đang học tập hoặc định cư ở nước ngoài.

Trong hai phiên họp năm 2012, một đại biểu của Quốc hội nhân dân toàn quốc và là giáo sư Trường Đảng Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Lâm Triết, tiết lộ rằng từ năm 1995 đến 2005, Trung Quốc có 1,18 triệu vợ chồng và con cái của các quan chức định cư ở nước ngoài. Hiện tại đã hơn một thập kỷ trôi qua, và con số đó đã tăng gấp đôi.

Giới quan chức ĐCSTQ không chỉ đưa con cái và người thân ra nước ngoài, mà họ còn chuyển một số tiền lớn ra nước ngoài. Ngày 5/8/2019, cựu giám đốc của Viện Nghiên cứu Tài chính và Thuế của Bộ Tài chính của ĐCSTQ, ông Giả Khang tiết lộ trên Weibo rằng tiền gửi vào ngân hàng Thụy Sĩ của chỉ 100 người Trung Quốc đã là 7,8 nghìn tỷ USD. Có kênh truyền thông phân tích, tiền gửi ở nước ngoài của giới quyền chức của ĐCSTQ đã vượt quá 20 nghìn tỷ USD, chưa bao gồm vốn đầu tư cổ tức và tài sản cố định của họ ở nhiều quốc gia khác.

Khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu chiến dịch "quét Cộng", các chức sắc của ĐCSTQ lo lắng nơm nớp. Tháng 12/2017, Hoa Kỳ chính thức thực thi Luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky. Năm nay, Hoa Kỳ liên tiếp đưa ra Luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông và Dự luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ. Dưới sự thúc đẩy của Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Úc, New Zealand, Canada, Đài Loan và các nước phương Tây cũng lần lượt tiến hành theo. Ngày nay, ở phương Tây, người người đều chỉ trích "hành vi vi phạm nhân quyền vô cùng lưu manh" của ĐCSTQ. Hầu hết người nhà và tài sản của giới chức sắc ĐCSTQ đều ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Úc, New Zealand và Canada.

Theo công bố của trang Minghui.com, tính đến ngày 15/11/2019, đã thu thập được hơn 100.000 tên trong ‘Danh sách những kẻ vi phạm nhân quyền’ của ĐCSTQ và danh sách này đã được gửi tới các chính phủ ở nhiều quốc gia để áp dụng chế tài trừng phạt. Những người này chủ yếu là các quan chức Trung Quốc có liên quan đến cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Tuy nhiên, danh sách này không bao gồm những kẻ đàn áp nhân quyền đối với Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông, hay các quan chức đàn áp nhân quyền liên quan đến kế hoạch hóa gia đình cưỡng ép triệt sản, cưỡng chế phá dỡ nhà dân, đàn áp tôn giáo và đàn áp người dân đi kêu oan.

Ở Trung Quốc, không chỉ có công an, cảnh sát bức hại nhân quyền mà hầu hết các cán bộ cơ sở đều tham gia vào các hoạt động đàn áp nhân quyền, còn số người không tham gia bức hại nhân quyền cực kỳ ít. Nếu thực thi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc theo đúng Luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky, có khoảng trên 90% công chức, cán bộ thôn và nhân viên của các đơn vị khác đều đã phạm tội ác chống lại nhân loại.

Các quan chức Trung Quốc không có nhân phẩm và có nguy cơ chính trị cao

Từ thời xa xưa, Trung Quốc đã có truyền thống “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao", có nghĩa là tất cả các ngành nghề đều thấp kém, chỉ có người đọc sách có tri thức mới là cao quý nhất. Do đó, các quan chức Trung Quốc của tất cả các triều đại đều là những bậc tài trí hơn người. Các quan chức ĐCSTQ thuộc tầng lớp đặc quyền cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, với sự mục nát và tàn bạo của chính quyền ĐCSTQ, các quan chức chính phủ từ lâu đã đứng sang phía đối diện với người dân. Công chức từ lâu đã không còn vì dân phục vụ, mà duy trì chế độ thống trị độc tài của ĐCSTQ. Việc công chức thu phí bừa bãi, phạt tiền vô tội vạ, cưỡng chế trưng thu hoặc dỡ phá nhà, đàn áp dân oan, ép buộc kế hoạch hóa gia đình và đàn áp tôn giáo đều là bình thường. Một số người nói rằng quá khứ khi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, đã đưa ra "chính sách tam quang" (giết hết, đốt hết, cướp bóc hết) thì ngày nay, ĐCSTQ có "ba loại cán bộ chủ chốt”. Cụ thể là: muốn tiền (chuyên đi phạt tiền), muốn đất đai (cưỡng chế phá dỡ nhà lấy đất của dân) và muốn mạng sống (kế hoạch hóa gia đình - cưỡng ép phá thai). Có thể thấy rằng không có gì là lạ khi mối quan hệ giữa các cán bộ của ĐCSTQ và quần chúng trở nên căng thẳng.

Một huyện phó đã từ chức từng phàn nàn: "Làm công chức không chỉ có lương thấp và đãi ngộ thấp, mà trước mặt cấp trên đều thường phải cúi đầu khom lưng, và trước mặt người dân lại phải làm kẻ ác. Hiện nay, làm cán bộ đến danh dự tối thiểu làm người cũng không có. Nếu không có tiền để biếu xén thì sẽ không có tiền đồ phát triển, mà biếu quà và nhận quà biếu đều có thể gặp rắc rối. Nếu tôi không kiếm được chỗ tốt thì thà chẳng bằng tự ra làm riêng, lại còn thanh thản trong tâm hơn”. Sau khi Chính phủ Trung ương ban hành "tám điều khoản" vào năm 2013, các nhân viên chính phủ đã hoàn toàn bị mất cảm giác được ưu đãi, và rủi ro chính trị ngày càng lớn hơn.

Trong hai phiên họp năm 2014, Tòa án tối cao Bắc Kinh cho biết hơn 500 người trong hệ thống tòa án Bắc Kinh đã từ chức trong 5 năm qua. Theo một cựu thẩm phán của Tòa án quận Triều Dương, Bắc Kinh, ngày càng có nhiều thẩm phán Bắc Kinh đã từ chức trong những năm gần đây.

Khối lượng công việc lớn, mức lương không cao và cơ hội thăng tiến thấp. Đây là vấn đề thường được các thẩm phán phản ánh. Các thẩm phán Bắc Kinh đều muốn từ chức, và việc các cán bộ cơ sở địa phương từ chức không có gì đáng ngạc nhiên.

"Làn sóng quan chức từ chức” là dự báo chính quyền sắp sụp đổ

Con người hướng tới chỗ cao mà đi lên, nước hướng chỗ thấp mà chảy. Dù là chính phủ hay doanh nghiệp, để giữ chân nhân tài cần có sáu điều kiện tiên quyết, đó là: tiền đồ, danh tiếng, địa vị xã hội, đãi ngộ vật chất, môi trường làm việc và ổn định công việc. Khi hầu hết sáu điều kiện này không được đáp ứng, rất khó để giữ chân nhân tài.

Đánh giá từ tình hình quan trường Trung Quốc hiện nay, ngoài các quan chức chiếm các vị trí quan trọng, các nhân viên chính phủ nói chung không chỉ có đãi ngộ thấp, mà môi trường làm việc cũng kém, danh tiếng chẳng có, hơn nữa địa vị xã hội còn tệ hơn trước. Quan trọng hơn, nhân viên chính phủ của ĐCSTQ đã sớm trở thành một "nghề có nguy cơ cao". Trong môi trường này, với những tinh anh nhân tài có lý tưởng, có năng lực và có tinh thần chính nghĩa, họ sẽ tự nhiên chọn rời khỏi đội ngũ nhân viên chính phủ.

Tòa nhà sắp sụp đổ thì người khôn ngoan sẽ chạy trước. Từ quy luật tự nhiên mà xét, lượng lớn người trong công ty từ chức cho thấy công ty này không thể duy trì được lâu; lượng lớn những người trong quan trường từ chức cho thấy chế độ này sắp sụp đổ. Có thể thấy cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nợ của chính phủ Trung Quốc tiếp tục xấu đi, tương lai hiện tượng các nhân viên chính phủ Trung Quốc xin từ chức sẽ càng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Minh Thanh (biên dịch)

Tác giả: Hải Phong
Theo EpochTimes



BÀI CHỌN LỌC

Quan trường Trung Quốc đón ‘trào lưu từ chức’