Phẫu thuật ghép phổi làm dấy lên nghi ngờ đối với ‘Chương trình Hiến tạng quốc gia’ của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đầu tháng 3, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin về một loạt các ca ghép phổi “đầu tiên trên thế giới” cho bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán. Tất cả các báo cáo của Trung Quốc đều chỉ cung cấp thông tin ít ỏi và giống hệt nhau về nguồn gốc của phổi cấy ghép này: ‘hiến tặng của người bị chết não đến từ một tỉnh khác’. Hơn nữa, thời gian chờ đợi để tìm được những lá phổi phù hợp chỉ từ vài giờ cho đến vài ngày. Điều này càng làm dấy lên nghi ngờ đối với ‘Chương trình Hiến tạng quốc gia’ của Trung Quốc.

Ngày 29/2, ca ghép phổi đầu tiên trên thế giới đã được bác sĩ Chen Jingyu (Trần Tĩnh Du) tiến hành cho một bệnh nhân chẩn đoán nhiễm COVID-19 tại Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Sau đó, vào các ngày 1/3, 8/3 và 10/3 ba ca ghép phổi tương tự đã được thực hiện cho các bệnh nhân cao tuổi.

The Epoch Times đã gọi chủng virus corona mới gây bệnh COVID-19 là virus ĐSCTQ (virus Đảng Cộng sản Trung Quốc) bởi vì chính ĐCSTQ đã che giấu và lèo lái thông tin khiến cho virus này lây lan khắp Trung Quốc và gây ra đại dịch toàn cầu.

Tất cả những người được ghép tạng đều bị nhiễm virus ĐCSTQ nhưng lại có kết quả xét nghiệm âm tính tại thời điểm cấy ghép, các báo cáo của Trung Quốc cho biết. Phổi của họ đã bị tổn thương ở mức không thể phục hồi. Họ đã được đặt nội khí quản và hỗ trợ thở ECMO (thở oxy màng ngoài cơ thể) trước khi tiến hành cấy ghép tạng.

Tất cả các báo cáo của Trung Quốc đều cung cấp thông tin giống hệt nhau dù rất ít về nguồn gốc của phổi cấy ghép này: đó là hiến tặng của người bị chết não đến từ một tỉnh khác.

Hơn nữa, thời gian chờ đợi để tìm được những lá phổi phù hợp chỉ từ vài giờ cho đến vài ngày.

Ngày 29/2: Ghép hai lá phổi chỉ cần chờ chưa đến một ngày

Lấy ví dụ về ca ghép phổi do bác sĩ Chen Jingyu tiến hành tại Bệnh viện Nhân dân Vô Tích. Thời gian chờ đợi của một ca ghép hai lá phổi là chưa đến một ngày.

Một bệnh nhân 59 tuổi đã xét nghiệm dương tính với virus ĐCSTQ vào ngày 26/1. Ngày 7/2, ông được đặt nội khí quản và sau đó hỗ trợ thở ECMO vào ngày 22/2. Hai ngày sau, ông được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Truyền nhiễm Vô Tích, hiển nhiên là vẫn đang nhiễm virus.

Hiện chưa rõ vì sao bác sĩ Chen lại chăm sóc bệnh nhân này tại Bệnh viện Nhân dân Vô Tích.

Trong bài phỏng vấn với tờ Nhật báo Đô thị phương Nam (Southern Metropolis Daily), bác sĩ Chen đã cho biết quyết định cấy ghép tạng được đưa ra như thế nào. Ông Chen cho biết: “phổi của bệnh nhân bắt đầu chảy máu rất nhiều vào ngày 28/2. Toàn bộ phổi của bệnh nhân căng phồng lên và chứa đầy máu. Ông ấy gần như đã chết. Trong tình huống này, sau khi thảo luận với các chuyên gia cấp tỉnh, chúng tôi quyết định tiến hành cấy ghép phổi khẩn cấp. Thật trùng hợp là khi đó có một người hiến tạng”.

Một ngày sau, ngày 29/2, các lá phổi từ một người hiến tặng bị chết não đã được vận chuyển từ tỉnh Hà Nam cách Vô Tích 500 dặm theo đường “cổng xanh (vận chuyển nội tạng)”, tức là đường sắt cao tốc.

Ngay cả trong điều kiện bình thường thì việc tìm được một cặp phổi phù hợp trong vòng một ngày thực sự là một kỳ tích, chưa nói gì đến trong bối cảnh hỗn loạn do virus ĐCSTQ gây ra? Người hiến tạng là ai? Vì sao mà người hiến tạng lại bị chết não? Ai xử lý các quy trình hiến tặng nội tạng? Các thành viên trong gia đình người hiến tạng đối diện với việc này như thế nào? Có quá nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Những người hiến tạng “tìm kiếm” người nhận

Dường như có nhiều “người hiến tạng chết não” có những lá phổi hoàn hảo. Sau khi thực hiện ca ghép tạng, bác sĩ Chen trả lời www.thepaper.cn rằng đó là việc có thể thực hiện để giúp các bệnh nhân nhiễm virus ĐCSTQ. Ông cho biết “chúng ta có thể lựa chọn các bệnh nhân nặng ở Vũ Hán phù hợp với ghép phổi, những người có tỷ lệ ghép tạng thành công cao, những người đang trong độ tuổi 20, 30, 40 và 50. Chúng tôi muốn cứu sống họ bằng cách cấy ghép phổi”.

Liệu có phải ông Chen ám chỉ một quy trình kết hợp đảo ngược (người hiến tạng tìm kiếm người nhận tạng) vẫn đang diễn ra?

Hầu hết các nước thường có cơ sở dữ liệu của những người cần ghép tạng và họ phải đợi đến khi có một biến cố bất ngờ xảy ra với người đủ khả năng hiến tạng nhưng không qua khỏi, do vậy thời gian chờ đợi để có được nội tạng là vài tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm. Đặc biệt với những trường hợp cấy ghép phổi rất phức tạp thì thời gian chờ đợi thường tính theo năm.

Tuy nhiên, theo các bằng chứng do các nhà điều tra độc lập thu thập được thì ở Trung Quốc, quy trình hiến tạng lại diễn ra ngược lại và trở thành phổ biến từ năm 2000. Hiện tại họ có một cơ sở dữ liệu những người sống đang chờ người cần ghép tạng đến bệnh viện để tiến hành kiểm tra. Bất cứ ai phù hợp với nhóm máu và loại mô của người nhận tạng đều trở thành “người hiến tạng bị chết não”.

Ngày càng có nhiều ca ghép phổi và chỉ chờ đợi trong vài ngày

Trong tuần lễ sau ca ghép tạng ngày 29/2 đã có thêm nhiều báo cáo cho biết có thêm ba ca ghép thận được thực hiện cho các bệnh nhân cao tuổi.

Một bệnh nhân 73 tuổi, bị nhiễm virus ĐCSTQ, đang trên đường tiến hành ghép phổi tại Bệnh viện Nhân dân Vô Tích vào ngày 10/3 (ảnh chụp màn hình báo Tân Hoa Xã)

Ngày 10/3, ông Chen thực hiện ca ghép thận cho một bệnh nhân 73 tuổi bị nhiễm virus ĐCSTQ và mắc bệnh tiểu đường cũng như có vấn đề liên quan đến chức năng thận. Phổi của một người hiến tạng chết não được đưa từ Quảng Châu đến Vô Tích. Một lần nữa không có chút thông tin nào về người hiến tạng.

Cùng lúc đó, hai ca ghép phổi khác được tiến hành tại một bệnh viện khác cách Vô Tích 100 dặm.

Ngày 1/3, một phụ nữ 66 tuổi (đã xét nghiệm dương tính với virus ĐCSTQ vào ngày 31/1) đã trải qua ca cấy ghép hai lá phổi kép tại Bệnh viện Liên kết đầu tiên của Đại học Chiết Giang. Trưởng khoa ghép phổi, bác sĩ Han Weili đã thực hiện ca cấy ghép này.

Ngày 1/3/2020, Bệnh viện liên kết đầu tiên của Đại học Chiết Giang đã tiến hành ghép phổi cho một bệnh nhân 66 tuổi trước đó bị nhiễm virus ĐCSTQ (ảnh chụp màn hình báo cáo của thepapers.cn)

Ngày 8/3 cũng tại bệnh viện này, một bệnh nhân 70 tuổi, người phải dùng máy trợ thở ECMO từ 26/2, đã tiếp nhận hai lá phổi từ một người bị chết não từ tỉnh Giang Tây.

Số tạng hiến tặng thấp hơn nhiều so với số được cấy ghép

Với những người đã biết tới việc ghép tạng trái phép này từ năm 2000, điều này làm họ nhớ lại thời gian trước năm 2015 khi những tù nhân khỏe mạnh bị giết theo yêu cầu. Dưới áp lực của quốc tế, Trung Quốc đã phát động một “chương trình hiến tạng” và tuyên bố rằng tạng của tù nhân sẽ không được sử dụng sau ngày 1/1/2015.

Núp dưới cái tên mới “chương trình hiến tạng”, ngành công nghiệp cấy ghép tạng của Trung Quốc không ngừng công bố các ca phẫu thuật ghép tạng giữ kỷ lục thế giới. Năm 2017, con số ca ghép tạng chính thức đạt 10.783 ca ghép thận; 5.149 ca ghép gan, 299 ca ghép phổi và 446 ca ghép tim. Liệu rằng một chương trình hiến tạng mới chỉ hoạt động có vài năm có thể cung cấp đủ nguồn tạng cho 16.687 ca phẫu thuật ghép tạng?

Một bài báo đăng trên Xiaoxiang Morning Post có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam, đã công bố tổng số tạng hiến tặng trong 9 năm tại tỉnh này. Tính đến tháng 8/2019 đã có 2.233 người hiến tạng và đã hiến tặng 4.291 quả thận, 1.623 lá gan, 35 quả tim và 11 lá phổi.

Hãy xem xét các số liệu này một lần nữa. Tỉnh Hồ Nam có dân số gần 70 triệu người. Trong vòng 9 năm, chương trình hiến tạng này đã cung cấp 1,2 lá phổi/ năm. Trung Quốc có dân số là 1,4 tỷ người. Một phép tính nhanh sẽ cho thấy mỗi năm sẽ có 24 lá phổi được hiến tặng.

Tuy nhiên, số ca ghép phổi lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

Việc đăng ký ghép phổi của Trung Quốc do một bệnh viện bí mật quản lý

Bệnh viện Nhân dân Vô Tích là nơi bác sĩ Chen làm Phó Giám đốc, phụ trách công tác quản lý việc đăng ký các ca ghép phổi của Trung Quốc. Nhưng những thông tin đăng ký này không được tiết lộ cho công chúng.

Chúng ta có thể xem xét số liệu do truyền thông Trung Quốc đăng tải. Trong một bài báo xuất bản năm 2017, bác sĩ Chen chia sẻ về sự phát triển của ngành công nghiệp cấy ghép phổi tại Trung Quốc và ông cũng đưa ra biểu đồ cho thấy tổng số ca ghép phổi tính đến năm 2016 liên tục gia tăng.

Số ca ghép phổi hàng năm của Trung Quốc do Tiến sĩ Chen báo cáo vào năm 2017 (ảnh chụp màn hình báo cáo trên 112seo.com)

Ông Chen nói: “Bệnh viện Nhân dân Vô Tích đã thực hiện 70% số ca ghép phổi trên toàn quốc. Chỉ trong vòng hai tháng của năm 2016, mỗi tháng chúng tôi tiến hành 20 ca ghép phổi. Chúng tôi cũng đã thực hiện 6 ca ghép phổi trong vòng 24 giờ. Chúng tôi có ba nhóm khai thác phổi. Ít nhất đối với bệnh viện chúng tôi, việc ghép phổi được thực hiện rất thuần thục Đó là một phẫu thuật lồng ngực thông thường”.

Tổng số ca ghép phổi tại Trung Quốc trong năm 2017 và 2018 lần lượt là 299 và 403 ca.

Nhiều báo cáo điều tra độc lập đã từng chỉ ra rằng số liệu tạng hiến tặng và số cấy ghép của Trung Quốc không khớp nhau.

Số liệu thống kê của ISHLT: Trung bình mỗi năm mỗi trung tâm tiến hành 28 ca ghép phổi

Hiệp hội Cấy ghép Tim và Phổi Quốc tế (ISHLT) quản lý Cơ quan đăng ký cấy ghép tạng lồng ngực quốc tế (TTX), đã ghi chép chi tiết các ca ghép tim và phổi từ khoảng 300 trung tâm cấy ghép đạt chất lượng từ các nước có hệ thống hiến tạng phát triển. Nhưng không có một trung tâm ghép phổi nào của Trung Quốc cung cấp dữ liệu báo cáo cho cơ quan quản lý đăng ký này.

Trong khi dữ liệu đăng ký ghép tạng của Trung Quốc được coi là bí mật quốc gia và không được tiết lộ với công chúng thì số liệu của TTX lại được công bố rộng rãi cho công chúng tìm hiểu. Dữ liệu công bố trên trang mạng của ISHLT cho thấy tổng số ca ghép phổi do 139 trung tâm cung cấp là 3.936 từ 1/7/2017 đến 30/6/2018, tương đương với mỗi trung tâm thực hiện trung bình 28 ca mỗi năm.

Trung tâm Ghép phổi tại Bắc Kinh thực hiện 154 ca ghép phổi trong 18 tháng đầu tiên

Trung tâm ghép phổi thuộc Bệnh viện Hữu nghị Trung – Nhật thành lập vào tháng 3/2017 tại Bắc Kinh. Ông Chen là Phó Giám đốc Trung tâm này. Tính đến tháng 11/2018, Trung tâm đã thực hiện 154 ca ghép phổi. Bệnh viện đã rất tự hào công bố biểu đồ so sánh tăng trưởng số ca ghép phổi của mình với 10 trung tâm ghép phổi hàng đầu thế giới và cho rằng họ là trung tâm phát triển nhất trên thế giới.

Khối lượng ca ghép phổi của 10 trung tâm ghép tạng hàng đầu thế giới so với Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản (ảnh chụp màn hình báo cáo trên jian Khang.163.com)

Phán quyết của Tòa án: Cưỡng bức thu hoạch nội tạng vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc

Ngày 1/3/2020, Tòa án Độc lập về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã đưa ra phán quyết cuối cùng sau hai năm nghiên cứu bằng chứng và hàng loạt các phiên điều trần. “Các bệnh viện tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã tiếp cận được với rất nhiều người hiến tạng mà các bộ phận trong cơ thể họ có thể được lấy ra theo nhu cầu…Trong thời gian dài thực hiện việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc thực chất là lấy tạng của các học viên Pháp Luân Công, những người được xem là nguồn cung nội tạng chính – có thể là nguồn cung chủ yếu.

Liệu rằng việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã chấm dứt khi hệ thống hiến tạng mới này ra đời?

Tòa án cho rằng “Không có bằng chứng rằng việc đó (cưỡng bức thu hoạch nội tạng) đã chấm dứt và Tòa án đủ cơ sở để kết luận rằng việc đó vẫn đang tiếp diễn.

Trên thực tế, dữ liệu về một vài ca ghép phổi tại Trung Quốc trong đại dịch virus ĐCSTQ – một vài cặp lá phổi phù hợp/ tương thích được cung cấp chỉ trong một vài ngày – cho thấy rõ ràng là cái gọi là ‘chương trình hiến tạng’ của Trung Quốc đang giúp che đậy thực trạng cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở nước này.

Bác sĩ phẫu thuật ghép phổi hàng đầu Trung Quốc, ông Chen Jingyu, là một người dùng tích cực trên WeChat. Ông có 985.000 người theo dõi. Ông thường đăng ảnh các ca ghép phổi và thậm chí phát trực tiếp các ca cấy ghép ấy.

Trong khi thế giới đang vật lộn với sự lây lan của virus ĐCSTQ, bác sĩ phẫu thuật ghép phổi hàng đầu Trung Quốc lại rất bận rộn đi khắp cả nước để tiến hành các ca cấy ghép phổi. Ngày 12/3, ông Chen đi đến tỉnh Tứ Xuyên và thực hiện hai ca ghép phổi trong ngày hôm đó. Hai người nhận phổi đều 66 tuổi. Điều không thể tưởng tượng là, có đến “hai người hiến tạng bị chết não” được tìm thấy tại cùng một bệnh viện ở Trùng Khánh vào ngày 11/3.

Bác sĩ Jacob Lavee, Giám đốc Phòng cấy ghép tim tại Trung tâm Y tế Sheba, Israel và là thành viên sáng lập Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng, đã bình luận về các ca cấy ghép gần đây gửi tới The Epoch Times qua email rằng: “Ngoài việc thời gian chờ đợi để tìm được người hiến phổi phù hợp là ngắn bất thường, thì việc phân bổ lá phổi cho các bệnh nhân tại thời điểm này cũng là quyết định bất thường vì điều này có thể dẫn đến những thách thức về mặt chuyên môn. Tuy nhiên, điều này chắc chắn hé lộ một thực tế là họ có một nguồn cung phổi dồi dào, hoặc họ có một động cơ mãnh liệt muốn trở thành nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực khoa học”.

Tuệ Minh

Theo The Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Phẫu thuật ghép phổi làm dấy lên nghi ngờ đối với ‘Chương trình Hiến tạng quốc gia’ của Trung Quốc