Quân đội Trung Quốc liên tiếp gặp sự cố trong Hội thao Quân sự Quốc tế 2020

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong Hội thao Quân sự Quốc tế năm 2020 do Nga tổ chức từ ngày 23/8 đến ngày 5/9 vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phái bộ đội cùng chiến xa chủ lực và ưu tú 96B tới tham gia, nhưng liên tục để xảy ra các sự cố đáng xấu hổ. Đầu tiên là sai lầm cầm ngược cờ 5 sao của ĐCSTQ trong ngày đầu chào mừng cuộc thi; sau đó là vào trận bán kết ngày 30/8 môn phối hợp xe tăng (Tank Biathlon), xảy ra sự việc một lính pháo binh sau khi nhảy ra khỏi xe tăng bị ngất xỉu ngay tại chỗ. Đồng đội vội vàng kéo anh đi nhưng cảnh này đã được truyền hình trực tiếp.

Theo tờ Liberty Times của Đài Loan, thành tích của ĐCSTQ trong môn thi phối hợp xe tăng tại Hội thao Quân sự Quốc tế năm ngoái rất kém do liên tiếp mắc nhiều lỗi. Năm nay họ đã phái đi chiến xa chủ lực 96B tân tiến nhất nhằm mong lấy lại thể diện. Trong buổi thi đấu ngày 23/8, binh lính của Trung Quốc đứng đầu trong môn bắn súng, tuy nhiên, khi đoàn chiến xa 702 lấy lá cờ năm sao của ĐCSTQ ra để ăn mừng, họ không may lại làm trò cười khi cầm ngược cờ 5 sao. Những bức ảnh chụp được cảnh này đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội nước ngoài.

Ngoài ra, trong trận bán kết môn phối hợp xe tăng vào ngày 30/8, quân độ ĐCSTQ thi đấu với Belarus, Azerbaijan và Serbia. Nội dung môn thi yêu cầu tất cả các thành viên trong xe phải đi xuống và tập trung ở sau xe, sau đó chờ trọng tài ra hiệu lệnh bắt đầu. Không ngờ, một pháo thủ xe tăng số 703 của quân đội ĐCSTQ sau khi nhảy xuống xe, bước đi không ổn định, trong lúc quay lại nhìn đồng đội chờ xuống xe để tập trung thì thân thể run lên bần bật, chân mềm nhũn và ngã về phía sau. Khi anh ấy ngã xuống đất, đồng đội của anh bị ngớ ra và vội giơ tay ra đỡ. Toàn bộ cảnh tượng này đã được phát sóng trực tiếp.

Pháo binh Trung Quốc ngất xỉu trong cuộc thi quốc tế (ảnh chụp màn hình video)

Theo truyền thông chính thức của ĐCSTQ, Hội thao quân sự quốc tế là một hoạt động hợp tác và trao đổi quân sự quốc tế do Bộ Quốc phòng Nga khởi xướng và chủ trì, lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2013. Cuộc thi năm nay bắt đầu từ ngày 23/8 và lần lượt được tổ chức tại Nga, Belarus, Armenia, Azerbaijan và Uzbekistan với 156 đội đến từ hơn 30 quốc gia và khu vực tham gia. Các lực lượng binh chủng lục quân, không quân của ĐCSTQ tham gia 6 môn thi.

Trong đó, lục quân đã tham gia 5 cuộc thi gồm phối hợp xe tăng đồng đội (Tank Biathlon); cuộc thi “môi trường an toàn” giữa các đơn vị trinh sát bức xạ, hóa học và sinh học của binh chủng hoá học (Safe Environment); cuộc thi “lái xe thiện nghệ” giữa những người điều khiển xe quân sự (Masters of armored vehicles); cuộc thi giữa các đội trinh sát (Excellence troop intelligence); và cuộc thi giữa các đơn vị công binh cầu phà (Open water). Bộ đội không quân tham gia cuộc thi giữa các đơn vị lính nhảy dù (Airborne platoon).

Theo kênh truyền thông Người Quan Sát (guancha.cn) của ĐCSTQ, ngoài những sai lầm nêu trên, trong trận bán kết cuộc thi phối hợp xe tăng Tank Biathlon, xạ thủ nhóm xe tăng 702 thứ hai của ĐCSTQ còn "ba lần bắn trượt" vì lý do thể lực. Trong trận chung kết Tank Biathlon vào ngày 5/9, quân đội của ĐCSTQ bị phạt dừng lại do vi phạm luật.

Theo Chinanews, quân đội của ĐCSTQ đã giành vị trí thứ 2 trong 4 nội dung thi là xe tăng đồng đội, đơn vị công binh cầu phà, môi trường an toàn, lái xe thiện nghệ; giành vị trí thứ 3 trong 2 nội dung thi giữa các đội trinh sát và giữa các đơn vị lính nhảy dù. Nga, Trung Quốc và Belarus lần lượt là ba đội đứng đầu trong cuộc thi đồng đội.

Quân đội ĐCSTQ hủ bại, diễn luyện quân sự liên tục phơi bày những vấn đề nghiêm trọng

Quân đội ĐCSTQ thường mắc sai lầm trong các cuộc tập trận thực chiến và các cuộc thi đối kháng, qua đó cũng đã phơi bày các vấn đề nghiêm trọng của họ. Quân đội của ĐCSTQ có quy mô hàng đầu trên thế giới và chi tiêu quân sự của họ tăng lên qua từng năm. Tuy nhiên, khi ông Quách Bá Hùng (Guo Boxiong) và ông Từ Tài Hậu (Xu Caihou) kiểm soát quân đội, nạn tham nhũng trong quân đội của ĐCSTQ đã lan tràn và đây được coi là sát thủ số một ảnh hưởng đến hiệu quả chiến đấu của quân đội. Ngoài ra, môi trường xã hội hiện tại ở Trung Quốc đã khiến tỷ lệ sinh đẻ bị tăng trưởng âm, cộng thêm với chính sách kế hoạch hóa gia đình nhiều năm khiến nguồn binh sĩ thiếu trầm trọng. Những điều này cũng khiến ngoại giới liên tục nghi ngờ về thực lực thực sự của quân đội ĐCSTQ.

Vào tháng 7 năm 2017, truyền thông ĐCSTQ đã phát sóng bộ phim chuyên đề về cải cách quân sự và tiết lộ rằng vào tháng 5 năm 2014, tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa ở Nội Mông, 7 lữ đoàn thuộc 7 quân khu của Trung Quốc lúc bấy giờ tham gia thực chiến với lữ đoàn quân xanh chuyên nghiệp thứ nhất của Trung Quốc (đóng vai quân địch). Kết quả là 6-1, quân xanh thắng, và 6 lữ đoàn ‘mạnh’ còn lại đã thua thảm hại. Trong năm 2015, lục quân đã cử tổng cộng 29 lữ đoàn và trung đoàn tái đấu với lữ đoàn quân xanh và kết cả toàn bộ đều bị đánh bại.

Theo báo quân sự của ĐCSTQ, bộ phim chuyên đề này cho thấy việc 6 đội quân tinh nhuệ bị thất bại liên tiếp trong cuộc tập trận chính là động cơ trực tiếp khiến chính quyền ông Tập đẩy mạnh cải cách quân đội. Trong phim, ông Tập Cận Bình đã nói: "Thật đáng lo! Không có cải cách, quân đội không thể chiến đấu, không thể chiến thắng được".

Trong Hội thao quân sự quốc tế năm 2016, xe tăng tân tiến 96B của ĐCSTQ vốn rất được xem trọng đã bất ngờ đổ sang một bên vào thời điểm quan trọng của trận đấu. Xe tăng 96B trang bị vũ khí mới của Trung Quốc cũng bắn trượt mục tiêu trong cả 3 lần bắn liên tiếp.

Trong cuộc diễn tập quân sự ở nước ngoài vào tháng 5/2014, sau 2 ngày hành quân liên tục 234 km ngày đêm, 40 xe tăng của Trung Quốc lần lượt bị ‘nằm ổ’, cuối cùng chỉ sửa được 15 chiếc, khiến gần một tiểu đoàn chủ lực được trang bị không chiến mà cũng bị tiêu hao.

Ông La Vũ Tằng (Luo Yuceng), con trai thứ hai của cố Đại tướng sáng lập ĐCSTQ La Thụy Khanh (Luo Ruiqing), đã công khai tuyên bố rằng, kể từ khi Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho quân đội đàn áp [sự kiện Thiên An Môn] vào năm 1989, quân đội đã không còn năng lực chiến đấu. Ông La Vũ Tằng nói: "Quân đội của ĐCSTQ đã mất sức chiến đấu và mục nát thành bùn. Ông Tập Cận Bình hiểu rõ hơn ai hết".

Nếu chiến tranh nóng nổ ra...

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ liên tục tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang. Kể từ đầu năm nay, nước này đã chính thức chiếm đóng hầu hết các vùng biển ở Biển Đông và tuyên bố hoàn thành việc triển khai chiến tranh không gian chống lại Hoa Kỳ. Điều này đã khiến Hoa Kỳ phải đưa ra một loạt biện pháp đối phó toàn diện. Đồng thời lại khiến ngoại giới tập trung chú ý vào hiệu quả chiến đấu thực tế của quân đội ĐCSTQ.

Nhiều chuyên gia về Trung Quốc đang suy đoán nếu chiến tranh nóng thực sự xảy ra, một quân đội ĐCSTQ vốn nổi tiếng về tham nhũng, hủ bại và cường quyền, rốt cuộc sẽ đưa cho Trung Nam Hải bảng thành tích như thế nào. Hơn nữa, kể từ năm 1979, quân đội Trung Quốc chưa bao giờ ra chiến trường. Một số nhà quan sát quân sự nghi ngờ rằng, liệu các vị trí lãnh đạo của các đơn vị tác chiến như doanh trại bộ binh và doanh trại xe tăng có bị mua bằng tiền hay không. Mặt khác, quân đội Trung Quốc thực sự thiếu kinh nghiệm so với lực lượng Hoa Kỳ vốn thường xuyên có kinh nghiệm chiến đấu ở Afghanistan, Iraq và chống lại những phần tử khủng bố.

Ngoài ra, trang bị quân sự của ĐCSTQ cũng không mấy khả quan. Tàu sân bay Liêu Ninh, được cải tạo từ một tàu sân bay bị bỏ đi của Ukraine, đã đến thăm Hong Kong vào tháng 7 năm 2017. Tàu sân bay này bị cáo buộc có ít nhất ba sai sót chết người: tuổi thọ của thân tàu đã quá nửa; thân tàu có nguy cơ sứt mẻ cao; máy bay chậm không thể hình thành năng lực chiến đấu, v.v. Theo Trung tâm Phong trào Nhân quyền và Dân chủ có trụ sở tại Hong Kong, con tàu này "nó có thể dễ dàng bị đánh chìm".

Giáo sư Dư Mậu Xuân (Yu Maochun), hiện là cố vấn chính về kế hoạch và chính sách đối với Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nói với VOA rằng, hiện tượng mua bán quan chức tràn lan trong quân đội chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chiến đấu của quân đội ĐCSTQ. Ông Dư Mậu Xuân nói rằng, quân đội của ĐCSTQ không đánh giá nhân tài bằng đức độ mà đánh đổi bằng các mối quan hệ và tiền bạc. Những người chiến đấu, nhất là những người chỉ huy quân đội, phải dày dạn kinh nghiệm, có dũng khí chiến đấu và phải có trí tuệ. "Nếu dùng tiền để mua quan chức, khả năng chỉ huy tác chiến này sẽ yếu đi. Đây là điều hiển nhiên".

Ông Dư cũng cho rằng, các tướng lĩnh cấp cao như Từ Tài Hậu tham ô đến mức như vậy thì cho thấy chính quyền Trung Quốc có vấn đề từ gốc rễ căn bản. Tất nhiên, khi ông Tập Cận Bình ra tay ‘đả hổ’ trong quân đội, rất nhiều người vỗ tay và hoan hô, nhưng toàn bộ hệ thống chính trị của ĐCSTQ về cơ bản đang lâm vào tình trạng bán thân bại liệt. Vì Phó chủ tịch Quân ủy của 2 - 3 năm trước là quan chức tham nhũng lớn như vậy, đã trở thành một ‘lão hổ’ khiến nhiều sĩ quan không biết phải theo ai, phải cẩn thận dè chừng, vậy nên "đến lúc phải ra quyết định cũng không dám quyết, không biết tương lai ra sao. Giờ thì nhiều tướng lĩnh cấp cao trong quân đội đang hoang mang, lo sợ".

Ông Dư - "quân sư" phía sau bức màn của chính quyền Tổng thống Trump cũng cho rằng, tình hình chính trị rối ren do hệ thống phi dân chủ của Trung Quốc gây ra cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Minh Thanh

 

Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Quân đội Trung Quốc liên tiếp gặp sự cố trong Hội thao Quân sự Quốc tế 2020