Người dân Trung Quốc nói sự quản lý yếu kém của chính quyền dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Huyện Lujiang, tỉnh An Huy gần đây đã bị nhấn chìm trong lũ lụt sâu 8m sau trận mưa lớn.

Dù chính quyền địa phương và truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố một con đê địa phương bị vỡ do mưa xối xả gây ra lũ lụt; một số người dân cho biết, họ tin rằng chính quyền cố tình làm hư hại con đê để xả nước mưa đến các huyện nhằm bảo vệ các khu đô thị.

Kể từ khi các trận mưa lớn lịch sử xảy ra ở hầu hết các khu vực ở Trung Quốc vào mùa hè này, chính quyền địa phương đã áp dụng chiến lược hy sinh các vùng nông thôn khi xử lý lượng nước mưa lớn.

Cư dân địa phương ở Lujiang cho biết, họ bị mắc kẹt trong khi chỉ có rất ít thức ăn và vật dụng 40 ngày rồi.

Tình hình lũ lụt ở Trung Quốc

Anh Chen Liang (bí danh), một cư dân của thị trấn Tongda, huyện Lujiang, cho biết: “Nước vẫn chưa rút. Nước vẫn còn cao khoảng 2m trong nhà của chúng tôi và tầng đầu tiên vẫn bị ngập trong nước… Bây giờ, chính phủ cho biết họ sẽ thoát nước [bằng máy bơm]. Còn [việc] khi nào nước mới rút hẳn thì ai sẽ biết được?”

Hai làng Shidaxu và Niuguangxu cách nhau khoảng 30km cũng bị chìm nghỉm trong nước lũ, anh Chen nói. Hàng chục nghìn người ở làng Shidaxu đã phải rời bỏ nhà cửa của họ và ở trọ bên ngoài làng trong thời điểm hiện tại.

Trong hơn 40 ngày qua, anh Chen phải thuê nhà để sống. Mãi cho đến nay, cơ quan chức năng mới chỉ bắt đầu cung cấp cho mỗi gia đình duy nhất một bao gạo và một chai dầu ăn.

Anh Chen, vợ và 2 con đang sống trong một căn hộ 20m2, với giá thuê 500 nhân dân tệ (khoảng 1,5 triệu VNĐ) một tháng.

Anh cho biết, gia đình gặp nhiều khó khăn vì còn cha mẹ và ông nội cần được phụng dưỡng.

Anh Chen là một chủ doanh nghiệp nhỏ, có 2 cửa hàng, nhưng một cửa hàng của anh đã bị ngập hoàn toàn. Anh ước tính bị thiệt hại khoảng 4 - 5 triệu nhân dân tệ (13 -17 tỷ VNĐ).

Anh Chen nói: “Tôi đã dành phần lớn số tiền tiết kiệm cả đời để đầu tư vào cửa hàng. Ngoài ra còn có các khoản nợ và các khoản vay khác… những người bình thường chúng tôi có những khó khăn không thể kể xiết”.

Anh cũng lo lắng về thiệt hại đối với ngôi nhà của mình.

Hiện tại nước vẫn chưa rút. Cách đây vài ngày, anh về nhà để lấy một số đồ đạc thì thấy ngôi nhà ở trong tình trạng rất kinh khủng. “Không còn gì dùng được nữa. Căn nhà bốc mùi hôi. Thật là khủng khiếp, bạn không thể vào trong. Quần áo bị ướt hết và không dùng được gì nữa”, anh Chen cho biết.

Cơ quan chức năng sơ tán

Anh Chen kể lại rằng vào đêm trước trận lụt ngày 22/7, chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân sơ tán, nhưng yêu cầu họ không được phép mang theo bất cứ thứ gì.

Theo kênh truyền thông Tin tức thế kỷ 21 của Trung Quốc, vào ngày 22/7, mực nước tại hồ Chaohu ở địa phương đã tăng từ 8,80m trước mùa mưa lên cao nhất là 13,43m, lập kỷ lục lịch sử. Lượng nước của hồ tăng gần 3,6 tỷ m3, gấp đôi dung tích nước bình thường của nó.

Trong điều kiện bình thường, nước hồ chảy vào sông Trường Giang, nhưng do mưa lũ đã làm tràn hồ.

Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 22/7, truyền thông địa phương đưa tin rằng con đê sát hồ đã bị sập.

Anh Chen nghi ngờ rằng chính quyền đã cố ý phá vỡ đê - vì họ biết phải sơ tán cư dân trước khi lũ lụt bắt đầu.

“Thật khó hiểu nổi… Tại sao chính phủ không thừa nhận việc xả nước mà lại nói về sự cố vỡ đê? Tại sao? Chúng tôi đã hy sinh lớn như vậy. Chúng tôi không đáng nhận được một lời giải thích sao?", anh Chen nói.

Anh cho biết thêm rằng có khoảng 6.666 ha đất đai màu mỡ ở 2 ngôi làng hiện bị nhấn chìm trong nước. Kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào trồng lúa và thủy sản.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Người dân Trung Quốc nói sự quản lý yếu kém của chính quyền dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng