Một sinh viên Trung Quốc dũng cảm đứng lên phản đối chế độ, và sau đó bị mất tích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một sinh viên đại học ở Trung Quốc đã mất tích sau khi công khai kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ bỏ quyền lực.

Ngày 30/3, một sinh viên đại học và là lập trình viên từ tỉnh Sơn Đông ở đông bắc Trung Quốc, tên là Zhang Wenbin đã đăng trên Twitter, mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc, một video với khẩu hiệu “Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Người sinh viên này đã sử dụng VPN, một công cụ vượt tường lửa Internet, để truy cập các trang web ở nước ngoài bị ĐCSTQ kiểm duyệt.

Trước đó vài ngày, Zhang đăng một bài viết với thông điệp tương tự trên WeChat Moments, một mạng xã hội khác của Trung Quốc.

Trong một tweet khác đăng cùng ngày 30/3, Zhang cho biết cảnh sát đã gọi anh lên để cảnh cáo về bài viết của anh trên Wechat, và nói sẽ giam giữ anh trong 5 ngày. Từ thời điểm đó, không thấy anh đăng bài viết trên mạng nữa. Còn từ ngày 31/3, anh đã “biệt tăm”.

Sự mất tích của Zhang xảy ra trong trong bối cảnh chính quyền nỗ lực dập tắt những chỉ trích trong nước về việc họ không xử lý sự bùng phát của virus Corona Vũ Hán, và tăng cường đàn áp những ý kiến bất đồng. Gần đây, nhà tài phiệt Trung Quốc Nhậm Chí Cường cũng bị mất tích sau khi ông công khai chỉ trích chính quyền và kêu gọi tự do ngôn luận.

Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), chủ tịch của Hua Yuan Group, có bài phát biểu trong Diễn đàn kinh tế cao cấp năm 2006 tại Câu lạc bộ quốc tế Luxehills ở Thành Đô, Trung Quốc vào ngày 7 tháng 1 năm 2006... (Ảnh Trung Quốc / Ảnh Getty)

Đầu tháng 3, một giáo viên tiểu học cũng bị bắt giam 10 ngày và bị tước bằng giảng dạy vì đã nghi ngờ con số bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán tử vong chính thức.

Cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc đã chặn tài khoản của Zhang trên WeChat vì nghi ngờ anh đã “truyền bá tin độc hại”, theo một ảnh chụp màn hình của Zhang tải lên mạng. Anh nói rằng WeiboQzone, hai mạng xã hội khác của công ty công nghệ Trung Quốc Tencent cũng không hành xử đúng với anh.

Trong video đăng ngày 30/3, Zhang nói: “Tôi cũng đã từng là một 'đội viên khăn quàng đỏ'. Chỉ sau khi vượt qua [Vạn lý Tường lửa], tôi mới nhận ra bộ mặt độc ác của Đảng [ĐCSTQ]”.

Zhang cho biết khi “chứng kiến người dân Hồng Kông và Đài Loan can đảm chống lại” ĐCSTQ trong những tháng gần đây, anh thấy mình cần phải có tiếng nói để giúp dân tộc Trung Hoa nhìn thấy “bản chất” của chế độ cầm quyền, cũng như “phá vỡ bức tường đang che chắn họ”.

“Có thể tôi sẽ không sống sót để chứng kiến ngày tàn của ĐCSTQ, tôi cũng không biết có ai xem được video này không, nhưng bất chấp bối cảnh nguy hiểm này, tôi đã làm được điều gì đó”, anh nói.

Ở thời điểm bài viết, Video của Zhang có hơn 175.200 lượt xem và 2.200 lượt thích.

Yang Jianli, người sáng lập Tổ chức Các sáng kiến ​​về quyền lực công dân cho Trung Quốc có trụ sở tại Washington, nói rằng những gì Zhang làm hoàn toàn phù hợp với quyền tự do ngôn luận của công dân, một quyền được Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ.

Nhưng đáng tiếc, đây chỉ là “quyền trên giấy tờ”, ông Yang nói.

Một nhóm các thành viên thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế mô tả hành vi kiểm duyệt nhằm ngăn chặn tự do ngôn luận của chính quyền Trung Quốc tại Thế Vận Hội Olympic Bắc Kinh 2008.
Một nhóm các thành viên thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế mô tả hành vi kiểm duyệt nhằm ngăn chặn tự do ngôn luận của chính quyền Trung Quốc tại Thế Vận Hội Olympic Bắc Kinh 2008. (Ảnh: Getty)

Ông gọi ĐCSTQ là “một chế độ tàn bạo”, và duy trì quyền lực là ưu tiên hàng đầu của nó.

Ông Yang nói với The Epoch Times rằng: “Nhà nước ĐCSTQ cũng như các nhà lãnh đạo của Đảng không tha thứ cho bất kể thách thức, chống đối nào. Bất cứ phát ngôn nào chống lại Đảng đều được xem là hành động nổi loạn”.

Thức tỉnh và mong muốn nói ra sự thật

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times ngày 30/3 trước khi bị mất tích, Zhang đã kể tại sao anh lại đứng lên công khai chỉ trích chính quyền Trung Quốc.

Khoảng bốn năm trước, Zhang bắt đầu “vượt tường lửa Internet” và đọc được những thông tin bị Trung Quốc kiểm duyệt, tìm hiểu về các cuộc biểu tình dân chủ năm 1989 của sinh viên Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn. Anh biết được ĐCSTQ đã huy động xe tăng và quân đội để đàn áp và nghiền nát những người biểu tình. Sự việc này trở thành chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc. Tất cả những từ liên quan đến sự việc đều nhanh chóng bị xóa khỏi Internet, và những ai lên tiếng đều bị trừng phạt.

Từ đó, Zhang bắt đầu khám phá ra mạng lưới dối trá khổng lồ của chính quyền, từ sự tàn phá đất nước của “chính sách một con”. Đây là đạo luật “sinh đẻ có kế hoạch” do nhà nước kiểm soát nghiêm ngặt mà theo chính phủ đã thực hiện 400 triệu ca phá thai. Zhang cũng đọc được thông tin về cuộc bức hại nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công, đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và Phật giáo ở Tây Tạng.

Anh đã đến Hồng Kông và Tây Tạng để gặp gỡ người dân địa phương, và kiểm chứng những gì chính phủ tuyên truyền về họ.

Anh nói: “Tôi nhận ra rằng những gì họ tuyên truyền từ trước tới nay đều là lừa đảo. Giờ không chỉ là những gì tôi đọc được trên Internet, mà tôi đã thấy tận mắt rất nhiều điều”.

Từ đó, Zhang giữ kín những trăn trở này và hầu như không chia sẻ. Tuy nhiên, tháng 10/2019, Zhang đã hành động để bày tỏ sự ủng hộ đối với những người biểu tình vì dân chủ ở Hồng Kông.

Anh đã chia sẻ thông tin về một chiến dịch được những người biểu tình ở Hồng Kông khởi xướng trên WeChat, kêu gọi cộng đồng mạng ủng hộ phong trào này bằng cách đăng ảnh selfie che một tay lên mắt phải. Tuy nhiên, ngay sau khi biết tin cảnh sát triệu tập một người bạn học vì đăng những tin ủng hộ Hồng Kông, Zhang đã nhanh chóng xóa tài khoản của mình.

Anh hồi tưởng lại: “Lúc đó, tôi thật hèn nhát”.

Tuy nhiên, anh vẫn nằm trong tầm ngắm của những người kiểm duyệt mạng. Gần đây, khi anh tìm kiếm một vài từ khóa nhạy cảm trên Weibo, những từ khóa như “chúng tôi không thể, chúng tôi không hiểu”, những hashtag này bắt đầu tải hàng loạt tin về cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ. Bác sĩ Lý bị buộc “ngậm miệng” vì đã nói về dịch bệnh đang bùng phát ở Vũ Hán, sau đó anh chết vì virus mà chính anh cảnh báo cho mọi người.

Các sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ đã tổ chức một buổi tưởng niệm cho bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên lên tiếng về dịch virus Corona ở Vũ Hán, Trung Quốc
Các sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ đã tổ chức một buổi tưởng niệm cho bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên lên tiếng về dịch virus Corona ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Không lâu sau đó, Zhang bắt đầu gặp khó khăn khi đăng bình luận, chia sẻ hoặc nhắn tin trên mạng này. Cuối cùng anh đã thất vọng và xóa ứng dụng.

Anh chia sẻ: “Những gì làm tôi mệt mỏi, thất vọng, và ghê sợ nhất là cách ĐCSTQ “bịt mắt” công chúng bằng cách tiêm nhiễm vào đầu họ những lời dối trá. Họ đã giam cầm người dân đằng sau những bức tường của sự lừa đảo”.

Zhang nói anh có một vài người bạn tốt từ thời trung học, nhưng họ đã bị lu mờ trong sự tuyên truyền của nhà nước và không chấp nhận bất kỳ quan điểm trái chiều nào. Họ, cùng với nhiều bạn cùng lớp khác của anh đang học khoa Sư phạm và sắp trở thành giáo viên. Rồi họ sẽ tiếp tục truyền bá những tư tưởng dối trá như vậy vào thế hệ tương lai, Zhang nói.

“Tẩy não có lẽ là thành công lớn nhất của ĐCSTQ”, anh nói thêm.

Cha mẹ Zhang đã cảnh báo rằng anh đã phạm phải “lỗi lầm” là không chịu “ngậm miệng”. Nhưng người sinh viên này vẫn không hề sợ hãi.

Anh nói: “Tôi đã làm điều gì sai? Tại sao tôi không được quyền nói ra những gì tôi nghĩ?”

Thu Hà

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Một sinh viên Trung Quốc dũng cảm đứng lên phản đối chế độ, và sau đó bị mất tích