Ông Tập không dùng vũ lực tấn công Đài Loan là vì TSMC?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quan chức tình báo Mỹ cho rằng ông Tập Cận Bình chưa tấn công Đài Loan bằng vũ lực là vì lo ngại việc này sẽ phá hủy dây chuyền sản xuất TSMC và ảnh hưởng đến ngành công nghệ của Trung Quốc. TSMC là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, dưới tác động của dịch bệnh, chuỗi cung ứng toàn cầu đều đang bị ảnh hưởng.

The New York Times đưa tin hôm 8/6, các quan chức tình báo Mỹ cho rằng ông Tập Cận Bình có sự do dự nhất định khi xem xét các hành động quân sự, một phần vì động thái này có thể phá hủy dây chuyền sản xuất của TSMC, từ đó phá vỡ chiến lược công nghệ và viễn thông của Trung Quốc. Một quan chức tình báo cho biết, đối với ông Tập thì rủi ro này phải trả "cái giá quá lớn".

Bài báo chỉ ra rằng, Thượng viện Hoa Kỳ sẽ thông qua dự luật chính sách sản xuất công nghiệp toàn diện nhất và sẽ đẩy nhanh việc tách rời hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, tức là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới Hoa Kỳ (USICA) năm 2021 hôm thứ Ba (8/6). Đạo luật này sẽ thúc đẩy việc đầu tư 250 tỷ đô-la Mỹ vào sản xuất và công nghệ ở Hoa Kỳ, vì ngành này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Trước khi Đạo luật được thông qua, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đã chỉ ra: "Dự luật có nghĩa là chúng tôi sẽ đầu tư vào máy tính lượng tử hoặc trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu hoặc lưu trữ y sinh học và sau đó cho phép khu vực tư nhân có được kiến ​​thức liên quan và tạo ra việc làm". Ông nói thêm, "Đây là những lĩnh vực chủ đạo mà chúng ta phải nghiên cứu. Đây là những lĩnh vực có tiềm năng phát triển công nghiệp và tạo ra tăng trưởng việc làm rất lớn”.

Vì ngành công nghệ cao, thế giới sẽ không để quốc đảo bị tàn phá

Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin ngày 8/6, ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Sở Nghiên cứu Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan cho biết, trong điều kiện bị kiểm soát về công nghệ, khả năng tiếp cận công nghệ chip xử lý tiên tiến của Trung Quốc cũng bị hạn chế. Việc Hoa Kỳ ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc có được chip là rất chính xác, nhưng mới chỉ có Huawei. Các nhà sản xuất điện thoại di động khác của Trung Quốc vẫn có thể mua được chip 7nm và 5nm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là công nghệ sản xuất chip hoàn toàn bị chặn, vậy nên nếu TSMC bị oanh tạc thành đống đổ nát, Trung Quốc sẽ vẫn không thể có được chip.

Ông Tô chỉ ra rằng, vị trí then chốt của TSMC trong lĩnh vực bán dẫn cho phép Đài Loan có được "cửa sổ" chiến lược trong vùng xám.

TSMC đã thông báo vào tháng 5 năm ngoái rằng họ sẽ đến Arizona để xây dựng công xưởng sản xuất đĩa bán dẫn (wafer) 12 inch. Reuters đã trích dẫn một nguồn tin vào tháng 5 năm nay cho biết, "TSMC đang có kế hoạch mở rộng nhà máy ở Arizona và xây dựng thêm 5 xưởng sản xuất đĩa bán dẫn khác".

Ngoài ra, vào tháng 2 năm nay TSMC đã thông báo rằng họ sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Nhật Bản, và có thể liên doanh với Tập đoàn Sony của Nhật để thành lập một nhà máy sản xuất đĩa bán dẫn tại tỉnh Kumamoto, Kyushu, Nhật Bản. Bên cạnh đó, Liên minh Châu Âu cũng đã bày tỏ thiện chí với TSMC vào tháng 4 năm nay, họ hy vọng TSMC sẽ sang Châu Âu để xây dựng nhà máy sản xuất đĩa bán dẫn.

Vào tháng 5 năm nay, Chủ tịch TSMC Lưu Đức Âm (Mark Liu) đã nhận lời phỏng vấn với Đài truyền hình CBS tại Hoa Kỳ. Ông Lưu chỉ ra rằng, "Do thế giới phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các ngành công nghệ cao của Đài Loan, vậy nên thế giới sẽ đảm bảo rằng chiến tranh sẽ không nổ ra ở Đài Loan, nếu không sẽ gây tổn hại đến lợi ích của tất cả các nước trên thế giới".

Ông Hoàng Sùng Triết (Huang Chongzhe), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tài chính Đài Loan, cho rằng từ sự thiếu hụt chip lần này trong ngành ô tô, có thể thấy không chỉ chip của TSMC mà toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn ở Đài Loan đã liên đới tới việc làm của vô số người trên thế giới.

Nếu không dùng vũ lực, Bắc Kinh còn con bài nào khác?

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nhậm Trọng Đạo (Ren Zhongdao) của tổ chức tư vấn chính trị kinh tế Thiên Quân (Tianjun) đã có một số phân tích trong bài viết “Tập Cận Bình chuẩn bị cho chiến tranh? Mọi người phải cảnh giác với những tín hiệu kinh tế bất thường". Ông chỉ ra rằng ông Tập có thể không dám tiến hành chiến tranh nóng, tức là đánh trận bằng súng thật và tên lửa đạn đạo, nhưng đằng sau đó đã sớm bí mật dàn xếp để gây chiến bằng các loại hình chiến tranh khác.

Ông lấy ví dụ, sản lượng ngũ cốc mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố trong 10 năm qua luôn là một “mùa màng bội thu”, nhưng dân số Trung Quốc lại giảm dần từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên, theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, số lượng ngũ cốc nhập khẩu trừ đi lượng xuất khẩu trong năm 2020 của nước này là 139 triệu tấn, tăng 29,9% so với năm 2019.

Vào ngày 7/5 năm nay, dữ liệu do Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy lượng nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 4 là 50,79 triệu tấn, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm trước. Nếu Trung Quốc tiếp tục mua lương thực từ thị trường quốc tế với tốc độ như vậy, tới cuối năm nay một nửa lượng lương thực của thế giới sẽ nằm trong tay nước này. Điều này sẽ đẩy nhanh tốc độ cạn kiệt nguồn dự trữ lương thực toàn cầu và khiến thế giới đại loạn.

Giá lương thực toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Theo số liệu mới nhất do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) công bố, chỉ số giá lương thực đã tăng 12 tháng liên tiếp, đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2011.

Theo FAO, việc giá dầu thực vật, đường và ngũ cốc tăng vọt đã đẩy chỉ số giá lương thực tăng. Nạn hạn hán tại các khu vực trồng trọt chính của Brazil đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng của ngô, cà phê và các loại cây trồng khác. Trong số các loại ngũ cốc chính, chỉ số giá ngô tăng mạnh nhất.

Lần cuối cùng giá lương thực toàn cầu tăng vọt là vào năm 2011, khi đó đã gây ra hỗn loạn ở hơn 30 quốc gia.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập không dùng vũ lực tấn công Đài Loan là vì TSMC?