‘Mã văn minh': Lại một cái gông mới đeo lên cổ người dân Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 3/9, thành phố Tô Châu ở Trung Quốc đã ra mắt “mã văn minh Tô Châu”. Sự việc này làm dấy lên các cuộc bình luận sôi nổi cùng nhiều mối e ngại. Có người thốt lên rằng “mã y tế chưa qua, mã văn minh lại tới”, cũng có người chỉ trích gay gắt rằng ‘mã văn minh’ chẳng qua chỉ là phiên bản điện tử của ‘giấy chứng nhận công dân tốt’.

Trước tiên hãy xem ‘chất lượng’ của mã văn minh Tô Châu, tác dụng của nó là: mỗi người một mã sẽ xây dựng nên mô hình văn minh và khiến văn minh trở thành giấy thông hành cho mỗi một công dân trong thành phố. Những công dân có cấp độ văn minh cao sẽ được hưởng những lợi ích có hạn ngạch về công việc, cuộc sống, tìm việc, học tập, giải trí.

Theo tìm hiểu, chính quyền thành phố Tô Châu là nơi đầu tiên ở Trung Quốc thúc đẩy “mã văn minh”, và nó được áp dụng cho những người sống ở Tô Châu từ 18 tuổi trở lên. Hiện tại mã này chủ yếu được chấm điểm dựa trên 2 chỉ số là “chỉ số văn minh giao thông” và “chỉ số văn minh tự nguyện”, với điểm số cơ bản là 1.000 điểm.

Các quy định liên quan như sau: “Chỉ số văn minh giao thông” bao gồm 130 mục vi phạm giao thông, nếu người dân vi phạm thì sẽ bị trừ điểm, ví dụ vượt đèn đỏ trừ 50 điểm, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống bia rượu trừ 100 điểm. Chu kỳ tính điểm là 1 năm, hết thời hạn 1 năm sẽ tính lại từ đầu. Còn “chỉ số văn minh tự nguyện” là để xem xét liệu người dân có đăng ký làm tình nguyện viên không; mỗi lần đăng kí được cộng 2 điểm. Ngoài ra còn có một mục khác là “chỉ số văn minh khác”, mặc dù hiện tại chỉ số này vẫn chưa được chính thức công bố nhưng theo tuyên truyền trước kia của truyền thông Tô Châu, mục này có khả năng sẽ bao gồm phân loại rác thải, văn minh ăn uống, văn minh lịch thiệp và nhường nhịn, văn minh lên mạng Internet…

“Mã văn minh Tô Châu” còn có thể làm căn cứ điện tử để cảnh cáo hoặc trừng phạt những người có chỉ số văn minh dưới tiêu chuẩn, và để phục vụ cho việc cấp giấy phép cư trú cho những người đến từ ngoại tỉnh. Có người nghi ngờ căn cứ pháp lý về việc Tô Châu phát hành mã văn minh này: “Động thái này vi phạm nghiêm trọng các tinh thần cơ bản như ‘dân chủ, pháp chế, bình đẳng, công chính, v.v.’ trong giá trị quan hạch tâm của chủ nghĩa xã hội, hơn nữa nó cũng là hành vi cưỡng chế thi hành, đi ngược lại với ý nguyện của người dân. Bản thân ‘mã văn minh’ chính là sự giải thích xuyên tạc của khái niệm ‘văn minh’, được chính quyền định nghĩa lại và nhuốm đậm sắc đỏ”.

Trình độ văn minh của những người ở Tô Châu được mặc nhiên phân thành cấp 3 – 6 – 9, việc này ngay lập tức gây nên “sóng to gió lớn”. Kể từ khi Trung Quốc thúc đẩy hệ thống tín dụng xã hội, đã có người hoài nghi về cách làm mã hóa từng bước của Tô Châu mang tính thị phạm, sau đó có khả năng sẽ được áp dụng rộng rãi trên toàn Trung Quốc. Có người trực tiếp chỉ ra rằng, mã văn minh Tô Châu là công cụ để cho những người có quyền lực xác định, phân loại những người dân thường có “văn minh” hay không, xác định “trình độ văn minh” của người dân và chấm điểm cho họ. Hậu quả đáng sợ nhất là biện pháp này sẽ trực tiếp trói buộc điều kiện cuộc sống của người dân vào “điểm số văn minh” này.

Mã văn minh Tô Châu đã gặp nhiều chỉ trích sau khi được ra mắt. Trong ảnh là phần mềm đánh giá điểm văn minh ở Tô Châu. (Ảnh trên mạng)

Hôm 4/9, học giả xã hội nổi tiếng Vu Kiến Vanh (Yu Jianrong) bình luận trong bài “Sự nguy hiểm của mã văn minh” trên Weibo như sau: “Hôm 3/9, thành phố Tô Châu ra mắt ‘mã văn minh Tô Châu’, mục đích của nó là phân loại ‘đẳng cấp văn minh’ của người dân. Trong đó, những người được đánh giá là có đẳng cấp văn minh cao sẽ được hưởng các ưu tiên và quyền lợi về công việc, cuộc sống, tìm việc, học tập, giải trí. Nhưng vấn đề là:

  1. Ai có quyền xác định tiêu chuẩn văn minh và cho điểm?
  2. Ai có quyền lấy danh nghĩa văn minh mà tước đoạt các quyền lợi được hưởng các dịch vụ bình đẳng của công dân?”.

Bài viết này đã thu hút sự quan tâm và bình luận sôi nổi của cư dân mạng trên Weibo:

“Khi mà đề xuất ra mã văn minh thì chính là đã không còn văn minh nữa”.

“Quả là đáng sợ, giống y hệt như trong phim”.

“Tạo ra nỗi sợ và phân loại đẳng cấp là thủ đoạn quen thuộc của những người thống trị khi muốn kiểm soát người dân”.

“Tất cả các loại mã đều là nhằm vào người dân thường, quyền lợi riêng tư của công dân mất sạch”.

“Tôi còn tưởng cái mã này dùng để đánh giá công chức nhà nước cơ”.

“Tôi thắc mắc ai sẽ là người chấm điểm văn minh cho các công chức thành phố Tô Châu?”.

“Rất nhiều điều ác đều là được thi hành dưới danh nghĩa cao thượng”.

Một công dân tên là Vu Bình (Yu Ping) chất vấn, từ quy định của chính quyền có thể thấy, sau này mã văn minh Tô Châu gần như sẽ dùng “văn minh” làm tiêu chuẩn nghiêm khắc và phân người dân thành cấp 3 – 6 – 9. Cũng có nghĩa là, “đẳng cấp văn minh” của một người sẽ quyết định những tài nguyên xã hội mà người đó sẽ có được.

Vậy thì, nếu như một người bị liệt vào dạng công dân có “đẳng cấp văn minh thấp”, sẽ có những công việc mà người đó không được phép làm, con của họ cũng sẽ không được học ở một số trường nhất định, và cũng sẽ bị cấm đến một số khu vực vui chơi giải trí.

Thậm chí “chỉ số văn minh dưới mức tiêu chuẩn” càng khiến người ta cảm thấy sợ hãi: một khi bạn bị liệt vào danh sách này, từ đó trở đi sẽ khó mà có chỗ dung thân ở trong thành phố mà bạn đang sống.

Học giả Vu Kiến Vanh than thở: “Mã y tế còn chưa qua, mã văn minh lại đã tới… Mới chỉ một cái mã y tế thôi đã khiến biết bao người già không được lên xe bus, không được ngồi tàu điện ngầm, đi bệnh viện khám bệnh cũng phải nơm nớp lo sợ, trở thành nạn nhân của thời đại kỹ thuật số”.

Ông Vu Kiến Vanh cũng chỉ ra rằng, “mã văn minh” đang hình thành hệ thống tính điểm xã hội giống như trong loạt phim truyền hình khoa học giả tưởng “Gương đen” (Tên gốc: Black Mirror). Ông nói: “Một thành phố phân loại con người thành người đẳng cấp cao có văn minh và người đẳng cấp thấp không có văn minh, bản thân nó chính là một sự trào phúng đối với văn minh”.

Cũng có người nhớ lại thời đại Mao Trạch Đông khi phân định các “thành phần” trong xã hội. Nếu anh không có “thành phần gia đình tốt”, nếu như anh bị gắn mác “5 loại phần tử” (gồm phần tử địa chủ, phú nông, phản cách mạng, phần tử xấu và phần tử cánh hữu), thì kết cục sẽ là hoặc vào tù, hoặc bị đưa về nông thôn, hoặc đi “cải tạo lao động” trên đường phố. Mỗi một cuộc vận động đều sẽ có người bị đưa ra đấu tố trước đám đông. Còn nếu là con cái của những “thành phần” trên, thì toàn bộ việc học lên cấp hay tìm việc đều sẽ bị loại trừ. Nói tóm lại là không được đối đãi như con người.

“Mã văn minh” kỳ thực chính là một cái gông mới mà Đảng Cộng sản Trung Quốc cưỡng chế đeo lên cổ người dân, nhằm tăng cường khống chế và giám sát họ thông qua công nghệ. Đây là một thủ đoạn được tạo ra trong một thời đại thể chế độc tài mới. Có thể nói rằng văn minh đã bị chà đạp không thương tiếc dưới cái vỏ bọc văn minh.

Đông Phương

Theo secretchina.com

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

‘Mã văn minh': Lại một cái gông mới đeo lên cổ người dân Trung Quốc