Manh mối để ngăn chặn Coronavirus: Hiểu biết cơ chế lây truyền virus từ động vật sang người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi chủng Coronavirus mới đang lan truyền gây tử vong hàng loạt ở con người, việc lo lắng là điều đương nhiên đối với nhân loại. Virus này sẽ gây ra chết chóc cho bao nhiêu người? Liệu sẽ có một loại virus khác phát sinh và tiếp tục đe dọa nhân loại không?

Là nhà sinh thái học vi sinh vật nghiên cứu về nguồn gốc của các loài vi sinh vật mới, chúng tôi muốn đưa ra một số quan điểm.

Khi nạn phá rừng, săn bắn động vật hoang dã và chăn nuôi động vật ở nhà không kiểm soát để làm thức ăn cho con người vẫn đang tiếp tục xảy ra ở mọi nơi trên thế giới, thì chủng Coronavirus mới này chắc chắn sẽ không phải là virus gây chết người cuối cùng lây nhiễm từ động vật hoang dã sang con người. Thật vậy, các loài dơi và linh trưởng hoang dã có rất nhiều virus liên quan mật thiết đến SARS và HIV. Khi con người tương tác với các loài động vật hoang dã, mầm bệnh cư trú trong những động vật đó có thể lây truyền sang người, đôi khi có những tác động chết người.

Một con lạc đà ở lối vào thủy cung Công viên Quan sát Hàng hải dưới nước ở thành phố nghỉ mát Eilat của Israel vào ngày 01 tháng 2 năm 2020. Lạc đà được coi là nguồn lây nhiễm dịch bệnh MERS. (Ảnh: Artur Widak/NurPhoto qua Getty Images)

Lịch sử virus lây nhiễm từ động vật sang người

Hầu hết các loại virus mới làm ‘’bùng nổ’’ dịch bệnh ở người là những loại virus vẫn thường xuyên trú ngụ ở trên các loài động vật khác. Trong một số trường hợp, vật chủ vẫn có sự chung sống hòa bình với virus của chúng, như trong trường hợp của dơi. Trong các trường hợp khác, virus gây chết người cũng đồng thời làm cho vật chủ hoang dã bị chết, như virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở tinh tinh. Các hoạt động của con người đã làm tăng tỷ lệ lan truyền của virus ở động vật hoang dã vào loài của chúng ta, đặc biệt là từ dơi.

Phá rừng đã đưa dơi đến gần hơn với nơi sinh sống của con người, dẫn đến sự lây lan tái phát của dịch bệnh Ebola từ dơi sang người ở vùng hạ Sahara thuộc châu Phi. Việc buôn bán động vật hoang dã mang lại cho chúng ta dịch bệnh SARS khi dơi bị nhiễm bệnh được nhốt chung với cầy hương trong cùng một môi trường động vật sống có virus. Đặc biệt, việc săn tinh tinh hoang dã ở Cameroon đã mang lại cho con người dịch bệnh nặng nề suốt cả thế kỷ trước, HIV, rất có thể là do tai nạn trong việc xử lý một thân thịt tinh tinh bị nhiễm bệnh.

Những loại virus mới khác xuất hiện gần đây đã lây truyền sang chúng ta từ những con vật nuôi của chúng ta có tiếp xúc với dơi. Virus Hendra và Nipah đã lan truyền sang người từ dơi ăn hoa quả vào năm 1994, tương tự từ ngựa và lợn vào năm 1999. Vào năm 2012, virus MERS đã lây truyền sang người từ lạc đà, do ban đầu lạc đà bị lây nhiễm virus đó từ dơi vài trăm năm trước. Khi chúng ta chăm sóc, tiếp xúc với mũi ngựa, lạc đà cũng đã mang lại cho chúng ta virus Hendra và MERS.

Bò là nguồn gốc của bệnh sởi, căn bệnh dễ lây truyền nhất trên Trái đất. (Ảnh: ANGELA WEISS/AFP qua Getty Images)

Trở lại xa hơn vào quá khứ, các nhà khoa học đã xác định rằng động vật làm nông nghiệp và vật nuôi đã mang đến cho chúng ta những mầm bệnh nguy hiểm nhất. Ví dụ, bệnh đậu mùa đã lây truyền sang cho chúng ta từ lạc đà, bệnh sởi đã lây truyền từ gia súc; cả hai sự kiện đã xảy ra từ nhiều thế kỷ trước. Những bệnh lây nhiễm do virus này không phải là chỉ đến trong một thời gian ngắn rồi hết mà đã ở lại luôn với chúng ta và lây nhiễm cho hầu hết mọi người khi còn nhỏ mãi cho đến gần đây. Nếu không nhờ chế tạo thành công vaccine, những virus này vẫn sẽ là một phần thường xuyên gây chết người cho các trẻ em nhỏ.

Mặc dù các nhà khoa học chưa biết nguồn gốc loài Coronavirus mới, nhưng không có gì ngạc nhiên khi nó xuất hiện trong một môi trường hỗn hợp với nhiều loại động vật được nhốt trong cùng một chợ lớn như vậy.

Chủng Coronavirus mới sẽ lan rộng bao xa?

Các nhà khoa học định lượng khả năng virus lây lan theo chỉ số thống kê R0, đo lường số người trung bình mà mỗi người gây ra truyền nhiễm. Khi mỗi cá nhân mang virus làm lây nhiễm nhiều hơn một người (R0> 1), virus sẽ lây lan vô thời hạn. Kết quả hạnh phúc hơn khi trung bình mỗi người nhiễm bệnh gây ra lây truyền tới ít hơn một người (R0 <1). Những virus như vậy có thể lây lan trong thời gian ngắn ở người nhưng cuối cùng sẽ biến mất khỏi quần thể con người.

Hiện tại, Coronavirus mới đang lan truyền ở R0 khoảng 1,4-2,5, có nghĩa là nó có thể tiếp tục lây lan chưa xác định được thời hạn. Để so sánh, virus cúm theo mùa bình thường có R0 trung bình là 1,28, tỷ lệ này cho phép chúng lây lan hàng năm trên toàn cầu.

R0 là một tham số động có thể thay đổi nhanh chóng. Tốc độ truyền bệnh có thể thay đổi theo chiều hướng tăng do sự tiến hóa và thích nghi của virus đối với con người, hoặc đi xuống bởi những thay đổi trong hành vi và công nghệ của con người.

Ví dụ, trong vụ dịch Ebola ở Tây Phi gần đây, virus này đã lây lan từ người sang người để cuối cùng lây nhiễm trên 28.000 người. Trong thời gian này, virus đã tiến hóa để trở nên thích nghi hơn trong việc gắn vào các tế bào của con người, và đồng thời trở nên tồi tệ hơn trong việc gắn vào các tế bào của dơi. Chủng loại virus thích nghi với con người này đã tuyệt chủng khi dịch Ebola ở Tây Phi chấm dứt.

Chủng Coronavirus mới có thể trở nên phù hợp và thích nghi với con người, do đó có thể làm tăng khả năng truyền bệnh.

Thay đổi hành vi ở người có thể làm giảm lây truyền virus

Con người có thể chống lại tác động của tiến hóa virus thông qua thay đổi hành vi làm giảm lây truyền virus. Ví dụ, khi SARS lần đầu tiên xuất hiện, nó lây lan nhanh chóng, với R0 cao, cuối cùng gây ra 8.098 trường hợp nhiễm bệnh và 774 trường hợp tử vong trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, SARS không có điều kiện phù hợp để lây lan vô thời hạn. Những người nhiễm bệnh đã không gây ra truyền nhiễm cho đến khi họ xuất hiện các triệu chứng như đau đầu và đau cơ. Do đó, những người nhiễm bệnh có thể dễ dàng tự chẩn đoán, kiểm tra và cách ly tại bệnh viện trước khi lây nhiễm cho bất kỳ ai. Do đó, R0 giảm xuống dưới 1, đảm bảo sự lây truyền đã bị diệt trừ.

Giống như SARS, Ebola cực kỳ nguy hiểm và dễ lây lan, nhưng cũng không có điều kiện phù hợp cho sự tiếp tục tồn tại lây nhiễm ở người. Ebola lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, nhưng không thể lây lan từ xa bằng cách hắt hơi hoặc ho.

Truyền thống chôn cất của người Tây Phi đã góp phần đáng kể vào sự bùng phát sớm và nhanh chóng của virus Ebola, khi các thành viên gia đình trực tiếp xử lý thi thể của người quá cố chết vì căn bệnh này. Khi mọi người bắt đầu tránh tiếp xúc với chất dịch cơ thể của những người bị nhiễm, còn sống hoặc đã chết, tốc độ truyền bệnh Ebola đã giảm mạnh xuống R0 <1. R0 của Ebola đã giảm là do thông qua những thay đổi trong hành vi của con người ứng xử với sự lây truyền bệnh, ngay cả ở hầu hết các làng nông thôn, mà không có các liệu pháp điều trị và vaccine mới được phát triển.

Cho đến nay, có vẻ như các nhà khoa học và nhân viên chăm sóc y tế có thể là những người không may mắn trong việc tiếp nhận Coronavirus vì nó có thể lây truyền ngay cả trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện. Tuy nhiên, lây truyền chắc chắn sẽ giảm nếu chúng ta tuân theo các giao thức quen thuộc để ngăn ngừa nhiễm cúm và cảm lạnh, chẳng hạn như tự cách ly, rửa tay và nói chung là hình thức tránh tiếp xúc với các vi trùng khác.

Các biện pháp khác giảm thiểu lây truyền dịch bệnh

Công nghệ y tế có thể cung cấp giải pháp trong tương lai. Một nỗ lực đầy hứa hẹn là một bộ công cụ phát hiện virus di động. Bộ phát hiện VereCoV có thể phát hiện và phân biệt giữa ba chủng loại Coronavirus, SARS, MERS và 2019-nCoV trong vòng hai giờ. Những nỗ lực công nghệ dài hạn khác có thể bao gồm các liệu pháp thuốc và vaccine.

Các con đường gây ra lây truyền chủng Coronavirus mới này là cao. Nếu các quan chức y tế có thể giảm lây truyền vi rút về R0 <1 thông qua thay đổi hành vi hoặc thông qua công nghệ, chúng ta có thể đạt được sự diệt trừ như đã thấy trên toàn cầu trong SARS và ít nhất là tại địa phương như đối với virus Ebola.

Nhưng nếu virus tiếp tục lây lan với tốc độ hiện tại hoặc với tốc độ cao hơn thông qua quá trình tiến hóa của nó, thì chủng Coronavirus mới có thể ở cùng chúng ta vô thời hạn. Virus sau đó sẽ gia nhập hàng ngũ virus dai dẳng mà loài người chúng ta đã phải chung sống với nó qua hàng thiên niên kỷ từ động vật mà con người đã săn bắt hoặc thuần hóa. Chúng ta có thể kết hợp các thay đổi trong hành vi cá nhân, đầu tư vào y tế công cộng và phát triển các công nghệ mới chống lại sự bùng nổ chủng loại virus mới này để kết thúc một cách hạnh phúc.

Ánh Dương (biên dịch)

Nhóm tác giả:

  • Frederick Cohan - Giáo sư sinh học khoa Môi trường, Đại học Wesleyan
  • Kathleen Sagarin - Phó giáo sư sinh học, Đại học Wesleyan
  • Kelly Mei - Trợ lý nghiên cứu, Đại học Wesleyan

Theo The conversation



BÀI CHỌN LỌC

Manh mối để ngăn chặn Coronavirus: Hiểu biết cơ chế lây truyền virus từ động vật sang người