'Mã Đạo đức Nghề Nghiệp Giáo viên' - Chuyện bi hài chỉ có ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã tiến hành chạy thử nghiệm “Mã Đạo đức Nghề nghiệp Giáo viên” đối với giáo viên ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và mẫu giáo.

Dùng phần mềm điện thoại quét một cái là sẽ hiện ra hồ sơ đánh giá công việc của giáo viên từ trước đến nay và chất lượng giáo viên sẽ được phân biệt bằng ba màu. Loại biện pháp chấm điểm tín dụng xã hội (Social Credit System - viết tắt SCS) này đã gây ra tranh cãi về việc chính quyền giám sát người dân.

Theo thông tin, "Mã Đạo đức Nghề nghiệp Giáo viên" sẽ thu thập và ghi lại hành vi và biểu hiện đạo đức của giáo viên theo thời gian thực, bao gồm cả hồ sơ khen thưởng tích cực và tiêu cực. ‘Đạo đức nhà giáo’ sẽ được chia thành màu xanh lá cây, màu vàng và màu đỏ: màu xanh lá cây nghĩa là đạo đức nhà giáo tốt; màu vàng nghĩa là giáo viên từng bị phê bình về cách giáo dục, bị khiển trách và được yêu cầu cần làm tốt nhiệm vụ hơn; mã màu đỏ thể hiện từng bị cảnh cáo, bị cách chức, hạ cấp bậc hoặc bị sa thải, khai trừ.

Ngoài ra, tất cả giáo viên ở các trường tiểu học, trung học phổ thông, trường mẫu giáo, trường dạy nghề, trường giáo dục đặc biệt, cũng như các cơ sở đào tạo giảng dạy và nghiên cứu cho giáo viên v.v. (bao gồm cả giáo viên trường tư) sẽ được phát một mã QR chuyên biệt, trong đó sẽ chứa dữ liệu sức khỏe và đạo đức cá nhân của giáo viên.

Kết quả nhận định theo màu sắc sẽ được dùng làm “giấy thông hành” để đánh giá nghề nghiệp, xét việc tiến cử và đánh giá khen thưởng, hay xin làm đề tài nghiên cứu khoa học, v.v.

Tờ The Paper của Thượng Hải đưa tin rằng, Phòng Giáo dục thành phố Ôn Châu cũng sẽ kết nối với nền tảng tín dụng công cộng của thành phố Ôn Châu để đưa thông tin đạo đức nhà giáo vào đồng bộ trong hệ thống. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ thiết lập biểu đồ hoạt động đạo đức giáo viên theo thời gian thực dựa trên dữ liệu lớn trong “Mã Đạo đức Nghề nghiệp Giáo viên”.

Hành động này của nhà chức trách đã khiến cư dân mạng Đại lục chất vấn và chỉ trích:

“Xin hãy tôn trọng quyền riêng tư cá nhân”.

“Áp lực của giáo viên vốn đã lớn rồi, cách làm này thật quá đáng!”.

“Uốn nắn quá tay rồi”.

“Nó nguy hiểm như Mã Văn minh mà Tô Châu đề xuất hồi trước. Quả là lạm dụng quyền lực, coi thường các quyền cơ bản của con người và không tôn trọng cộng đồng giáo viên".

"Tất cả các loại mã tràn lan hiện nay phản ánh sự hỗn loạn trong cách thức quản lý của địa phương".

"Lạm dụng dữ liệu lớn và các hệ thống tính điểm khác nhau để giám sát người dân".

Còn có cư dân mạng cho rằng: “Điều nên làm nhất là phải xuất bản một cuốn sách đạo đức cho quan chức và cán bộ công chức, ghi rõ những hành vi vi phạm pháp luật và kỷ luật, hoặc những hành vi trái đạo đức khác của họ cùng gia đình để làm tiêu chí đánh giá thuyên chuyển chức vụ”; hay “Tất cả quan chức phải được phát một cái ‘Mã đạo đức cán bộ’, họ mới là những người đáng bị giám sát”.

Ngoài "Mã Đạo đức Nghề nghiệp Giáo viên, trước kia chính quyền Trung Quốc còn đưa ra các loại mã khác như "Mã Y tế" và "Mã Văn minh". Và lần nào cũng gây ra tranh cãi lớn. Cư dân mạng Đại lục cho rằng việc đưa ra các loại mã này sẽ khiến mọi người lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân của bản thân, đồng thời có thể dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành một thông báo vào năm 2014, công bố kế hoạch: đến năm 2020, về cơ bản sẽ thiết lập một hệ thống tín dụng xã hội để làm căn cứ khen thưởng hoặc trừng phạt người dân. Hệ thống này được liên kết chặt chẽ với hệ thống giám sát quy mô lớn của chính quyền, sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, công nghệ phân tích dữ liệu lớn, và thậm chí là ứng dụng công nghệ nhận dạng cảm xúc để giám sát người dân Trung Quốc.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

'Mã Đạo đức Nghề Nghiệp Giáo viên' - Chuyện bi hài chỉ có ở Trung Quốc