Hắc Long Giang đột ngột niêm phong từng hộ gia đình khiến cuộc sống của người dân khốn khổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 20/1, huyện Vọng Khuê thuộc thành phố Tuy Hóa, tỉnh Hắc Long Giang, đã bất ngờ niêm phong các hộ gia đình trong 7 ngày. Sau đó, trên mạng lan truyền một đoạn video về một cụ ông 70 tuổi người Vọng Khuê. Ông hoàn toàn suy sụp vì trong nhà không còn gì để ăn. Trong video, ông đập vào xe cảnh sát và mắng chửi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), yêu cầu cảnh sát bắt ông vào tù vì ‘ít ra vào tù còn được phát cơm ăn".

Đoạn video được lan truyền trên mạng Internet của Trung Quốc đã bị truyền thông nước này cắt ghép biên tập một cách ác ý. Phóng viên của The Epoch Times đã có được đoạn video đầy đủ, trong video, ông cụ đã đập vào xe cảnh sát và hét lên: "Đưa tôi vào tù. Tôi là quân nhân, tôi không sợ chết. Đảng Cộng sản [Trung Quốc] cái gì chứ, đều là một lũ khốn nạn!".

Trong video, ông cụ kích động nói: "Mọi người ở huyện Vọng Khuê đều biết tôi. Tôi (trước đây) là một người lính. Tôi bị bệnh tim. Tòa nhà của tôi lạnh quá. Tôi bị bức đến mức này, một miếng cơm cũng không có mà ăn. Ngồi tù còn có cơm ăn kìa!".

Ông nói: "Tôi đã ngoài bảy mươi rồi, niêm phong hết rồi, không có thức ăn! Quán cơm cũng đóng cửa, siêu thị cũng đóng cửa, ngay cả bánh mì cũng không có mà mua!", "Trời thì lạnh thế này, tôi thậm chí không có gì để ăn, đây có phải là muốn lấy mạng của tôi không? Các anh không có cha mẹ sao?!".

Chủ một cửa hàng bán buôn trái cây và rau quả ở huyện Vọng Khuê nói với The Epoch Times rằng, "Chúng tôi đã xem đoạn video này, đấy là đường Tam Đạo, đúng như ông ấy nói, nhưng chúng tôi không quen ông cụ này".

Có rất nhiều cư dân mạng Vọng Khuê đã đăng tải trên Internet rằng: "Không có thời gian chuẩn bị trước khi bị niêm phong nhà. Có một số nhà đã thiếu gạo thiếu rau rồi. Tất cả các siêu thị trong huyện đều đóng cửa và không có ai giao hàng, không biết phải làm sao giờ”; ”Làm sao sống nổi đây? Đành gắng vậy. Không gắng gượng thì làm được gì? Chính quyền bảo là sẽ giao đồ cho, nhưng thêm bạn WeChat thì không thêm được".

Niêm phong cửa nhà đột ngột, hộ dân ở nông thôn không thể dùng nhà vệ sinh

Chủ cửa hàng bán buôn trái cây và rau quả ở huyện Vọng Khuê nói với phóng viên The Epoch Times: “Hôm qua thì niêm phong cửa nhà, hôm nay cửa hàng của chúng tôi cũng bị niêm phong rồi. Chính quyền nói là sẽ giải quyết giúp chúng tôi chỗ rau quả này, họ nói là sẽ giúp chúng tôi bán, nhưng giờ chẳng có ai quan tâm hết. Toàn bộ số rau sẽ thối hết mất. Chúng tôi liên hệ với họ (chính quyền) và hỏi là có thể gửi rau vào siêu thị để bán không, nhưng tới giờ vẫn không có ai tới giải quyết”.

Chủ một siêu thị ở Vọng Khuê nói với phóng viên The Epoch Times: “Tiệm chúng tôi cũng đã bị niêm phong mấy ngày rồi. Giờ chỉ có siêu thị lớn như Hoa Thần là có thể giao hàng trên WeChat".

"Hôm nay chúng tôi mới xét nghiệm axit nucleic xong. Các nhà máy cũng đóng cửa, tất cả các cơ sở kinh doanh đều đóng cửa, trên đường phố không có bóng người, không cho mọi người hoạt động thì làm sao có thu nhập đây. Mọi người đều đang chống chọi với dịch bệnh".

Vì bị niêm phong cửa nhà đột ngột nên hộ dân ở nông thôn không thể dùng nhà vệ sinh. (Ảnh chụp màn hình mạng)
Vì bị niêm phong cửa nhà đột ngột nên hộ dân ở nông thôn không thể dùng nhà vệ sinh. (Ảnh chụp màn hình mạng)

Còn có người dân ở Vọng Khuê đưa tin lên mạng rằng, cửa nhà bị niêm phong, nhưng nhà vệ sinh lại ở ngoài sân, củi nấu nướng để ngoài sân, cửa nhà bị bịt kín, thậm chí còn không được đi ra sân.

Cư dân mạng này tiết lộ rằng, vì lãnh đạo cấp trên về thị sát nên tất cả cửa nhà của dân làng đều bị niêm phong. “Về việc niêm phong cửa nhà, tôi thật muốn chửi thề! Tôi không sợ lên đồn đâu, nhưng đừng bắt cóc tôi”.

Anh này nói: "Gia đình ở nông thôn có nhà nào mà đặt phòng tắm trong nhà chứ? Đây là đầy tớ của nhân dân sao? Đây là vì nhân dân phục vụ sao? Tọa độ chỗ tôi là thị trấn Huệ Thất Mãn Tộc, huyện Vọng Khuê, thành phố Tuy Hóa, Hắc Long Giang”.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Hắc Long Giang đột ngột niêm phong từng hộ gia đình khiến cuộc sống của người dân khốn khổ