Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị 'chỉ trích' cuộc họp của 'Bộ tứ Kim cương'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 13/10, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng chỉ trích cuộc họp của Bộ tứ Kim cương (Quad) là muốn thành lập một "Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)” phiên bản Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Truyền thông Ấn Độ phản bác rằng, lý do thực sự thúc đẩy đối thoại bốn bên là do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vậy nên không thể trách người khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa kết thúc chuyến công du đến 5 nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Lào và Singapore. Nhiều nhà quan sát gọi đây là chuyến công du “tấn công quyến rũ” nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực.

Ông Vương Nghị đã từng cố gắng hạ thấp vai trò của Quad vào năm 2018 khi mô tả đây là cách làm ‘lấy lòng mọi người’ của Mỹ. Tuy nhiên, ông Vương đã đổi giọng điệu trong cuộc phỏng vấn hôm 13/10 và nói rằng: “Về bản chất, mục đích (chiến lược của Mỹ) là thiết lập một NATO phiên bản Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên cơ sở cơ chế bốn bên gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc”.

Ông Vương Nghị còn chỉ trích rằng, điều Quad theo đuổi là ‘tư duy Chiến tranh Lạnh’ với hy vọng duy trì thể chế bá quyền và thống trị của Mỹ, điều này sẽ khiến lịch sử bị thoái lùi.

Ấn Độ: ĐCSTQ là ‘con voi’ trong phòng họp của Bộ tứ Kim cương

Tờ Hindustan Times có bài phân tích rằng, mặc dù cuộc họp của bốn nước hôm 6/10 vẫn chưa đạt được đột phá trên bề mặt, nhưng nguồn tin báo với Hindustan Times rằng, Trung Quốc (ĐCSTQ) được xem là ‘con voi’ (ý nói ẩn dụ một vấn đề lớn hoặc một rắc rối lớn bày trước mắt nhưng bị mọi người trốn tránh hoặc coi thường) trong phòng họp của Quad. Những hành vi của ĐCSTQ tại Ladakh (Ấn Độ), Đài Loan, Biển Đông hoặc tại đảo Điếu Ngư (Senkaku) được cho là phô trương sức mạnh hòng nắm quyền khống chế các nước.

Theo bài phân tích, các nước thành viên trong Quad đã lựa chọn tiến hành họp mặt trực tiếp cho dù dịch bệnh vẫn đang lây lan trên toàn thế giới, ví như Ngoại trưởng Úc Marise Payne sẽ phải trải qua đợt cách ly 14 ngày bắt buộc sau khi trở về từ Tokyo nhưng bà vẫn lựa chọn như vậy, điều này đã cho thấy sự nghiêm túc của cuộc đối thoại này.

Bài phân tích chỉ ra rằng: "Mặc dù bốn nước dân chủ đều có những phương án giải quyết khác nhau đối với Bắc Kinh, nhưng rõ ràng là họ đã có một cuộc đối thoại tốt đẹp. Nếu cuộc đối đầu quân sự ở Ladakh tạo thành mối đe dọa cho Ấn Độ, thì hành động khiêu chiến của Trung Quốc đối với Đài Loan chính là vấn đề quan ngại nghiêm trọng của Nhật Bản và Hoa Kỳ, còn Úc đang ở giai đoạn cuối trong vấn đề thương mại với Bắc Kinh (ý chỉ việc ĐCSTQ liên tục bán phá giá hàng hóa sang Úc).”

Tổng thống Trump đã ‘mở cánh cửa lớn’ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngoại giao chiến lang của ĐCSTQ bị tẩy chay

Bài báo cũng đề cập đến việc cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không thực hiện được lời hứa “sẽ làm đầu mối then chốt tại Châu Á” của mình, nhưng chính quyền Tổng thống Trump đã có thể mở cánh ngoại giao lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chỉ với sự giúp đỡ chủ yếu của các đối tác trong Quad và các nước lớn trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngược lại, ngoại trừ Pakistan, Campuchia và Triều Tiên ra thì chính sách ngoại giao chiến lang của Bắc Kinh hầu như đều bị các nước tẩy chay.

Bài báo cũng cho biết, Nga cũng tỏ ra vô cùng nghi ngờ về sự can thiệp của Bắc Kinh vào các khu vực ảnh hưởng bấy lâu nay của Moscow như Trung Á, Belarus, Armenia, Azerbaijan v.v. và ý đồ không ngừng gây hấn với Ấn Độ - đồng minh lâu dài và ổn định của Moscow. Vì Ấn Độ là nước nhập khẩu thiết bị quốc phòng lớn nhất của Nga, sau đó mới đến Trung Quốc.

Bối cảnh càng trở nên phức tạp hơn khi ĐCSTQ bày tỏ lo ngại về việc Nga cung cấp hệ thống tên lửa S-400 cho Ấn Độ, đồng thời lại yêu cầu Nga cung cấp cho Trung Quốc hệ thống tên lửa S-500 mới nhất để bảo vệ biên giới của mình. Hệ thống S-400 có tầm bắn 400 km, trong khi S-500 có tầm bắn 600 km. Nói cách khác, ĐCSTQ không chỉ phòng thủ trước các đối thủ trên đất liền, mà nó còn phòng bị trước các đối thủ trên biển.

Chuyên gia: ĐCSTQ sợ nhất là bị bao vây và ông Trump tái đắc cử

Vào tháng Năm, ông Michael Pillsbury - Giám đốc Chiến lược Trung Quốc của Viện Hudson và là Cố vấn về Chính sách Trung Quốc của Tổng thống Trump cho biết, hai trong số ba điều mà ĐCSTQ lo sợ nhất là bị bao vây và việc Tổng thống (TT) Trump tái đắc cử.

Ông Pillsbury nói: “Họ (ĐCSTQ) cho rằng sức mạnh quân sự và kinh tế của các nước láng giềng của họ nếu hợp lại sẽ vượt xa Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Ông Pillsbury nói rằng, việc bao vây ĐCSTQ đòi hỏi Hoa Kỳ phải thảo luận các biện pháp phối hợp với các nước láng giềng của ĐCSTQ. "Về cơ bản, chúng tôi cần thiết lập Ban Thư ký và Thỏa thuận liên minh tại khu vực Ấn Độ Dương... Tôi nghĩ nếu (ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ) Biden không thể vào Nhà Trắng dưới sự giúp đỡ của Trung Quốc (ĐCSTQ), thì Tổng thống (Trump) sẽ xem xét việc này”, ông cho biết.

Ngay cả khi Nhà Trắng đổi chủ, chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc cũng đã xoay chuyển 180 độ

Hôm 13/10, truyền thông Ấn Độ đưa tin rằng, "Ngay cả khi chính quyền Hoa Kỳ có sự thay đổi người vào tháng tới, thì (chiến lược của) Hoa Kỳ [đối với Trung Quốc] cũng đã thay đổi 180 độ so với thời tình bạn tốt đẹp giữa Richard Nixon và Mao Trạch Đông”.

Chính quyền TT Trump từng chỉ trích rằng, ĐCSTQ là kẻ xâm lược hung hăng ở Ladakh và Đài Loan. Hiện tại, Hoa Kỳ không những ủng hộ các đối tác chính của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mà còn hy vọng đặt nền tảng quan hệ lâu dài với các nước có tầm cỡ trong khu vực này.

Không chỉ vậy, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cũng đã dám phá vỡ đường lối ngoại giao lập lờ trước đây và đã đứng lên chống lại ĐCSTQ.

"Mặc dù Ấn Độ, Nhật Bản và Úc có tồn tại sự chênh lệch về sức mạnh so với Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng các sự kiện xảy ra trong tám tháng qua đã làm thay đổi mối quan hệ giữa các thành viên trong Quad và Bắc Kinh từ căn bản”, Hindustan Times cho biết.

Bài phân tích cho rằng, cuộc tấn công của Trung Quốc vào Ladakh hồi tháng Năm năm nay tương đương với hành vi chấm dứt đối thoại và ngoại giao không chính thức giữa hai nước Trung - Ấn. Đó là dấu chấm hết cho mối bang giao lâu dài trong quá khứ. Ấn Độ đã không còn sợ đối thủ (Trung Quốc) nữa và cũng đã đứng lên chống lại ĐCSTQ. Ngoài ra, Nhật Bản dưới sự lãnh đạo Thủ tướng Suga Yoshihide, và Úc dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Scott Morrison cũng đều không có ý định khuất phục trước sức ép của Trung Quốc.

Phân tích cũng chỉ ra rằng: “Trong hoàn cảnh này, nếu Ấn Độ mời Úc tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar được tổ chức ở Vịnh Bengal vào tháng tới, thì cũng không có gì ngạc nhiên nếu Nhật Bản và Mỹ cũng tham gia”.

Bài báo kết luận rằng, “về nguyên nhân thúc đẩy bốn nước trên kề vai sát cánh hợp tác với nhau, [câu trả lời là] Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ có thể tự trách chính mình".

Ngọc Trân

Theo Epoch Times tiếng Trung

 



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị 'chỉ trích' cuộc họp của 'Bộ tứ Kim cương'