Ông Tập Cận Bình đã chôn vùi sự thật nào về Coronavirus?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phản ứng chậm chạp khiến dịch bệnh bùng phát đã tiết lộ thể chế chuyên quyền của nhà nước Trung Quốc với tầm nhìn ý thức hệ tư tưởng hạn hẹp. Đây là lý do biến Trung Quốc thành tiêu điểm của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Liệu Coronavirus có phá tan giấc mộng trẻ hóa quốc gia của ông Tập, đưa Trung Quốc thành bá chủ kinh tế toàn cầu khi Đảng tròn 100 tuổi?

70 năm - Giấc mộng Trung Hoa liệu có tan tành vì Coronavirus?

Trong 70 năm, những cuộc vận động chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khiến đất nước của họ phải chịu nhiều những thảm họa nhân tạo. Từ cải cách ruộng đất, nạn đói lớn sau “đại nhảy vọt”, Cách mạng Văn hóa (phá tứ cựu), Thảm sát Thiên An Môn (đàn áp phong trào sinh viên đòi dân chủ), diệt chủng Pháp Luân Công (nhóm tín ngưỡng tu Phật) và tội ác mổ cướp nội tạng nhóm người tu luyện này, sau 20 năm cho đến nay nó vẫn chưa kết thúc... đó là những thảm họa được che đậy và phong tỏa thông tin trong nước, người dân đã không thể tiếp cận với sự thật.

Thời gian gần đây thế giới được nhãn tiền chứng kiến sự tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc qua sự kiện đàn áp mạnh mẽ quyền dân chủ ở Hồng Kông, vùng tự trị Tây Tạng. Các trại giam được xây dựng trên khắp Tân Cương để giam giữ hàng nghìn người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số. Những trại giam này được núp dưới danh nghĩa “trung tâm giáo dục và đào tạo tự nguyện".

Che đậy và kiểm soát thông tin là đặc tính của chế độ độc tài chuyên chế. Dịch Sars và động đất ở Tứ Xuyên, con số người chết được chính quyền ĐCS TQ công bố cho đến nay vẫn được cho là thấp hơn nhiều với con số thực tế.

Hiện tại, sai lầm mà ông Tập Cận Bình xử lý trong dịch Coronavirus đã thêm vào danh sách những tội ác đáng xấu hổ của Đảng. Với những gì đang xảy ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và Ý, rõ ràng là thứ virus độc tài chuyên chế của ông Tập đã đe dọa không những sức khỏe và quyền tự do của người dân Trung Quốc, mà còn cho tất cả nhân loại ở khắp nơi trên thế giới.

Tầm nhìn ý thức hệ tư tưởng hạn hẹp, chuyên quyền, là tiêu điểm của cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Đảng vào năm 2012, ông Tập đã tuyên bố giấc mơ trẻ hóa quốc gia, hứa hẹn rằng đất nước sẽ thịnh vượng vừa phải khi Đảng tròn một trăm tuổi, và hoàn toàn tiến lên thành bá chủ kinh tế toàn cầu vào năm 2049. Ông Tập tuyên bố rằng đến lúc đó thế giới sẽ thừa nhận rằng chế độ độc tài độc đảng của ông ta là vượt trội hơn so với những mớ hỗn độn của nền dân chủ tự do.

Khủng hoảng niềm tin và cái giá của tự do ngôn luận

Tự bổ nhiệm mình làm “chủ tịch trọn đời”, ông Tập hiện có quyền lực hơn bất kỳ nhà lãnh đạo đảng nào kể từ Mao Trạch Đông, ông đã đè bẹp mọi bất đồng bằng cách cố gắng xây dựng một nhà nước toàn trị công nghệ cao. ĐCSTQ giống như một mầm bệnh gian xảo đã lây nhiễm cho người dân Trung Quốc từ năm 1949. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, nó đã bộc lộ ra hình thức cai trị độc ác nhất, nó cho phép chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ trong khi tái khẳng định sự kiểm soát theo kiểu thời Lênin. Lời hứa về sự giàu có và vinh quang quốc gia đã khiến nhiều người dân Trung Quốc mù quáng chấp nhận những sợi xích quanh chân họ, và dây thép gai quanh các trại giam ở xa.

Trong một bài phát biểu vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, ông Tập đã báo trước chiến thắng của một năm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu 100 năm đầu tiên! Quả nhiên, trong bài phát biểu này có đề cập đến bệnh viêm phổi bí ẩn được các cơ quan y tế ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc báo cáo vào ngày hôm đó.

Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới đã được thông báo, nhưng người dân Trung Quốc phần lớn không được tiếp cận thông tin. Một con virus nhỏ bé vô hình “không được phép" làm lu mờ hào quang Trung Quốc mộng của ông Tập Cận Bình.

Trong thời kỳ khủng hoảng, Đảng luôn đặt sự sống còn của mình lên trên phúc lợi của người dân. Lý Văn Lượng - một bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện trung ương Vũ Hán, đã trở thành biểu tượng bi thảm của thảm họa này. Vào ngày 30 tháng 12, anh thông báo cho các bạn học cũ của mình trên WeChat rằng có 7 người bị nhiễm Coronavirus không xác định - khiến anh liên tưởng đến Sars (loại virus đã giết chết gần 800 người vào năm 2003) - đã cách ly tại bệnh viện của anh và khuyên họ nên tự bảo vệ mình.

Trong bất kỳ xã hội bình thường nào thì thông tin này cũng sẽ được coi trọng - nhưng ở Trung Quốc, ngay cả một hành động nhỏ của lòng tốt, một cảnh báo thận trọng và riêng tư cho các đồng nghiệp, có thể khiến một người gặp nguy hiểm về chính trị. Ba ngày sau, bác sĩ Lý bị cảnh sát khiển trách, sau đó anh quay trở lại làm việc và nhiễm virus.

Trong hai tuần sau đó nhà chức trách ra sức bưng bít thông tin, họ tuyên bố vấn đề đã được kiểm soát. Nhưng Coronavirus thờ ơ với dục vọng của những kẻ cơ hội. Không được kiểm soát thì nó lây lan. Vào thời điểm ông Tập quyết định công khai sự bùng phát - ngày 20 tháng 1 - và thừa nhận rằng virus này lây từ người sang người, thì đã quá muộn.

Sự lây nhiễm bùng nổ nhanh chóng của chủng Coronavirus này đã khiến Vũ Hán, một thành phố được coi là trung tâm chính trị, kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa và giáo dục của miền Trung Trung Quốc rơi vào thảm cảnh. Trung tâm giao thông chính, với hàng chục tuyến đường sắt, đường bộ và đường cao tốc đi qua thành phố và kết nối với các thành phố lớn khác này bị buộc phải phong tỏa ngày 23 tháng 1. Tuy nhiên, cùng ngày hôm đó, tại một buổi tiếp tân ở Bắc Kinh, ông Tập chỉ nhấn mạnh sự cần thiết phải “chạy đua với thời gian và bám sát lịch sử để hiện thực hóa mục tiêu 100 năm đầu tiên của giấc mơ Trung Hoa về trẻ hóa quốc gia”.

Video trên WeChat và Weibo đã tiết lộ tham vọng rỗng tuếch của ông Tập. Trên mạng xã hội đầy rẫy những thước phim mô tả những đại lộ vắng vẻ ở các thành phố bị phong tỏa; Nhiều xác chết nằm trên hè phố; một người phụ nữ trên ban công của một tòa tháp sang trọng đánh chiêng và khóc lóc trên bầu trời: “Mẹ tôi sắp chết, ai cứu chúng tôi với!”

Trước khi bác sĩ Lý qua đời ngày 30 tháng 1, anh đã tiết lộ sự thật về những gì anh đã trải qua trong dịch bệnh. Mặc dù là đảng viên, anh đã nói chuyện với New York Times về những thất bại khi cố gắng cảnh báo cho mọi người biết về virus, anh nói với tạp chí Caixin có trụ sở tại Bắc Kinh: “Một xã hội lành mạnh không thể chỉ có một tiếng nói”. Chỉ với một câu này, anh đã xác định được nguyên nhân sâu xa của căn bệnh trầm kha ở Trung Quốc. Ông Tập đã đàn áp thông tin và sự thật nhằm tạo ra xã hội hài hòa không tưởng của mình. Nhưng sự hòa hợp chỉ có thể có khi nó là hòa âm của các giọng nói khác nhau, chứ không phải là lời độc thoại một mình của bạo chúa.

Giảo biện của truyền thông một chiều luôn tồn tại trong thể chế độc tài

Giữa bối cảnh nhiều thành phố bị phong tỏa vì Coronavirus, truyền thông Trung Quốc vẫn tô vẽ hiện thực màu hồng đầy những điều nực cười và dối trá, tương phản với nỗi bất bình, tuyệt vọng của người dân trong tâm dịch Vũ Hán.

Sau khi bác sĩ Lý mất vào ngày 6 tháng 2, đối diện với cơn giận dữ và phẫn uất của người dân, chính phủ đã quay lại và ca ngợi người bác sĩ mà họ đã bịt miệng như một vị anh hùng. Rồi sau đó, sự im lặng vẫn tiếp tục: một số người đã quay video và lên tiếng về cách thức nhà nước ứng phó với dịch bệnh đã bị giam giữ.

Giữa những thảm họa dày đặc, mọi người cuối cùng cũng hiểu rằng nếu các nhà lãnh đạo của bạn không quan tâm đến cuộc sống hay quyền tự do của con người, thì kể cả có tiền bạn cũng không có cách nào giữ được mạng. Không biết bao nhiêu gia đình đã bị virus quét sạch vì có hơn 70 triệu người hiện bị giam giữ trong nhà. Các quan chức Trung Quốc hôm nay đã báo cáo 78.064 ca nhiễm bệnh và 2.715 trường hợp tử vong, chủ yếu ở Hồ Bắc. Nhưng chẳng ai dám tin vào số liệu này. Điều chắc chắn duy nhất về những dữ liệu được công bố đó là con số mà nhà cầm quyền Trung Quốc muốn bạn tin. Trong nỗ lực đổi trắng thay đen sau cái chết của bác sĩ Lý, nhóm này đã kêu gọi mọi người chung tay chống lại virus, kêu gọi các nhà báo thay những nội dung tiêu cực trên mạng xã hội bằng những câu chuyện cảm động từ tiền tuyến chống dịch bệnh. Tương tự như cách họ đã chôn vùi sự thật về tai họa trong Cách mạng Văn hóa và các tội ác khác trước đó, Đảng hiện đang kéo quốc gia trở về quá khứ với tư tưởng Mao Trạch Đông ngày nào.

Ngôn ngữ xã hội lại đang bị ô nhiễm một lần nữa với các thành ngữ quân sự; xã hội đang bị chia rẽ một lần nữa thành các nhóm đối kháng - không phải là giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, mà là người bị nhiễm chống lại những người chưa bị nhiễm bệnh. Cảnh sát nông thôn đăng video tấn công những người dân dám mạo hiểm ra đường mà không đeo khẩu trang.

Các phương tiện truyền thông nhà nước đã đăng tải hình ảnh của các y tá mang thai trong bộ đồ hazmat phục vụ ở tiền tuyến; Có những bệnh nhân đeo mặt nạ trong một bệnh viện dã chiến khác được trao quyền thành viên trong nhóm tử thần của họ, vui vẻ giơ nắm đấm lên trời khi họ cam kết trung thành với ông Tập. Đối với bất cứ ai có lương tâm, những cá nhân đáng thương này trông giống như nạn nhân của một giáo phái vô nhân đạo. Những bức ảnh vốn được tạo ra để thúc đẩy “năng lượng tích cực” này càng làm người ta thấy rõ ràng hơn những vực thẳm đạo đức mà chủ nghĩa toàn trị đang tạo ra để nhấn chìm cả quốc gia.

Trong khi đó, đối phó với dịch bệnh vẫn đang hoành hành, ông Tập đã ra lệnh cho nền kinh tế vận hành trở lại để đảm bảo rằng mục tiêu kinh tế - một trong những mục tiêu quan trọng nhất của mục tiêu thế kỷ 21 của ông ta - phải đạt được. Tất nhiên, ông Tập đang giữ an toàn cho giới tinh hoa chính trị, bằng cách hoãn Đại hội Nhân dân Quốc gia vào tháng 3. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy giấc mơ Trung Hoa của ông Tập là giả tạo.

Bài viết tổng hợp trên cơ sở bài báo của Ma Jian trên The Guardian. Ma Jian là một tác giả từ Thanh Đảo, Trung Quốc. Ông rời Bắc Kinh đến Hồng Kông vào năm 1987 với tư cách là một nhà bất đồng chính kiến, và sau khi bàn giao chuyển đến London. Tất cả sách của ông đều bị cấm ở Trung Quốc.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập Cận Bình đã chôn vùi sự thật nào về Coronavirus?