Phóng viên của The Epoch Times bị theo dõi trong bối cảnh Hong Kong bị “kìm kẹp”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi phát hiện một người có hành động bất thường và một xe cảnh sát vây xung quanh trong những ngày gần đây, hai phóng viên của tờ The Epoch Times Hong Kong cho biết họ có khả năng đang bị nhân viên an ninh theo dõi.

Tờ The Epoch Times Hong Kong là một trong số ít hãng truyền thông độc lập ở Hong Kong, trong khi hầu hết các phương tiện truyền thông ở đây đều có quan điểm ủng hộ Bắc Kinh hoặc được Bắc Kinh tài trợ một phần.

Sarah Liang, phóng viên của The Epoch Times đồng thời là người dẫn chương trình trên kênh Youtube phổ biến của Hong Kong, với các bài phỏng vấn những nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng của đặc khu này, đã phát hiện thấy một người đàn ông trung niên mặc bộ vest đen quan sát cô khi cô đứng ở ngã tư đường gần khu sầm uất của Cheung Sha Wan vào ngày 10/8.

Sự việc xảy ra vào khoảng 2 giờ chiều, khi Liang chuẩn bị đi ăn tối với một người bạn. Người đàn ông, là một trong số ít người trên phố vào thời điểm đó, nói tiếng Quảng Đông qua điện thoại trong khi liếc về phía Liang. Liang cho biết cô đã hoảng hốt khi nhận thấy người đàn ông đi theo mình chỉ cách cô một sải tay và tiếp tục bám theo khi cô rẽ sang phải.

Liang bước vào một trung tâm mua sắm gần đó và giả vờ mua đồ để cắt đuôi. Từ trong nhìn ra, cô thấy anh ta bước đi vài bước thì tưởng anh đã rời đi. Một lúc sau, khi Liang bước ra ngoài, cô thấy rằng người đàn ông ấy đang đứng ở cửa, có vẻ như đang đợi cô. Sau khi Liang giao tiếp bằng mắt với anh ta, người đàn ông này lập tức quay người và vội vã bước đi. Liang đã chụp một bức ảnh sau lưng anh này sau khi anh ta rời đi.

Người đàn ông mặc áo đen theo dõi phóng viên Hong Kong ở khu vực Kowloon ngày 12/8/2020 (Sarah Liang/The Epoch Times)
Người đàn ông mặc áo đen theo dõi phóng viên Hong Kong ở khu vực Kowloon ngày 12/8/2020. (Ảnh: Sarah Liang/The Epoch Times)

Cùng ngày, một phóng viên khác sống trên đảo Hong Kong cũng phát hiện một chiếc xe cảnh sát đậu gần nơi ở của họ. Vụ việc xảy ra sau khi cảnh sát Hong Kong bắt giữ ông trùm truyền thông ông Jimmy Lai, 71 tuổi, người thành lập tờ báo ủng hộ dân chủ địa phương Apple Daily, vì bị tình nghi đã thông đồng với các lực lượng nước ngoài vi phạm luật an ninh mới của Bắc Kinh. Sau đó, khoảng 200 cảnh sát đã đổ bộ vào tòa soạn của tờ Apple Daily, cùng thời điểm áp giải ông Lai đi qua văn phòng.

Bắc Kinh siết chặt lãnh thổ sau khi trực tiếp áp đặt luật An ninh quốc gia, hình sự hóa các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với nước ngoài với mức án tù chung thân.

Nhiều người bạn khi nghe tin ông Lai bị bắt đã lập tức liên lạc với cô Liang để nhắc nhở cô hãy cẩn thận, cô Liang nói. Nhà hoạt động tự do Chu Đình trong một bài đăng trên Facebook cho biết trong những ngày gần đây, nhiều nhóm từ ba đến bốn người đàn ông đã thay phiên nhau tuần tra bên ngoài nhà cô từ sáng đến tối, điều này đặc biệt đáng chú ý vì cô sống ở một vùng nông thôn. Chu Đình cũng bị bắt vào ngày 10/8.

“Thật là sốc, nhưng tôi chỉ có thể tiếp tục làm những gì tôi tin tưởng”, Chu Đình viết vào ngày 9/8. Hoàng Chi Phong, một nhà hoạt động chủ chốt khác trong phong trào biểu tình ở Hong Kong, gần đây cũng đã viết về những chiếc ô tô và phương tiện cơ giới đáng ngờ đi theo anh.

Cô Liang cho biết do tình hình chính trị hiện tại, cô đã cảnh giác hơn bình thường, nhưng cô vẫn bị sốc khi có người theo dõi mình. Bằng cách gọi những gì cô ấy nghi ngờ là "chiến thuật hù dọa", cô hy vọng sẽ ngăn cản những người tiếp tay cho bầu không khí tồi tệ ở Hong Kong, cô ấy nói. “Tạo ra ‘khủng bố trắng’ như vậy cũng sẽ không có lợi cho bản thân họ,” cô nói trong một cuộc phỏng vấn.

Theo Chỉ số Tự do báo chí thế giới của Tổ chức phóng viên không biên giới, một cơ quan giám sát truyền thông quốc tế, xếp hạng tự do báo chí của Hong Kong đã trượt từ vị trí thứ 18 vào năm 2002 xuống thứ 80 vào năm 2020. Trung Quốc đại lục đứng thứ 177/180.

Luật An ninh quốc gia có hiệu lực vào đêm trước ngày 1/7 - đánh dấu kỷ niệm 23 năm ngày thuộc địa cũ của Anh trở lại dưới quyền cai trị của Trung Quốc - có “một số điều khoản có thể cản trở tác nghiệp của các nhà báo”, ông Steven Butler, Điều phối viên Chương trình châu Á của nhóm vận động Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York cho biết trong một tuyên bố vào ngày 11/8.

Luật An ninh quốc gia không mô tả rõ ràng các yếu tố cấu thành tội phạm. Một tuần sau, chính quyền Hong Kong cho biết luật này cho phép cảnh sát khám xét bất kỳ cơ sở hoặc thiết bị điện tử nào để tìm kiếm bằng chứng và nghe lén các cá nhân mà không cần lệnh của tòa án.

Cảnh sát đừng bảo vệ ở một khu mua sắm sau cuộc biểu tình vì từ dọ báo chí ở Hong Kong ngày 11/8/ 2020. (Getty Images)
Cảnh sát đứng bảo vệ ở một khu mua sắm sau cuộc biểu tình vì tự do báo chí ở Hong Kong ngày 11/8/2020. (Ảnh: Getty Images)

CPJ trích dẫn từ một cuộc khảo sát mà họ thực hiện gần đây đối với các nhà báo Hong Kong “Thật là nực cười nếu bạn cố đoán xem lằn ranh đỏ nằm ở đâu. Nếu chúng tôi làm điều đó, nghĩa là chúng tôi không thể làm gì. Họ có thể giải thích luật theo bất kỳ cách nào họ thích, theo bất kỳ cách nào phù hợp với mục đích của họ”, một biên tập viên giấu tên của một trang web tin tức Trung Quốc nói với CPJ.

The Epoch Times Hong Kong đã lên án hành vi quấy rối các nhà báo của họ trong một tuyên bố ngày 11/8, nói rằng vụ việc của Liang thể hiện một “sự chà đạp nghiêm trọng đối với tự do truyền thông”. Nó cũng kêu gọi sự chú ý nhiều hơn của quốc tế về tự do báo chí của Hong Kong và sự an toàn cá nhân của các nhà báo.

Thùy Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Phóng viên của The Epoch Times bị theo dõi trong bối cảnh Hong Kong bị “kìm kẹp”