Nhân chứng tiết lộ nội tình việc cưỡng bức thu hoạch bông ở Tân Cương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố rằng, trong năm 2020 tỷ lệ hái bông cơ giới hóa của Tân Cương đạt 69,83%, nhằm bác bỏ cáo buộc rằng chính quyền này cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, một người gốc Hán từng làm trong "Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương" đã tiết lộ cách các quan chức Tân Cương bắt người dân hái bông, vạch trần sự dối trá của ĐCSTQ.

"Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương" (sau đây gọi tắt là Binh đoàn) là một tổ chức ‘bốn trong một’, tức vừa là tổ chức đảng, chính phủ, quân đội và xí nghiệp, 1/3 vốn của tổ chức này đến từ bông. Theo một báo cáo của Đài Á Châu Tự Do (RFA), một phụ nữ dân tộc Hán có tài khoản trên mạng là "Nô lệ Nhà nước" tự nhận mình sinh ra trong một nông trường thuộc Sư đoàn nông nghiệp 8 của Binh đoàn ở thành phố Thạch Hà Tử, Tân Cương vào những năm 1960. Trước khi chuyển đến Hoa Kỳ, bà là giáo viên cấp 2 ở nông trường Binh đoàn, từ nhỏ đã bị bức tham gia "lao động nghĩa vụ".

Người này chỉ ra trên Clubhouse (một ứng dụng mạng xã hội của Mỹ) rằng, Binh đoàn Tân Cương thực sự đã huy động nhân lực đến các nông trường ở phía nam Tân Cương để hái bông, khi đại đội trưởng và chỉ đạo viên của nông trường yêu cầu công nhân viên hái bông, "Bạn có thể nói không sao? Bạn không làm, không nghe lời, không giữ thể diện cho lãnh đạo, không tích cực hưởng ứng những điều động của cấp trên thì sau này sống ra sao?".

Bà cho biết, bố mẹ bà và bà đã từng chứng kiến cảnh thảm hại của những “kẻ phản động” không chăm chỉ, những người này sau đó bị bức phải lao động chân tay nặng hơn. Vây nên bà đã giáo dục các con rằng, nhất định phải nhẫn nại.

Theo vị giáo viên này, một đội quân hái bông của Binh đoàn có thể lên tới hơn 100.000 người, và đây cũng là lực lượng hái bông chính ở nam Tân Cương hàng năm. Các trường học ở Tân Cương khai giảng vào tháng 9 hàng năm, nhưng các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông - nơi chủ yếu được điều động đi hái bông - thì không khai giảng. Binh đoàn khuyến khích mọi người giúp đỡ thu hoạch nông sản vụ thu. Có một áp lực vô hình từ xã hội, "Tốt hơn hết là bạn nên giúp đỡ, đi theo sự điều chỉnh lao động của Binh đoàn để hái bông. Nếu không có đủ chỗ ở thì phải tự dựng lều, sẽ có người dân địa phương giúp nấu ăn cho".

Bà cũng nói, "Kể từ khi học tiểu học, việc lao động nghĩa vụ (ở Tân Cương) đã đồng hành với quá trình trưởng thành (của bà). Vào mùa đông, chúng tôi phải thu thập phân để cày bừa cho vụ xuân và mỗi học sinh đều được phân chỉ tiêu; vào mùa xuân, chúng tôi phải trồng cây và làm cỏ; mùa hè phải ra đồng lúa mạch giẫy cỏ, diệt sâu bọ; mùa thu hoạch vụ thu thì học sinh phải tổ chức đi hái bông, nhặt bông lúa mì trên đồng”.

Về sự khác biệt giữa "lao động nghĩa vụ" và "lao động cưỡng bức", khi đến Hoa Kỳ bà mới thực sự hiểu ra. Theo quan điểm của bà, công việc hái bông ở Tân Cương có thể là một loại bạo lực mềm.

Bài viết của RFA chỉ ra rằng, phía nam Tân Cương là khu vực sản xuất bông chất lượng cao (như long-staple cotton - loại bông xơ dài >30mm), đây là sản phẩm nông nghiệp quan trọng để xuất khẩu của Tân Cương, việc hái bằng máy rất lãng phí và cần phải hái thủ công, tháng 9 và tháng 10 hàng năm là mùa thu hoạch. Còn đối với bông cấp thấp (bông xơ ngắn), thì hái bằng máy tiết kiệm chi phí hơn.

Đài BBC của Anh trước đó đã dẫn lời một báo cáo nghiên cứu cho biết, Trung Quốc đã sử dụng lao động cưỡng bức để buộc hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác phải hái bông thủ công ở Tân Cương. Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật Tiết lộ Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” (Uyghur Forced Labor Disclosure Act) vào năm ngoái, và vào tháng 1 năm nay, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu bông và cà chua từ Tân Cương, cũng như tất cả các sản phẩm làm từ những nguyên liệu này. Lý do là những sản này đều là kết quả của hành vi cưỡng bức lao động và xâm phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Đông Phương

Theo Thiên Bình - Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhân chứng tiết lộ nội tình việc cưỡng bức thu hoạch bông ở Tân Cương