Quan chức y tế Trung Quốc bất đồng về quan điểm 'chung sống với virus'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, dịch COVID-19 lại đang hoành hành ở Trung Quốc. Sau khi kêu gọi “chung sống với virus” và bị cựu Bộ trưởng Y tế Trung Quốc phản bác, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Thượng Hải lại tiếp tục đưa ra 10 kiến nghị khác và nói rằng tình hình dịch bệnh trong tương lai sẽ còn phức tạp hơn. Những nhận xét này nhận được nhiều sự chú ý.

Theo trang web của Ủy ban Y tế Trung Quốc, tính đến ngày 3/8/2021, Trung Quốc đã tiêm chủng hơn 1,7 tỷ liều vaccine COVID-19. Trong bối cảnh đó, virus biến thể Delta bùng phát ở Nam Kinh vẫn đang nhanh chóng lây lan sang nhiều tỉnh khác như Đại Liên và Bắc Kinh ở phía bắc, Chu Hải và Trung Sơn ở phía nam, và Thành Đô ở phía tây. Đến 9h tối ngày 7/8, nước này có 7 khu vực nguy cơ cao và 197 khu vực có nguy cơ, theo trang web chính phủ Trung Quốc.

Do đó, các chuyên gia cho rằng đợt dịch này không chỉ lây lan mạnh hơn mà còn lây lan nhanh hơn, ngay cả khi áp dụng các biện pháp như phong tỏa bắt buộc, cách ly bắt buộc, xét nghiệm axit nucleic bắt buộc thì chúng cũng có thể vô tác dụng.

Cách đây vài ngày, ông Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong), Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán Thượng Hải đã viết bài đề xuất rằng, Trung Quốc phải chuẩn bị cho việc “chung sống lâu dài với virus”. Bởi vì ông cho rằng đại dịch sẽ không kết thúc trong một thời gian ngắn, và có thể trong thời gian dài cũng không chấm dứt được.

Nhưng tuyên bố này ngay lập tức nhận được phản ứng từ cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Cao Cường (Gao Qiang). Ông Cao hiện là cố vấn chính của Hiệp hội Kinh tế Y tế Trung Quốc.

Ông Cao đăng bài trên tờ Nhân dân Nhật Báo ngày 5/8, nói rằng tuyệt đối không thể "chung sống với virus", bởi vì mối quan hệ giữa con người và virus là "có anh thì không có tôi, anh chết thì tôi sống". Ông nói rằng cảm thấy không thể tưởng tượng nổi khi một số chuyên gia Trung Quốc nói về sức mạnh kinh ngạc của virus biến thể Delta và rồi đề nghị xem xét chiến lược "chung sống lâu dài với virus".

Sau đó, nhiều kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng lần lượt chuyển tiếp bài báo của ông Cao, và chỉ trích "thuyết chung sống cùng virus" của ông Trương Văn Hồng là "bôi nhọ" đất nước.

Trước những lời chỉ trích này, ông Trương một lần nữa bày tỏ sự lo lắng về dịch bệnh trên tờ Tài chính Sina vào ngày 10/8. Ông nói: "Mặc dù tôi không muốn nói ra sự thật, nhưng tôi phải nói rằng tình hình tiếp theo sẽ càng phức tạp hơn".

Ông còn đưa ra 10 kiến nghị, như: Không được mất cảnh giác; cố gắng không ra ngoài nếu không có việc gì; rửa tay thường xuyên và phải đeo khẩu trang khi ra ngoài; có thể không đi công tác thì đừng đi; giữ khoảng cách nhất định với tất cả những người bên ngoài; đợi đến khi thuốc đặc trị hiệu quả đáng tin cậy nhất, v.v.

Cuối cùng, ông Trương nói rằng, "Cho đến nay, tôi nghĩ loại virus này là một trong những loại virus khó đối phó nhất trong lịch sử loài người".

Về màn đối đáp giữa ông Cao Cường và ông Trương Văn Hồng, ngoại giới suy đoán rằng đây giống như một tín hiệu được phát ra từ cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt giữa các lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Một số cư dân mạng đã để lại lời bình luận trên Weibo, như "Các quan chức hành chính không hài lòng với ông ấy (Trương Văn Hồng)!", "Bác sĩ Trương Văn Hồng đang nói với mọi người rằng không thể dựa vào chính phủ, phải tìm cách khác...".

Có cư dân mạng còn cho rằng ông Trương Văn Hồng cũng là một đảng viên, vậy nên "Đã là quạ thì đều đen, chỉ là Trương Văn Hồng ít đen hơn một chút. Sự thật thì Trương Văn Hồng có biết cũng không thể nói ra hết".

"Hai bên cấu véo nhau, nhưng cũng không có ai dám đề cập đến yếu tố do thể chế gây ra, cũng không dám thừa nhận vaccine kém hiệu quả".

"Tôi chỉ biết là bệnh dịch sẽ không cùng tồn tại với con người, nó giống như viên đạn, tới đây để đoạt mạng của những kẻ gây tội lỗi, xong việc thì sẽ rời đi”.

Theo thông tin công khai, ông Trương là Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Tổng thư ký Chi hội Bệnh Truyền nhiễm của Hiệp hội Y khoa Trung Quốc, đồng thời là Phó Chủ tịch Chi hội Bệnh Truyền nhiễm của Hiệp hội Y tế Dự phòng Trung Quốc. Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Hoa Sơn do ông lãnh đạo là một khoa trọng điểm của quốc gia, từng tham gia điều trị bệnh SARS và cúm gia cầm H7N9.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức y tế Trung Quốc bất đồng về quan điểm 'chung sống với virus'