Nỗ lực phi pháp của ĐCS Trung Quốc can thiệp vào bầu cử tại Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan đang bị soi xét kỹ lưỡng, vì ngày bỏ phiếu không còn lâu.

Vào ngày 11/01/2020, công dân Đài Loan sẽ đi bầu tổng thống và phó tổng thống mới, cùng 113 nghị sỹ Quốc hội của đảo quốc.

Kể từ khi Đài Loan chuyển sang chế độ dân chủ đa đảng năm 1996 và tổ chức cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên, Bắc Kinh đã liên tục tìm cách gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử có lợi cho các ứng cử viên thân Bắc Kinh. Năm đó, Bắc Kinh đã tiến hành một loạt các vụ thử tên lửa nhiều tháng trước cuộc bầu cử, với mục đích đe dọa các cử tri Đài Loan không bỏ phiếu cho ứng cử viên ủng hộ việc độc lập của hòn đảo..

Vấn đề độc lập của Đài Loan là một vấn đề nhạy cảm đối với ĐCSTQ, vốn coi Đài Loan là một tỉnh nổi loạn phải thống nhất với đại lục. ĐCSTQ nói sẽ có thể bằng vũ lực nếu thấy cần. Tuy nhiên, Đài Loan là một quốc gia đúng nghĩa với chính phủ được dân bầu và có quân đội, tiền tệ riêng.

Các quan chức và chuyên gia Hoa Kỳ đang lo ngại về sự can thiệp của Bắc Kinh vào cuộc bầu cử. Vào tháng 11/2019, đại sứ [danh nghĩa] Hoa Kỳ tại Đài Loan Brent Christensen tuyên bố rằng Washington sẽ hợp tác với chính phủ Đài Loan để chống lại “các phần tử xấu đang sử dụng các chiến dịch tin giả khiến mọi người mất niềm tin vào các tổ chức dân chủ”.

Cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nền dân chủ Đài Loan trong một diễn đàn tại Đài Bắc về tăng cường quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Đài Loan diễn ra vào ngày 14/12/2019.

Ông Bannon nói: “Tôi tin rằng khi Đài Loan làm được thì phần còn lại của châu Á cũng làm được. Và khi phần còn lại của châu Á làm được thì thế giới cũng làm được”.

Gã khổng lồ truyền thông xã hội Facebook cũng đang chú ý đến vấn đề này. Mạng xã hội này cực kỳ phổ biến ở Đài Loan này mở một “phòng chiến tranh” tại Đài Loan vào ngày 01/01/2020 để chống lại tin giả trước thềm bầu cử. Văn phòng Facebook tại Đài Loan sẽ phối hợp cùng văn phòng Facebook Châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore và trụ sở chính tại Hoa Kỳ cũng như văn phòng châu Âu tại Ireland.

"Bắc Kinh đã buộc phải sử dụng các phương pháp tương tự như với cuộc tổng tuyển cử năm 2018 để tác động đến cuộc bầu cử năm 2020, khi Đài Loan bỏ phiếu cho các quan chức quận, thị trấn và thôn", ông Hu Yuan-hui, giáo sư Khoa Truyền thông, Đại học Quốc gia Đài Loan Trung Chính cho biết.

Ông phân loại chúng thành bốn phương pháp chính: chiến dịch làm thông tin giả, đe dọa quân sự, ưu đãi chính phủ và cưỡng ép.

Động cơ và đe dọa

Vào ngày 4/11/2019, Văn phòng Quan hệ Đài Loan của ĐCSTQ đã công bố “26 biện pháp” để tăng cường hợp tác song phương.

Theo truyền thông chính phủ Trung Quốc, các biện pháp này bao gồm cho phép công dân Đài Loan tìm kiếm sự bảo vệ và trợ giúp tại các lãnh sự quán Trung Quốc trên khắp thế giới và cho phép các công ty Đài Loan tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ không dây thế hệ mới 5G của Trung Quốc.

Ông Hu nói rằng đây là một ví dụ về việc Bắc Kinh đang cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của Đài Loan thông qua các ưu đãi cho cả người dân và các công ty Đài Loan ở Trung Quốc. Bằng cách công bố các biện pháp này, Bắc Kinh đang tìm cách thu hút cử tri bỏ phiếu bầu cho đảng đối lập Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh.

Tổng thống Thái Anh Văn, người đang tham gia tái tranh cử, là thành viên của Đảng Dân Tiến vốn luôn ủng hộ việc Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập khỏi đại lục. Mặc dù bà tuyên bố mong muốn duy trì tình trạng hiện tại nhưng Bắc Kinh vẫn liên tục chỉ trích bà và đảng của bà về việc tuyên truyền đòi độc lập.

Đối thủ của bà Văn là ứng cử viên Quốc dân Đảng, Hàn Quốc Du và Tống Sở Du thuộc Thân Dân Đảng thân Bắc Kinh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc, trước đây đã ca ngợi ông Hàn vì những nỗ lực của ông này trong việc xúc tiến các mối quan hệ hai bờ eo biển.

Về phương pháp cưỡng ép, ông Hu đã chỉ trích ĐCSTQ về việc phát hành sách trắng quân sự vào ngày 24/7/2019 đe dọa sẽ hợp nhất hòn đảo bằng vũ lực quân sự, bao gồm cả việc điều máy bay phản lực bay quanh hòn đảo. Bài báo có tiêu đề “Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”, cũng cáo buộc “lực lượng ủng hộ độc lập” ở Đài Loan là một “mối đe dọa lớn” đối với sự ổn định hai bờ eo biển.

Vào ngày 26/12/2019 tàu sân bay Shandong của Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan. Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu đã tweet rằng mặc dù hành động này được xem như một nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử, cử tri Đài Loan sẽ không bị đe dọa.

Các chiến dịch tin giả

Các chiến dịch trực tuyến trước đây tập trung vào việc hỗ trợ các đảng và ứng cử viên nhất định. Vào ngày 13/12/2019, Cơ quan Thông tấn Trung ương (CNA) của chính phủ Đài Loan báo cáo rằng văn phòng Facebook Đài Loan đã xóa 118 trang fan page, 99 group và 51 tài khoản trùng lặp vì không tuân thủ các nguyên tắc cộng đồng của Facebook. Mặc dù Facebook không cung cấp một cái tên cụ thể nào nhưng cư dân mạng phát hiện ra một số trang fan page dành cho ứng cử viên Hàn Quốc Du của Quốc Dân Đảng không truy cập được.

Trong thời gian sắp diễn ra cuộc bầu cử, đã xuất hiện nhiều tin tức giả liên quan đến quá trình bầu cử.

“Những tin tức giả này đang cố gắng đàn áp tiếng nói dân chủ Đài Loan bằng cách tạo ra một quan niệm sai lầm rằng các cuộc bầu cử là không công bằng”, ông Hu nói trong một cuộc phỏng vấn qua email.

Ủy ban bầu cử trung ương Đài Loan đã ra thông cáo báo chí vào ngày 23/12/2019, tố cáo một tin nhắn giả mạo bắt đầu lưu hành trực tuyến, gồm cả trên Facebook. Tin nhắn này nói rằng ủy ban này đã thay thế tất cả các nhân viên bầu cử trong năm nay vốn có thể thao túng kết quả bỏ phiếu.

Trong một thông cáo khác vào ngày 29/12/2019 Ủy ban đã chỉ ra một bức ảnh được lưu hành trên Facebook và Line là giả mạo. Bức ảnh này đã bịa đặt rằng ủy ban đã “bí mật” thêm một mục bỏ phiếu về một nhà máy điện hạt nhân.

Vào ngày 12 /12, CNA trích dẫn Bộ Tư pháp, báo cáo các quan chức địa phương đang điều tra 74 vụ án tin giả, năm trong số đó có liên quan đến can thiệp bầu cử.

Youtube

Nền tảng chia sẻ video YouTube cũng đã trở thành một nền tảng thuận lợi cho việc phát tán thông tin sai lệch.

Tổ chức truyền thông phi lợi nhuận ở Đài Loan, The Reporter, trong một báo cáo điều tra được công bố gần đây đã ghi lại cách các nhân vật trên YouTube của Trung Quốc đại lục có thể quảng bá thông tin ủng hộ Bắc Kinh tới các khán giả Đài Loan.

Chẳng hạn, Zhang Xida, một phóng viên của truyền thông nhà nước Trung Quốc, Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc, chủ nhân một kênh YouTube tại Đài Loan có tên là “Xida nói chuyện về Đài Loan”. Zhang Xida là người gốc Hạ Môn, một thành phố thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, vốn là vùng nói tiếng Phúc Kiến.

Mặc dù tiếng Quan Thoại là ngôn ngữ chính thức của Đài Loan và Trung Quốc đại lục, nhưng vì nhiều người Đài Loan là hậu duệ của người Trung Quốc đại lục di cư từ Phúc Kiến thời nhà Thanh cho nên có khoảng 70% dân số Đài Loan là nói giọng Phúc Kiến.

Theo như báo cáo, nhiều người Đài Loan đã lầm tưởng rằng các video của anh ta là của người Đài Loan sản xuất vì trong các video này, Zhang cũng thỉnh thoảng nói giọng Phúc Kiến.

Zhang đã đăng một video trên Facebook lan truyền tin tức sai lệch vào đầu năm nay, cáo buộc bà Văn bán đứng Đài Loan bằng cách cho chính phủ Nhật Bản hơn 20 tỷ đô la hàng năm. Báo cáo đã thúc đẩy một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Đài Loan.

Báo cáo dẫn lời một chuyên gia truyền thông không rõ danh tính, người cho biết Bắc Kinh coi Phúc Kiến là “đầu cầu” ảnh hưởng đến Đài Loan, như đã nêu trong nhận định của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3 năm ngoái khi ông Tập gặp gỡ với đại diện của chính quyền tỉnh Phúc Kiến. Theo truyền thông chính phủ Trung Quốc, ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biến Phúc Kiến thành “ngôi nhà đầu tiên” cho người dân và các công ty Đài Loan.

Cá cược bầu cử

Đài Loan còn có một hiện tượng độc nhất vô nhị là các vụ cá độ bất hợp pháp về kết quả bầu cử. Lần này, người ta đặt cược xem bà Văn hay ông Hàn sẽ giành chiến thắng.

Cục điều tra hình sự Đài Loan tuyên bố vào ngày 17/12/2019, rằng họ đã tịch thu số tiền đánh bạc bất hợp pháp là 36,8 triệu đô la Tân Đài Tệ (tương đương khoảng 1,2 triệu đô la) trong các cuộc truy quét trên toàn quốc, bao gồm 24 trường hợp hoạt động cá cược bầu cử bất hợp pháp. 30 người đã bị bắt do liên quan đến cá cược bầu cử.

Nhật báo tiếng Anh, tờ Taipei Times vào ngày 23/12 đưa tin rằng một đường dây cá cược bầu cử bất hợp pháp nằm ở phía bắc thành phố Đào Viên đã bị cảnh sát địa phương triệt phá. Đường dây này có dòng tiền được ước tính trị giá 250 triệu đô la Tân Đài Tệ (tương đương khoảng 8,3 triệu đô la).

Taipei Times vài ngày sau đó ghi nhận cảnh sát ở một số thành phố đã truy quét và buộc một tổ chức đánh bạc quốc tế ngừng hoạt động. Theo một công tố viên địa phương, tập đoàn này và một ngân hàng ngầm trực thuộc đã tuồn vào 13,9 tỷ đô la Tân Đài tệ (tương đương khoảng 461 triệu đô la) mà phần lớn trong số đó là từ Trung Quốc. Cụ thể, văn phòng công tố viên này đang thăm dò một đường dây cá cược bầu cử được nghi là đem hỗ trợ về tài chính và chính trị từ Trung Quốc sang cho ông Hàn.

Tại một diễn đàn địa phương về các chiến dịch gây ảnh hưởng của ĐCSTQ, Michael Mazza, một thành viên của trụ sở nghiên cứu Viện Doanh Nghiệp Mỹ (AEI), cảnh báo về việc Bắc Kinh đã từng sử dụng các đường dây cá cược ngầm như vậy để mang lại tỷ lệ cược tốt hơn cho các ứng cử viên họ muốn, nhằm gây ảnh hưởng đến các quy luật bầu cử của Đài Loan.

Những người đặt cược vào các ứng cử viên nào sẽ vận động bạn bè và người thân của họ ủng hộ các ứng cử viên đó để thắng cược.

Dự luật chống xâm nhập

Vào ngày 31/12/2019, quốc hội Đài Loan đã thông qua luật chống xâm nhập, nhằm chống lại các hoạt động ảnh hưởng của Bắc Kinh vào nền chính trị Đài Loan. Dự luật này đã có hiệu lực khi bà Văn thông qua trong tháng 12/2019.

Theo CNA, luật pháp cấm người dân nhận lệnh và tiền từ “lực lượng thù địch bên ngoài” để hỗ trợ các hoạt động của vùng sở tại, như đóng góp chính trị, vận động hành lang và các nỗ lực khác nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử. Những người bị kết tội theo luật này sẽ phải chịu án tù tối đa là 5 năm và mức phạt tối đa là 10 triệu đô la Tân Đài tệ (tương đương khoảng 333.400 đô la).

Nhiều giờ trước khi quốc hội bỏ phiếu về dự luật này, Lee Yeau-tarn, giáo sư tại Học viện nghiên cứu phát triển tại Đại học quốc gia Chengchi Đài Loan, đã giải thích tại sao Đài Loan cần luật này trong email gửi tới The Epoch Times.

Ông Lee nói rằng nếu không có luật này, sự xâm nhập của Trung Quốc sẽ khiến cuộc bầu cử Đài Loan không công bằng, dẫn đến sự suy giảm về niềm tin về tự do và dân chủ của quốc đảo này.

Ông kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ vận động các quốc gia chống lại chủ nghĩa toàn trị Bắc Kinh và ngăn không cho nước này can thiệp vào nền dân chủ của các quốc gia khác.

Minh Dũng

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nỗ lực phi pháp của ĐCS Trung Quốc can thiệp vào bầu cử tại Đài Loan