Ngày khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của ĐCS Trung Quốc, truyền thông đảng phản ứng kỳ lạ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 26/10. Ngoại giới cho rằng có ít nhất 5 điểm nổi bật trong Phiên họp này. Tuy nhiên, thật kỳ lạ khi truyền thông của ĐCSTQ chỉ dùng 112 từ để đưa tin về ngày khai mạc. Có phân tích cho rằng ĐCSTQ đang phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, và phản ứng “nhẹ nhàng” của các kênh truyền thông đảng dường như cho thấy cuộc tranh giành quyền lực cấp cao vẫn rất gay gắt.

Từ ngày 26-29/10, Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ lần thứ 19 đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch virus Corona Vũ Hán tiếp tục lây lan, mối quan hệ Trung-Mỹ xấu đi rõ rệt và sự bao vây tứ phía của liên minh thế giới đối với ĐCSTQ, phiên họp toàn thể này đã thu hút nhiều sự chú ý.

Ngày 26/10 là ngày khai mạc phiên họp toàn thể, và các kênh truyền thông đảng đưa tin về tình hình ngày hôm đó với chỉ vỏn vẹn 112 từ. Theo bài báo, ông Tập Cận Bình đã thay mặt Bộ Chính trị Trung ương báo cáo công việc và giải trình về "Khuyến nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc xây dựng Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 trên phương diện phát triển kinh tế và xã hội quốc gia và các mục tiêu dài hạn cho năm 2035 (Dự thảo thảo luận)".

Phiên họp toàn thể lần này là cuộc họp thường niên quan trọng nhất của ĐCSTQ. Theo Hiến pháp của ĐCSTQ, Phiên họp toàn thể được tổ chức ít nhất mỗi năm một lần. Hơn 300 thành viên ủy ban do ông Tập Cận Bình đứng đầu đã tham dự cuộc họp này. Phiên họp toàn thể này được coi là một cuộc tranh giành quyền lực mà giới lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ không thể không đối mặt. Tuy nhiên, truyền thông của đảng chỉ dùng 112 từ để đưa tin về tình hình ngày khai mạc, động thái này khiến một số nhà phân tích cho rằng là cực kỳ bất thường.

Nhà báo chuyên viết chuyên đề cho tờ Vision Times - ông Trịnh Trung Nguyên (Zheng Zhongyuan) cho biết trong một bài viết rằng, trong khi ĐCSTQ đang phải đối mặt với môi trường quốc tế ngày càng xấu đi và nền kinh tế trong nước lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, cuộc tranh giành quyền lực của giới lãnh đạo cấp cao ngày càng trở nên kịch liệt và có ít nhất 5 điểm đáng chú ý sau:

Một là "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14" và mô hình mới - nền kinh tế "nội tuần hoàn". Theo chương trình nghị sự được công bố chính thức, chủ đề của Phiên họp toàn thể lần thứ năm là nghiên cứu và xây dựng "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14"; các mục tiêu dài hạn năm 2035; và mô hình mới với nền kinh tế "nội tuần hoàn".

Bản thân “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” đã mang màu sắc của nền kinh tế kế hoạch, và dưới sự lãnh đạo của ông Tập với đề xướng “nội tuần hoàn”, Trung Quốc đang lo lắng về việc quay trở lại nền kinh tế kế hoạch.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công khai thừa nhận rằng 600 triệu người Trung Quốc chỉ có thu nhập dưới 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu VNĐ) mỗi tháng và nhiều người có thể sẽ quay trở lại cảnh nghèo đói trước tình hình đại dịch. Người Trung Quốc chỉ có thể duy trì một cuộc sống tối thiểu thì làm sao có thể tiêu dùng để thúc đẩy "nội tuần hoàn" đây?

Thứ hai là Quy chế của Ủy ban Trung ương và việc củng cố quyền lực của ông Tập. Phiên họp toàn thể lần thứ năm đã thông qua "Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc". Ngoại giới đánh giá đây là hành động nhằm bành trướng quyền lực của ông Tập Cận Bình.

Trước đó, có thông tin cho rằng ông Tập muốn khôi phục lại chức danh “Chủ tịch Đảng” để thuận tiện cho việc làm nòng cốt vĩnh viễn của ĐCSTQ. Cũng có quan điểm cho rằng chiểu theo quy chế nói trên, ông Tập đã mở rộng quyền lực thành công. Cần phải nói là chức danh này đã không được sử dụng trong nhiều thập kỷ qua kể từ khi cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông được bổ nhiệm làm ‘Chủ tịch Đảng’ năm 1945 sau cuộc thanh trừng lớn đầu tiên trong lịch sử của ĐCSTQ.

Thứ ba là vấn đề người kế nhiệm. Trước đây, Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương các khóa đều đề cập tới người kế nhiệm. Có quan điểm cho rằng ông Tập sẽ không vội loại bỏ người kế nhiệm tại Phiên họp toàn thể lần thứ năm vì sợ gây ra hỗn loạn. Mà sẽ đợi đến Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ (năm 2022) hoặc là sau đó. Tuy nhiên, hiện nay ĐCSTQ trong ngoài đều khốn đốn, Hoa Kỳ đã liên kết các đồng minh của mình để bao vây và áp chế ĐCSTQ. Liệu chính quyền này có thể tồn tại đến Đại hội Đảng 20 hay không vẫn là điều khó nói.

Thứ tư là liệu có ông lớn nào rớt đài không. Tình hình bên ngoài xấu đi cũng khiến cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ ngày càng kịch liệt. Kể từ năm nay, những tiếng nói chống lại ông Tập và chống chủ nghĩa cộng sản trong nước Trung Quốc lần lượt xuất hiện. Trước thềm Phiên họp, Duowei News - một kênh truyền thông của ĐCSTQ ở nước ngoài có trụ sở chính tại Bắc Kinh, đã đăng một bài báo có tiêu đề "Sự trỗi dậy và sụp đổ của các ông lớn trong ĐCSTQ tại Phiên họp toàn thể lần thứ năm" để kể về các cuộc tranh đấu nội bộ của ĐCSTQ. Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay luôn là phương thức phổ biến được các kênh truyền thông của ĐCSTQ áp dụng.

Vì tình hình chính trị của ĐCSTQ luôn xảy ra bất ngờ, nên việc có nhân vật ‘tai to mặt lớn’ nào rớt đài hay không là điều đáng để quan tâm.

Thứ năm, "bê bối email" bị phanh phui trong cuộc bầu cử ở Mỹ có thể sẽ đánh ập đến Phiên họp toàn thể lần thứ năm. Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ hiện tại đang diễn ra sôi nổi, và vụ bê bối email của ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Biden và con trai ông đã tiết lộ rằng, các lãnh đạo cao nhất của Đảng Dân chủ đang làm giàu ở Trung Quốc, và họ cũng bị cáo buộc có liên quan đến đấu đá nội bộ của ĐCSTQ. Liệu cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ có tác động đến chế độ Cộng sản Trung Quốc hay không cũng là điều đáng được quan tâm.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Ngày khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của ĐCS Trung Quốc, truyền thông đảng phản ứng kỳ lạ