Mực nước trong hồ chứa Đập Tam Hiệp tiếp tục dâng cao, vượt quá mức kiểm soát lũ gần 2m

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, Đập Tam Hiệp đã nhận được nhiều sự chú ý. Các kênh truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho biết vào ngày 21/6 rằng, mực nước trong khu vực Hồ chứa Tam Hiệp tiếp tục tăng cao, và hiện đã vượt quá mức giới hạn kiểm soát lũ gần 2m.

Trước đó, chính phủ Trung Quốc cho biết, Đập Tam Hiệp đã hoàn thành việc xả lũ vào ngày 9/6, hạ thấp mực nước từ 175m xuống 145m, mực nước xả đi là khoảng 30m, giảm đi 22,15 tỷ trong hồ chứa kiểm soát lũ.

Nhưng hôm 21/6, kênh Tài chính của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin rằng mực nước Đập Tam Hiệp đang tiếp tục tăng. Ngày 20/6, lưu lượng dòng chảy vào hồ chứa của đập Tam Hiệp tăng đến 26.500m³/s, tăng thêm 6.000m³/s so với mức 20.500m³/s của ngày 19/6. Hiện tại, mực nước trong khu vực hồ chứa là gần 147m, vượt quá mức giới hạn kiểm soát lũ gần 2m.

Tại cuộc họp báo của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 11/6, Bộ Tài nguyên nước tuyên bố rằng Trung Quốc đã bước vào mùa lũ một cách toàn diện. Tại thời điểm đó, lượng mưa tích lũy cao hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái, mực nước của 148 con sông vượt quá mức cảnh báo lũ. Từ hôm 2/6 đến nay, Giang Nam, Hoa Nam và phía đông của vùng Tây Nam Trung Quốc đã trải qua các đợt mưa với cường độ lớn nhất, phạm vi lớn nhất và kéo dài nhất kể từ đầu năm nay. Tất cả các sông hồ nhỏ ở Tây Giang (Xijiang) và Bắc Giang (Beijiang) thuộc lưu vực sông Châu Giang (Zhujiang), Tương Giang (Xiangjiang) và hệ thống hồ Bà Dương (Poyang) thuộc lưu vực sông Trường Giang, hệ thống sông Tiền Đường (Qiantang) ở tỉnh Chiết Giang đều có lũ với mực nước vượt quá mức cảnh báo. Một số dòng sông đã vượt quá mức lũ lịch sử được ghi nhận.

Diệp Kiến Xuân (Ye Jianchun), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước của Trung Quốc, nói rằng việc mực lũ quá mức có thể là một sự cố "thiên nga đen" đối với các công trình phòng chống lũ hiện có. Ông cũng nhấn mạnh rằng tỉnh Hồ Bắc có nhiều sông hồ, nơi đây đang phải chịu ảnh hưởng của mùa lũ cộng với dịch bệnh chồng chéo, hi vọng rằng Hồ Bắc sẽ không xảy ra vấn đề gì lớn nữa.

Gần đây, ngoại giới cũng đang chú ý đến vấn đề đập Tam Hiệp, lo lắng rằng việc vỡ đập sẽ gây ra những tổn thất không thể tưởng tượng được.

Vào ngày 17/6, một số cư dân mạng đã đăng lại trên Twitter cảnh báo từ Hoàng Tiểu Khôn (Huang Xiaokun), một chuyên gia nổi tiếng và là giáo sư của Học viện nghiên cứu xây dựng Trung Quốc, với nội dung là: "Tôi nói lần cuối cùng đấy, ai ở Nghi Xương (Yichang) và các khu vực phía dưới thì mau chạy đi".

Hôm 18/6, Epoch Times đã phỏng vấn Tiến sĩ Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia nổi tiếng về đập Tam Hiệp, người hiện đang sống ở Đức. Ông nói rằng Hoàng Tiểu Khôn đề nghị tất cả mọi người ở hạ lưu đập Tam Hiệp nên chạy trốn, nhưng chạy đi đâu? Vùng hạ lưu của sông Trường Giang là khu vực đông dân cư ở Trung Quốc, chạy đi đâu chứ, chẳng có nơi nào mà chạy cả.

Sông Trường Giang trải dài từ tây sang đông và vắt qua miền trung của Trung Quốc, đi qua 11 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc bao gồm Thanh Hải, Tây Tạng, Tứ Xuyên, Vân Nam, Trùng Khánh, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, An Huy, Giang Tô và Thượng Hải.

Tiến sĩ Vương Duy Lạc nói rằng một khi đập Tam Hiệp xuất hiện vấn đề, hậu quả sẽ không thể tưởng tượng được. Ông đã xem một video trước đó và đưa ra một suy luận. Đó là: nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng sẽ là thành phố Nghi Xương, sau đó là Nhạc Dương, rồi đến Vũ Hán, một mạch như vậy cho đến Thượng Hải - nơi phát triển nhất trong nền kinh tế Trung Quốc.

Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli), một chuyên gia thuỷ lợi nổi tiếng của Trung Quốc, dự đoán rằng đập Tam Hiệp cuối cùng sẽ bị nổ tung. Hoàng Tiêu Lộ (Huang Xiaolu), con gái của ông Hoàng Vạn Lý, cảnh báo rằng sự nguy hiểm của đập Tam Hiệp đã tồn tại ngay từ ngày khởi công xây dựng, nguy cơ này có thể xảy ra bất cứ lúc nào; có thể có khoảng 600 triệu người sẽ bị ảnh hưởng và khu vực bị ảnh hưởng là một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển nhất ở Trung Quốc.

Đông Phương

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mực nước trong hồ chứa Đập Tam Hiệp tiếp tục dâng cao, vượt quá mức kiểm soát lũ gần 2m