Người sáng lập Alibaba - Jack Ma đã trốn thoát khỏi Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyền thông Trung Quốc dẫn lời nguồn tin cho biết, ông Jack Ma (Mã Vân) - người sáng lập Alibaba đã trốn thoát khỏi Trung Quốc thành công nhờ hộ chiếu Saint Kitts - một quốc đảo ở vùng biển Caribe vào cuối tháng 12 năm ngoái.

Gần đây, công chúng phát hiện rằng ông Jack Ma đã không xuất hiện công khai hơn 2 tháng nay, ông cũng bất ngờ vắng mặt trong chương trình truyền hình thực tế “Anh hùng kinh doanh châu Phi" (Africa's Business Heroes) do ông đầu tư sản xuất.

Về vấn đề này, kênh truyền thông đại lục "Tiêu đề Tin tức" (《新闻头条》) đưa tin vào ngày 8/1, cho biết một nguồn thạo tin tiết lộ rằng vào cuối tháng 12 năm ngoái, ông Jack Ma đã rời khỏi Trung Quốc thông qua hộ chiếu Saint Kitts. Cụ thể là ông Ma đã ngồi du thuyền cá nhân để di chuyển từ Thâm Quyến đến Hong Kong, sau đó dùng hộ chiếu Saint Kitts để bay từ Hong Kong đến Singapore.

Theo bài báo, ông Jack Ma có một lượng lớn tài sản cá nhân ở nước ngoài đặt tại Saint Kitts. Ông Ma có hộ chiếu Saint Kitts là do nước này có mức đóng thuế thấp hoặc miễn thuế. Vì là một cư dân đóng thuế cho nước này, cho nên mặc dù Saint Kitts đã tham gia Tiêu chuẩn Báo cáo Chung (Common Reporting Standard, CRS) - tiêu chuẩn tự động trao đổi thông tin tài khoản tài chính giữa các cơ quan thuế các nước, nên thông tin tài khoản tài chính ở nước ngoài của ông Ma không bị trao đổi với Trung Quốc, nhờ vậy ông này đã tránh được rất nhiều các cuộc thanh tra thuế và tài sản cá nhân ở Trung Quốc.

Kênh truyền thông đại lục đưa tin vào ngày 8/1, một nguồn thạo tin tiết lộ rằng vào cuối tháng 12 năm ngoái, ông Jack Ma đã rời khỏi Trung Quốc thông qua hộ chiếu Saint Kitts. (Nguồn ảnh: Internet)
Kênh truyền thông đại lục đưa tin vào ngày 8/1, một nguồn thạo tin tiết lộ rằng vào cuối tháng 12 năm ngoái, ông Jack Ma đã rời khỏi Trung Quốc thông qua hộ chiếu Saint Kitts. (Nguồn ảnh: Internet)

Sau khi các nhà chức trách Trung Quốc dừng kế hoạch niêm yết của Ant Group, và Jack Ma cùng các nhân vật chủ chốt khác của Ant Group bị các cơ quan quản lý gọi lên nói chuyện, một cuộc điều tra chống độc quyền và chấn chỉnh các doanh nghiệp của ông Ma đã nhanh chóng được khởi động. Hôm 8/1, tờ Financial Times của Anh dẫn lời nguồn tin cho biết chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu các kênh truyền thông lớn của nước này không đưa tin về cuộc điều tra chống độc quyền của Alibaba. Tờ báo phân tích rằng vụ việc của Jack Ma có thể còn nghiêm trọng hơn, chứ không chỉ đơn giản là vấn đề chấn chỉnh doanh nghiệp mà ngoại giới nhìn nhận, hoặc nó đã trở thành một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị ở Trung Quốc.

Bài báo nói rằng, chỉ thị của Bắc Kinh đối với việc đưa tin về Alibaba tương tự như cách đưa tin về các sự kiện chính trị quan trọng trong các bản tin của Trung Quốc, chẳng hạn như chỉ thị đưa tin về phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai hồi trước. Financial Times cũng trích dẫn một bài báo viết về ông Jack Ma trên tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), rằng: “Chống độc quyền đã trở thành một vấn đề cấp bách liên quan đến toàn cục”.

Về vấn đề này, ông Tiêu Cường (Xiao Qiang), nhà nghiên cứu tại Học viện Thông tin thuộc Đại học California, Berkeley, cho biết: "Chỉ thị này rất giống với chỉ thị đưa tin về ‘các sự kiện chính trị vô cùng quan trọng’ như hồi xét xử vụ Bạc Hy Lai”.

Ông Tiêu nói: "Khoản đầu tư của công ty Jack Ma có liên quan trực tiếp đến gia tộc chính trị quyền lực nhất Trung Quốc. Lần này Jack Ma xảy ra chuyện, rất có thể là do liên quan đến chính trị, chứ không phải chỉ vì bài phát biểu của ông ấy động chạm đến Tập Cận Bình hoặc các quan chức cấp cao khác trong đảng".

Còn nhà kinh tế học La Gia Thông (Luo Jiacong) cho biết: "Tôi đoán đó không chỉ là một hiện tượng kinh tế, mà có thể bị coi là mối đe dọa chính trị. Chính trị luôn là vấn đề được suy xét trước nhất trong ĐCSTQ, chính trị ngự trị tất cả. Tôi cho rằng nó liên quan đến chính trị nhiều hơn là kinh tế hoặc tài chính".

Sau khi Jack Ma công khai chỉ trích các cơ quan quản lý Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính Bến Thượng Hải vào ngày 24/10 năm ngoái, cả ông và Tập đoàn Alibaba đã phải chịu một loạt các cuộc chấn chỉnh của chính quyền. Ngoài việc kế hoạch niêm yết của Ant Group - công ty con thuộc Alibaba bị đình chỉ, thì Alibaba cũng bị phạt và bị đưa vào diện điều tra chống độc quyền.

Ngoại giới đều cho rằng bài phát biểu này của ông Ma đã khiến các lãnh đạo cao nhất của Trung Nam Hải tức giận. Tờ The Wall Street Journal dẫn lời nguồn tin thân cận với Trung Nam Hải, cho biết ông Tập Cận Bình đã đích thân ra lệnh tạm dừng đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group tại Thượng Hải và Hong Kong.

Ngoài ra, hôm 4/1 Bloomberg News cũng dẫn lời nguồn tin cho biết, ngay từ đầu tháng 12 năm ngoái, ông Jack Ma đã được kiến nghị là không nên rời Trung Quốc.

Sự việc ông Ma biến mất đã thu hút sự chú ý rộng rãi của truyền thông phương Tây. Phóng viên David Faber của CNBC Hoa Kỳ dẫn lời nguồn tin và cho biết vào ngày 5/1 rằng, Jack Ma không biến mất, chỉ là hiện tại ông không được công khai lộ diện. Về vấn đề này, ông trùm quỹ phòng hộ (hedge fund) người Mỹ Kyle Bass nghi ngờ độ tin cậy về tin tức của Faber và nói rằng Jack Ma sẽ bị kết án tù trong vòng 18 tháng tới, ít nhất là 10 năm tù và ông Bass sẵn sàng đặt cược với Faber 1 USD về điều này.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Người sáng lập Alibaba - Jack Ma đã trốn thoát khỏi Trung Quốc?