Mất mát và tức giận, du học sinh Ý thay đổi nhận thức về chính quyền trong dịch bệnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lưu Mộng Địch (Liu Mengdi), hiện đang học năm cuối đại học ở Ý, chỉ có thể bất lực nhìn người nhà của mình ở Vũ Hán bị virus Corona (COVID-19) hành hạ. Khi kêu gọi sự giúp đỡ ở trên mạng Internet, cô đã bị cảnh báo cấm đăng các tin nhắn xin trợ giúp và chỉ được đăng những tin tích cực.

Liu Mengdi nói rằng dịch bệnh lần này đã khiến người nhà cô vốn rất tin tưởng vào tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc thay đổi quan niệm của mình.

Cô không bao giờ ngờ rằng người nhà cô có thể bị nhiễm dịch, cô cũng không bao giờ ngờ rằng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn cô đã mất đi ông ngoại yêu quý của mình. Và cô lại càng không thể ngờ được cha cô vốn rất khỏe mạnh, hiện giờ đang ở trong tình trạng nguy kịch.

Từ lạc quan đến thất vọng, Lưu Mộng Địch cảm thấy mất mát và tức giận

Theo báo The Guardian đưa tin, vài tuần nay, cô gái 25 tuổi Lưu Mộng Địch đã liên tục viết nhật ký về COVID-19.

"Hôm nay là ngày đóng cửa thứ 6 ở thành phố Vũ Hán. Tôi nghĩ người nhà bị cấm đi ra ngoài thì ít nhất họ sẽ được an toàn hơn. Tôi không thể ngờ rằng họ sẽ rơi vào tình cảnh không thể thoát khỏi thảm họa này". Đây là dòng nhật ký cô Lưu viết vào ngày 29/1.

Cha của cô, ông Lưu Đạo Ngọc (Liu Daoyu), 54 tuổi, có triệu chứng đau họng và ho, ông được chẩn đoán nhiễm virus Corona. Ông nội 90 tuổi của cô, Lôi Như Đình (Lei Ruting), có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bị sốt và khó thở.

"Mọi người trong gia đình đều vô cùng lo lắng", cô Lưu viết.

Lúc ban đầu, cô Lưu còn khá lạc quan và tin rằng cuối cùng mọi thứ sẽ ổn. Cô cảm ơn những người ở tiền tuyến đang đấu tranh chống lại virus, và những người đã giúp đỡ gia đình cô.

Ba ngày sau, sự lạc quan này tan biến. "Vào lúc 3 giờ hơn chiều ngày 02/02/2020 theo giờ Bắc Kinh, ông tôi qua đời vì 'viêm phổi không rõ'. Tháng trước, ông vừa mới mừng thọ 90 tuổi. Ông là người rất khỏe mạnh", cô Lưu đau khổ viết. "Nó còn hơn cả nỗi đau, tôi cảm thấy mất mát và tức giận".

Virus Corona bùng phát tại Vũ Hán vào tháng 12 năm ngoái, đã khiến số lượng lớn người bị nhiễm dịch bệnh và tử vong. Báo The Guardian cho biết, nhiều gia đình ở Vũ Hán không chỉ mất đi người thân mà còn phải đau khổ vật lộn tìm cách để người nhà bị nhiễm bệnh được chữa trị. Gia đình của cô Lưu là một trong số đó. Vài ngày trước khi ông ngoại qua đời, ông ngoại cô bị sốt cả đêm và bị ngã khỏi giường. Khi người thân gọi xe cứu thương, thì được thông báo rằng có đưa ông đến bệnh viện cũng không tác dụng gì.

"Nếu ông thực sự bị nhiễm chủng loại virus này, thì không thể làm gì được. Đưa ông đến bệnh viện, ở đó không có ai chăm sóc cho ông thì có thể còn tồi tệ hơn", cô Lưu kể lại lời khuyên gia đình cô nhận được.

Theo hướng dẫn, gia đình cô đã liên lạc với Ủy ban cư dân địa phương. Ủy ban có trách nhiệm tiến hành sắp xếp kiểm tra, cách ly và đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Nhưng gia đình cô Lưu không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ Ủy ban. Cuối cùng, cô Lưu đã đăng hoàn cảnh gia đình mình lên mạng Weibo, cầu xin sự giúp đỡ và liên lạc với các kênh truyền thông địa phương.

Cuối cùng, các nhân viên y tế đã đến nhà cô, lấy mẫu máu của ông ngoại cô và khuyên ông nên tìm một nơi để xét nghiệm chẩn đoán toàn diện, nhưng cả thành phố đều đang khan hiếm bộ dụng cụ xét nghiệm virus.

Cùng lúc đó, chính quyền yêu cầu gia đình cô ngừng đăng thông tin tìm kiếm sự giúp đỡ trên mạng và chỉ có thể đăng thông tin "tích cực".

Một người bạn phóng viên của gia đình cô Lưu cuối cùng đã giúp tìm được một bệnh viện có bộ dụng cụ xét nghiệm. Sau khi xem ảnh và video của ông ngoại trong bệnh viện, cô Lưu cuối cùng cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì biết ông của mình đã được vào viện. Nhưng cô không ngờ rằng, ngày hôm sau ông ngoại đã mất, trước khi có kết quả chẩn đoán. Sau vài nghi lễ ngắn ngủi, thi thể ông lập tức được đưa đi hỏa táng. Gia đình cô Lưu không được phép đi cùng, cũng không được phép lấy lại tro cốt của ông.

"Ông ngoại thực sự là một người rất kiên cường. Chúng tôi biết ông đã phải chịu đựng rất nhiều, nhưng ông vẫn kiên trì và giả vờ ông vẫn rất khỏe. Ông không thể chống đỡ được, và cuối cùng nhắm mắt ra đi trước khi có kết quả kiểm tra", cô nói.

Từ một người khỏe mạnh, cha trở thành bệnh nhân nguy kịch

Hiện gia đình cô Lưu đang chiến đấu để giành giật sự sống cho cha cô. Do bệnh viện quá tải, bệnh nhân bị xua đuổi khiến hiện tượng tự cách ly tại nhà ngày càng trở nên phổ biến ở Vũ Hán. Hậu quả của việc cách ly tại nhà thường là khiến những thành viên khác trong gia đình cũng bị nhiễm dịch bệnh.

Họ không biết được rút cuộc cha và ông ngoại cô Lưu bị nhiễm bệnh như thế nào. Nhưng trước khi thành phố Vũ Hán đóng cửa, cha và ông ngoại cô đã đến thăm bạn bè và hàng xóm, sau đó những người này phát hiện bị nhiễm virus Corona.

Thông qua một người bạn của gia đình, họ tìm được một giường bệnh cho cha cô, ông ở trong bệnh viện từ ngày 29/1. Trước đó, để được chẩn đoán, ông đã phải đi bộ hơn 28 km tới bệnh viện trong tình trạng bị sốt.

Cô Lưu nói bác sĩ cho biết cha cô là người vui vẻ nhất trong phòng bệnh. Bác sĩ còn nói với gia đình rằng chưa đến 3 tuần cha cô sẽ khỏi. Cha cô là người rất ưa hoạt động. Ông không uống rượu hay hút thuốc. Ông chơi cầu lông ba lần một tuần, thường xuyên đi bộ 10.000 bước mỗi ngày.

"Năm nay bố tôi 54 tuổi, nhưng mọi người đều nói ông trông như mới ngoài 40 tuổi", cô Lưu nói. Lần đầu tiên bố cô nhập viện, cô Lưu cũng từng đặc biệt hỏi bệnh viện có thể cho cha mình hai hộp cơm trưa được không vì ông thường có cảm giác ngon miệng.

Nhưng cô Lưu không ngờ rằng tình trạng sức khỏe của cha lại xấu đi nhanh chóng. Vào ngày 10/2, ngày sinh nhật của cha cô, cô đã tự làm một video với các bạn bè từ khắp nơi trên thế giới gửi lời chúc tới cha cô mau chóng bình phục. Nhưng hôm đó, bệnh viện đã yêu cầu mẹ cô ký vào một mẫu đơn chứng nhận bệnh tình nguy kịch.

Sau đó, mẹ cô Lưu nói với cô rằng phổi của cha cô đã ngừng hoạt động và hiện ông đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Nhận thức của gia đình cô Lưu về chính quyền đã thay đổi trong lần dịch bệnh này

Cũng giống như nhiều người dân Vũ Hán khi thấy người thân của họ bị ốm mà chỉ có thể đứng nhìn một cách bất lực, suy nghĩ của gia đình cô Lưu đã bắt đầu thay đổi trong lần dịch bệnh này. Cô Lưu đặc biệt tức giận khi chính quyền cảnh cáo cô không được đăng thông tin lên mạng.

"Ngay cả yêu cầu giúp đỡ tôi cũng không được làm?" Cô viết trong cuốn nhật ký.

Đầu tháng này, tài khoản WeChat của cô đã bị chặn. Cô nghi ngờ đó là vì cô đã đăng thông tin về dịch bệnh. Điện thoại di động của cha cô dường như đã bị lấy đi. Cô không thể nói chuyện với ông nữa.

Cô nói rằng lần dịch bệnh này đã bắt đầu khiến một số người trong gia đình cô nghi ngờ về thông tin chính quyền đưa ra.

"Trước đây, gia đình tôi luôn 100% tin vào các thông tin trong nước. Ngay cả khi tôi nói với họ rằng các thông tin liên quan ở nước ngoài không giống thế, họ không bao giờ tin tôi", cô Lưu nói. Cô đã sống ở Ý được 6 năm.

"Sau khi dịch bệnh bùng phát, họ nói rằng từ giờ họ sẽ tin tôi".

Tờ The Guardian cho biết, mặc dù toàn quốc thực thi các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt nhưng dịch bệnh không có dấu hiệu giảm. Sự bùng phát dịch bệnh lần này đã làm dấy lên sự tức giận của công chúng đe dọa đến chính quyền.

Thông tin cho biết mọi người phẫn nộ trước phản ứng chậm chạp của chính quyền địa phương đối với dịch bệnh, khiến virus lây lan trong vài tuần rồi mới thông báo. Những người dân như cô Lưu tức giận khi chính phủ để người dân Vũ Hán phải vật lộn đấu tranh với dịch bệnh.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc hứa hẹn sẽ chiến thắng trong cuộc "Chiến tranh nhân dân" chống lại virus Corona. Nhưng Victor Shih, một chuyên gia về vấn đề chính trị Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, nói: "Trong suy nghĩ của người dân, nhiều người đã mất niềm tin về việc ‘chỉ có đảng mới có khả năng cai trị Trung Quốc”. Nếu đúng như vậy, cùng theo việc các quan chức cấp dưới và người dân phản kháng thụ động, sẽ khiến làm giảm sút tính hiệu lực của các luật lệ từ chính phủ theo thời gian. Chỉ có thời gian mới đưa ra câu trả lời".

Cô Lưu hy vọng cha cô sẽ sớm bình phục và mong có thể đưa cha mình đến châu Âu để thư giãn.

Gia đình cô Lưu vẫn chưa vượt qua nỗi đau mất ông ngoại. Mẹ cô thường khóc. Bản thân cô Lưu cũng khó tập trung vào việc học ở Ý. Cô học kiến trúc và đồng thời thực tập tại Ý. Cô muốn về nhà để gặp gia đình, nhưng mẹ cô nói rằng về nhà không an toàn.

Gia đình cô Lưu có khoảng 20 thành viên và mọi người rất gần gũi nhau. Trong vài cuộc trò chuyện cuối cùng của cô với ông ngoại, ông đã cười qua điện thoại và bảo cô hãy chăm sóc bản thân thật tốt.

"Tôi sẽ không bao giờ quên lý do tại sao ông tôi qua đời. Tôi sẽ không bao giờ quên nụ cười của ông. Chúc ông ngoại thân yêu có một hành trình bình an", cô viết vào ngày ông qua đời.

Minh Thanh

Theo Epoch Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Mất mát và tức giận, du học sinh Ý thay đổi nhận thức về chính quyền trong dịch bệnh