Sự che đậy đại dịch làm sáng tỏ mô hình lừa dối của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo của một nhóm y đức được phát hành vào ngày 05/5, thất bại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc ngăn chặn virus Corona Vũ Hán đã phơi bày bản chất lừa đảo của chính quyền này với thế giới và chứng minh rằng nó có thể mang lại hậu quả chết người.

Virus Corona Vũ Hán xuất hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, thuộc khu vực miền trung của Trung Quốc. Tổ chức Bác sĩ Chống lại Việc Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) có trụ sở tại Hoa Kỳ nhận định, cách thức xử lý đại dịch virus này phù hợp với chiến thuật mà ĐCSTQ đã triển khai trong quá khứ: phủ nhận, che giấu, tuyên truyền thông tin sai lệch, sau đó tận dụng lợi ích đạt được cho mục đích của mình. DAFOH gọi những hành động đó là một “giao thức lừa dối”.

Mô hình này đã lặp lại nhiều lần trong vài thập kỷ qua khi ĐCSTQ liên tục vi phạm cam kết về nhân quyền và cộng đồng quốc tế chỉ đứng ngoài theo dõi.

Báo cáo này cho biết, trong đại dịch lần này, “các phân nhánh trong các hành động của ĐCSTQ, liên quan đến virus, hiện đang được chứng kiến ​​ở mọi nơi trên thế giới”.

Tại cuộc hội nghị thông qua mạng Internet vào ngày 05/5, ông Rob Gray - phó giám đốc điều hành của DAFOH cho biết: “Lịch sử đã lặp lại trong đại dịch COVID-19 nhưng [với] hậu quả lớn hơn và nghiêm trọng hơn nhiều”.

Hai chủng virus

Bản báo cáo lưu ý, bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) là người tố giác gần đây nhất nhắm vào sự kiểm duyệt hà khắc của chính quyền Bắc Kinh. Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng đã bị cảnh sát khiển trách vì “tung tin đồn thất thiệt” sau khi anh đưa thông tin cảnh báo về chủng virus Corona Vũ Hán lên mạng xã hội. Bác sĩ Lý bị nhiễm virus từ một bệnh nhân mà anh đang điều trị và sau đó đã qua đời.

Một buổi cầu nguyện cho bác sĩ Trung Quốc Lý Văn Lượng tại Hồng Kông ngày 07/2/2020. (Kin Cheung/AP Photo) 
Một buổi cầu nguyện cho bác sĩ Trung Quốc Lý Văn Lượng tại Hồng Kông ngày 07/2/2020. (Kin Cheung/AP Photo)

Tương tự như cuộc khủng hoảng hiện nay, các quan chức Trung Quốc đã giữ kín thông tin trong những tuần đầu khi dịch SARS (hội chứng suy hô hấp cấp) vừa khởi phát vào năm 2002, và không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào cho công chúng trong nhiều tháng. Bác sĩ phẫu thuật quân sự nổi tiếng của Trung Quốc, ông Tưởng Ngạn Vĩnh (Jiang Yanyong) đã phải ngồi tù 45 ngày vì đã cố gắng công khai việc chính quyền ĐCSTQ cố tình che giấu thông tin khi ấy. Sau khi dịch bệnh lan sang hàng chục quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật Quy định Y tế Quốc tế để tăng cường việc trao đổi về rủi ro sức khỏe, và yêu cầu các quốc gia thông báo cho cơ quan Liên Hợp Quốc về bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào liên quan đến sức khỏe cộng đồng.

Bác sĩ Tưởng đã được nhận giải thưởng Ramon Magsaysay vì sự thẳng thắn của mình. (Giải thưởng Ramon Magsaysay, được xem như là Giải Nobel châu Á,nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức giải quyết những vấn đề phát triển con người ở châu Á với sự can đảm và sáng tạo). Tuy nhiên, ông đã phải đối mặt với sự quấy rối liên tục của chính quyền trong những năm qua. Dù đã 88 tuổi, ông vẫn bị quản thúc tại nhà kể từ tháng 4/2019, sau khi ông viết thư cho chính quyền kêu gọi “đánh giá lại” cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 (Sự kiện Lục Tứ năm 1989). Khi đó, ĐCSTQ đã “nghiền nát” cuộc biểu tình bằng xe tăng và súng ống nhằm “ngăn chặn bạo động”.

Báo cáo nêu: “Có vẻ như lên tiếng chống lại lý lẽ của ĐCSTQ trong giai đoạn đầu của một dịch bệnh hoặc đại dịch sẽ mang lại bản án chung thân dưới hình thức này hay hình thức khác”.

Lạm dụng y tế

Báo cáo cho biết, những lời chối tội và lừa dối có hệ thống tương tự đã tái diễn nhiều lần trong lĩnh vực y tế của Trung Quốc trong suốt hai thập kỷ qua và có thể gây thêm thiệt hại nếu tiếp tục được duy trì.

Từ năm 2006, các báo cáo đã nêu bật cáo buộc rằng ĐCSTQ đã thu hoạch cưỡng bức nội tạng từ các tù nhân lương tâm để tiến hành phẫu thuật cấy ghép vì lợi nhuận.

Tháng 6 năm ngoái, sau khi xem xét các bằng chứng bằng văn bản và lời chứng của nhân chứng, một tòa án độc lập có trụ sở tại London đã kết luận rằng, các hành vi bị nhà nước xử phạt như vậy đã diễn ra trong nhiều năm qua trên một quy mô đáng kể.

Toà án xác định rằng nguồn nội tạng chính cho hoạt động này đến từ các học viên thực hành môn tu luyện Pháp Luân Công đang bị chính quyền giam cầm. Họ là những người đã bị đàn áp nghiêm trọng trên toàn Trung Quốc kể từ năm 1999.

Ông Adnan Sharif, thư ký của DAFOH, cũng nhấn mạnh những tin tức gần đây về việc 2 bệnh nhân cao tuổi bị nhiễm virus Corona Vũ Hán ở Trung Quốc đã được cấy ghép phổi mới.

Tại hội nghị hôm 05/5, ông Sharif đã nói: “Cái mà ĐCSTQ thực sự muốn thể hiện là sự sáng chói về mặt khoa học khi trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện ghép phổi trong bối cảnh này, nhưng những gì nó thực sự làm được thì... nó đặt ra nhiều câu hỏi hơn về các nguồn nội tạng”. Ông Sharif muốn hướng sự chú ý của công luận đến khoảng thời gian chờ đợi ngắn đáng ngờ - chỉ trong vòng 3 ngày - để tìm được các cơ quan nội tạng phù hợp cho các bệnh nhân cao tuổi này.

Từ năm 2015, ĐCSTQ đã duy trì quy định tất cả các ca ghép tạng được thực hiện với các bộ phận được thu thập thông qua một hệ thống hiến tặng tự nguyện. Nhưng một nghiên cứu từ Tạp chí Đạo đức Y khoa BMC năm 2019 cho thấy, có khả năng ĐCSTQ đã làm sai lệch dữ liệu hiến tạng bằng cách sử dụng công thức toán học hàm bậc hai. Ông Sharif cho biết, đó chỉ là một ví dụ khác về cách thức chính quyền này điều khiển các loại dữ liệu.

Hai đứa trẻ đeo khẩu trang đang nghỉ ngơi trong chuyến thăm Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh vào ngày 18/4/2020. (Wang Zhao / AFP qua Getty Images)
Hai đứa trẻ đeo khẩu trang đang nghỉ ngơi trong chuyến thăm Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh vào ngày 18/4/2020. (Wang Zhao / AFP qua Getty Images)

Cảnh báo hậu quả của sự im lặng

DAFOH nói rằng sự im lặng khi đối mặt với những thảm kịch nhân quyền tương tự, bản thân nó là một hình thức từ chối và sẽ mang tới nhiều hậu quả: việc tống giam số lượng lớn người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) ở Tân Cương thuộc vùng tây bắc Trung Quốc mang dấu ấn của cuộc đàn áp Pháp Luân Công; công nghệ giám sát phổ biến của Trung Quốc đang mở rộng ra nước ngoài; và dữ liệu giả được công bố trong thảm họa đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) hiện nay.

Các mô hình thống kê, tài khoản nhân chứng và các tài liệu bị rò rỉ mà The Epoch Times hiện đang nắm giữ đã chỉ ra rằng các nhà chức trách Trung Quốc đang báo cáo giảm nhẹ số lượng ca nhiễm và tử vong vì virus Corona Vũ Hán.

Thất bại trong việc ngăn chặn virus vượt ra ngoài biên giới của mình, ĐCSTQ sau đó đã cố gắng tự “tô vẽ” mình như một nhà lãnh đạo y tế toàn cầu, xuất khẩu vật tư y tế không đạt tiêu chuẩn cho các nước, đồng thời tiến hành một chiến dịch bóp méo thông tin trên mạng xã hội và truyền thông nhà nước Trung Quốc để chuyển hướng chỉ trích của dư luận.

Báo cáo nhấn mạnh: “Bản chất, ý định và hành động của ĐCSTQ không còn được phép tiếp tục không suy giảm”.

Báo cáo đã trích dẫn bài phát biểu của ông Trần Quang Thành (Chen Guangcheng), một luật sư nhân quyền khiếm thị của Trung Quốc đã trốn sang Hoa Kỳ vào năm 2012 trong bối cảnh bị chính quyền giám sát. Trong đó, ông Trần nhấn mạnh rằng: “ĐCSTQ chính là một loại virus lớn nhất và nguy hiểm nhất trong tất cả [các loại virus]”.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Sự che đậy đại dịch làm sáng tỏ mô hình lừa dối của Bắc Kinh