Ông Tập tuyên bố không chấp nhận các 'lên lớp về nhân quyền'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) qua video diễn ra vài ngày trước, hai bên đã đối đầu gay gắt trong vấn đề nhân quyền. Các nhà lãnh đạo EU đã nêu ra vấn đề nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, ông Tập tuyên bố sẽ không tiếp nhận các ‘lên lớp về nhân quyền’.

Trước vấn đề này, một số học giả chỉ ra rằng chỉ khi quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sụp đổ, Trung Quốc mới có thể coi trọng nhân quyền.

Theo truyền thông đưa tin, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - EU qua video diễn ra vào ngày 14/9, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rằng, Luật An ninh Quốc gia Hong Kong tiếp tục làm gia tăng các mối lo ngại. Ông nói: “EU và các nước thành viên của chúng tôi đều có chung quan điểm. Tiếng nói dân chủ của Hong Kong cần phải được lắng nghe, các quyền lợi cần phải được bảo vệ và quyền tự chủ phải được duy trì”. Ông kêu gọi ĐCSTQ giữ lời hứa với người dân Hong Kong và cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu ông Tập trả tự do cho ông Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), một chủ hiệu sách quốc tịch Thụy Điển và hai công dân Canada đang bị ĐCSTQ giam giữ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, kiêm Chủ tịch luân phiên EU cho rằng, hai bên cần đối thoại chân thành về các vấn đề như Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong.

Ngày 15/9, tờ Tân Hoa Xã đưa tin về vấn đề nhân quyền mà EU nêu ra, ông Tập đáp trả rằng Trung Quốc không chấp nhận “việc lên lớp” về nhân quyền và phản đối "tiêu chuẩn kép".

Ông Lý Dậu Đàm (Li Youtan), Giáo sư khoa học chính trị của Đài Loan, nói với Đài Á Châu Tự do (RFA): "Châu Âu căn bản là xem nhẹ việc ĐCSTQ đã phát triển lên ‘Tập quyền phiên bản 2.0’. Châu Âu đã không theo kịp cuộc chiến chống lại ĐCSTQ do Hoa Kỳ lãnh đạo. Cho đến nay, họ chỉ đang nói về thương mại, về nhân quyền một cách qua loa và không có tác dụng gì cả, chẳng khác gì bảo hổ lột da, không có sự rõ ràng. Chỉ khi quyền lực của ĐCSTQ sụp đổ thì họ mới coi trọng nhân quyền".

Ông Thành Thế Quang (Cheng Shiguang), nhà bình luận thời sự của Đức, nói với RFA rằng: "Ông Tập Cận Bình nói rằng ông ấy sẽ không chấp nhận việc Châu Âu lên lớp về nhân quyền", và bên kia cũng tuyên bố rằng "chúng tôi không chấp nhận điều này". Nếu cuộc đối thoại này không còn hiệu quả, tại sao chúng ta phải đối thoại với nó (ĐCSTQ) chứ!".

Ông Thành chỉ ra rằng, điểm yếu lớn nhất của EU, bao gồm cả Đức, trong việc đối phó với ĐCSTQ, là chỉ nói về các vấn đề nhân quyền một cách trừu tượng mà không có các yêu cầu và lệnh trừng phạt cụ thể. Ông nói: "Chúng tôi kêu gọi châu Âu không chỉ đưa ra những nguyên tắc trừu tượng mà còn phải đưa ra những yêu cầu, quy trình cụ thể và một số chế tài nhất định đối với vấn đề nhân quyền. Điều này là để ông Tập biết rằng, chúng ta đây không chỉ là nói suông, chúng ta cũng không phải là "thầy giáo lên lớp" ai cả. Luật chơi yêu cầu đôi bên phải bình đẳng”.

Ông Thành cũng chỉ trích việc bà Merkel chỉ đề cập đến nhân quyền trong 10 giây khi bà nói rằng: "Chúng tôi rất thất vọng".

Andreas Fulda, chuyên gia về quan hệ EU - Trung Quốc tại Đại học Nottingham, Vương quốc Anh, cũng chỉ trích bà Merkel trên mạng xã hội vì đã chỉ nói nhiều về cơ hội gia tăng bán rượu vang và bia của Đức sau khi đạt được Thỏa thuận chỉ dẫn địa lý mốc giữa Trung Quốc - EU (EU-China Landmark Geographical Indications Agreement), chứ lại không tập trung giải quyết sự thống trị độc tài của ĐCSTQ. Điều này thật đáng xấu hổ.

Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh video Trung Quốc - EU, Hiệp hội các dân tộc bị đe dọa của Đức (GfbV) đã kêu gọi các nước EU có thái độ nhất quán về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc (ĐCSTQ) và tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 nếu cần thiết.

Tại một cuộc biểu tình tổ chức vào ngày 14/9, người đứng đầu Hiệp hội trên là ông Ulrich Delius, đã tuyên bố: " Chính sách theo hiểu biết của Merkel nên nhường chỗ cho một chính sách tôn trọng nhân quyền và các giá trị châu Âu, hơn nữa là không sợ xung đột".

Theo Vaticannews, ngày 14/9, bên ngoài phủ Thủ tướng Liên bang Đức, Hiệp hội các dân tộc bị đe dọa của Đức, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới (World Uyghur Congress), Tổ chức Hỗ trợ Quốc tế cho Tây Tạng (International Campaign for Tibet), Sáng kiến ​​Ilham Tohti và Liên đoàn Người Hong Kong tại Đức (Hongkonger in Deutschland Verein) và các tổ chức khác đã tổ chức hoạt động biểu tình để phản đối cuộc đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc.

Mặc dù biểu hiện của các nhà lãnh đạo EU về vấn đề nhân quyền tại Hội nghị thượng đỉnh này đã bị chỉ trích, ngoại giới nhìn chung vẫn tin rằng lập trường của EU đối với ĐCSTQ đã dần trở nên cứng rắn.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Michel cho biết trong một cuộc họp báo sau hội nghị: "EU là một đối thủ cạnh tranh, không phải một đấu trường". Ông đề cập rằng, gần đây châu Âu ngày càng cảm thấy rằng ĐCSTQ đã không giữ lời hứa về các vấn đề thương mại công bằng và tự do.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen cho biết tại cuộc họp báo rằng, thái độ của EU là "rất nghiêm túc" trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc và dỡ bỏ các rào cản liên quan. Bà cho rằng, nếu Bắc Kinh muốn đạt được mục tiêu hoàn thành đàm phán thỏa thuận đầu tư Trung Quốc - EU vào cuối năm nay, họ phải thuyết phục EU và nhượng bộ để tái cân bằng sự bất bình đẳng thị trường và dỡ bỏ các rào cản thương mại.

Bà Merkel tuyên bố rằng, bà và hai nhà lãnh đạo EU khác đã gây áp lực với ông Tập trong cuộc họp, yêu cầu ông làm rõ liệu ông có thành tâm hy vọng ký một thỏa thuận đầu tư với EU hay không. "Nhìn chung, hợp tác với Trung Quốc phải dựa trên những nguyên tắc nhất định - cùng có lợi và cạnh tranh bình đẳng. Chế độ xã hội của chúng ta khác nhau, nhưng vì chúng ta đều cam kết phát triển chủ nghĩa đa phương, nên điều này phải dựa trên các quy tắc", bà Merkel cho biết.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã khẳng định, Trung Quốc và EU sẽ hoàn thành mục tiêu đàm phán Hiệp định Đầu tư Trung Quốc - EU vào cuối năm nay. Điều này rõ ràng là phóng đại kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU.

Minh Thanh

Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập tuyên bố không chấp nhận các 'lên lớp về nhân quyền'