Nhóm người Duy Ngô Nhĩ kêu gọi dời Thế vận hội mùa đông năm 2022 khỏi Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại hội Uyghur Thế giới (WUC), tổ chức người Duy Ngô Nhĩ lớn nhất ở nước ngoài, đã thúc giục Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) xem xét lại quyết định tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh do tình hình vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Trong một đơn khiếu nại chính thức gửi lên Ủy ban Đạo đức của IOC, WUC cho biết IOC đã “vi phạm Hiến chương Olympic khi không xem xét lại việc tổ chức Thế vận hội 2022 tại Bắc Kinh, sau bằng chứng có thể xác minh được về tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ, cùng những người Hồi giáo Tân Cương của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tuần tra trên đường phố của người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Urumqi, Trung Quốc ngày 29/6/2013. (Getty Images)
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc tuần tra trên đường phố của người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Urumqi, Trung Quốc ngày 29/6/2013. (Getty Images)

“Chúng tôi hy vọng rằng Ủy ban Đạo đức sẽ xem xét đề nghị của chúng tôi về việc dời thế vận hội 2022 khỏi Bắc Kinh nếu tội ác quốc tế chống lại người Duy Ngô Nhĩ vẫn tiếp tục diễn ra”, ông Michael Polak, một luật sư tại London, người chuẩn bị đơn đệ trình của WUC cho biết.

Nhưng IOC đã trả lời bằng cách nói rằng họ "phải giữ thái độ trung lập đối với tất cả các vấn đề chính trị toàn cầu”.

IOC đã "nhận được sự đảm bảo" từ Bắc Kinh rằng "các nguyên tắc của Hiến chương Olympic sẽ được tôn trọng trong bối cảnh diễn ra sự kiện", IOC cho biết trong một tuyên bố gửi qua The Epoch Times qua email.

Một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đi qua lối vào một khu chợ ở Hotan, thuộc vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc vào ngày 31/5/2019. (Getty Images)
Một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đi qua lối vào một khu chợ ở Hotan, thuộc vùng Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc vào ngày 31/5/2019. (Getty Images)

Nhưng Chủ tịch của WUC, ông Dolkun Isa nói: “IOC không thể tuyên bố không biết gì về tội ác diệt chủng của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ”. Ông nói: “Nếu IOC cho phép chính phủ Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022, thì đó sẽ là một quyết định đáng xấu hổ về mặt lịch sử”.

WUC cho biết họ đã đệ trình lên IOC bằng chứng về các tội ác chống lại loài người đang diễn ra ở Tân Cương, như triệt sản hàng loạt, giam giữ tùy tiện trong các trại tập trung, tra tấn, giám sát và đàn áp, lao động và nô lệ cưỡng bức.

Ông Dolkun Isa, Chủ tịch của Đại hội Uyghur thế giới, phát biểu với AFP tại Tòa nhà Quốc hội Liên bang của Hoa Kỳ ở Washington, vào ngày 4/6/2019. (Getty Images)
Ông Dolkun Isa, Chủ tịch của Đại hội Uyghur thế giới, phát biểu với AFP tại Tòa nhà Quốc hội Liên bang của Hoa Kỳ ở Washington, vào ngày 4/6/2019. (Getty Images)

Việc tổ chức Thế vận hội Olympic ở Bắc Kinh sẽ “bị coi là ủng hộ sự đàn áp cực đoan mà người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo Tân Cương khác phải chịu”, WUC cho biết trong một tuyên bố.

Ngoài ra, tổ chức này còn cho rằng, IOC thậm chí có thể "liên quan trực tiếp" đến tội ác chống lại người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo Tân Cương khác, vì sẽ không thể đảm bảo hàng hóa được sử dụng trong Thế vận hội không phải là sản phẩm từ lao động và nô lệ cưỡng bức, do bản chất mập mờ của chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Theo số liệu do Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc và Liên Hợp Quốc trích dẫn, có tới 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác được cho là đang bị giam giữ trong các cơ sở cải tạo của Trung Quốc.

Người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng biểu tình chống ĐCSTQ bên ngoài các văn phòng của Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 6/11/2018. (Getty Images)
Người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng biểu tình chống ĐCSTQ bên ngoài các văn phòng của Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 6/11/2018. (Getty Images)

Các cựu tù nhân người Duy Ngô Nhĩ đã nói với The Epoch Times rằng họ đã bị tra tấn, buộc phải khai báo đức tin của mình và buộc phải trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khi bị giam giữ không rõ lý do tại các cơ sở cải tạo quá đông đúc.

Trong khi đó, phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai và cưỡng bức kế hoạch hóa gia đình, một báo cáo gần đây tiết lộ.

Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền chống lại người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm cả Bí thư Đảng ủy vùng Tân Cương Chen Quanguo (Trần Toàn Quốc), ủy viên Bộ Chính trị quyền lực của ĐCSTQ.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa 11 công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì dính líu đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Tại Anh, các nhà lập pháp đã thúc giục chính phủ áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về vụ việc lạm dụng ở Tân Cương cũng như Hong Kong.

Các thành viên của Nghị viện châu Âu cũng đã thúc giục Liên minh châu Âu thực hiện "hành động chính trị khẩn cấp" để hạn chế "các hành động vô nhân đạo" của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Thùy Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhóm người Duy Ngô Nhĩ kêu gọi dời Thế vận hội mùa đông năm 2022 khỏi Bắc Kinh