Nhiệm vụ mới của giới nhà giàu Trung Quốc: ‘Quyên góp’ để làm hài lòng ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính sách “thịnh vượng chung” của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã thúc đẩy các doanh nhân giàu có nhất Trung Quốc như Jack Ma phải thực thi nhiệm vụ mới: “hiến tặng” công khai hàng tỷ USD nhằm thể hiện sự đồng tình với đường lối của ĐCSTQ.

Tờ Financial Times đưa tin hôm 29/8 rằng, trong nhiều năm, hành vi cực đoan của giới nhà giàu Trung Quốc luôn là những câu chuyện truyền kỳ. Từ đỉnh Victoria Peak ở Hong Kong, đến Kensington Palace ở London và Khu dân cư thượng lưu Upper East Side ở New York, những người giàu nhất Trung Quốc đã “lấy đi” những bất động sản đắt giá nhất thế giới. Rất nhiều người còn nổi tiếng với các thương vụ triệu đô khác từ việc mua lại câu lạc bộ bóng đá Anh, vườn nho ở Bordeaux (Pháp), đến công ty điện ảnh Hollywood và báo chí quốc tế. Nhưng giờ đây, Jack Ma và các tỷ phú Trung Quốc đang thực hiện một nhiệm vụ cấp bách khác: quyên góp từ thiện công khai và chấp nhận hy sinh tài sản để thể hiện sự tán đồng với đường lối của ĐCSTQ.

Trong những tháng gần đây, giới tinh hoa của những tập đoàn giàu có và quyền lực nhất Trung Quốc đang bước vào cuộc đua làm hài lòng Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình. Theo đó, tinh thần nhân từ trỗi dậy đột xuất với làn sóng luân chuyển nguồn tài chính doanh nghiệp và cá nhân sang các cơ quan sự nghiệp liên quan đến nhà nước. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, số tiền các tỷ phú Trung Quốc quyên tặng trong năm nay cao hơn 20% so với năm 2020.

Vào tuần trước, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã sôi nổi đăng lại đề xuất chính sách “thịnh vượng chung” của ông Tập tại cuộc họp ở Bắc Đới Hà. Ông Tập nói rằng, “thịnh vượng chung” là yêu cầu cơ bản của chủ nghĩa xã hội và vì để “thúc đẩy công bằng chính nghĩa trong xã hội”.

Vài ngày sau, Tencent - Tập đoàn công nghệ tài chính, trò chơi và truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc, thông báo rằng họ sẽ dành 50 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD) hiến tặng cho ĐCSTQ để cổ vũ chính sách “thịnh vượng chung” này.

Cũng trong tuần trước, ông Trần Lỗi (Chen Lei ), CEO của Pinduoduo, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, hứa sẽ sử dụng doanh thu 1,5 tỷ USD trong tương lai của công ty để hỗ trợ hiện đại hóa nông nghiệp và phục hồi nông thôn.

Số doanh nghiệp lớn và giới giàu có tuyên bố quyên góp trong những tuần gần đây còn có Tập đoàn Hillhouse Capital của ông Trương Lỗi (Zhang Lei) và người sáng lập trang mạng giao thực phẩm Meituan là ông Vương Hưng (Wang Xing).

Tương tự, sau trận lũ lụt ở Hà Nam vào cuối tháng 7, hàng loạt gã khổng lồ công nghệ như Alibaba, Tập đoàn Didi, Tencent, Pinduoduo, v.v. đều cam kết quyên góp hàng chục triệu USD.

Tuy nhiên, các công ty và giới nhà giàu Trung Quốc dường như đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn, vì trong hai năm qua họ rất khó xin thành lập các tổ chức từ thiện. Theo một nhà quản lý tài chính cấp cao của Trung Quốc cho biết, công ty của ông đang mở rộng các hoạt động từ thiện, nhưng luật từ thiện sửa đổi cách đây 5 năm khiến các đơn đăng ký của tổ chức phi chính phủ bị kiểm soát chặt chẽ. Bây giờ, việc xin thành lập quỹ từ thiện tư nhân ở Trung Quốc rất khó. Kể từ khi xảy ra dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), không có đơn xin thành lập tổ chức phi chính phủ nào được chấp thuận ở Bắc Kinh.

Nhà quản lý tài chính này nói rằng, các tổ chức từ thiện được chính phủ ủng hộ sẽ trở thành nơi thu lợi chính của các khoản quyên góp. Theo đó, những công ty tư nhân tài trợ cho các dự án của chính phủ sẽ nhận được đãi ngộ về chính trị.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, đây thực chất là một thủ đoạn kiểm soát tài sản của ĐCSTQ, cho phép các khoản quyên góp chỉ có thể chảy vào những nơi có liên quan đến ĐCSTQ, đạt được mục tiêu là các hoạt động từ thiện phải duy trì nhất quán với các mục tiêu của ĐCSTQ. Bởi vì theo quan điểm của ĐCSTQ, nếu doanh nghiệp tư nhân phát triển ngoài tầm kiểm soát, nó sẽ làm suy yếu quyền lực của nhà cầm quyền, do đó phải được kiểm soát trước.

Thịnh vượng chung - Màn phân chia lại quyền lực, tài sản giữa các quan chức trong ĐCSTQ

Chính sách “thịnh vượng chung” của ông Tập trên bề mặt là vì “thúc đẩy công bằng chính nghĩa trong xã hội”, nhưng thực chất đó chính là màn “tái hiện” lịch sử cướp bóc mà ĐCSTQ vẫn cho là đương nhiên kể từ khi lên nắm quyền. Nhưng trước tiên, màn cướp bóc này sẽ nhắm vào giới nhà giàu và các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Trung Quốc.

Từ việc "đánh thổ hào, phân ruộng đất", "đánh thổ hào, phân tài sản" ở Tĩnh Cương Sơn - nơi sinh ra Hồng quân ĐCSTQ và là cái nôi của "cách mạng Trung Quốc", đến tịch thu tư sản quan liêu và ruộng đất của địa chủ, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tịch thu tài sản, tư hữu hoá, v.v. tất cả đều là những tên gọi trá hình khác nhau mà ĐCSTQ đặt ra cho hành vi cướp bóc của họ tại các thời kỳ khác nhau.

Nhưng nhà giàu ngày nay khác hẳn thổ hào thập kỷ 50 - 60 của thế kỷ XX khi ĐCSTQ mới cầm quyền. Thổ hào thời đó giàu có nhờ tích lũy tư bản hàng trăm năm trong gia tộc. Tất cả tài sản cũng như bản thân các thổ hào hồi đó đều đã biến mất do quốc hữu hóa, cướp bóc và các đợt thanh trừng của ĐCSTQ. Ngày nay, dưới triều đại đỏ, các thổ hào mới thay thế chính là tinh hoa của ĐCSTQ. 500 gia tộc có tổng tài sản chiếm 40% tổng tài sản của cả nước đều là những gia tộc có quyền lực trong ĐCSTQ. Có thể dẫn chứng như gia tộc Giang Trạch Dân, gia tộc Bạc Hy Lai… Các doanh nghiệp giàu có đều thuộc hoặc có mối liên hệ với các gia tộc này. Do vậy, chính sách "lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo" của ông Tập Cận Bình hiện nay có thể đã và sẽ mở rộng một cuộc thanh trừng quy mô lớn trong nội bộ ĐCSTQ.

Mai Hạ

(t/h)

 



BÀI CHỌN LỌC

Nhiệm vụ mới của giới nhà giàu Trung Quốc: ‘Quyên góp’ để làm hài lòng ĐCSTQ