Người dân Hồ Bắc bị kỳ thị vì dịch bệnh và bị bỏ rơi ở ngay chính quê hương Trung Quốc của mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi nhiều người Trung Quốc trên khắp thế giới đang bị kỳ thị bởi nỗi sợ hãi của cộng đồng thế giới về sự lây lan của dịch bệnh, thì người dân tỉnh Hồ Bắc lại đang phải đối mặt với “vết nhơ” của dịch bệnh ngay tại quê hương Trung Quốc của mình.

Ngày 27/3, khi tỉnh Hồ Bắc dỡ bỏ lệnh phong tỏa, người lao động từ Hồ Bắc, nơi tâm dịch bùng phát tại Trung Quốc, đã bị từ chối cho nhập cảnh tại biên giới tỉnh Hồ Bắc và tỉnh Giang Tây.

Tại trạm kiểm soát trên cây cầu giáp biên giới, cảnh sát Giang Tây đã cấm cư dân Hồ Bắc nhập cảnh, thậm chí, còn xảy ra vụ đụng độ với cảnh sát tỉnh Hồ Bắc, khi có yêu cầu làm rõ sự việc.

Trong vụ ẩu đả, có ít nhất một cảnh sát Hồ Bắc bị đè xuống đất và một người khác bị bóp cổ, theo nguồn tin “rò rỉ” từ sở cảnh sát khu vực này. Đoạn video về cuộc đụng độ được ghi lại bởi người dân địa phương, cho thấy cảnh sát Giang Tây đã đập những tấm khiên chống đạn vào đầu các cảnh sát Hồ Bắc.

Đám đông tức giận tổ chức biểu tình rầm rộ từ 8 giờ sáng đến chiều muộn cùng ngày, và la hét “Hồ Bắc biến đi!” Rất đông người trên cầu dẫm lên những chiếc xe cảnh sát. Cùng ngày, truyền thông Trung Quốc đưa tin về việc hai Phó thống đốc Giang Tây từ chức, mà không nêu rõ lý do cụ thể.

Hồ Bắc, có khoảng 60 triệu người, đã được gỡ bỏ các hạn chế giao thông (ngoại trừ thành phố Vũ Hán) với các vùng lân cận vào ngày 25/3. Người dân được chứng nhận “mã xanh” (sức khỏe tốt) sẽ được phép di chuyển ra ngoài biên giới.

Nhưng ở các tỉnh thành khác, sự thù ghét và phân biệt đối xử với người dân Hồ Bắc đã gia tăng bởi nỗi sợ hãi dịch bệnh. Lao động di trú đến từ Hồ Bắc đã phải nhẫn nhịn chịu đựng sự kỳ thị khi họ trở lại làm việc tại các vùng miền khác của Trung Quốc.

“Chúng tôi bị cách ly và bị bắt nạt khi đi ra ngoài”, một công nhân tên Xu đến từ huyện Hoàng Hà, tỉnh Hồ Bắc, đã tham gia biểu tình và nói về tình cảnh khó khăn của họ với The Epoch Times.

Hàng chục lao động nhập cư khác đã cố gắng tìm việc nhưng không thành. “Chỉ cần nhắc đến từ ‘Hồ Bắc’, họ lập tức bị từ chối”, cô Xu cho biết.

Bị ‘mắc kẹt’ và bị từ chối trên chính quê hương Trung Quốc của mình

Trên khắp Trung Quốc, những ai dính dáng đến hai chữ “Hồ Bắc” đều bị đối xử ghẻ lạnh tại các khách sạn, trên xe buýt và tại các nơi làm việc trước đây, không quan trọng gần đây họ có đến vùng tâm dịch này hay không.

Một cư dân tên Zhang ở thành phố Tây An - thủ phủ tỉnh Thiểm Tây ở phía Tây Bắc Trung Quốc, đã không được lên xe buýt đưa đón đến sân bay vì mang thẻ căn cước tỉnh Hồ Bắc, mặc dù đã hơn 20 năm kể từ khi đến định cư ở Tây An, ông Zhang chưa hề quay lại Hồ Bắc.

Ông Zhang kể lại rằng khi ông hỏi tài xế: “Đây là loại luật lệ gì?”, thì anh này nói rằng anh ta “không chịu trách nhiệm về vấn đề này” và yêu cầu ông gọi đến sân bay. Sau nhiều cuộc gọi không có kết quả, tài xế đề nghị ông bắt taxi.

“Đây là lệnh từ cấp trên, và tôi chỉ có thể nói vậy”, người lái xe nói khi ông Zhang yêu cầu được giải thích. Cuối cùng, ông Zhang và con gái đành phải hủy bỏ chuyến bay, vì ở sân bay, ông có thể bị cách ly và không thể về nhà.

Khi đề cập đến vấn đề hủy vé máy bay của con gái ông, người đang bị “mắc kẹt” ở tỉnh nhà và cần trở về làm việc tại một công ty thương mại nước ngoài ở Quảng Châu, ông nói: “Đó không phải là vấn đề lớn nếu chúng tôi mất tiền. Con bé học tiểu học, trung học và cả đại học ở đây, nó thậm chí còn không biết Hồ Bắc như thế nào. Lần duy nhất con tôi tới Hồ Bắc là để dự thi tuyển sinh đại học 6 về năm trước”.

Public Transport Recovers In Wuhan As Coronavirus Cases Under Control
Một hành khách chờ ở ga Tàu điện ngầm Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 28/3/2020. (Getty Images)

“Họ không thể vô trách nhiệm với dân chúng đến vậy”, ông nói.

Shuai Renbing, công nhân nhập cư từ Tỉnh Hồ Bắc, đang phải đối mặt với tình huống tương tự ở Bắc Kinh.

“Cả ông chủ của tôi và cảnh sát đều vậy, cứ thấy ai trong chúng tôi họ cũng phản ứng như gặp phải ma”, ông nói.

Nạn thất nghiệp và giá lương thực tăng cao khiến ông phải vật lộn để nuôi gia đình với 3 thành viên. “Ngay bắp cải, một trong những loại rau rẻ nhất ở miền Bắc Trung Quốc, cũng có giá tăng gấp bốn lần so với trước đây. Trừ việc duy trì sự ổn định xã hội, tôi thực sự không biết chính quyền đang quan tâm điều gì”, ông nói.

Ngày 27/03, một đám đông vài trăm người từ Hồ Bắc đã tập trung tại đồn cảnh sát thuộc khu vực cầu Cửu Giang của tỉnh Giang Tây, gần cầu biên giới để yêu cầu một lời xin lỗi chính thức. Một số người dân tỉnh Hồ Bắc có thể xem việc lãnh đạo tỉnh Giang Tây phải từ chức là một chiến thắng nhỏ, nhưng đối với nhiều người khác, “chiến thắng” này không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

“Không ai dám nhận trách nhiệm về dịch bệnh. Chính quyền Trung Quốc mắc nợ người dân Hồ Bắc. Họ không quan tâm đến sự sống còn của người dân, cũng như không cần biết người dân có thực phẩm để ăn và nước để uống hay không”, bà Hoàng, từ tỉnh Hồ Bắc, nói với The Epoch Times.

Cô Xu cho rằng tất cả những gì họ muốn là một chút bình yên cho tinh thần của mình Cô nói: “Bây giờ thường dân chúng tôi không có tiền, không có việc làm, và có nguy cơ phải chết đói”.

Nguyên Hương

-Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Người dân Hồ Bắc bị kỳ thị vì dịch bệnh và bị bỏ rơi ở ngay chính quê hương Trung Quốc của mình