Trung Quốc cảnh báo điều tệ nhất vẫn chưa đến khi lũ lụt đạt kỷ lục mới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những trận mưa như trút nước kéo dài hàng tháng trời đã trút xuống Trung Quốc gây ra những trận lũ lụt chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, khiến hàng triệu người phải di dời. Điều này thách thức giới hạn của đập Tam Hiệp - con đập thủy điện lớn nhất thế giới.

Trong một lời phát biểu hiếm hoi, các quan chức Trung Quốc cho biết, lượng mưa như vậy vẫn còn kéo dài, và những thách thức nghiệt ngã còn đang chờ phía trước.

Tháng Bảy và tháng Tám thường có những trận mưa lớn nhất ở Trung Quốc, khiến sông Trường Giang (còn gọi là Dương Tử) ngập lụt. Tuy nhiên, Zhou Xuewen - Thứ trưởng Bộ Thủy lợi phụ trách lũ lụt - cho biết, mùa mưa sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng Chín, với “khả năng rất cao” xảy ra lũ lụt nghiêm trọng, theo một cuộc họp báo gần đây của Văn phòng Thông tin Quốc vụ.

Lũ lụt kể từ tháng Sáu đã ảnh hưởng đến ít nhất 63,5 triệu người và gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp gần 179 tỷ nhân dân tệ (hơn 598 nghìn tỷ VNĐ), theo giới chức nước này. Mưa bão đã khiến hơn 600 con sông của Trung Quốc ngập trong nước lũ và phá hủy mùa màng tại 1,14 triệu ha đất canh tác ở hạ lưu sông Trường Giang.

Dự kiến, bão và thêm nhiều trận mưa nữa ​​sẽ tiếp tục đổ bộ vào miền Bắc Trung Quốc trong những tuần tới.

Đập Tam Hiệp đã chứng kiến mực ​​nước dâng lên 16,81m trên mức cảnh báo vào ngày 20/8, đỉnh cao nhất kể từ khi con đập đi vào hoạt động vào năm 2003. Nó được dự đoán sẽ dâng thêm 3,7m vào ngày 22/8. Ngày 20/8, 11 cửa xả của đập Tam Hiệp đã được mở để giảm bớt áp lực cho con đập.

Dù Bắc Kinh luôn khẳng định rằng con đập này đã che chắn cho các khu vực xung quanh khỏi thiên tai lũ lụt, nhưng các chuyên gia đã đưa ra lo ngại rằng cấu trúc của đập Tam Hiệp chính là lý do khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Đập Tam Hiệp được xây dựng dọc theo thượng nguồn sông Trường Giang.

Một nhân viên bảo vệ nhìn vào điện thoại thông minh của mình trong khi nước được xả từ đập Tam Hiệp - một đập thủy điện khổng lồ trên sông Trường Giang - để giảm bớt áp lực lũ lụt ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc thuộc miền trung Trung Quốc, vào ngày 19/7/2020 (STR / AFP qua Getty Images)
Một nhân viên bảo vệ nhìn vào điện thoại thông minh của mình trong khi nước được xả từ đập Tam Hiệp - một đập thủy điện khổng lồ trên sông Trường Giang - để giảm bớt áp lực lũ lụt ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc thuộc miền trung Trung Quốc, vào ngày 19/7/2020 (STR / AFP qua Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, ông Wang Weiluo, một nhà nghiên cứu thủy văn học Trung Quốc đang sinh sống tại Đức đã nói: “Liệu Tam Hiệp có thể đóng một vai trò nào đó trong việc ngăn chặn lũ lụt trong tình hình hiện tại, hay chính phủ Trung Quốc đã lừa dối công chúng Trung Quốc ngay từ đầu - điều này đã được mọi người nói khá rõ trong suốt nhiều năm”.

Siêu đô thị Trùng Khánh đã trải qua trận lụt lớn nhất trong 4 thập kỷ vào ngày 18/8, buộc chính quyền phải nâng cảnh báo lũ lụt lên mức tối đa. Các quan chức của thành phố đã lớn tiếng trên loa phóng thanh, thúc giục bất kỳ người dân nào còn đi lại trên đường phố cần "thực hiện các biện pháp an toàn khẩn cấp" trước khi nước lũ tràn vào.

Ở tỉnh Tứ Xuyên gần đó, khi nước bùn dâng lên trên các ngón chân của bức tượng Phật khổng lồ Lạc Sơn cao 71m, các quan chức đã phải sơ tán khoảng 180 du khách khỏi Di sản Thế giới được UNESCO công nhận 1.200 năm tuổi này.

Theo các cuộc phỏng vấn với người dân địa phương và báo chí, tại tỉnh Cam Túc nằm về phía đông bắc của tỉnh Tứ Xuyên, lở đất đã chặn một con sông ở thị trấn du lịch Bích Khẩu thuộc huyện Ôn Châu và tạo ra một hồ nước lớn, trong khi nước lũ nhấn chìm một số tòa nhà cao 4 tầng.

Chủ một quán hủ tiếu nằm gần các tòa nhà chính quyền địa phương, đã nhận được tin từ người thân cảnh báo vợ chồng cô phải “chạy đến bất kỳ chỗ cao nào có thể nghĩ đến”. Đôi vợ chồng họ vội vã rời đi, để lại tất cả mọi thứ bên trong, bao gồm cả tiền mặt và điện thoại, chìm trong lũ.

“Nếu chúng tôi chậm hơn một chút, chồng tôi và tôi… sẽ chết chìm trong đó”, cô nói với The Epoch Times.

Lực lượng cứu hộ di tản cư dân tại một khu vực bị ngập lụt sau trận mưa lớn ở Lạc Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 18/8/2020 (STR / AFP qua Getty Images)
Lực lượng cứu hộ di tản cư dân tại một khu vực bị ngập lụt sau trận mưa lớn ở Lạc Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 18/8/2020 (STR / AFP qua Getty Images)

Một chủ nhà hàng địa phương khác mô tả trận lũ này là trận lụt gây thiệt hại nặng nề nhất mà ông có thể nhớ.

Ông nói: “Năm nay có nhiều thảm họa nhất. Trời mưa quá nhiều".

Tuy nhiên, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm Trùng Khánh vào ngày 20/8, các quan chức địa phương tỏ ra háo hức và muốn tuyên truyền theo một hướng khác.

Ông Lý bước qua chỗ nước lũ đang rút với đôi ủng đi mưa dính đầy bùn. Đi cùng ông là Bí thư Đảng ủy thành phố Trùng Khánh - ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er).

“Xin hãy nêu ra bất kỳ khó khăn nào mà các vị gặp phải”, ông Lý nói trước đám đông quan chức địa phương, trích theo một đoạn video đang lan truyền trên internet. Trước khi ông Lý nói hết câu tiếp theo, một giọng nói đã cắt lời ông: "Hiện tại chúng tôi không gặp khó khăn gì".

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc cảnh báo điều tệ nhất vẫn chưa đến khi lũ lụt đạt kỷ lục mới