Người Trung Quốc bị bắt và phạt tiền vì truy cập các trang web nước ngoài 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cảnh sát Trung Quốc đang tiến hành bắt giữ và phạt tiền đối với những công dân và công ty sử dụng phần mềm để truy cập nội dung internet bị chính phủ chặn, trong cuộc đàn áp mở rộng đối với những người “truy cập trái phép các mạng quốc tế”.

Theo một luật được ban hành vào năm 1996 khi Internet bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc, giới chức nước này đang leo thang một chiến dịch bắt giữ những người dân sử dụng phần mềm phổ biến như Astrill và Lantern để vượt qua các tường kiểm duyệt và truy cập vào YouTube, Twitter, Wikipedia hay các trang web khác.

Ví dụ, vào ngày 24/10, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ một công dân tên là Zhang Tao. Người này đã bị phạt vì sử dụng phần mềm Lantern “để truy cập trang web Wikipedia để lấy thông tin”. Người dùng Internet Trung Quốc đã không còn có thể truy cập vào Wikipedia kể từ tháng 4/2019.

Tường lửa của Trung Quốc được thiết lập nhằm kiểm duyệt việc truy cập vào mạng lưới Internet của người dân nước này. Nhưng hàng chục triệu người Trung Quốc đã sử dụng mạng ảo VPN “vượt tường lửa” để truy cập vào các thông tin trên mạng, bao gồm từ nội dung khiêu dâm đến các nguồn tài liệu học thuật nước ngoài.

Tuy nhiên, theo các hồ sơ chi tiết mà tỉnh Chiết Giang đã công bố trực tuyến cho thấy, giới chức Trung Quốc đang tiến hành ngăn chặn việc truy cập vào các nội dung không được nhà nước cho phép trên Internet thông qua các VPN mà Bắc Kinh chưa phê duyệt.

Trong hầu hết các trường hợp, người dân vi phạm điều này sẽ bị phạt.

Cảnh sát đã phạt tiền, tịch thu hàng nghìn USD mà người dân kiếm được thông qua hoạt động trực tuyến, thu giữ bộ định tuyến và ra lệnh "tạm ngừng kết nối mạng" của người dân. Trong một số trường hợp, cảnh sát đã trừng phạt các công ty kinh doanh sử dụng phần mềm VPN để truy cập mạng lưới Internet rộng lớn hơn cho các mục đích của "mạng quốc tế".

Chính quyền Trung Quốc thực hiện chiến dịch này nhằm gửi thông điệp cảnh cáo cho toàn bộ người dân Trung Quốc rằng, họ không được sử dụng bất kỳ hình thức nào để vượt tường lửa, một người đồng sáng lập GreatFire.org cho biết.

Các vụ bắt giữ và phạt tiền cùng một loạt các biện pháp khác cho thấy, Bắc Kinh đang nỗ lực ngăn chặn quyền truy cập thông tin vượt ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. Đồng thời, các trường học, văn phòng chính phủ và nơi làm việc đều tăng cường yêu cầu việc tuân thủ các chủ trương tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Nhiều người dân Trung Quốc đã bị bắt vì đăng các bài trên Twitter - một mạng xã hội không thể truy cập từ Internet Trung Quốc. Apple đã xóa hàng trăm VPN khỏi App Store của mình ở Trung Quốc. Năm 2019, chính quyền Trung Quốc đã mở rộng đáng kể danh sách các trang tin tức nước ngoài bị cấm, bao gồm The Globe and Mail.

Không rõ mức độ của cuộc đàn áp về việc sử dụng VPN như thế nào. Tuy nhiên, thông tin cho thấy, cảnh sát bắt giữ những người dân dùng VPN ở các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc và Quý Châu. Hầu hết các tỉnh thành lớn khác đều không có kho kỹ thuật số lưu trữ hồ sơ xử phạt hành chính.

Tại tỉnh Chiết Giang, các hồ sơ cho thấy, vụ bắt giữ đầu tiên là vào năm 2018, sau đó có một vài vụ bắt giữ khác vào năm 2019. Số vụ bắt giữ đã tăng mạnh trong năm nay.

Mo Shaoping là một luật sư nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc. Ông cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, những điều tương tự sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong năm nay. Những hạn chế đối với các cộng đồng và hoạt động trực tuyến ngày càng trở nên nghiêm ngặt. Số lượng các trường hợp phải chịu trách nhiệm pháp lý cũng đang tăng lên”, với cả trường hợp đăng lại thông tin nước ngoài gây tranh cãi trong nước.

Tờ Globe and Mail của Canada đã có cuộc trao đổi với sĩ quan tại 2 đồn cảnh sát thực hiện các vụ bắt giữ liên quan đến VPN. Một sĩ quan nói rằng chủ đề này quá nhạy cảm nên không thể thảo luận, và đề nghị câu hỏi nên được gửi đến Văn phòng Công an tỉnh. Nhưng số fax của văn phòng đó lại không thể tìm thấy.

Vào ngày 29/10, trang web của chính quyền tỉnh Chiết Giang đã xoá các hồ sơ về các vụ bắt giữ liên quan đến việc dùng VPN, sau khi tin tức về vụ bắt giữ làm dấy lên làn sóng tức giận và chế nhạo trên mạng xã hội Trung Quốc.

Các hồ sơ không cho biết cụ thể làm thế nào mà cảnh sát phát hiện ra những người sử dụng các công cụ vượt kiểm duyệt mạng. Tuy nhiên, có nhiều thông tin về những người sử dụng Baidu - một trình duyệt web giống như Google và thường được gọi là Google của Trung Quốc.

Đối với trường hợp của một người tên là Pan Binglin, người này đã bị phạt vì sử dụng điện thoại di động để tìm kiếm phần mềm Shadowrocket trên Baidu tại một công ty thuộc sở hữu của một công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc.

Một số người truy cập các trang web nước ngoài để chơi game hoặc đánh bài trực tuyến. Có những người là để sử dụng WhatsApp, Telegram hoặc Twitter, YouTube, Instagram và xem các nguồn tin tức nước ngoài. Những người này đều bị điều tra hoặc bị cảnh cáo.

Một số người khác gặp rắc rối vì muốn kinh doanh ở nước ngoài. Yu Chunlei là một nhà quản lý tại Khu công nghiệp Puxi, đã mua một bộ định tuyến được trang bị VPN vào năm 2019 “để liên lạc với khách hàng nước ngoài về các vấn đề ngoại thương”, theo thông tin từ một hồ sơ. Hành động đó “cấu thành việc thiết lập và sử dụng trái phép các kênh không theo luật định để kết nối mạng quốc tế”. Người này đã bị phạt một mức tiền tương đương hơn 4 triệu VNĐ.

Cảnh sát đã thu một khoản tiền tương đương 100 triệu VNĐ, là "thu nhập bất hợp pháp" của một người tên là Zheng Kening. Người này đã bán đăng ký của "các kênh mạng quốc tế bị cấm". Một người tên là Lin Huile cũng đã bị phạt khoảng hơn 8 triệu VNĐ và tịch thu khoảng 8 triệu VNĐ vì cung cấp bộ định tuyến được trang bị VPN.

Giới phê bình đặt câu hỏi rằng, tại sao cảnh sát lại thực hiện bắt giữ và phạt tiền như vậy?

Một lập trình viên nghiệp dư tên là Yan bị bắt vào năm 2018 cho biết, hầu hết những người muốn truy cập vào các trang web nước ngoài chỉ là muốn tìm kiếm thông tin học thuật. Tờ The Globe and Mail không tiết lộ tên đầy đủ của người này, vì anh lo sợ bị chính quyền trả đũa.

Anh Yan nói: “Một số người dùng thương mại điện tử sử dụng VPN để kinh doanh trực tuyến. Việc hoàn toàn cấm là không hợp lý".

Nguyễn Minh
Theo The Globe and Mail



BÀI CHỌN LỌC

Người Trung Quốc bị bắt và phạt tiền vì truy cập các trang web nước ngoài