Ngoại trưởng Mỹ: Tôi thích dùng từ chính xác khi gọi ông Tập là 'Tổng bí thư' thay vì 'Chủ tịch nước'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một cuộc phỏng vấn với The Print - kênh truyền thông Ấn Độ hôm thứ 27/10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết, ông đã nhiều lần sử dụng cụm từ "Đảng Cộng sản Trung Quốc" (ĐCSTQ) thay vì "Trung Quốc", và gọi ông Tập Cận Bình là Tổng bí thư thay vì gọi là Chủ tịch, bởi vì cách gọi này mới chính xác và thực sự phản ánh tình hình thực tế của Trung Quốc.

Pompeo: Thách thức đối với thế giới là do ĐCSTQ mang lại, chứ không phải do Trung Quốc

Phóng viên Shekhar Gupta của The Print hỏi ông Pompeo rằng, mọi người đều nhận thấy rằng khi nói về Trung Quốc, Ngoại trưởng thích sử dụng thuật ngữ ĐCSTQ hơn là Trung Quốc; và ông cũng thích gọi ông Tập Cận Bình là Tổng Bí thư thay vì Chủ tịch. Xin vui lòng giải thích nguyên do.

Ông Pompeo nói: “Tôi thích dùng từ chính xác”, những điều này là sự thật, chức danh của ông Tập Cận Bình là Tổng Bí thư.

Khi giải thích lý do tại sao khi thảo luận về các vấn đề Trung Quốc, ông thích sử dụng thuật ngữ ĐCSTQ thay vì Trung Quốc, ông Pompeo giải thích: “Thách thức này là do đảng này (ĐCSTQ) gây ra, chứ không phải hàng trăm triệu người Trung Quốc - những người cũng muốn thoát khỏi sự đàn áp của ĐCSTQ. Vì vậy, tôi luôn muốn đảm bảo rằng mình biểu đạt rõ ràng ai mới là người gây ra vấn đề".

Ông Pompeo cũng bày tỏ, những rắc rối và thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, cho dù đó là vấn đề biên giới ở phía bắc Ấn Độ (ám chỉ xung đột Trung-Ấn) hay việc virus [Corona Vũ Hán] thoát ra [từ phòng thí nghiệm], đều do ĐCSTQ gây ra, chứ không phải người Trung Quốc.

"Chính ĐCSTQ, chứ không phải người dân Trung Quốc, đã không cho thế giới biết kịp thời và không ngăn chặn được những đau khổ bất tận đang xảy ra", ông Pompeo nói.

Ngoại trưởng cũng nói rằng, đó là một Đảng Cộng sản, một chính quyền chuyên chế, và nó chỉ đơn giản là không thể xử lý cuộc khủng hoảng theo cách mà thế giới mong đợi. Họ (ĐCSTQ) là một phần của Tổ chức Y tế Thế giới. Họ có nghĩa vụ phải làm tốt hơn thế.

“Vì vậy, tôi sử dụng những từ đó là vì chúng chuẩn xác, chính xác và phản ánh thực tế đang diễn ra bên trong Trung Quốc ngày nay”, Ngoại trưởng cho hay.

Phóng viên đã đề cập rằng ông Tập Cận Bình là Chủ tịch trọn đời. Ông Pompeo nói rằng: “Rất nhiều người từng là Chủ tịch nước suốt đời nhận thấy rằng người dân trong nước họ có cái nhìn khác. Ông ấy (Tập Cận Bình) là Tổng bí thư và cũng là Tổng tư lệnh các lực lượng của họ. Ông ấy có nhiều chức danh…”

Ông Pompeo cũng tuyên bố rằng, ĐCSTQ "cai trị bằng nắm đấm sắt. Họ (ĐCSTQ) coi việc đảm bảo ưu thế chính trị lâu dài là nhiệm vụ hàng đầu ở trong đất nước của họ".

Ông Pompeo nói rằng, thách thức đối với thế giới xuất phát từ hệ tư tưởng mà đại diện là Tổng Bí thư Tập Cận Bình, và Tổng Bí thư Tập nói về việc phục hưng dân tộc. Cách nói này có ý nghĩa thực sự, đằng sau nó là ý đồ thực sự của ông Tập Cận Bình. Không chỉ đơn giản là việc cai trị ở Trung Quốc, mà còn là ý tưởng về việc nắm quyền bá chủ ở một khu vực rộng lớn hơn, không chỉ trong khu vực địa phương của mình. "Thách thức này do ĐCSTQ và tư tưởng chủ nghĩa Marx-Lenin mang lại".

Xem thêm: Mỹ đề xuất dự luật không công nhận chức danh 'chủ tịch nước' của ông Tập Cận Bình

Pompeo: ĐCSTQ muốn điều tương tự ở mọi nơi trên thế giới

Khi được hỏi liệu chính phủ Ấn Độ đã nhận thức được thách thức đến từ ĐCSTQ hay chưa, Ngoại trưởng Pompeo nói: "Tôi cho rằng tình thế đã thay đổi. Tôi nghĩ thế giới đã bắt đầu nhận ra mối đe dọa do hệ tư tưởng của ĐCSTQ gây ra".

Ông cho rằng những người đồng cấp Ấn Độ của mình cũng đã hiểu điều này: "Tôi nghĩ họ có thể nhìn thấy điều này. Tôi nghĩ họ có thể nhìn thấy những rủi ro mà nó (ĐCSTQ) mang lại cho người dân Ấn Độ. Tôi nghĩ hiện họ đang có xu hướng hợp tác với toàn bộ khu vực và các đối tác toàn cầu để ngăn chặn những điều tồi tệ này xảy ra ở Ấn Độ".

Ông cũng nói rằng, từ rất lâu trước khi ĐCSTQ bắt đầu gây ra nhiều rắc rối như ngày nay, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã từng rất tốt. Ông tin rằng nếu Trung Quốc (ĐCSTQ) đột ngột biến mất — mọi người hãy cầu nguyện rằng điều này có thể xảy ra — thì mối quan hệ tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ vẫn tồn tại.

Khi được hỏi ĐCSTQ muốn gì ở Ấn Độ, ông Pompeo nói rằng ĐCSTQ muốn những thứ giống nhau ở mọi nơi: họ muốn kiểm soát và thống trị; họ muốn có ảnh hưởng chính trị; họ muốn khai thác. Bạn có thể thấy điều này trong Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”. Đây là những hoạt động kinh tế mang tính cướp đoạt, họ xây đường ở đâu thì có thể gây ảnh hưởng chính trị ở nơi đó. Khi đến thời điểm thích hợp, đất nước đó sẽ phải cống nạp.

"Điều này rất nguy hiểm đối với toàn thế giới. Tôi tin rằng Ấn Độ, Hoa Kỳ và các quốc gia yêu tự do khác sẽ đẩy lùi điều này theo cách giúp thế giới an toàn và ổn định hơn".

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Mỹ: Tôi thích dùng từ chính xác khi gọi ông Tập là 'Tổng bí thư' thay vì 'Chủ tịch nước'