Phân tích: Vì sao Bắc Kinh cấp tốc thâu tóm Hong Kong?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách đây vài ngày, Trung Quốc đã công bố dữ liệu cuộc điều tra dân số toàn quốc lần thứ 7. Tuy nhiên trong đó có khá nhiều nghi ngờ và sơ hở khiến ngoại giới liên tục đưa ra các phân tích và giải thích. Từ dữ liệu dân số của tỉnh Quảng Đông, có chuyên gia đã phân tích lý do Bắc Kinh phải cấp tốc thâu tóm Hong Kong.

Ông Du Thanh Nguyên (Yau Ching Yuen), cựu Phó tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Hong Kong (Hong Kong Economic Journal) và là người sáng lập kênh truyền thông trực tuyến Post 852, đã phân tích một trong những dữ liệu dân số quan trọng trong công bố điều tra của Trung Quốc, để giải thích lý do tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại sợ Hong Kong xảy ra biến cố, nên đã thông qua Luật An ninh Quốc gia để đàn áp mạnh mẽ, thay đổi hệ thống bầu cử ở Hong Kong, thậm chí còn chuẩn bị ban hành "Luật Tin tức giả" để đàn áp ngôn luận.

Dữ liệu dân số của Quảng Đông cho thấy những lo lắng của ĐCSTQ

Vào ngày 11/5, ông Du Thanh Nguyên đã phân tích trên kênh Youtube cá nhân rằng, dữ liệu quan trọng mà ông nhắc đến là dân số của tỉnh Quảng Đông. Vì dữ liệu này rất đáng kinh ngạc, hơn nữa Hong Kong và Quảng Đông có quan hệ cực kỳ mật thiết với nhau về mọi mặt nên chính quyền trung ương coi đây là điều siêu nhạy cảm.

Theo kết quả của cuộc điều tra dân số vừa được công bố, dân số Trung Quốc hiện nay là 1,41178 tỷ người, tăng 72,06 triệu người (5,38%) so với năm 2010.

Trong đó, có thể nói tỉnh Quảng Đông là tỉnh đặc biệt nhất, có dân số thường trú đứng đầu toàn Trung Quốc trong 14 năm liên tiếp. Tỉnh này có tới 126 triệu người, tăng 21,71 triệu người so với năm 2010, chiếm 2/7 tổng số dân tăng lên so với toàn quốc, tương đương với việc trong hơn một thập kỷ có số dân tăng lên gần bằng dân số Đài Loan; mức tăng dân số đạt tới 20,81%, bằng bốn lần mức trung bình của cả nước này.

Về vấn đề này, ông Du nói rằng chính quyền trung ương Bắc Kinh rất sợ Hong Kong xảy ra biến cố, vì Hong Kong có ảnh hưởng rất lớn đến Quảng Đông. “Thậm chí có thể nói rằng nếu không có sự giúp đỡ của Hong Kong thì sẽ không có Thâm Quyến hay thậm chí cả Quảng Đông ngày nay”. Công cuộc cải cách và mở cửa năm đó bắt đầu ở Quảng Đông, cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng nói “gần chùa thì được ăn oản”, là ám chỉ Quảng Đông ở gần Hong Kong - cửa ngõ đối ngoại duy nhất của Trung Quốc vào thời điểm đó, vậy nên phải bắt chước mô hình phát triển của Hong Kong. Ngày nay, Thâm Quyến được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”, Hong Kong và người Hong Kong đã có những đóng góp đáng kể vào đó. Tuy nhiên, một số nhân tố “tiêu cực” trong mắt các nhà lãnh đạo ĐCSTQ cũng đã tiến vào Trung Quốc qua cửa ngõ này.

Cùng ngôn ngữ cùng chủng người, Hong Kong có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và văn hóa của Quảng Đông

Ông Du nói rằng, người Hong Kong có họ hàng ở khắp Quảng Đông, và mọi người đều nói tiếng Quảng Đông, cùng nói một ngôn ngữ cùng là một chủng người. Về mặt văn hóa, khắp Quảng Đông đang xem truyền hình Hong Kong và nghe các bài hát thịnh hành của Hong Kong. "Vì vậy, bất kể về huyết thống, kinh tế hay văn hóa, ảnh hưởng của Hong Kong đối với Quảng Đông là rất lớn. Do đó (ĐCSTQ) phải cưỡng chế đàn áp văn hóa của Hong Kong".

Trong vài năm qua, khi ĐCSTQ vi phạm lời hứa "Một quốc gia, hai chế độ” và từng bước đoạt “quyền quản chế toàn diện" của Hong Kong, cuộc đấu tranh vì dân chủ và tự do của người dân Hong Kong đã nổi lên mạnh mẽ, và họ đã truyền đi thông điệp tới tất cả mọi người dân ở các khu vực trên thế giới thông qua vị thế "cửa ngõ thế giới" của mình. Ông Du nói rằng, nếu vụ việc ở Hong Kong ảnh hưởng đến Quảng Đông - tỉnh lớn nhất Trung Quốc, thì dù bị ảnh hưởng về mặt chính trị hay kinh tế, "đó sẽ là một mối đe dọa lớn đối với chính quyền trung ương".

Quảng Đông là nơi khởi nguồn của cải cách và cách mạng?

Trước hết, về mặt chính trị, trong khoảng 100 năm trở lại đây, có 2 người Quảng Đông là ông Hồng Tú Toàn đã sáng lập "Thái Bình Thiên quốc" và ông Tôn Trung Sơn đã lập nên "Trung Hoa Dân Quốc". Ngay cả cuộc biến pháp “Bách nhật Duy tân” năm Mậu Tuất 1898 cuối thời nhà Thanh cũng do hai người gốc Quảng Đông là Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đề xướng.

“Nói cách khác, trong 100 năm qua, dù là cải cách (reform) hay cách mạng (revolution) ở Trung Quốc thì cũng đều do người dân Quảng Đông khởi xướng. Cũng có nghĩa là, Quảng Đông, một tỉnh siêu lớn với dân số 126 triệu người, hoàn toàn có đủ điều kiện để phát động các vụ việc lớn gây chấn động tới trung ương (ĐCSTQ)”, ông Du phân tích.

Kết hợp với vị trí then chốt của Quảng Đông trong nền kinh tế, càng khiến chính quyền Bắc Kinh sợ hãi hơn. Quảng Đông là khu kinh tế lớn nhất, nộp thuế nhiều nhất của Trung Quốc, còn có Thâm Quyến - thành phố trọng điểm công nghệ cao mà chính quyền trung ương chú trọng nhất. “Bây giờ mọi thứ đều phụ thuộc vào Thâm Quyến, nếu không thì làm thế nào mà thắng được 'đế quốc Mỹ'? Vì phải phụ thuộc vào công nghệ cao".

Quảng Đông có dân số ngang với Nhật Bản, là “quốc trung chi quốc”

Sức mạnh kinh tế thực tế của Quảng Đông có thể thấy rõ ràng từ dữ liệu quốc tế: Quảng Đông có dân số 126 triệu người, ngang bằng với Nhật Bản và dân số Nhật Bản đứng thứ 11 trên thế giới. Năm ngoái, GDP của Quảng Đông xấp xỉ 1,6 nghìn tỷ USD, chưa bằng 1/3 GDP của Nhật Bản, nhưng cao hơn mức 1,5 nghìn tỷ USD của Hàn Quốc - quốc gia có dân số hơn 50 triệu người.

Ông Du Thanh Nguyên chỉ ra rằng, nền kinh tế Quảng Đông hùng mạnh đến mức nó có thể được gọi là một “quốc trung chi quốc" (tức là một quốc gia nhỏ nằm trong một quốc gia lớn). "Nếu về mặt chính trị [Quảng Đông] chống lại chính quyền trung ương, đó sẽ là một điều rất khủng khiếp (đối với ĐCSTQ) và người dân Hong Kong sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến điều đó".

Ông cho rằng, việc Quảng Đông xuất hiện “ly khai”, trong lịch sử cũng đã xuất hiện không ít lần, Chiến tranh Nha phiến cũng nổ ra ở Quảng Đông. Mười năm trước, vào năm 2011, ở tỉnh Quảng Đông xảy ra sự kiện làng Ô Khảm (Wukan), mỗi người một phiếu bầu ra trưởng thôn và bí thư ủy ban thôn, tất nhiên sau đó họ cũng bị lật đổ, tương tự như ở Hong Kong. Ông Trịnh Nhạn Huy (Zheng Yanxiong), Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Hong Kong đương nhiệm, là người gốc Sán Vị, Quảng Đông, cũng là người chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc Ô Khảm năm đó. Ông Du nói rằng, “[Trịnh Nhạn Huy] cứ y vậy mà làm, năm đó giải quyết vụ Ô Khảm thế nào, thì giờ giải quyết Hong Kong như thế”.

Hơn nữa, nếu sự bất mãn của người Quảng Đông lan đến Quảng Tây, tỉnh có dân số 50 triệu người và có ngôn ngữ cũng như chủng người khá tương đồng, rồi đến Phúc Kiến, Hồ Nam, và thậm chí các khu vực phía nam sông Trường Giang, ông Du chỉ ra rằng, không loại trừ khả năng tới lúc đó sẽ tái diễn cảnh "Đông Nam tương trợ” của Liên quân tám nước, thực sự sẽ tạo ra một thực thể chính trị bán độc lập.

Liên quân tám nước là liên minh của tám quốc gia đế quốc gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Nga và Áo-Hung. Họ hợp lại nhằm chống lại sự nổi dậy của Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn tập kích vào các sứ quán của tám quốc gia này ở Trung Quốc năm 1900-1901. Liên quân tám nước đã dập tắt Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn và đóng quân ở Bắc Kinh.

Trong phân tích cuối cùng, ông Du chỉ ra rằng chính quyền trung ương Bắc Kinh có thể đã coi Hong Kong là “nguồn gốc của sự hỗn loạn dân sự”, nhưng đồng thời vẫn phải sử dụng Hong Kong để phát triển Khu vực Vịnh Lớn [Quảng Đông - Hong Kong - Ma Cao]". Khi Hong Kong tiếp tục đóng vai trò "cỗ máy rút tiền", Bắc Kinh cũng sẽ tiếp tục nắm chắc quyền quản chế tổng thể Hong Kong hơn, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng chính trị của nó lan sang Quảng Đông và cả Trung Quốc. ĐCSTQ không những muốn người Hong Kong đồng hóa với người đại lục, mà còn muốn “thúc đẩy tiếng phổ thông, xóa bỏ tiếng Quảng Đông” và biến người Hong Kong thành “người nói tiếng phổ thông”. Như vậy Bắc Kinh mới thực sự cảm thấy thoải mái và yên tâm.

Đông Phương

Theo Vision Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Phân tích: Vì sao Bắc Kinh cấp tốc thâu tóm Hong Kong?