Những người ủng hộ biểu tình ở Hong Kong trở thành mục tiêu của cảnh sát Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhà hoạt động vì nhân quyền ở tỉnh Quảng Đông thuộc miền nam Trung Quốc đã bị bắt giữ, sau khi lên mạng bày tỏ sự phản đối đối với kế hoạch áp đặt đạo luật An ninh Quốc gia hà khắc tại Hong Kong của chính quyền Bắc Kinh.

Nhà hoạt động Xiao Yuhui đã bị cảnh sát thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông đưa ra khỏi nhà của mình sau khi anh đăng tải một bài viết lên mạng xã hội nhằm phản đối việc áp đặt luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong, RFA đưa tin. Đạo luật an ninh quốc gia này nghiêm cấm các hành vi dụ dỗ, âm mưu lật đổ chính quyền, can thiệp từ nước ngoài và các hoạt động ủng hộ dân chủ tự do tại Hong Kong, và nhiệm vụ hành pháp được giao cho lực lượng cảnh sát an ninh trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Nhà hoạt động xã hội Liao Jianhao, đồng thời là bạn của Xiao cho biết, gia đình của Xiao đã đến đồn cảnh sát để hỏi thăm về tình hình của anh ấy và nhận được thông báo rằng Xiao đang bị giam giữ hình sự.

Nhà hoạt động Liao nói: “Câu trả lời họ nhận được tại đồn cảnh sát là họ không thể đến thăm Xiao Yuhui. [Họ được thông báo rằng] anh ấy sẽ được chuyển đi nơi khác [ở Trung Quốc] trong vòng 3 ngày tới”.

Tuy nhiên không có thông tin chi tiết về địa điểm giam giữ cụ thể vì đó “là đặc thù của việc giam giữ tội phạm”.

Được biết, anh Xiao đã bị giam giữ sau khi anh chia sẻ lại một bài đăng đề cập đến một chiến dịch thỉnh nguyện thư trực tuyến nhằm phản đối luật An ninh Quốc gia của tờ báo ủng hộ dân chủ có trụ sở tại Hong Kong - Apple Daily.

Anh Liao nói thêm rằng người đầu tiên chia sẻ liên kết về chiến dịch này trong một nhóm WeChat cũng đã bị bắt giữ: “Người phụ nữ này đã được tại ngoại để chờ xét xử. Hai người họ đã chia sẻ lại [thỉnh nguyện thư] ở Hong Kong trên WeChat và kêu gọi cộng đồng trách nhiệm đối với tình hình hiện tại ở Hong Kong”.

Xiao Yuhui là một nhà hoạt động vì nhân quyền kỳ cựu và là một chuyên gia trong chính sách kế hoạch hóa gia đình "một con" của Trung Quốc. Tuy nhiên, anh đã ẩn mình sau khi bị bắt giữ vào năm 2016 vì cáo buộc “gian lận thẻ tín dụng” và phải nhận bản án quản chế.

Từ sự việc nhà hoạt động Xiao bị bắt giữ, nhà hoạt động xã hội Liang Songji nhận định rằng ĐCSTQ đang ngày càng trở nên khắt khe để đàn áp bất kỳ ai dám lên tiếng phản đối luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong. Nhà hoạt động Liang cho biết thêm rằng luật sư nhân quyền Wu Kuiming cũng được triệu tập đến đồn cảnh sát để giải trình về bài viết vi phạm kể trên. Theo nhà hoạt động Liao, luật sư Wu cũng là một thành viên trong nhóm WeChat mà nhà hoạt động Xiao tham gia.

Cảnh sát chống bạo động bắt giữ một nhóm người trong cuộc biểu tình ở quận Causeway Bay của Hong Kong vào ngày 27/5/2020, khi các cơ quan lập pháp của thành phố tranh luận về một đạo luật cấm xúc phạm quốc ca Trung Quốc. (Isaac Lawrence / AFP qua Getty Images)
Cảnh sát chống bạo động bắt giữ một nhóm người trong cuộc biểu tình ở quận Causeway Bay của Hong Kong vào ngày 27/5/2020, khi các cơ quan lập pháp của thành phố tranh luận về một đạo luật cấm xúc phạm quốc ca Trung Quốc. (Isaac Lawrence / AFP qua Getty Images)

Trường hợp của nhà thơ Wang Zang

Một trường hợp khác cũng bị bắt giữ trong thời gian gần đây là nhà thơ cấp tiến Wang Zang người Vân Nam. Nhà thơ Wang trước đây là cư dân của làng nghệ sĩ Song Trang tại Bắc Kinh và đã nhiều lần bị trục xuất vì đã bày tỏ sự ủng hộ trực tuyến đối với phong trào Chiếm Trung Tâm hồi năm 2014 tại Hong Kong.

Gần đây, nhà thơ Wang đã bị cảnh sát từ sở Cảnh sát Khu Phát triển Kinh tế Chuxiong ở quận tự trị Chansong Yi tỉnh Vân Nam bắt đi. Theo lời nghệ sĩ Bắc Kinh Yan Zhengxue, anh Wang đã được thả ra sau khi bị giam giữ trong 12 tiếng liên tục, và có thể phải đối mặt với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền.

Được biết, cảnh sát địa phương đã tịch thu hộ chiếu, chứng minh thư và điện thoại di động của gia đình nhà thơ Wang và cả gia đình hiện đang bị quản thúc tại nhà của họ.

Nghệ sĩ Yan cho biết: “[Vợ của Wang là] Wang Li nói trên WeChat rằng cảnh sát địa phương đã buộc tội anh ấy (nhà thơ Wang)... [cô cũng nói rằng] có 20 cảnh sát ở lầu trên và 20 ở lầu dưới. Giờ cô ấy không thể nghe điện thoại [vì đang bị cảnh sát giám sát]”.

Ông Hu Jia, nhà hoạt động nhân quyền tại Bắc Kinh cho biết, việc nhà thơ Wang bị bắt giữ xảy ra đúng vào thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị tại Trung Quốc, khi lễ tưởng niệm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989 đang gần kề.

Sự kiện ngày 4/6/1989 tại Quảng trường Thiên An Môn

Được biết, việc kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 hoàn toàn bị nghiêm cấm ở Trung Quốc đại lục.

Một người đàn ông cầm một cây nến có chữ và số "không bao giờ quên 64" trong buổi lễ thắp nến trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles, California vào ngày 4/6/2019, khi mọi người tụ tập để kỷ niệm 30 năm sự kiện được biết đến như vụ thảm sát Thiên An Môn. (Ảnh của FREDERIC J. BROWN / AFP qua Getty Images)
Một người đàn ông cầm một cây nến có chữ và số "không bao giờ quên 64" trong buổi lễ thắp nến trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles, California vào ngày 4/6/2019, khi mọi người tụ tập để kỷ niệm 30 năm sự kiện được biết đến như vụ thảm sát Thiên An Môn. (Ảnh của FREDERIC J. BROWN / AFP qua Getty Images)

Cách đây hơn 30 năm, những cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ dân chủ do sinh viên lãnh đạo tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh. Một trong những khiếu nại quan trọng của cuộc biểu tình là vấn nạn tham nhũng trong giới chủ lưu của xã hội Trung Quốc đương thời. Đồng thời, người biểu tình cũng kêu gọi cải cách chính trị để có một xã hội công bằng, tự do dân chủ và cởi mở hơn.

Các nhóm đấu tranh vì nhân quyền trên thế giới nhận định, có từ hàng trăm cho đến hàng nghìn người đã thiệt mạng khi xe tăng của quân đội ĐCSTQ được điều động tới Quảng trường Thiên An Môn để đàn áp các cuộc biểu tình.

Người dân Bắc Kinh kiểm tra bên trong của một trong số hơn 20 tàu sân bay bọc thép bị người biểu tình đốt cháy để ngăn chặn quân đội di chuyển vào Quảng trường Thiên An Môn 4/6/1989. Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương khi binh lính di chuyển trên Quảng trường Thiên An Môn trong một cuộc đàn áp bạo lực để chấm dứt 6 tuần biểu tình của sinh viên, được gọi là phong trào Mùa xuân Bắc Kinh. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, 5 năm sau khi nghiền nát phong trào dân chủ Trung Quốc, "hàng ngàn" tù nhân vẫn ở trong tù. (Ảnh của MANUEL CENETA / AFP qua Getty Images)
Người dân Bắc Kinh kiểm tra bên trong của một trong số hơn 20 tàu sân bay bọc thép bị người biểu tình đốt cháy để ngăn chặn quân đội di chuyển vào Quảng trường Thiên An Môn 4/6/1989. Hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương khi binh lính di chuyển trên Quảng trường Thiên An Môn trong một cuộc đàn áp bạo lực để chấm dứt 6 tuần biểu tình của sinh viên, được gọi là phong trào Mùa xuân Bắc Kinh. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, 5 năm sau khi nghiền nát phong trào dân chủ Trung Quốc, "hàng ngàn" tù nhân vẫn ở trong tù. (Ảnh của MANUEL CENETA / AFP qua Getty Images)

Trao đổi với đại diện của Voice of America (VOA) trong cuộc họp báo hôm 28/5, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Morgan Ortagus nói: “Hoa Kỳ đã kêu gọi, và chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi, cùng với những tiếng nói khác từ cộng đồng quốc tế, [để yêu cầu] một bản danh sách đầy đủ những nạn nhân bị giết, bị giam giữ và mất tích” từ sự kiện ngày 4/6/1989 ở Quảng trường Thiên An Môn.

Hoa Kỳ gọi sự kiện này là “một cuộc thảm sát toàn diện”.

Du Miên



BÀI CHỌN LỌC

Những người ủng hộ biểu tình ở Hong Kong trở thành mục tiêu của cảnh sát Trung Quốc