Người biểu tình Hong Kong thích nghi để tiếp tục chiến đấu giữa bối cảnh căng thẳng bủa vây Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc diễu hành triệu người của Hong Kong, cảnh tượng đạn hơi cay mịt mù đường phố, và các cuộc bao vây trường đại học nhiều ngày liên tiếp đã là quá khứ. Phong trào biểu tình ở Hong Kong đang thay đổi theo thời đại.

Hai yếu tố chính ảnh hưởng đến sự thay đổi là: mối đe dọa từ Luật An ninh Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Những bước ngoặt gần đây mang đến một làn sóng mới cho cuộc đấu tranh dân chủ ở Hong Kong khi những người biểu tình thích nghi để chiến đấu giành quyền tự chủ trong một môi trường mới.

Cơ quan lập pháp của ĐCSTQ đã thông qua Luật An ninh Quốc gia mới tại Hong Kong, với 66 điều khoản cho phép khởi tố hình sự các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài.

Các điều khoản của luật đều mơ hồ nhưng lại “răn đe” bằng những hình phạt nghiêm khắc. Mức án phạt cao nhất theo luật là tù chung thân, trong khi điều kiện tiên quyết cho các cáo buộc lại là bất cứ điều gì làm mất lòng ĐCSTQ.

Cảnh sát bắt giữ một người đàn ông trong cuộc biểu tình phản đối luật an ninh quốc gia theo kế hoạch của Trung Quốc tại Hong Kong vào ngày 28/6/2020. (Ảnh: Isaac Lawrence / AFP / Getty Images)

Điều luật mở ra hàng loạt cơ hội cho phép ĐCSTQ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn đối với bất kỳ ai bị nghi ngờ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Dù chỉ là nghi phạm cũng có thể bị nghe lén và phải chịu sự giám sát. Việc quản lý các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan tin tức sẽ được thắt chặt. Những người bị cáo buộc phạm tội sẽ không được phép ra tranh cử. Nghi phạm sẽ bị một ủy ban đặc biệt xét xử, dưới sự chỉ đạo của ĐCSTQ. Điều đáng lưu ý là luật này áp dụng cho tất cả mọi người, trong và ngoài Hong Kong.

Bất chấp tình hình toàn cảnh, Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) khẳng định Luật An ninh Quốc gia chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ những kẻ cực đoan. Tuy nhiên, hành động của bà rõ ràng cho thấy sự thật hoàn toàn khác.

Luật này đã được thông qua vào ngày 1/7. Từ thời điểm đó, chính quyền Hong Kong đã tiếp tục hình sự hóa các quyền cụ thể dựa theo Luật An ninh Quốc gia.

Câu khẩu hiệu phổ biến “Quang vinh Hong Kong, Cách mạng thời đại của Chúng ta” bị coi là bất hợp pháp theo Luật An ninh Quốc gia.

Nhiều người đã bị bắt vì tội danh vi phạm luật này do cài những huy hiệu có đề các khẩu hiệu ủng hộ Hong Kong độc lập như “Trả tự do cho Hong Kong” hay “Hong Kong độc lập”.

Chính quyền Hong Kong và ĐCSTQ đều cùng liên tục tung ra hết tuyên bố này đến tuyên bố khác, hòng “bóp nghẹt” phong trào dân chủ tại Hong Kong.

Sự việc đã thật sự gây tác động trực diện đối với phong trào phản kháng.

Người biểu tình Theresa 23 tuổi đã nói với The Epoch Times rằng: “Cảm giác như chúng tôi đang bước vào bóng tối, nhưng chúng tôi không biết ở phía cuối là cái gì. Ngay bây giờ, chúng tôi chỉ đang tìm phương thức mới để phản kháng trong khi cố gắng sống sót với điều luật mới này”. Nhân vật sử dụng bí danh do những lo ngại về an toàn.

Nhưng trong khi những tiếng nói phản đối đã bớt ồn ào, họ vẫn không im lặng.

Vào ngày 12/7, nhóm ủng hộ dân chủ Hong Kong đã tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên. Đây là một động thái chiến lược để tập trung số phiếu bầu của người dân Hong Kong cho những ứng cử viên tốt nhất tham gia cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp (LegCo) vào tháng Chín sắp tới. Đó là một phần của chiến lược bảo đảm đa số thành viên trong Hội đồng Lập pháp là những người ủng hộ dân chủ. Kế hoạch này được đặt tên là “35 cộng”.

Tuy nhiên, bà Lâm tuyên bố tất cả 600.000 cư dân Hong Kong đã tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ đều có thể đã vi phạm Luật An ninh Quốc gia.

“Lá phiếu của chúng tôi chính là tiếng nói của chúng tôi gửi đến cộng đồng quốc tế. Trước mối đe dọa rùng rợn của Bắc Kinh, chúng tôi quyết định không đầu hàng”, Hoàng Chi Phong tuyên bố giữa hàng loạt những ứng viên mặc áo đen, trong cuộc họp báo đầu tiên của những người ủng hộ dân chủ được đề cử.

Từ trái sang: Ivan Lam, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và Agnes Chow nói chuyện với các phóng viên sau khi xuất hiện tại tòa án ở Hong Kong, vào ngày 6/7/2020. (Song Bilung / The Epoch Times)
Từ trái sang: Ivan Lam, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và Agnes Chow nói chuyện với các phóng viên sau khi xuất hiện tại tòa án ở Hong Kong, vào ngày 6/7/2020. (Song Bilung / The Epoch Times)

Vì không có sự can thiệp từ bên ngoài, ĐCSTQ luôn có thể tự tung tự tác làm bất cứ điều gì mình muốn. Thông thường, điều đó có nghĩa là thẳng thừng loại bỏ bất kỳ ứng viên nào mà chính quyền này “không ưa”. Nhưng năm nay, Hoa Kỳ đang theo dõi sát sao các cuộc bầu cử tại đây. Bước tiến quan trọng này giúp người biểu tình Hong Kong định hình lại chiến lược dân chủ.

Ngay sau khi bà Lâm đe dọa sẽ trừng phạt những ai tham gia bầu cử sơ bộ ở Hong Kong theo Luật An ninh Quốc gia, Tổng thống Trump đã ký một đạo luật thu hồi các đặc quyền ưu tiên cho đặc khu này. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đưa ra tuyên bố chính thức chỉ trích lời đe dọa của bà Lâm, cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ theo dõi diễn biến bầu cử Hong Kong chặt chẽ.

Trong điều kiện này, năng lượng và ý chí của người biểu tình Hong Kong hiện tập trung vào cuộc bầu cử cho Hội đồng lập pháp chuẩn bị diễn ra.

Tập hợp 16 người trong số những ứng viên dự kiến ​​sẽ tranh cử vào mùa thu này đã tự đặt tên cho nhóm mình là “trại biểu tình”, còn được gọi là “người địa phương”. Họ đại diện cho giới trẻ hết lòng ủng hộ dân chủ ở Hong Kong với tinh thần phản kháng chống ĐCSTQ cao hơn cả các nhà lập pháp dân chủ truyền thống. Tất cả đều chưa đến 30 tuổi, trừ một người.

Mặc dù có cùng chung mục tiêu dân chủ vì Hong Kong, vẫn có sự tranh chấp giữa các nhà hoạt động dân chủ cũ và các nhà hoạt động thanh niên mới nổi. Nhóm cựu dân chủ đã hoạt động trong chính phủ kể từ sự kiện bàn giao Hong Kong năm 1997, cũng là thời điểm các nhà hoạt động thanh thiếu niên ra đời.

Mâu thuẫn chính giữa 2 nhóm dân chủ là vấn đề tuân thủ ĐCSTQ. Các nhà lập pháp cũ có xu hướng thỏa hiệp với chính quyền Bắc Kinh, còn trại biểu tình lại luôn sẵn sàng phản đối yêu cầu của phía ĐCSTQ.

Nhà hoạt động dân chủ 24 tuổi Sunny Cheung cho biết: “Chúng tôi tin rằng cách truyền thống mà các chính trị gia kỳ cựu áp dụng không hữu ích và khá vô nghĩa trong thời đại này”. Cheung đã từ chối cơ hội học thạc sĩ tại Đại học Johns Hopkins để “chống lại chính quyền tà ác”, theo Reuters.

Hoàng Chi Phong lên tiếng kêu gọi: “Trước sự đàn áp từ Bắc Kinh, chúng ta không có đủ không gian hay bất kỳ cơ hội nào cho bất kỳ sự chia rẽ nào. Đây là thời điểm để chúng ta tăng cường tình đoàn kết”.

Các cuộc bầu cử sơ bộ gần đây cho thấy các cử tri đang thất vọng với chủ trương ôn hòa của các nhà dân chủ kỳ cựu ở Hong Kong.

Lester Shum, Joshua Wong và Janelle Leung phát biểu trong một cuộc bầu cử sơ bộ, được tổ chức bởi các đảng đối lập dân chủ trước thềm cuộc bầu cử lập pháp sắp tới tại Hong Kong, vào ngày 11/7/2020. (Billy H.C. Kwok / Getty Images)
Lester Shum, Joshua Wong và Janelle Leung phát biểu trong một cuộc bầu cử sơ bộ, được tổ chức bởi các đảng đối lập dân chủ trước thềm cuộc bầu cử lập pháp sắp tới tại Hong Kong, vào ngày 11/7/2020. (Billy H.C. Kwok / Getty Images)

Kết quả cuối cùng từ cuộc bầu cử sơ bộ vẫn chưa được công bố. Nhưng những con số gần đúng cho thấy nhóm “trại biểu tình” đang chiếm thế thượng phong với phiếu bầu phổ thông, báo hiệu rằng người dân Hong Kong mong muốn đại diện cho họ trong Hội đồng Lập pháp là những người đấu tranh cứng rắn hơn cho nền dân chủ và chống lại ĐCSTQ. Đây là dấu hiệu cho thấy ngay cả với Luật An ninh Quốc gia mới, những người biểu tình ở Hong Kong muốn tiếp tục đấu tranh.

Trao đổi với Reuters, nhà lập pháp dân chủ đương nhiệm Helena Wong 61 tuổi cho biết: “Tôi hy vọng rằng thế hệ mới có thể hưởng ứng với tiếng gầm giận dữ của thời đại và phản kháng trong Hội đồng lập pháp bằng các phương pháp và ý thức hệ mới”. Bà Wong đã không giành được một đề cử để tham gia cuộc bầu cử tháng Chín.

Các ứng cử viên dân chủ kỳ cựu như James To, Lam Cheuk-ting, Gary Fan và Alvin Yeung đều không có hoạt động nổi bật, nhất là khi những lời kêu gọi dân chủ ôn hòa không còn đủ hấp dẫn với các cử tri trẻ tuổi.

Trong cuộc họp báo của “trại biểu tình”, một phóng viên đã hỏi Eddie Chu - thành viên hiện thời của Hội đồng Lập pháp, về lý do tại sao ông có mặt ở đó. Ông ấy là thành viên duy nhất trên 30 tuổi của “trại biểu tình”.

Ông Chu giữ im lặng trong toàn bộ cuộc họp báo, cho đến khi có câu hỏi trực tiếp từ một phóng viên. Ông ấy đứng trong góc, mặc chiếc áo phông màu đen in dòng chữ “I’m free, therefore I am” (Tôi tự do, tức tôi tồn tại).

Ông nói: “Tôi đã ngoài 40 tuổi. Tôi rất hạnh phúc khi có thể tham gia cùng những bạn trẻ đôi mươi này trong làn sóng các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ mới cho Hong Kong”. Nhà lập pháp Chu là một nhà hoạt động vì môi trường, đã phục vụ tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong kể từ năm 2016.

“Cơn thủy triều này sẽ mang lại một thế hệ lãnh đạo chính trị Hong Kong mới. Tôi là cầu nối giữa các nhóm dân chủ mới và cũ”.

Thập kỷ đấu tranh

Lịch sử ngắn của Hong Kong với tư cách là một khu vực bán tự trị của Trung Quốc đầy rẫy những cuộc biểu tình.

Năm 2003 là cuộc chiến chống lại Điều 23 luật an ninh. Năm 2014 nổi bật với phong trào biểu tình “Dù vàng” lịch sử và sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo sinh viên dẫn đầu cuộc chiến chống lại chương trình giảng dạy của Trung Quốc đại lục trong hệ thống giáo dục Hong Kong. Vào năm 2019, một kỷ nguyên mạnh mẽ khác của giới trẻ đã thu hút sự chú ý của quốc tế với những cuộc đối đầu kéo dài nhiều ngày với cảnh sát chống bạo động trên những con đường chìm trong khói đạn hơi cay.

Khi hơi cay bốc hơi, tinh thần bất chấp chống lại ĐCSTQ ngày càng lớn mạnh. Hình thức phản kháng mới này, thông qua sự tham gia của cộng đồng trong cuộc bầu cử, đã khiến ĐCSTQ và chính quyền Hong Kong hiện tại thực hiện chính xác những gì các ứng viên biết những kẻ cầm quyền muốn làm: hạ bệ nền dân chủ Hong Kong.

Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Hoa Kỳ với quyền tự trị của Hong Kong mang lại cho các nhà lãnh đạo biểu tình ở Hong Kong sự ủng hộ cần thiết để đối đầu với Bắc Kinh. Với mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, ĐCSTQ đang ngày càng có thêm nhiều lo toan phải đối mặt.

Người dân chờ đợi để bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại Hong Kong vào ngày 12/7/2020. (Isaac Lawrence / AFP qua Getty Images)
Người dân chờ đợi để bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ tại Hong Kong vào ngày 12/7/2020. (Isaac Lawrence / AFP qua Getty Images)

Nếu chính quyền Bắc Kinh loại bỏ các ứng cử viên dân chủ phổ biến như đã làm trong quá khứ, họ sẽ thật sự công khai tiết lộ sự bất công trong cuộc bầu cử Hong Kong, phải hứng chịu đòn trừng phạt từ Hoa Kỳ theo Đạo luật Tự trị Hong Kong cũng như những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Nếu họ cho phép các ứng viên ủng hộ dân chủ có mặt trong Hội đồng Lập pháp, họ có nguy cơ mất quyền kiểm soát chính quyền Hong Kong khi lần đầu tiên trong lịch sử phe dân chủ chiếm đa số số ghế trong hội đồng lập pháp Hong Kong.

“Trại biểu tình” cũng đang đặt cược vào tín hiệu ủng hộ của đa số người dân Hong Kong dành cho các ứng cử viên dân chủ. Hoàng Chi Phong đã cảnh báo: “Nếu chính phủ đàn áp chúng tôi và loại bỏ tất cả các ứng viên tham gia bầu cử sơ bộ, điều đó sẽ gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế và càng khuyến khích nhiều người bỏ phiếu cho phe dân chủ vào tháng Chín”.

Bất chấp việc chế độ độc tài ĐCSTQ siết chặt gọng kìm kiểm soát bằng Luật An ninh Quốc gia, những người biểu tình ở Hong Kong đã điều chỉnh năng lượng của năm biểu tình vừa qua, tập trung dồn lực chiến đấu thông qua các cuộc bầu cử sắp tới. Họ đã bầu ra các nhà lãnh đạo trẻ tuổi, cứng cỏi, sẵn sàng phản kháng ĐCSTQ để đại diện cho họ. Lựa chọn này cũng được củng cố bởi sự ủng hộ từ phía Hoa Kỳ đối với quyền tự trị của Hong Kong, trong bối cảnh quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đang rạn nứt sâu sắc.

Owen Chow, một ứng viên Hong Kong 23 tuổi tham gia cuộc bầu cử sơ bộ Dân chủ, đã giành được 16.758 phiếu bầu, đảm bảo việc đề cử cho cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp. Anh nói với Reuters rằng: “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của đổi mới”.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, những người biểu tình không mệt mỏi tại Hong Kong cũng càng trở nên hăng hái trong cuộc đấu tranh đòi tự do trước ĐCSTQ.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Người biểu tình Hong Kong thích nghi để tiếp tục chiến đấu giữa bối cảnh căng thẳng bủa vây Trung Quốc