Lý giải vì sao ông Tập Cận Bình thanh trừng Jack Ma?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây Jack Ma đã gặp nhiều rắc rối tại Trung Quốc. Chúng ta hãy xem nguyên nhân đằng sau vụ việc này qua phân tích của chuyên gia Wang Youqun.

Jack Ma hiện là người giàu thứ tư Trung Quốc và là cựu Giám đốc điều hành của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc – Alibaba. Ông Ma đã chỉ trích các chính sách trong Hệ thống tài chính của Trung Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh tài chính Thượng Hải 2020 vào tháng 10. Kể từ đó, các doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Ma đã trở thành mục tiêu của ông Tập Cận Bình.

Trước hết, kế hoạch niêm yết cho Ant Group, một công ty liên kết của Alibaba, đã bị đình chỉ vào ngày 3/ 11. Vào ngày 10/ 4 năm nay, Tập đoàn Alibaba bị phạt 2,8 tỷ đô la với lý do vi phạm luật chống độc quyền, và Học viện kinh doanh tinh anh của Ma - Trường Đại học Hupan buộc phải tạm dừng tuyển sinh.

Tôi nghĩ rằng rắc rối của Ma vẫn chưa kết thúc.

Nhưng tại sao ông Tập Cận Bình lại thanh trừng ông Ma? Theo tôi, có năm lý do chính sau đây:

Quyền lực của ông Tập là không thể đụng chạm

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị vào 24/10 năm ngoái, Vương Kỳ Sơn - Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã nói tại Hội nghị Thượng đỉnh Bến Thượng Hải rằng điểm mấu chốt là không nên thực hiện rủi ro tài chính hệ thống.

Tuy nhiên, với tư cách là một diễn giả chính, ông Ma đáp trả rằng: “rủi ro hệ thống không tồn tại ở Trung Quốc” bởi vì “không có hệ thống tài chính ở Trung Quốc và trên thực tế, Trung Quốc có nguy cơ thiếu hệ thống tài chính”.

Những bình luận sắc bén của Ma thực sự là một thách thức công khai rất lớn đối với ông Tập Cận Bình, bởi vì ông Vương đang thay mặt ông Tập phát biểu tại hội nghị.

Vào tháng 5/2018, tại một cuộc gặp gỡ với các doanh nhân Mỹ tại Bắc Kinh, ông Vương Kỳ Sơn đã nói rằng công việc của ông với cương vị là Phó chủ tịch Nước là thực hiện những điều mà ông Tập Cận Bình yêu cầu.

Sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán, và theo sau đó là đại dịch đã dẫn đến mối đe dọa lớn nhất đối với chế độ độc tài của ông Tập. Những hô hào chống ông Tập ngày càng lan rộng cả trong và ngoài nước. Đối lập chính trị là một vấn đề lớn mà ông Tập sẽ không bao giờ có thể dung thứ.

Ông Tập lo ngại về sự tái diễn của một cuộc chính biến tài chính

Điểm mấu chốt của một cuộc chính biến tài chính là chính trị. Nó liên quan đến việc nắm giữ quyền lực cao nhất của ĐCSTQ.

Vào tháng 6/2015, tại thời điểm quan trọng khi ông Tập Cận Bình và cựu độc tài ĐCSTQ Giang Trạch Dân đang lao vào vào một cuộc tranh giành quyền lực, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã trải qua sự sụp đổ quy mô lớn và hàng nghìn tỷ đô la tiền vốn đã được chuyển ra nước ngoài. Một số người gọi đây là một cuộc chính biến tài chính chống lại ông Tập.

Từ thời điểm đó, ông Tập đã thanh trừng các quan chức cấp cao và tay chân thuộc phe cánh của Giang Trạch Dân trong lĩnh vực tài chính. Ngoài việc điều tra một nhóm các quan chức tài chính cấp cao từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc, Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc và Ủy ban Quản lý Bảo hiểm Trung Quốc, những kẻ lũng đoạn tài chính bị ông Tập bắt giữ bao gồm: Diệp Kiến Minh, chủ tịch Tập đoàn Hoa Tân; Lại Hiểu Mẫn, chủ tịch Tập đoàn Hoa Vinh, Hồ Hoài Bang, chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc; Ngô Tiểu Tuệ, chủ tịch Tập đoàn An bang; và Tiêu Kiến Hoa người sáng lập Tomorrow Group.

Nếu Ant Group của Ma đồng thời được niêm yết thành công tại Thượng Hải và Hồng Kông vào ngày 5/11 năm ngoái, thì Ma có thể đã trở thành ông trùm tài chính lớn nhất Trung Quốc, vượt qua người sáng lập Tomorrow Group – Tiêu Kiến Hoa.

Trước khi Ant Group chuẩn bị lên sàn chứng khoán, các nhà đầu tư cá nhân ở Thượng Hải và Hồng Kông đã đặt giá thầu cao kỷ lục lên đến 3 nghìn tỷ đô la. Niêm yết chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant có giá trị vốn hóa đạt mức 313 tỷ đô la, là đợt IPO lớn nhất mọi thời đại.

Ai chống lưng cho Ant Group? Khi soi xét kỹ lưỡng thì đã phát hiện ra đằng sau tất cả những thứ này đều đến từ đối thủ chính trị số một của ông Tập Cận Bình, phe cánh của nhà cựu độc tài ĐCSTQ - Giang Trạch Dân. Ant Group lần đầu tiên được thành lập dưới sự hỗ trợ của một nhân vật quan trọng trong phe cánh Giang là Hoàng Khải Phạm, thị trưởng thành phố Trùng Khánh lúc bấy giờ.

Vào ngày 16/2, tờ Wall Street Journal đã đăng một báo cáo điều tra nói rằng tác giả đã phỏng vấn hơn 12 quan chức ĐCSTQ và các cố vấn của chế độ này.

Báo cáo cho biết: “Đằng sau nhiều lớp phương tiện đầu tư không rõ ràng nhằm sở hữu cổ phần trong công ty là một nhóm người quyền lực có liên hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc, một số người có mối liên hệ với các gia tộc chính trị đang hình thành một thách thức tiềm tàng đối với Chủ tịch Tập và phe cánh của ông ta”. Họ được biết đến như những “nhà đầu tư chiến lược” bí mật của Ant Group, điển hình như cháu trai của Giang Trạch Dân, Giang Chí Thành (Alvin Jiang), và Lý Bá Thản, con rể của Giả Khánh Lâm, cựu ủy viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và là thân hữu của Giang Trạch Dân.

Tập đoàn Alibaba của Ma cũng có mối liên hệ mật thiết với phe Giang. Ngày 20/7/2014, tờ New York Times tiết lộ trong một bài báo rằng; các cổ đông của Alibaba bao gồm các công ty tư nhân của Alvin Jiang, Trần Viện, Hà Kim Lỗi và Lưu Nhạc Phi. Lưu Nhạc Phi là con trai của Lưu Vân Sơn và Hà Kim Lỗi là con trai của Hà Quốc Cường, cả hai đều từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và các quan chức hàng đầu của phe Giang. Cha của Trần Viện, ông Trần Vân từng là cán bộ kỳ cựu quan trọng nhất của ĐCSTQ, người đã đề bạt Giang Trạch Dân vào vị trí lãnh đạo ĐCSTQ.

Trước khi Ant Group sẵn sàng niêm yết, Jack Ma đã công khai phản đối ông Tập tại Thượng Hải tại Hội nghị Thượng đỉnh tài chính Thượng Hải. Nếu Ant Group niêm yết ra công chúng thành công và thiết lập thể chế tài chính thống trị của riêng mình, thì liệu nó có lặp lại cuộc chính biến tài chính năm 2015 với sự hỗ trợ của phe Giang hay không? Tôi tin rằng đây cũng là một trong những mối bận tâm lớn nhất của ông Tập.

Ông Tập Cận Bình phải Phòng ngừa rủi ro Tài chính

Rủi ro ở đây chủ yếu đề cập đến các vấn đề xã hội liên quan đến nền kinh tế.

Ông Vương Kỳ Sơn đã phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh tài chính Thượng Hải rằng: “Nền tài chính của Trung Quốc không thể đi theo con đường lệch lạc là đầu cơ đánh bạc, không thể đi trên con đường sai phạm như bong bóng tài chính tự luân chuyển hoặc lối mòn bất chính của mô hình đa cấp”. Đây là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ cho tình trạng hỗn loạn tài chính trong xã hội cộng sản Trung Quốc.

Trung Quốc tồn tại thị trường cho vay ngang hàng (P2P) lớn nhất. Trong Danh sách pháp nhân không đáng tin cậy năm 2018 do Hội đồng nhà nước của chế độ này ban hành, thị trường tài chính của Trung Quốc đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng với 1.282 nền tảng P2P "có vấn đề". Có đến 472 công ty có liên quan đến gian lận tài chính hơn 15,4 triệu đô la cũng được nêu trong báo cáo, và 30 công ty liên quan đến gian lận tài chính từ 77 triệu đô la trở lên.

Những thất bại nặng nề của Hệ thống tài chính đã khiến Trung Quốc đại lục vấp phải nhiều cuộc phản đối trong tuyệt vọng để được chính phủ hỗ trợ.

Là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc, Tập đoàn Alibaba của Jack Ma và Ant Group ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người Trung Quốc, thông qua việc mua sắm, tiền gửi, đầu tư, cho vay, v.v.

Nhà phân tích kinh tế Hoàng Sĩ Thông từng phân tích rằng; hai công ty phát hành Thẻ tín dụng trực tuyến trực thuộc Ant Group là Huabei và dịch vụ cho vay Jiebei chỉ có 463 triệu đô la tiền vốn, nhưng khoản vay ngân hàng của họ lên tới 463 tỷ đô. Tỷ lệ đòn bẩy quá cao. Ông Hoàng thắc mắc: “Với số tiền lớn đến như vậy, thì có bao nhiêu khoản nợ khó đòi? Nếu tỷ lệ nợ xấu là 3-4% thì họ hoàn toàn không có khả năng chi trả”.

Tác động của Những gã khổng lồ Internet

Tôi dám chắc rằng ông Tập nhận thức được tác động nghiêm trọng của việc những gã khổng lồ internet như Twitter và Facebook. Những nền tảng này đã chặn các bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020.

Dĩ nhiên điều này gần như không thể xảy ra ở Trung Quốc dưới chế độ độc tài, nhưng ông Tập vẫn có những lo ngại.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc của Jack Ma cũng đầu tư vào ngành truyền thông. Theo một báo cáo trên cổng thông tin sina.com của Trung Quốc, Alibaba sở hữu khoảng 30% cổ phần của Weibo, trị giá 3,5 tỷ đô la. Weibo, một nền tảng xã hội tương tự Twitter, định hướng khá nhiều đến dư luận tại Trung Quốc. Alibaba có khoảng 6,7% cổ phần tại Station B, trị giá lên đến 2,6 tỷ đô la. Station B là nền tảng video phổ biến nhất dành cho thanh thiếu niên Trung Quốc và lớp thanh niên ‘nhân viên cổ cồn trắng’. Alibaba cũng sở hữu khoảng 5,3% cổ phần của Focus Media, trị giá 1,2 tỷ đô la. Focus Media là trang mạng quảng cáo ngoài trời lớn nhất ở Trung Quốc và có lẽ là lớn nhất trên thế giới. Các màn hình LCD của họ cho phép 300 triệu người trên khắp Trung Quốc cùng xem một video trong cùng một cùng một thời điểm.

Năm 2015, Alibaba mua lại tờ South China Morning Post (tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng), tờ báo tiếng Anh lớn nhất ở Hong Kong, với giá trị lên đến 266 triệu đô la. Vào ngày 4/12/2015, trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, nhà nghiên cứu chính sách Trung Quốc - Trình Tiểu Nông cho biết; mặc dù Jack Ma là nhà đầu tư đã mua lại tờ South China Morning Post, tuy nhiên Tăng Khánh Hồng, cựu thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, thực tế mới là người chỉ đạo việc quản lý và kiểm soát tờ báo này. Ông Tăng là lãnh đạo đầu tiên của Nhóm lãnh đạo Trung ương về các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao. Ông ta cũng là nhân vật đứng thứ hai trong phe cánh của Giang.

Các kênh truyền thông khác của Alibaba còn có Wujie News, China Business Network (Mạng lưới kinh doanh Trung Quốc) và trang web Huxiu.com. Vào tối hôm 4 /3/2016, một thư ngỏ yêu cầu ông Tập Cận Bình từ chức đã xuất hiện trên trang web của Wujie News.

Ông Tập sắp cạn kiệt ngân sách

Trung Quốc mang danh nghĩa là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Nhưng trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khủng hoảng trầm trọng.

Theo phân tích từ một chuyên gia của The Epoch Times, ông Trình Tiểu Nông cho biết; “Thật khó hiểu hoặc khó tin rằng với con số ít ỏi 3 nghìn tỷ đô la ngoại hối dự trữ, ĐCSTQ thực sự có rất ít tiền mặt dự trữ”. Sau khi trừ đi các khoản nợ bằng đồng nhân dân tệ, vốn đầu tư nước ngoài chảy ra khỏi Trung Quốc, các khoản nợ của Hoa Kỳ và các khoản đầu tư ra nước ngoài của chế độ, thì dự trữ tiền mặt của chế độ gần như đã cạn kiệt.

Thông lệ thường thấy khi ĐCSTQ hết tiền mặt là gì? Nó đã và đang tìm mọi cách để tịch biên tài sản của các doanh nghiệp tư nhân.

Vào ngày 15/4, trong một phiên điều trần về “Đánh giá tham vọng kinh tế, kế hoạch và thước đo thành công của ĐCSTQ”, ông Miles Yu, thành viên cấp cao tại Viện Hudson cho biết; “Chỉ trong vòng 15 năm qua, không ít hơn 27 tỷ phú Trung Quốc đã bị bắt giữ - cáo buộc với các tội danh từ quái đản đến vô lý. Tại Hoa Kỳ, chúng ta tôn vinh những người lọt vào danh sách tỷ phú của tạo chí Forbes. Tại Trung Quốc, lọt vào danh sách những người giàu của Hurun cũng giống như được thêm vào danh sách đen vậy”.

Tại sao ĐCSTQ lại thanh trừng những người này? Một lý do quan trọng là để tịch thu tài sản trong tay họ.

Lấy tháng 11 /2020 làm ví dụ. Vào ngày 11/11, Tôn Đại Võ, một doanh nhân đến từ tỉnh Hà Bắc đã bị bắt và Tập đoàn nông nghiệp và chăn nuôi Dawu của anh ta bị điều tra; vào ngày 17/11, Dương Tông Nghĩa, một doanh nhân giàu bậc nhất Nam Kinh, đã bị tạm giữ hình sự và chính quyền ĐCSTQ đã nắm quyền kiểm soát Tập đoàn Fuzhong của anh ấy; vào ngày 20/11, doanh nhân Lý Hoài Thanh tại thành phố Trùng Khánh đã bị kết án 20 năm tù và tất cả tài sản của ông ấy đã bị phong tỏa.

Những gì Jack Ma đang trải qua tất nhiên cũng chính là vì tiền của ông ấy.

Jack Ma đã thừa biết câu chuyện của mình sẽ có kết cục như thế nào. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Esquire vào tháng 1/2013, một phóng viên đã hỏi Ma rằng: “Ông đã đưa ra rất nhiều tuyên bố có vẻ rất bi quan trong năm 2011. Mọi người luôn thấy ông là một người rất lạc quan và truyền cảm hứng cho người khác. Tại sao lại như vậy? Ông nói rằng đó là một thời điểm tồi tệ, và ông cũng nói hầu như không có doanh nhân Trung Quốc nào chết một cách tự nhiên. Ông có bi quan quá không?”

Ông Ma phủ nhận đã nói điều đó, ông giải thích rằng điều mà ông ấy thực sự muốn nói là "Các doanh nhân Trung Quốc thực sự không có kết quả tốt".

“Tôi, Jack Ma, đã biết kết cục của chính mình, vì vậy tôi rất lạc quan về điều này. Dù sao thì tôi vẫn sẽ tiếp tục vì dù tốt hay xấu thì kết cục đã đến rồi,” ông Ma nói.

Tại sao ư?

Bởi vì Trung Quốc ngày nay không hề có nền kinh tế thị trường. Đúng hơn là một thị trường do ĐCSTQ thống trị. Các chủ doanh nghiệp tư nhân dựa vào các phe phái khác nhau trong hệ thống phân cấp của ĐCSTQ để thành lập thể chế của riêng mình. Trở thành vật tế thần trong cuộc chiến tranh giành quyền lực chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ông Wang Youqun tốt nghiệp bằng Tiến sĩ ngành Luật của Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông từng làm trợ lý và là người viết bài quảng bá cho Ngụy Kiến Hưng (1931–2015), thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ từ năm 1997 đến năm 2002.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là chính kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Khải Anh
(biên dịch từ The Epoch Times)

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Lý giải vì sao ông Tập Cận Bình thanh trừng Jack Ma?