Quan hệ Hoa Kỳ - Đài Loan tiến như vũ bão khiến chính quyền Trung Quốc ‘trợn tròn mắt’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyến thăm tới Đài Loan của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach, cùng hàng loạt hành động khác của Mỹ từ ngoại giao đến quân sự, khoa học kỹ thuật đều khiến chính quyền Trung Quốc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Người Mỹ hành động tốc hành mạnh mẽ, khi các chính sách lớn được đề ra, họ sẽ đi thẳng theo phương hướng chung mà tiến tới không ngừng, dù có bị can thiệp hay kết cục có hậu quả gì thì họ cũng sẽ nói gì làm nấy, nhanh tới nỗi không kịp trở tay.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach đang thăm Đài Loan, bề ngoài là để tham dự lễ tưởng niệm cố Tổng thống Lý Đăng Huy. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Mỹ vừa tham dự lễ truy điệu ông Lý Đăng Huy trong chuyến đi đến Đài Loan, ông Lý có quan trọng đến như vậy không? Đến mức hai quan chức cấp Bộ trưởng của Hoa Kỳ phải đến thăm viếng như vậy? Tất nhiên là không, vì Mỹ và Đài Loan không có quan hệ chính thức nên Thứ trưởng Ngoại giao phải có lý do nếu muốn đến Đài Loan. Các chuyến thăm của quan chức Mỹ đến Đài Loan có thể dễ dàng khuấy động thần kinh của chính quyền Trung Quốc. Do đó, việc tham dự lễ tưởng niệm ông Lý Đăng Huy chỉ là vỏ bọc cho chuyến thăm mà thôi.

Cố Tổng thống Lý ở dưới suối vàng biết chuyện, chắc hẳn sẽ có chút cảm khái, không ngờ suốt đời bị mắng chửi thậm tệ như vậy, cả trong và ngoài nước đều không có mấy lời tốt đẹp, ấy vậy mà sau khi chết tự dưng trở nên đáng giá gấp trăm lần. Đúng là sông có khúc, người có lúc, mọi việc đều nằm ngoài dự liệu của con người.

Chuyến thăm Đài Loan của ông Krach, theo đồn đoán của giới truyền thông Đài Loan, thì chủ yếu là để lôi kéo các doanh nhân Đài Loan và chuẩn bị thành lập chuỗi công nghiệp bán dẫn tại Hoa Kỳ với TSMC là trung tâm. TSMC đang bóp nghẹt ngành sản xuất chip bán dẫn của thế giới. Mặc dù công ty này hiện đang xây dựng nhà xưởng tại Hoa Kỳ, nhưng chuỗi cung ứng vẫn chưa hoàn chỉnh. Hiện tại, nó mới đạt 20% yêu cầu của TSMC và còn thiếu 80%. Ông Krach tới đây lần này là để thu hút các nhà sản xuất Đài Loan đến Hoa Kỳ thiết lập nhà máy. Điều này không chỉ giúp tăng việc làm ở Hoa Kỳ, mà dây chuyền sản xuất chất bán dẫn sẽ được kiểm soát hoàn toàn trong Hoa Kỳ. Cho dù thế giới bên ngoài có bị đảo lộn thế nào chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng đến nhu cầu của chính Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ có quá lo lắng về chuỗi cung ứng của TSMC không? Trong trường hợp bình thường, các nhà máy có thể được thiết lập ở khắp mọi nơi trên thế giới để cung cấp cho nhu cầu của TSMC. Nhưng lỡ như Trung Quốc và Hoa Kỳ thực sự có chiến tranh, thì các nước ở Đông Nam Á (như Việt Nam) và Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Vì thế thay vì đặt chuỗi cung ứng ở bên ngoài có nguy cơ tiềm ẩn thì tốt hơn hết là đặt ở trong lãnh thổ Hoa Kỳ, có gì xảy ra cũng không sợ.

Từ quan điểm này, Hoa Kỳ đã đưa ra kế hoạch xấu nhất nhưng cũng lâu dài nhất và an toàn nhất.

Gần như cùng lúc, bà Kelly Craft - Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc và ông Lý Quang Chương (Li Guangzhang) - Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Loan tại New York, đã gặp nhau tại một nhà hàng ở New York, phía Mỹ cũng thông báo cho hãng tin AP để đưa tin. Bà Craft gọi bữa tối này là cuộc gặp "mang tính lịch sử" và bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Đài Loan quay trở lại Liên Hợp Quốc.

Tất nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để thực sự đạt được bước này. Xét từ quyền phủ quyết của chính quyền Trung Quốc trong hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) và việc Trung Quốc nắm giữ phiếu bầu ở các quốc gia vừa và nhỏ trong LHQ, Hoa Kỳ sẽ không dễ dàng mà làm được điều này, nhưng thái độ này của Hoa Kỳ có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc thực sự để cho Đài Loan tái gia nhập LHQ. Bởi vì chỉ cần Hoa Kỳ công nhận Đài Loan, nhiều đồng minh của Hoa Kỳ sẽ làm theo, chỉ cần Đài Loan có quan hệ bình thường với hàng chục quốc gia quan trọng nhất trên thế giới, thì việc gia nhập LHQ hay không cũng không thành vấn đề.

Lại một lần nữa, gần như cùng lúc, Hoa Kỳ chuẩn bị bán thêm 7 loại vũ khí tối tân cho Đài Loan để tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chính thức đặt tên cho loạt hành động mua bán quân sự này là "Pháo đài Đài Loan" và "Nhím gai Đài Loan." Sao lại là ‘pháo đài’? Pháo đài là công sự phòng thủ, một khẩu súng máy được đặt trong pháo đài có thể chặn được một con đường thông hành lớn. Vậy còn ‘nhím gai’ thì sao? Chính là nếu bạn không tấn công một con nhím, tất cả các gai trên cơ thể của nó đều thu lại, nhưng khi bị tấn công, những chiếc gai của nó sẽ dựng thẳng lên, nếu bạn muốn làm nó bị thương, bạn sẽ tự làm mình bị thương trước.

Nhìn vào hàng loạt hành động này của người Mỹ, từ ngoại giao đến quân sự, khoa học kỹ thuật đều đánh vào những chỗ hiểm, chiêu nào cũng đáng sợ. Chúng ta càng có thể hiểu được quan hệ Mỹ - Đài ngày nay đã phát triển đến mức nào. Trước đó, cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cũng nói rằng, trận chiến bắt đầu cũng chính là trận chiến kết thúc, ông Mã thề rằng Hoa Kỳ sẽ không thể can thiệp vào việc phòng thủ của Đài Loan. Nhưng bây giờ Hoa Kỳ không những đứng ra với tư cách làm hậu thuẫn cho Đài Loan, mà thậm chí còn vung tay, quyết tâm bảo vệ Đài Loan bằng mọi giá. Mã Anh Cửu không chỉ ngu ngốc, và ý định bán nước (Đài Loan) của ông ta cũng không hề che giấu, không có gì lạ khi Quốc Dân Đảng không những bị người Đài Loan từ chối, mà còn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là một kẻ tào lao.

Hong Kong và Đài Loan bên nắm chân hươu bên nắm sừng hươu, sự an toàn của Đài Loan cũng sẽ có lợi cho Hong Kong. Eo biển Đài Loan sóng to gió lớn, trước mắt sẽ có nhiều chuyện xảy ra, thế giới như một ván cờ, mỗi bước đi là một phen kinh tâm động phách, mỗi bước đi lại càng sáng tỏ hơn.

Tác giả: Nhan Thuần Câu (Yan Chungou)

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Đông Phương

Theo Secretchina.com

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Quan hệ Hoa Kỳ - Đài Loan tiến như vũ bão khiến chính quyền Trung Quốc ‘trợn tròn mắt’