Một chuyên gia ghép tạng liên quan đến tội ác mổ cướp nội tạng sống ở Trung Quốc nhảy lầu tự tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 26/2, bác sĩ Tang Vận Kim (Zang Yunjin), 57 tuổi, Giám đốc Trung tâm Cấy ghép Nội tạng Bệnh viện Đại học Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đã nhảy lầu tự tử từ một tòa nhà cao tầng. Vụ tự tử của chuyên gia cấy ghép nội tạng hàng đầu của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý đến một "mô hình Thanh Đảo" đáng ngờ vực về nguồn nội tạng cấy ghép ở Trung Quốc, theo The Epoch Times.

Bắc sĩ Tang là một trong những chuyên gia cấy ghép gan nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, người giành được một danh sách dài các danh hiệu và vinh dự cho sự đóng góp của ông trong lĩnh vực này, theo báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Nhà bình luận tin tức Trung Quốc Heng He nói rằng bác sĩ Tang không chỉ đơn thuần là một chuyên gia cấy ghép nội tạng, mà còn là người đã dẫn dắt ngành cấy ghép ở nhiều thành phố của Trung Quốc. Ông Heng nhấn mạnh rằng, tất cả các bệnh viện nơi ông Tang làm việc đều có tên trong các báo cáo điều tra tội ác mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Bác sĩ Tang đưa chuỗi cung ứng nội tạng đến Thanh Đảo?

Theo trang web của Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Đại học Thanh Đảo, cơ sở này được ông Tang thành lập vào tháng 2/2014.

Ông Tang cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thanh Đảo Nhật báo vào ngày 3/2/2018, những nhân viên đầu tiên của Trung tâm cấy ghép Bệnh viện Đại học Thanh Đảo là đồng nghiệp từ thời ông làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang Bắc Kinh.

Ngày 3/12/2014, ĐCSTQ tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ ngừng sử dụng nguồn nội tạng của tử tù và chỉ sử dụng duy nhất từ các công dân “hiến tặng tự nguyện” từ ngày 1/1/2015.

Tuy nhiên, kể từ khi trung tâm cấy ghép nội tạng được thành lập vào năm 2014, dữ liệu cho thấy số lượng "nội tạng hiến tặng" ở thành phố Thanh Đảo hàng năm tăng đột biến. Trung tâm của bác sĩ Tang thời điểm đó đã thành lập nhóm Tổ chức Mua bán Nội tạng (OPO), theo trang Thanh Đảo news.com tiết lộ.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times ngày 11/3, ông Uông Chí Viến, chủ tịch Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), đã nhấn mạnh rằng, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ hiến tạng tự nguyện trung bình thấp nhất trên thế giới và trích dẫn con số “chỉ 0,6 trên 1 triệu người chết (tức là khoảng 840 người/năm ở Trung Quốc, dựa trên thống kê của tạp chí y tế thế giới The Lancet”.

Ông Uông giải thích rằng người Trung Quốc thường miễn cưỡng hiến tạng sau khi chết vì họ có truyền thống lâu đời kính trọng người đã khuất và hành động cắt bỏ nội tạng của người đã khuất về mặt văn hóa bị coi là thiếu tôn trọng hoặc là một hành động mang lại sự bất hạnh.

Sau hơn 10 năm tiến hành cuộc điều tra, WOIPFG và các nhà nghiên cứu khác đã thu thập được các bằng chứng cho thấy, có một lượng lớn người hiến tạng sống tồn tại kể từ khi cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999.

Vào năm 2019, sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, một tòa án nhân dân độc lập tại London đã kết luận, trong nhiều năm qua, ĐCSTQ đã cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm trên “quy mô đáng kể”, trong đó các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ là nguồn nội tạng chính. Tòa án cho biết, hành động man rợ này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Ông Heng He bày tỏ sự nghi ngờ của mình rằng, bác sĩ Tang là người tổ chức hoạt động cung ứng nội tạng để đảm bảo nguồn cung cấp nội tạng cấy ghép cho trung tâm. Ông Heng nói, một yếu tố đóng góp quan trọng khác là Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang Bắc Kinh, một đơn vị quân đội của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) hoặc quân đội của ĐCSTQ, nơi ông Tang từng làm việc, có thể đảm bảo bí mật và là nguồn cung cấp nội tang quy mô lớn.

'Mô hình Thanh Đảo' của ông Tang

Năm 2018, một hội nghị toàn quốc của tổ chức Mua bán Nội tạng OPO diễn ra từ ngày 26-30/1 tại Thanh Đảo, theo Hiệp hội Bệnh viện Trung Quốc. Bác sĩ Tang là chủ tịch điều hành của sự kiện này.

Tại hội nghị, ông Tang đã có bài phát biểu trước hơn 200 chuyên gia Trung Quốc, Tây Ban Nha, Iran và Brazil về “mô hình Thanh Đảo” của mình, gọi đây là nền tảng cho “hoạt động hiến tặng nội tạng người được tiêu chuẩn hóa của Trung Quốc”, theo một báo cáo trên kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, tờ Thanh Đảo Nhật báo.

“Mô hình Thanh Đảo là bản tóm tắt công việc cấy ghép nội tạng của chúng tôi, là kết quả của việc tiêu chuẩn hóa theo yêu cầu của đất nước chúng tôi”, ông Tang nói. “Đặc điểm của mô hình nằm ở chỗ tất cả các nhà tài trợ tiềm năng mà chúng tôi tìm được sẽ được chuyển đến bệnh viện của chúng tôi, một bệnh viện duy nhất trên toàn Trung Quốc”.

Báo cáo không nêu chi tiết về nguồn gốc của “các nhà tài trợ tiềm năng” hoặc cách chuyển tất cả các nhà tài trợ tiềm năng đến bệnh viện của ông ấy là duy nhất hay tính năng của bệnh viện Thanh Đảo là duy nhất.

Tuy nhiên, ông Uông Chí Viễn, Chủ tịch của WOIPFG đã lên án Mô hình Thanh Đảo của ông Tang - cái gọi là OPO - là cái cớ để che đậy nhóm người bị cưỡng ép hiến tạng sống được ĐCSTQ hậu thuận.

Khi một người hiến tặng tiềm năng tại bệnh viện đáp ứng các tiêu chí chết não không thể phục hồi, chính quyền bệnh viện sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ quan liên quan ở mức tốt nhất và tìm kiếm người nhận phù hợp thông qua hệ thống phân bổ và chia sẻ nội tạng trực tuyến, theo cổng thông tin của Trung Quốc Sina.

Quy trình làm việc của Mô hình Thanh Đảo ngụ ý rằng các ca cấy ghép nội tạng được thực hiện tại trung tâm của bác sĩ Tang đòi hỏi phải có sẵn người hiến nội tạng tại bệnh viện và họ đang chờ bệnh nhân cần cấy ghép.

Trên thực tế, trường hợp chết não được nêu trong Mô hình Thanh Đảo không phải là điều xa lạ trong cộng đồng ghép tạng của Trung Quốc.

Vương Lập Quân, một cựu quan chức cấp cao của ĐCSTQ và là người đứng đầu Sở Công an Trùng Khánh, cũng như một số người khác, đã được cấp bằng sáng chế cho một phát minh có tên là Máy tác động chấn thương thân não sơ cấp với sự hợp tác của Đại học Quân y thứ ba của PLA.

Phát minh của họ là thiết bị gây chết não (số bằng sáng chế: CN201120542042), được các nhà điều tra David Kilgour, Ethan Gutmann và David Mata gọi là “A Killing Apparatus” (Máy giết người) trong cuốn cách cập nhật năm 2017 của họ “Thu hoạch đẫm máu / Kẻ giết người”. Để có hình minh họa, hãy xem ảnh chụp màn hình sau do WOIPFG cung cấp.

Ảnh chụp màn hình phát minh của Vương Lập Quân trong đơn xin cấp bằng sáng chế, ảnh được phép sử dụng của của WOIPFG.

Sự nghiệp phẫu thuật ghép tạng của bác sĩ Tang đồng hành với nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ

Theo ông Heng He, sự nghiệp cấy ghép nội tạng của Tang thăng hoa từ năm 2000. Nó trùng khớp với sự xuất hiện của tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ từ cơ thể sống của các học viên Pháp Luân Công.

ĐCSTQ bắt đầu chiến dịch bức hại Pháp Luân Công trên toàn Trung Quốc vào ngày 20/7/1999. Ngay sau đó, hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giam bất hợp pháp tại các trung tâm giam giữ, trại lao động và nhà tù.

Từ tháng 9/1999 đến tháng 12/2000, bác sĩ tang làm nghiên cứu về phẫu thuật cấy ghép tại Viện Cấy ghép Thomas E. Starzl thuộc Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (UPMC) với sự tài trợ của chính phủ Trung Quốc, theo cổng thông tin Sohu của Trung Quốc.

Do Trung Quốc cần các bác sĩ ghép gan khẩn cấp, ông Tang đã về nước trước thời hạn 3 tháng, theo các nguồn tin.

Kể từ năm 2000, ĐCSTQ đã mở rộng cuộc đàn áp hàng loạt đối với các học viên Pháp Luân Công, hàng triệu người trong số họ đã bị bắt giam tùy tiện.

Đồng thời, theo WOIPFG, dữ liệu cho thấy, ngành phẫu thuật cấy ghép nội tạng của Trung Quốc bùng nổ.

Vào tháng 12/2000, ông Tang thành lập một chương trình ghép gan tại Bệnh viện Thiên Phật Sơn ở tỉnh Sơn Đông và trở thành người đầu tiên thực hiện ca phẫu thuật ghép gan trong tỉnh.

Vào tháng 9/2001, ông Tang thành lập Trung tâm Cấy ghép Nội tạng tỉnh Sơn Đông.

Từ năm 2004 đến năm 2008, ông Tang đã tham gia thực hiện 1.600 ca mổ lấy gan từ người hiến tặng tại Bệnh viện Trung ương số 1 Thiên Tân.

Tháng 1/2005, ông Tang gia nhập Viện Cấy ghép Gan của Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang Bắc Kinh. Tháng 4 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc bệnh viện. Tại đây, ông đã thực hiện hơn 1.000 ca ghép gan.

Từ năm 2014, ông Tang chuyển đến Bệnh viện Đại học Thanh Đảo và lãnh đạo các hoạt động cấy ghép ở đây cho đến khi ông nhảy lầu tự tử vào ngày 26/2 mà không rõ lý do.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Một chuyên gia ghép tạng liên quan đến tội ác mổ cướp nội tạng sống ở Trung Quốc nhảy lầu tự tử