Ông Tập giao cho CAC nhiệm vụ mới: Giám sát các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

CAC (Cyberspace Administration of China) là Cục quản lý Không gian mạng Trung Quốc. Đây là cơ quan giám sát Internet do đích thân ông Tập Cận Bình thành lập trong nhiệm kỳ Tổng bí thư đầu tiên. Cơ quan này hiện đang được giao một nhiệm vụ mới: Giám sát các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ.

Truyền thông Mỹ đưa tin, ông Tập Cận Bình đã giao cho CAC 3 nhiệm vụ. Hôm thứ Năm (8/7), tờ The Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin cho biết, CAC sẽ phải báo cáo công tác với nhóm lãnh đạo trung ương của ông Tập Cận Bình; phụ trách điều tiết các cơ quan tăng cường giám sát các công ty niêm yết ở nước ngoài (đặc biệt là ở Hoa Kỳ); đóng vai trò chủ đạo trong việc thắt chặt các quy tắc niêm yết ở nước ngoài trong tương lai.

Công tác giám sát hỗn loạn, Didi là nạn nhân?

Trước khi phát hành lần đầu ra công chúng (IPO), gã khổng lồ ứng dụng gọi xe “Didi Chuxing” đã nhận được thông tin hỗn loạn từ các cơ quan khác nhau của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trước đó, The Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin nói rằng, mặc dù CAC đã đưa ra cảnh báo an ninh mạng cho Didi, nhưng về cơ bản, các cơ quan quản lý kinh tế và tài chính của chính quyền này đều ủng hộ kế hoạch niêm yết của Didi. Vì không có yêu cầu rõ ràng phải dừng kế hoạch bán cổ phiếu, Didi đã chọn tiếp tục niêm yết.

Theo The Wall Street Journal, việc gia tăng mức độ ảnh hưởng của CAC cho thấy Bắc Kinh hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề thiếu phối hợp giữa các cơ quan quản lý của ĐCSTQ.

Mức độ uy tín trên toàn cầu của ĐCSTQ trong việc quản lý kinh tế luôn rất kém. Đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan quản lý của họ mắc sai lầm do thiếu sự phối hợp.

Ví dụ vào năm 2015, do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các cơ quan quản lý tài chính khác đều mạnh ai nấy làm, thậm chí có lúc còn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, nên đã dẫn đến hậu quả thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh, tình trạng bán tháo thị trường càng trở nên nghiêm trọng.

CAC được thăng cấp thành ‘cơ quan quản lý chứng khoán mới’ của ĐCSTQ

The Wall Street Journal đưa tin hôm 8/7 rằng, Cục quản lý Không gian mạng Trung Quốc có thể viện lý do đe dọa an ninh quốc gia để ngăn chặn các công ty Trung Quốc bán cổ phiếu ra nước ngoài trong tương lai; đồng thời, điều này cũng nêu bật mức độ kiểm soát leo thang của ông Tập Cận Bình đối với các công ty tư nhân, đặc biệt là những công ty có dữ liệu lớn.

Ông Victor Shih - Giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học California, San Diego - là người nghiên cứu các chính sách của Trung Quốc. Ông nói với The Wall Street Journal rằng, CAC đã trở thành “cơ quan quản lý chứng khoán mới” của ĐCSTQ. “Các nhà đầu tư và các công ty sẽ thấy rằng việc niêm yết ở nước ngoài trong tương lai sẽ khó khăn hơn nhiều".

Ông Winston Ma, Giáo sư luật kiêm nhiệm tại Đại học New York và là tác giả của cuốn sách “Chiến tranh kỹ thuật số”, cũng cho biết: “Đây sẽ là một đợt thắt chặt lớn các quy định chứng khoán của Trung Quốc”.

Trong bộ máy quan liêu khổng lồ của ĐCSTQ, Cơ quan Quản lý Không gian mạng (CAC) là một cơ quan tương đối mới. Nó được thành lập vào năm 2014, trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng bí thư ĐCSTQ của ông Tập Cận Bình.

Sửa đổi cấu trúc của mô hình sở hữu đặc biệt VIE

Theo các nguồn tin, CAC vẫn đang hợp tác với Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cùng các bộ và ủy ban khác để sửa đổi cấu trúc của mô hình sở hữu đặc biệt VIE (Variable Interest Entity).

Cấu trúc VIE lần đầu tiên được sử dụng khi Sina phát hành IPO ở Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) vào năm 2000. Thông thường, các công ty này sẽ đăng ký một pháp nhân khác tại các thiên đường thuế nước ngoài - nơi không thuộc phạm vi quản chế tư pháp của ĐCSTQ - chẳng hạn như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh. Do đó, họ không cần phải đối mặt với sự giám sát và xác minh IPO nghiêm ngặt như các công ty Trung Quốc có kế hoạch niêm yết trong nước. Đồng thời, họ cũng có thể chuyển lợi nhuận của công ty trong nước cho thực thể ở nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài tuy sở hữu cổ phần nhưng không có quyền trực tiếp biểu quyết đối với công ty trong nước.

Đây là cấu trúc được sử dụng bởi nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, bao gồm gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, tập đoàn Tencent và Didi, khi họ bán cổ phần của mình ra nước ngoài lần đầu tiên.

Trưng dụng dữ liệu làm tài sản quốc gia, Trung - Mỹ có các quy tắc bất đồng

Bắc Kinh ra sức kiểm soát dữ liệu của các công ty trong nước

Theo nguồn tin, CAC đang soạn thảo những thông tin được coi là cốt lõi của an ninh quốc gia Trung Quốc, và yêu cầu các công ty Trung Quốc không tiết lộ thông tin đó cho các cơ quan quản lý nước ngoài.

“Điều này có thể khiến các quy tắc của Trung Quốc càng trở nên không đồng đều với những quy định do các cơ quan quản lý của Mỹ đặt ra, khiến các công ty Trung Quốc ngày càng khó đáp ứng các yêu cầu của cả hai bên”, The Wall Street Journal viết.

Khi các công ty công nghệ thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống Trung Quốc và kiểm soát một lượng lớn dữ liệu người tiêu dùng, chính quyền Bắc Kinh lại càng lo ngại về quyền lực của các công ty công nghệ và càng tăng cường kiểm soát họ.

Dự thảo Luật An ninh Dữ liệu do CAC soạn thảo đã được công bố vào tháng 6. Luật này trao cho chính quyền Trung Quốc quyền hạn lớn hơn để yêu cầu các công ty tư nhân chia sẻ dữ liệu thu thập được từ các phương tiện truyền thông mạng xã hội, trang thương mại điện tử...

“Về bản chất, Luật An ninh Dữ liệu quy định rằng các bản ghi kỹ thuật số loại này nên được coi là tài sản quốc gia và có thể được khai thác hoặc hạn chế tùy theo nhu cầu của đất nước”, The Wall Street Journal nói. Hơn nữa, nó cũng thể hiện định hướng quản trị trong tương lai của ĐCSTQ.

Các công ty Trung Quốc không có cơ hội để từ chối ĐCSTQ

Các nước phương Tây không thể tự ý xâm phạm quyền và lợi ích của các doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ như, hãng xe điện Tesla và hãng công nghệ Apple có thể trực tiếp từ chối hợp tác với chính phủ Mỹ mà không cần lo lắng về hậu quả. Nhưng nếu các công ty Trung Quốc từ chối thì họ sẽ phải trả giá đắt.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ vẫn luôn tìm kiếm cơ hội để kiểm toán các công ty Trung Quốc (niêm yết tại Mỹ), nhưng liên tục bị một số công ty Trung Quốc chống lại. Các công ty Trung Quốc này tuyên bố rằng luật của Trung Quốc cấm họ giao các tài liệu kiểm toán cho các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ.

Vào tháng 12 năm ngoái, cựu Tổng thống Trump đã ký "Đạo luật về trách nhiệm giải trình của công ty nước ngoài" (HFCAA). Trong đó quy định rằng, nếu các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ trong 3 năm liên tiếp, sẽ phải rút khỏi các sàn giao dịch của Hoa Kỳ.

ĐCSTQ không quan tâm đến nhà đầu tư Mỹ?

Giáo sư Trường Luật Harvard Jesse Fried cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng, ông nghi ngờ liệu ĐCSTQ có lo ngại về thiệt hại mà họ gây ra cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ khi quyết định chấn chỉnh Didi hay không.

Ông Fried nói với VOA: "Đây là lý do tại sao nó có thể rất cấp tiến đối với các công ty niêm yết tại Hoa Kỳ. Nếu Didi niêm yết tại Trung Quốc, các cơ quan quản lý Trung Quốc sẽ càng thận trọng hơn trong việc ngăn chặn Didi. Vì họ sẽ phải lo lắng về phản ứng của các nhà đầu tư Trung Quốc”.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập giao cho CAC nhiệm vụ mới: Giám sát các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ