Lũ lụt và động đất tàn phá khắp Trung Quốc, tỉnh Giang Tây chuẩn bị vào “thời chiến”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 11/7, Chủ tịch tỉnh Giang Tây là ông Liu Qi tuyên bố, toàn tỉnh cần chuẩn bị vào “thời chiến”, đồng thời yêu cầu toàn tỉnh chuẩn bị ứng phó với “trận lũ lụt nặng nề” và “một thảm họa lớn”.

Ngày 12/7, chính phủ Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo lũ lên mức cao thứ II trong bối cảnh 27 tỉnh của nước này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trận lụt và mưa lớn không ngừng.

Trong khi đó, tại các khu vực dọc bờ sông Dương Tử trải dài hàng nghìn km, mực nước đã dâng lên mức báo động cao nhất.

Vào ngày 12/7, mực nước sông Dương Tử tại một số khu vực ở thành phố Vũ Hán, nơi virus Corona Vũ Hán bùng phát đầu tiên, đã dâng cao 28,76m, vượt quá mặt đất 4,76m. Người dân thành phố này đã phải sử dụng các bao cát để nâng cao và gia cố đê quanh sông.

Giới chức ước tính, mực nước sông có thể tăng lên 29m vào ngày 14/7, nghĩa là cao hơn 5m so với mặt đất.

Một số thị trấn ở tỉnh Giang Tây gần khu vực sông Dương Tử gần như bị nhấn chìm hoàn toàn.

Trong khi đó, sáng ngày 12/7, một trận động đất 5,1 độ richter đã xảy ra tại thành phố Đường Sơn ở phía bắc Trung Quốc. Trận động đất đã khiến các tòa nhà không kiên cố bị hư hại. Cùng ngày, các quận Lục Xuân (Lüchun) ở tỉnh Vân Nam, Nhược Nhĩ Cái (Zoige) ở tỉnh Tứ Xuyên và Vu Sơn (Wushan) ở thành phố Trùng Khánh cũng ghi nhận các trận động đất lần lượt là 4,4 độ, 4,0 độ và 3,0 độ richter.

Giới chức thông báo rằng hàng triệu người đã phải di dời, ít nhất 141 người chết hoặc mất tích. Tuy nhiên, với lịch sử che giấu thông tin của chính quyền Trung Quốc, các chuyên gia lo ngại rằng con số thực tế cao hơn nhiều.

Chống vỡ đê tại tỉnh Giang Tây

Tỉnh Giang Tây phía nam Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo lũ cao nhất vào ngày 11/7 sau khi đê tại một số khúc sông Dương Tử bị nứt, khiến một số quận bị ngập lụt nghiêm trọng.

Vào ngày 12/7, truyền hình Trung Quốc CCTV cho biết, tỉnh Giang Tây có 2.545km sông hồ, trong đó, nước tại 2.242km đã dâng vượt quá mức báo động.

Nước từ các con sông bao gồm sông Rao, sông Xin, sông Xiu và sông Chang, cũng đã tràn qua đê từ ngày 6/7.

Tại khu vực hồ Bà Dương (Poyang), hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, mực nước đang dâng với tốc độ chưa từng thấy.

Theo chuyên gia kiểm soát lũ lụt hàng đầu tỉnh Giang Tây Xu Weiming, mực nước hồ Bà Dương đã tăng hơn 53cm mỗi ngày trong 3 ngày qua. Hiện tại, mực nước hồ này đã cao hơn 2m so với mức báo động.

Ngày 11/7, Chủ tịch tỉnh Giang Tây là ông Liu Qi tuyên bố, toàn tỉnh cần chuẩn bị vào “thời chiến”. Ông Liu yêu cầu toàn tỉnh chuẩn bị cho “trận lũ lụt nặng nề” và “một thảm họa lớn”.

Ngày 12/7, chính quyền địa phương tại 2 thị trấn Mianchuan và Jiangxinzhou thuộc thành phố Cửu Giang, đã ra lệnh: “ Người già, trẻ em và người bị bệnh phải rời khỏi nhà ngay trong ngày, những người khác chuẩn bị rời đi bất cứ lúc nào”.

Vào ngày 10/7, trên các trang mạng xã hội, giới chức tại thị trấn Giang Châu thuộc thành phố Cửu Giang kêu gọi những người lao động ở xa từ 18 đến 60 tuổi trở về hỗ trợ phòng chống thiên tai, với lý do nhân lực thiếu hụt nghiêm trọng để gia cố các con đập.

Thảm họa thiên tai đã gây thiệt hại quá sức tưởng tượng cho các doanh nghiệp địa phương.

Trong một video được đăng trên mạng xã hội vào ngày 10/7, một chủ nhà máy sản xuất trà tên Zheng ở quận She, tỉnh An Huy, Trung Quốc cho biết: “Một trăm nghìn tấn trà đã trở thành rác sau khi bị ngâm trong nước lũ nguyên một đêm”.

Theo Beijing News, ông Zheng lo lắng rằng ông không thể đền bù cho hơn 1.000 nông dân đã cung cấp lá chè cho ông.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lũ lụt và động đất tàn phá khắp Trung Quốc, tỉnh Giang Tây chuẩn bị vào “thời chiến”