Ngày 8/3: Phụ nữ thiểu số TQ vẫn bị cưỡng hiếp, triệt sản và Joe Biden từng “cảm thông” chính sách tàn bạo của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi một số quốc gia vừa kỷ niệm ngày tôn vinh Phụ nữ hay còn gọi là Ngày Phụ nữ Quốc tế 8/3, hẳn bạn có thể bị sốc khi biết “cứ 1 trong số 5 phụ nữ trên thế giới đang bị trói xuống bàn, bị các dụng cụ y tế thọc vào tử cung để cắt rời thai nhi của họ, trong khi họ không ngừng la hét, cầu xin sự sống cho những đứa trẻ mà họ đang mong mỏi chào đón”.

Cũng vậy, tại Trung Quốc mỗi ngày trôi qua vẫn có nhiều phụ nữ trong các trại giam ở khu vực Tân Cương và các nơi khác đang bị hãm hiếp, cưỡng chế phá thai muộn, cũng như bị triệt sản cưỡng bức.

Ngày 8/3 ở Trung Quốc giống như mọi ngày

Tại Hội nghị Phụ nữ Quốc tế, diễn ra trong cuộc họp chung của Hội nghị Quốc tế thứ hai Xã hội chủ nghĩa ở Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 8/1910, các nhà xã hội hàng đầu của Đức là Luise Zietz và Clara Zetkin (Lãnh đạo ‘Văn phòng Phụ nữ’ của Đảng Dân chủ Xã hội ở Đức) đã đề xuất thành lập Ngày Phụ nữ hàng năm.

Kể từ đó, ngày 8/3 được coi là ngày phụ nữ đấu tranh đòi nữ quyền. Ngày 8/3/1917, nhà nữ quyền Nga đã khởi xướng một cuộc biểu tình lớn và đây được coi là một mắt xích trong chuỗi sự kiện dẫn đến sự thoái vị của Sa hoàng Nga Nicholas II. Cùng năm đó, Alexandra Kollontai và Lenin thiết lập Ngày Quốc tế Phụ nữ như một ngày lễ của những người cộng sản ở Liên Xô.

Năm 1922, những người cộng sản Trung Quốc bắt đầu kỷ niệm ngày này. Sau khi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, ngày 8/3 được công bố là một ngày lễ chính thức.

Mục đích của Ngày Phụ nữ Quốc tế mà các nước này thúc đẩy là nhằm tôn vinh phong trào đấu tranh cho quyền của phụ nữ, trong đó có quyền bình đẳng và quyền bầu cử.

Không xét về mục đích sâu xa của ngày lễ này, nhưng hẳn nhiên Ngày Quốc tế Phụ nữ này chẳng có chút ý nghĩa nào đối với hàng trăm triệu phụ nữ Trung Quốc thời bấy giờ và cả tới tận ngày hôm nay - những người đang phải sống dưới bàn tay sắt của Chính sách Hai con của ĐCSTQ.

Nhiều người trong số họ là nạn nhân của nạn hãm hiếp, cưỡng bức phá thai muộn, bức thai ở tháng thai kỳ cuối cùng cũng như họ bị triệt sản cưỡng bức. Phụ nữ Trung Quốc nói chung và đặc biệt phụ nữ thiểu số nước này nói riêng dưới sự cai trị của ĐCSTQ đã bị tước bỏ một quyền cơ bản: Quyền sinh con.

Tội ác bị phơi bày

Thời gian gần đây, nạn cưỡng hiếp có hệ thống ở Trung Quốc đã bị phơi bày ra ánh sáng.

Một phóng sự điều tra gần đây của bbc.com cho thấy, chế độ cộng sản Trung Quốc của chủ tịch Tập Cận Bình đã có hẳn một kế hoạch để nô lệ hóa một cách có hệ thống 12 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bài báo cũng nêu rõ, mục tiêu của họ là nhằm tiêu diệt tất cả mọi người. Những người bị giam giữ trong các trại tạm giam người Duy Ngô Nhĩ đã cáo buộc nạn hiếp dâm có hệ thống”.

Một nữ nhân chứng tên là Tursunay Ziawudun (42 tuổi) bị buộc phải làm việc tại một trong những trại giam người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương gần đây đã tiết lộ với BBC rằng: "Cưỡng hiếp trở nên phổ biến", và các lính canh trại giam đã "chọn các cô gái và phụ nữ trẻ mà họ muốn và đưa họ đi".

Ziawudun cũng tiết lộ đã chứng kiến ​​một vụ cưỡng hiếp tập thể kinh hoàng và ghê tởm, mà nạn nhân là một cô gái chỉ khoảng 20 tuổi, đã bị đưa ra trước khoảng 100 tù nhân và “sau đó, trước sự chứng kiến của mọi người, cảnh sát đã thay nhau hãm hiếp cô ấy”.

Không chỉ buộc các nạn nhân phải chứng kiến cuộc tra tấn hãm hiếp một nạn nhân nữ yếu ớt, các cai ngục của ĐCSTQ còn thông qua các cuộc cưỡng hiếp này để tận diệt, hoặc sàng lọc bất cứ ai có tư tưởng hay hành vi chống đối.

Ziawudun cho biết: “Trong khi thực hiện bài “kiểm tra” này, họ (cảnh sát) đã quan sát kỹ mọi người và chọn ra bất cứ ai phản kháng, nắm chặt tay, nhắm mắt hoặc nhìn đi chỗ khác để đưa ra hình phạt.”

“Mục tiêu của họ (ĐCSTQ) là tiêu diệt tất cả mọi người. Những người bị giam giữ ở trại Duy Ngô Nhĩ đều cho biết xảy ra nạn cưỡng hiếp có hệ thống”.

Lời tường thuật về vụ cưỡng hiếp tập thể này cho thấy những tàn dư kinh hoàng theo “phong cách” Cách mạng Văn hóa, và nó vẫn đang thực sự xảy ra ngày hôm nay, với những người phụ nữ ở Tân Cương, dưới bàn tay dã man của ĐCSTQ.

Cảnh sát Trung Quốc xô đẩy những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đang biểu tình tại một con phố vào ngày 7 tháng 7 năm 2009 ở Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc. (Ảnh của Guang Niu / Getty Images)

Nhân chứng sống chứng kiến tội ác cưỡng hiếp rùng rợn

Nhân chứng Tursunay Ziawudun đã trốn khỏi Tân Cương sau khi được trả tự do và hiện đang định cư tại Mỹ kể lại rằng, cô đã bị tra tấn và sau đó bị hãm hiếp tập thể.

Cô cho biết phụ nữ bị đưa ra khỏi phòng giam "hàng đêm" và bị cưỡng hiếp bởi một hoặc nhiều đàn ông Trung Quốc đeo khẩu trang kín mặt. Một số phụ nữ rời phòng giam vào ban đêm đã không bao giờ được nhìn thấy quay trở lại, và những người được đưa trở lại thường bị đe dọa không được nói với những người khác trong phòng giam về những gì đã xảy ra với họ.

Tursunay Ziawudun cho biết: "Bạn không thể nói với ai về những gì đã xảy ra trong đêm đó, bạn chỉ có thể nằm xuống yên lặng. Và những việc như thế đã dần hủy hoại tinh thần của mọi người".

Theo Ziawudun, mỗi phòng giam chứa 14 phụ nữ, với giường tầng, song sắt cửa sổ, bồn rửa và nhà vệ sinh ngay tại phòng. Khi lần đầu tiên nhìn thấy những phụ nữ bị đưa ra khỏi phòng giam vào ban đêm, Ziawudun không hiểu lý do và cho rằng họ bị điều chuyển đến trại giam khác.

Nhưng một chuyện sau đó đã xảy ra với một phụ nữ trẻ 20 tuổi cùng phòng giam với Ziawudun đã khiến cô nhận ra một thực tế kinh hoàng. Người bạn cùng phòng ấy đã bị đưa vào một phòng riêng biệt và trình diện trước một người đàn ông đeo khẩu trang.

“Ngay khi vào trong, cô ấy bắt đầu la hét. Tôi nghĩ họ đang tra tấn cô ấy. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc họ cưỡng hiếp cô ấy".

Ngay sau đó, Ziawudun cũng bị đưa ra khỏi phòng giam gặp một người đàn ông đeo khẩu trang khác và người này ra lệnh cho cô phải vào một phòng tối. Đó chính là căn phòng ngay sát cạnh căn phòng mà người bạn tù trẻ tuổi của cô trước đó bị bắt vào.

“Họ có một cây gậy điện, tôi không biết nó là gì, và nó đã được đẩy vào bên trong bộ phận sinh dục của tôi, họ tra tấn tôi bằng giật điện".

Giật điện là một thủ đoạn tra tấn khác thường được các cai ngục áp dụng đối với các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công ở các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc. Cảnh sát dùng dùi cui điện để cho điện giật tại các vùng nhạy cảm trên thân thể họ, bao gồm miệng, đỉnh đầu, ngực, bộ phận sinh dục, mông, đùi, gan bàn chân, ngực tù nhân nữ, và cơ quan sinh dục của các học viên Pháp Luân Công cả nam lẫn nữ.

Ziawudun cho biết, màn tra tấn cô bằng giật điện trong đêm đó cuối cùng đã kết thúc nhờ sự can thiệp của một người phụ nữ, với lý do tình trạng sức khỏe của cô không được tốt, và cô được đưa trở lại phòng giam.

Khoảng một giờ sau, người bạn cùng phòng của Ziawudun cũng được đưa trở lại phòng: “Cô gái trở nên hoàn toàn khác hẳn, cô ấy không nói chuyện với bất cứ ai, chỉ lặng lẽ ngồi nhìn chằm chằm vào hư không như thể đang trong cơn mê sảng. Có rất nhiều người trong những phòng giam đó đã bị mất trí như thế", Ziawudun kể lại.

Một số cựu tù nhân trong các trại giam tại Tân Cương tiết lộ rằng, họ không có sự lựa chọn, họ bị buộc phải hỗ trợ cai ngục, lính canh trong các vụ cưỡng hiếp hoặc phải đối mặt với các hình phạt. Gulzira Auelkhan là một trong số những cựu tù nhân như thế.

BBC đã phỏng vấn bà Gulzira Auelkhan bị giam 18 tháng trong hệ thống trại tại Tân Cương, đã kể lại rằng bà đã bị buộc phải “tiếp tay” cho các cai ngục, bằng cách lột trần phụ nữ Duy Ngô Nhĩ và còng tay họ, trước khi những gã đàn ông Trung Quốc hung dữ bước vào phòng.

Nhân chứng Gulzira Auelkhan cho biết: "Công việc của tôi là cởi bỏ quần áo của họ và còng tay họ để họ không thể di chuyển. Sau đó, tôi để những người phụ nữ trong phòng và một người đàn ông sẽ bước vào - một người đàn ông Trung Quốc nào đó ở bên ngoài vào hoặc là cai tù, cảnh sát. Tôi ngồi im lặng bên ngoài cửa, và khi người đàn ông rời khỏi phòng, nhiệm vụ của tôi là đưa người phụ nữ ấy đi tắm".

Bà nói: “Những người đàn ông Trung Quốc“ sẽ trả tiền để chọn những tù nhân trẻ đẹp nhất”, và khi được hỏi liệu có một hệ thống cưỡng hiếp có tổ chức hay không, bà Gulzira Auelkhan trả lời: "Có”.

Adrian Zenz, chuyên gia hàng đầu về các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương, đã cung cấp cho BBC các tài liệu nội bộ từ hệ thống tư pháp quận Kunes từ năm 2017 và 2018, ông nói rằng lời khai thu thập được từ các nhân chứng là "một số bằng chứng kinh khủng nhất mà tôi từng thấy kể từ khi tội ác tàn bạo bắt đầu".

Ông nói: “Điều này khẳng định điều tồi tệ nhất mà chúng tôi đã nghe thấy trước đây. "Nó cung cấp bằng chứng về lạm dụng và tra tấn tình dục ở mức độ lớn hơn những gì chúng tôi tưởng tượng".

Hàng triệu tù nhân người Duy Ngô Nhĩ, các dân tộc thiểu số, các tù nhân bất đồng chính kiến và đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng tất cả các thủ đoạn tra tấn tàn bạo.
Hàng triệu tù nhân người Duy Ngô Nhĩ, các dân tộc thiểu số, các tù nhân bất đồng chính kiến và các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng tất cả các thủ đoạn tra tấn tàn bạo. (Tổng hợp)

Theo lời kể của nhân chứng Ziawudun, các thủ phạm không hề nương tay.

“Họ không chỉ hiếp dâm mà còn cấu cắn khắp người bạn, bạn không thể tưởng tượng chúng là người hay động vật. Chúng không chừa bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, chúng cắn xé khắp nơi để lại những vết hằn kinh khủng. Thật ghê tởm”.

Chính quyền Trung Quốc đã không trả lời trực tiếp các câu hỏi của BBC về các cáo buộc cưỡng hiếp và tra tấn các tù nhân nữ. Bất chấp các lời khai của nhân chứng, một nữ phát ngôn viên của ĐCSTQ cho biết, các trại ở Tân Cương không phải là trại tạm giam mà là "trung tâm giáo dục và đào tạo nghề":

"Chính phủ Trung Quốc bảo vệ quyền và lợi ích của tất cả các dân tộc thiểu số một cách bình đẳng", nữ phát ngôn viên nói và cho biết chính phủ Trung Quốc "rất coi trọng việc bảo vệ quyền của phụ nữ".

ĐCSTQ cũng bị buộc tội sát hại thai nhi

ĐCSTQ cũng bị buộc tội cưỡng bức phá thai và triệt sản hàng trăm nghìn phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, cũng như phạm tội sát hại những đứa trẻ đủ tháng được sinh ra do lỡ kế hoạch hóa gia đình. Ngoại trưởng Pompeo dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, trong ngày những cuối cùng tại vị, đã chính thức gọi những vụ vi phạm nhân quyền này và các hành vi vi phạm nhân quyền khác của ĐCSTQ là Tội diệt chủng.

Tình trạng cưỡng bức phá thai tiếp tục diễn ra tràn lan trên khắp Trung Quốc, không chỉ giới hạn ở Tân Cương, với hàng chục triệu ca phá thai tại quốc gia này mỗi năm. “Lỡ” mang thai - một cách gọi tắt của các trường hợp mang thai "bất hợp pháp" đều bị ĐCSTQ bắt phá thai bằng vũ lực.

Reggie Littlejohn là nhà sáng lập, đồng thời là Chủ tịch của Tổ chức Nữ quyền không biên giới tuyên bố: “Tôi không thể ăn mừng trước bất kỳ sự tiến bộ nào về quyền của phụ nữ trên hành tinh này, khi 1/5 phụ nữ trên thế giới bị buộc chặt trên bàn, bị các dụng cụ y tế thọc vào tử cung và cắt rời thai nhi của họ trong khi họ không ngừng la hét, cầu xin sự sống của những đứa trẻ mà họ đang mong mỏi chào đón.

Tội phạm giới tính - phá thai chọn lọc giới tính của các bé gái - đã được thi hành hiện qua nhiều thế hệ ở Trung Quốc, ở nhóm các góa phụ nghèo khổ và bị bỏ rơi ở vùng nông thôn."

ĐCSTQ bị buộc tội cưỡng bức phá thai và triệt sản hàng trăm nghìn phụ nữ Duy Ngô Nhĩ. (Ảnh của PETER PARKS / AFP qua Getty Images)

Bà Littlejohn nói thêm: “Phụ nữ Trung Quốc sẽ phải chịu rủi ro bị giam giữ khi chống lại việc cưỡng bức phá thai. Một điều đáng tiếc là Trung Quốc - một trong những quốc gia vi phạm quyền phụ nữ tồi tệ nhất trên thế giới - lại được vinh danh khi đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022”.

Trái ngược với cựu Tổng thống Donald Trump, người luôn bảo vệ Sự sống của thai nhi và từng thực thi chiến lược hết sức cứng rắn với ĐCSTQ và buộc Bắc Kinh phải chùn bước trong nhiều vấn đề gai góc, thì Tổng thống Joe Biden khi còn là ứng viên tranh cử Tổng thống, lại không ít lần công khai hạ thấp mối đe dọa từ Trung Quốc.

Điều này hẳn không có gì ngạc nhiên, khi Joe Biden có “tiền sử” thân thiết với các lãnh đạo của ĐCSTQ. Thậm chí vào năm 2012 dưới thời chính quyền Barack Obama, ông có hẳn một bài phát biểu tại trường Đại học Tứ Xuyên, và Phó Tổng thống Joe Biden khi ấy khẳng định mình “hoàn toàn thấu hiểu” chính sách một con tàn bạo của ĐCSTQ…

Chính sách một con của ĐCSTQ: Hàng trăm triệu thai nhi bị sát hại

Những bình luận trên của Phó Tổng thống Joe Biden đã được cả Fox News cũng như Washington Examiner đăng tin trên Twitter vào thời điểm đó. Nó hiện vẫn đang được lưu ghi trong kho lưu trữ của Nhà Trắng từ thời chính quyền Barack Obama.

“Nhưng như những gì tôi trao đổi với một số lãnh đạo của quý vị, thì quý vị cũng có chung mối lo ngại tại Trung Quốc. Quý vị cảm thấy không có chỗ dựa. Chính sách quốc gia của quý vị là một điều mà tôi hoàn toàn thấu hiểu, tôi không phải đoán già đoán non gì về chính sách một đứa con cho mỗi gia đình. Kết quả là quý vị giờ đây ở vị trí làm công ăn lương đang phải chăm sóc cho bốn người đã nghỉ hưu. (Thật) không bền vững!”

Năm 1979, ĐCSTQ đã quy định việc các cặp vợ chồng sinh nhiều hơn một con là bất hợp pháp. Phụ nữ mang thai lần thứ hai sẽ buộc phải “tự nguyện” phá thai. Nếu “bà bầu” bị bắt quả tang để thai nhi “già” tháng, thì ĐCSTQ sẽ cưỡng bức giết chết đứa trẻ trong bụng họ.

Ước tính có khoảng 400 triệu ca cưỡng bức như thế đã “được ngăn chặn" từ năm 1979 đến 2015. Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã mở rộng chính sách này và cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh hai con trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại Trung Quốc sụt giảm.

Thành tích “ngăn chặn” các bà bầu này của ĐCSTQ bao gồm nạo phá thai và gây nhiễm độc để loại bỏ thai nhi, đặc biệt là các bé gái. Đối diện với việc cưỡng bức thực hiện Chính sách một con của ĐCSTQ, truyền thống nối dõi tông đường đã khiến các cặp vợ chồng ở Trung Quốc thường buộc phải chọn các thai nhi mang giới tính nam. Nhiều gia đình hoặc phải chọn biện pháp “ngăn chặn” đối với bé gái ngay từ trong bụng, hoặc đành phải bỏ rơi con gái mình ở ngoài các khu chợ - nơi mà ai cũng có thể chứng kiến cái chết của bé gái sơ sinh và dần coi như đó là chuyện rất bình thường.

Năm 2019, The Atlantic đã giới thiệu bộ phim tài liệu về “Chính sách một con” tại Trung Quốc. Bộ phim bao gồm cuộc phỏng vấn với bà Huaru Yuan, một nữ hộ sinh người Trung Quốc, 84 tuổi. Bà cho biết bà đã từng thực hiện “50.000 đến 60.000 ca triệt sản và phá thai”.

The Atlantic cũng đưa một số chi tiết khủng khiếp từ những thước phim tài liệu như sau:

Khi Chính sách một con đang tiếp diễn, nó để lại những dấu vết kinh hoàng. Khi Trung Quốc mở cửa cho phép nhận con nuôi quốc tế vào năm 1992, nhiều trại trẻ mồ côi do nhà nước quản lý đã trở thành địa điểm buôn bán người.

Thông qua các cuộc phỏng vấn, nhân vật Wang đã biết được việc những đứa trẻ sơ sinh từ các gia đình vi phạm chính sách đã bị các quan chức kế hoạch hóa gia đình bắt cóc và bán cho các trại trẻ mồ côi.

Đây là một chi tiết đã bị ĐCSTQ giấu nhẹm (trong phim, Wang nói với một nhà báo đã bị buộc phải trốn sang Hồng Kông vì tiết lộ này của mình). Cho đến nay, nhiều người nước ngoài nhận con nuôi tại Trung Quốc, hầu như không thể biết được sự thật về nguồn gốc lai lịch của đứa trẻ.

Một số lượng đáng kể trẻ sơ sinh bị bán là bị gia đình bỏ rơi hoặc được “mai mối” để làm con nuôi. Nhiều trẻ sơ sinh là bé gái đã bị cha mẹ từ bỏ vì hy vọng có con trai để nối dõi.

Mặc dù ĐCSTQ đã thay đổi chính sách này vào năm 2015, nhưng việc phá thai cưỡng bức và bạo hành trẻ em vẫn tiếp diễn.

Trong Báo cáo quốc gia về Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2016, cũng chỉ ra phá thai cưỡng bức vẫn tiếp tục được diễn ra theo “Luật Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình” của Trung Quốc.

Báo cáo cho biết luật quy định rằng chính sách Kế hoạch hóa gia đình này không được vi phạm "quyền hợp pháp" của công dân, nhưng các quyền lại này không được quy định rõ ràng. Ngoài ra, luật định của Trung Quốc có 7 hoạt động bị cấm, nhưng nó không bao gồm “giới hạn sinh đẻ” và “cưỡng bức phá thai”.

Báo cáo lưu ý các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc và Liêu Ninh có những quy định yêu cầu phụ nữ chấm dứt thai kỳ do không tuân thủ pháp luật. Báo cáo cũng xác nhận rằng những quy định này đã được thực thi.

Chủ tịch của Tổ chức Nữ quyền không biên giới Reggie Littlejohn đã nói về chính sách hai con của Trung Quốc vào năm 2017 như sau:

“Đúng vậy, Trung Quốc không phải là nơi duy nhất xảy ra nạn diệt chủng. Nhưng có những thứ chỉ có duy nhất ở Trung Quốc, một trong số đó chính là cưỡng chế kiểm soát dân số. ‘Chính sách một con’ đã tồn tại nhiều thập kỷ và hiện Trung Quốc đã sửa đổi chính sách của mình - từ ‘Chính sách một con’ sang ‘Chính sách hai con’.

Nhưng cách mà chính phủ Trung Quốc công bố rất đánh lạc hướng, họ tuyên bố rằng họ đã "từ bỏ" ‘Chính sách Một con’. Các phương tiện truyền thông chính thống (của Trung Quốc) cũng tập trung vào từ này, và bây giờ mọi người nghĩ rằng mọi biện pháp cưỡng chế kiểm soát dân số ở Trung Quốc đã kết thúc. Điều đó không đúng! Họ vừa chuyển từ ‘Chính sách một con’ sang ‘Chính sách hai con’”.

Nó có nghĩa là toàn bộ cơ sở hạ tầng giám sát và cưỡng chế vẫn còn đó. Phụ nữ vẫn đang khám thai hằng quý để đảm bảo rằng họ không mang thai bất hợp pháp.

Họ vẫn có thể yêu cầu một khoảng thời gian chờ đợi giữa đứa trẻ đầu tiên và đứa trẻ thứ hai. Và nếu bạn có thai trong thời gian chờ đợi, bạn vẫn có thể bị cưỡng bức phá thai. Vì vậy, việc cưỡng chế đang tiếp tục theo ‘Chính sách Hai con’ này”.

Chính sách này của ĐCSTQ tàn bạo là vậy và nói xa lại phải bàn gần: Vì sao Joe Biden lại đồng cảm với Chính sách một con của ĐCSTQ. Đơn giản, vì Đảng Dân chủ (xã hội chủ nghĩa) tại Mỹ ngày hôm nay cũng ủng hộ mạnh mẽ quyền được phá thai.

Tại cuộc họp Đại hội đề cử ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, lập trường ủng hộ phá thai, thậm chí là phá bỏ thai nhi ngay cả khi đến tận thời điểm sinh nở vẫn là một điều không phải bàn cãi, và là một phần trong cương lĩnh của Đảng Dân chủ.

Đương nhiên, có một quốc gia đặc biệt “thích thú” với lập trường này...

ĐCSTQ “thích” Joe Biden làm Tổng thống Mỹ

Ngược dòng thời gian, trong bài phát biểu nhận đề cử tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ vào ngày 20/4/2020, ông Joe Biden chỉ nhắc tới Trung Quốc một lần khi cam kết sẽ chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào nước này về nguồn cung y tế nếu ông đắc cử.

Đã có quá nhiều bằng chứng cho thấy, Joe Biden cực kỳ “thấu hiểu” lãnh đạo ĐCSTQ. (Ảnh của JIM WATSON / AFP qua Getty Images)
Đã có quá nhiều bằng chứng cho thấy, Joe Biden cực kỳ “thấu hiểu” lãnh đạo ĐCSTQ. (Ảnh của JIM WATSON / AFP qua Getty Images)

Lý Hải Đông, giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng: “Đối với Trung Quốc, vì Biden là phó Tổng thống trong nhiệm kỳ của Obama, và đã có nhiều kinh nghiệm làm việc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chúng ta hy vọng sẽ có điều kiện giao tiếp hiệu quả hơn với Biden nếu ông ấy thắng cử”.

Câu phát biểu trên của Lý Hải Đông với Thời báo Hoàn cầu không phải là không có cơ sở. Mối quan hệ của Joe Biden với Tập Cận Bình đúng là phát triển ngày càng sâu sắc. Họ đã làm quen với nhau hồi ông Biden còn là phó Tổng thống dưới thời Barack Obama.

Năm 2015, khi là phó Tổng thống, Joe Biden từng tiết lộ rằng ông “đã có vô số cuộc thảo luận riêng tư vượt ra ngoài những chủ đề nói chuyện thông thường” với ông Tập:

“Tôi đã nói với chủ tịch [Tập] điều này sau nhiều cuộc họp của chúng tôi — rằng tôi đã hết sức ấn tượng với sự dũng cảm, sự quyết tâm của ngài chủ tịch Tập và năng lực của ông ấy trong việc xử lý những gì ông ấy được kế thừa”.

Trước đó, tại một hội nghị bàn tròn năm 2011 ở Bắc Kinh, ông Biden nói: “Tổng thống Obama và tôi, chúng tôi hoan nghênh, khuyến khích và không thấy gì ngoài những lợi ích tích cực từ việc các doanh nghiệp và các thực thể Trung Quốc đầu tư trực tiếp vào Mỹ”.

Kể từ đó, dưới thời Obama, các công xưởng, nhà máy, dây chuyền sản xuất tại Mỹ được di dời tới Trung Quốc. Và ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã kiếm lợi từ việc bóp chẹt giới đầu tư phương Tây muốn làm ăn với chính quyền lưu manh, phải “biết điều” chuyển giao công nghệ tân tiến cho ĐCSTQ. Các “ông chủ” Trung Quốc khi ấy rủng rỉnh hầu bao, đã sang Mỹ thâu tóm các công ty Mỹ trong các lĩnh vực chủ chốt, sở hữu bất động sản đắc địa, và người Mỹ lại trở thành người “làm thuê’” cho họ.

Đã có quá nhiều bằng chứng cho thấy, Joe Biden cực kỳ “thấu hiểu” lãnh đạo ĐCSTQ. Trong một buổi gây quỹ trực tuyến ngày 13/7/2020, ông Joe Biden đã trích câu nói của Mao Trạch Đông, cựu lãnh đạo khét tiếng của ĐCSTQ như sau:

“Bây giờ, chúng ta phải nhờ cậy vào bàn tay phụ nữ để giúp đỡ hồi phục nền kinh tế”, và trước khi ông Biden nói tiếp, ông nói rằng ông muốn trích dẫn “một câu tục ngữ cổ của người Trung Quốc” là: “Phụ nữ nắm giữ một nửa của bầu trời”.

Nhưng thực tế, câu nói trên là tục ngữ cổ của ĐCSTQ. Nó xuất hiện lần đầu tiên khi Mao Trạch Đông khẳng định nỗ lực ủng hộ của chính quyền cộng sản đối với quyền bình đẳng giới nam-nữ. Tuy nhiên, sự cai trị tàn bạo của Mao Trạch Đông đã dẫn đến cái chết bi thảm của hàng chục triệu người Trung Quốc (trong đó rất nhiều là phụ nữ) do các cuộc cách mạng, thanh trừng và các chính sách tai hại điên rồ.

Năm 2019, khi đến bang Iowa để vận động tranh cử, ông Joe Biden từng nói: “Trung Quốc sẽ ăn mất bữa trưa của chúng ta ư? Thôi đi nào quý vị. Ý tôi là, các bạn biết đấy, họ không phải là những kẻ xấu, thưa quý vị… Và họ cũng không phải là đối thủ cạnh tranh đối với chúng ta”.

Phát biểu này của ông Biden không có gì lạ nếu bạn biết rằng ngay từ khi Joe Biden còn là Thượng nghị sĩ, ông đã ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, và trao cho Bắc Kinh mối quan hệ thương mại bình thường hóa vĩnh viễn với Mỹ.

Khi ở cương vị Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Obama, ông Biden được cho là người đã ngăn chặn Hải quân Mỹ tuần tra ở Biển Đông suốt 4 năm, và chính điều đó đã tạo điều kiện cho Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo và gia tăng những yêu sách phi pháp trong khu vực biển Đông.

Suốt hàng thập niên làm việc trong các cơ quan công quyền của Mỹ, ông Joe Biden đã tìm cách hợp tác với Bắc Kinh, thậm chí từng nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là điều “tích cực” đối với nước Mỹ.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Quốc Hưng



BÀI CHỌN LỌC

Ngày 8/3: Phụ nữ thiểu số TQ vẫn bị cưỡng hiếp, triệt sản và Joe Biden từng “cảm thông” chính sách tàn bạo của ĐCSTQ