Lũ lụt thách thức đập Tam Hiệp, 'quả bom hẹn giờ' treo trên đầu 600 triệu dân Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỗi năm vào hè mùa lũ lên đến đỉnh điểm, nguy cơ lũ lụt của đập Tam Hiệp là một chủ đề nóng đối với người dân Trung Quốc. Trong năm nay, tình hình phòng chống lũ ở miền Nam rất nghiêm trọng. Hiện tại, mực nước trong khu vực hồ chứa Tam Hiệp lên tới gần 147m, vượt mức giới hạn kiểm soát lũ gần 2 m. Trong dân chúng nhanh chóng lan truyền những thông điệp như: “Đập lớn biến hình”, “Thành phố Nghi Xương bỏ chạy lánh nạn”, “Thượng Hải sẽ biến thành ‘hải thượng’ (thành phố biển)”.

Một số kênh truyền thông chính thức của chính quyền Trung Quốc gần đây đã trích dẫn lời của các chuyên gia thủy lợi để bác bỏ tin đồn. Nhưng tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại một lần nữa đã ký sắc lệnh bảo vệ Tam Hiệp, cho thấy rõ những nguy hiểm tiềm ẩn của công trình thủy lợi đập Tam Hiệp.

Tam Hiệp vỡ đập là chủ đề đã nổi lên từ năm này qua năm khác. Mối đe dọa năm nay có gì khác biệt với những năm trước? Có phải đập Tam Hiệp là một dự án mà ‘cái được chẳng bõ cho cái mất’? Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tự mình ‘rước họa vào thân’?

Nếu lũ lụt ở phía nam là hiện tượng 'thiên nga đen', thì áp lực kiểm soát lũ của Tam Hiệp là 'tê giác xám'

Nói về áp lực đối với đập Tam Hiệp năm nay lớn tới mức nào, bà Hoàng Tiêu Lộ (Huang Xiaolu), người đứng đầu "Quỹ nghiên cứu Hoàng Vạn Lý", nói rằng nếu lũ lụt ở phía nam là hiện tượng "thiên nga đen" (chỉ sự việc có xác suất nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn), thì áp lực kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp sẽ là "tê giác xám" (chỉ sự việc có xác suất lớn và độ ảnh hưởng rất lớn), có khả năng đem tới tai họa ‘chồng chất’.

Bà Hoàng Tiêu Lộ dẫn lời cha mình, chuyên gia kỹ thuật về thủy lợi nổi tiếng của Trung Quốc - ông Hoàng Vạn Lý trong bài viết "Về tính khả thi của việc xây dựng một con đập cao ở Tam Hiệp, Dương Tử" xuất bản tháng 1 năm 1986. Trong đó phân tích cụ thể những nguy hiểm tiềm ẩn đằng sau công trình đập Tam Hiệp.

Ông Hoàng Vạn Lý từng nói: "Nếu đập Tam Hiệp được xây dựng và trữ nước, thì mực nước của đoạn Trùng Khánh của sông Dương Tử sẽ trở nên rất bằng phẳng, còn từ thượng nguồn sông Kim Sa và những chỗ trũng của các nhánh sông Thục Ba, Tứ Xuyên sẽ đem đất đá sỏi tới hình thành một bãi đập đá ở dưới nước. Đồng thời, cát lơ lửng ở trong nước cũng sẽ bị lắng đọng nhiều hơn, kết quả là nó sẽ không chỉ chặn cảng Trùng Khánh, cắt đứt đường thủy, mà còn làm tăng mực nước khi lũ đến, gây ngập úng vùng thượng lưu của Hợp Xuyên và Giang Tân, gây nguy hiểm cho hàng trăm nghìn hộ dân. Hậu quả của nó có thể gấp 10 lần thảm họa thảm khốc do lũ lụt Hán Thủy, An Khang, Thiểm Tây gây ra vào cuối tháng 7 năm 1983".

CCTV cố tình đưa tin gây hoang mang

Về việc kênh Tài chính của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV gần đây đưa tin rằng mực nước trong khu vực hồ chứa Tam Hiệp vượt quá giới hạn kiểm soát lũ gần 2m, học giả vấn đề môi trường ở nước Đức, ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo) nói rằng họ đã đưa ra thông tin sai cho người dân.

Ông Vương đơn giản nhắc lại một số dữ liệu kỹ thuật của đập Tam Hiệp: thân đập là 185m, mực nước bình thường là 175m, và mực nước giới hạn kiểm soát lũ là 145m. Khoảng cách từ 145 m đến 175 m được xác định là thể tích chống lũ, tổng cộng 22,15 tỷ m3.

Ông Vương cho biết: Vào ngày 8/6, CCTV đã đưa tin rằng mực nước của hồ chứa Tam Hiệp đạt 145m, và 2 ngày trước đã đạt đến giới hạn kiểm soát lũ. Nếu công trình Tam Hiệp muốn phát huy vai trò kiểm soát lũ, thì nó phải được lưu trữ từ 145m đến 175m, nhưng nó chưa bao giờ lưu trữ cao được đến thế, thường chỉ từ 145m đến 156m mỗi năm. Và 147m hoàn toàn không phải là vấn đề đối với hồ chứa Tam Hiệp. Tôi không biết tại sao CCTV phát tin tức này và nhiều người đã trích dẫn nó, khiến mọi người hoang mang. Tôi không biết mục đích của việc này là gì.

Sự mờ ám trong mô tả về sự dịch chuyển của đỉnh đập và nền đập

Nói về sự biến dạng của đập Tam Hiệp, ông Vương Duy Lạc lần đầu tiên trích dẫn một câu của Kỹ sư trưởng công trình Vương Tiểu Mao (Wang Xiaomao): "Về vấn đề biến dạng của đập, chênh lệch độ lún giữa các phần đập liền kề trong khoảng 2 mm và thân đập có độ lún đều. Sự thay đổi chiều ngang nền đập là rất nhỏ, trong phạm vi lỗi giám sát, nền đập ổn định. Độ dịch chuyển ngang lớn nhất của đỉnh đập xuống hạ lưu là 30 mm, phù hợp với quy luật biến dạng của trọng lực đập bê tông xây dựng ở trong và ngoài nước. Và tất cả các chỉ số đều nằm trong phạm vi thiết kế cho phép".

Ông Vương Duy Lạc chỉ ra rằng có hai vấn đề liên quan, một là sự dịch chuyển ngang của nền đập và thứ hai là sự dịch chuyển ngang của đỉnh đập. Ông Vương Tiểu Mao nói” "thay đổi chiều ngang của nền đập rất nhỏ", đó là một mô tả định tính. Trong khi di chuyển ngang của đỉnh đập là 30mm, đây là một mô tả định lượng. Với dữ liệu 30mm, bạn có thể đánh giá xem nó lớn hay nhỏ? Nhưng khi ông ấy nói về nền của đập, ông ấy chỉ nói "sự dịch chuyển ngang thay đổi rất nhỏ". Tại sao không mô tả nó một cách định lượng để cho chúng ta biết rốt cuộc dịch chuyển bao nhiêu. Khi mô tả hai sự vật, hoặc đều cần dùng định tính hoặc đều cần dùng định lượng. Bạn nói rất nhỏ, thế nào là nhỏ? Khi một mô tả như vậy xuất hiện trong báo cáo tính khả thi, chúng tôi biết rằng có một cái gì đó mờ ám ở đây.

Giả sử rằng chuyển vị ngang của nền đập là 50cm, đây là một mô tả định lượng, nhưng điều này cũng có thể được mô tả một cách định tính là nhỏ, trung bình, trung bình, lớn, rất lớn... Không có một con số đo lường cụ thể, không có gì để so sánh. Nếu mọi người thấy mô tả này, đều biết rằng chắc chắn phải có một vấn đề trong đó.

Bốn vấn đề lớn của công trình Tam Hiệp

Bà Hoàng Tiêu Lộ cho biết nguyên nhân vì sao cha cô - ông Hoàng Vạn Lý phản đối xây dựng đập Tam Hiệp. Ông đã bày tỏ hết trong 3 lá thư gửi cho cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Bà đặc biệt trích dẫn: "Đầu tiên, ở thượng nguồn sông Dương Tử, ảnh hưởng đến sự phát triển của lòng sông là sỏi và đá cuội chứ không phải là phù sa. Sau khi đập được xây dựng, một viên cũng không thể thải ra được. Trong vòng 10 năm nó có thể làm tắc nghẽn cảng Trung Khánh, và tiếp tục mở rộng lên thượng lưu, làm ngập khu vực Giang Tân và Hợp Xuyên trong mùa lũ. Báo cáo hiện giả định rằng các viên sỏi không di chuyển, và việc sử dụng mô hình bùn cát làm thử nghiệm là sai".

"Thứ hai, Trung Quốc có nguồn tài nguyên nước dồi dào nhất thế giới, sự phân bố không gian và thời gian của nó cũng thích hợp, là đệ nhất thế giới, không phải xếp thứ 6 như Trương Quang Đấu (Zhang Guangdou) nói. Cái Trung Quốc thiếu hụt là khu vực có đủ nước cho canh tác ruộng. Sau khi hồ chứa hoàn thành, nó sẽ ngập 500.000 mẫu, tương lai sẽ còn nhiều hơn nữa, dùng điều này để đổi lấy điện, thực sự là không nên làm”.

"Thứ ba, tính khả thi về kinh tế của công trình đập Tam Hiệp chỉ đơn giản là không có. Mỗi kW điện của nó đắt gấp 2 hoặc 3 lần so với các nhà máy điện cỡ lớn và trung bình ở vùng núi. Phương pháp hạch toán kinh tế trong báo cáo là sai. Trong 18 năm chỉ chi mà không sản xuất, không có cách nào để giải quyết vấn đề thiếu điện hiện tại”.

"Thứ tư, mặc dù hồ chứa Tam Hiệp có thể giúp một chút trong việc kiểm soát lũ ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, nhưng hiệu quả không cao".

Bà Hoàng Tiêu Lộ nói rằng điểm thứ tư này hiện nay đã được chứng minh rất rõ. Người ta trước đây đã nói rằng đập Tam Hiệp có thể ngăn chặn lũ lụt sau 10.000 năm xảy ra một lần, về sau thành những trận lũ lụt cứ sau 1.000 năm xảy ra, và sau đó là lũ lụt sau 100 năm xảy ra một lần. Còn bây giờ nó có thể phải đối mặt với trận lụt lớn nhất kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 70 năm qua, nhưng khả năng kiểm soát lũ của nó là một ẩn số.

Xây dựng đập là một mô hình lỗi thời

Ông Vương Duy Lộ nói rằng Trung Quốc đã không theo kịp sự đổi mới của khái niệm phát triển khi khăng khăng xây dựng đập Tam Hiệp.

Vào những năm 1940, Hoa Kỳ đã sử dụng các công trình thủy điện lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một khu vực. Ví dụ, kế hoạch phát triển vùng biển Tennessee là một mô hình phát triển được áp dụng trên thế giới vào thời điểm đó.

Nhưng vào những năm 1960, do việc xây dựng đập Aswan ở Ai Cập gây ra nhiều vấn đề, các nhà khoa học trên thế giới bắt đầu suy ngẫm, liệu chúng ta có đang đi sai đường? Kể từ đó, xây dựng đập đã dần trở thành một mô hình bị gạt sang một bên và bỏ rơi.

Chi phí cuối cùng cho việc xây dựng đập lớn hơn lợi nhuận mà nó mang lại, theo thuật ngữ của Đức là một loại "trao đổi Faust". Faust là nhân vật chính trong tiểu thuyết cùng tên của Goethe. Người này đã bán linh hồn của mình cho quỷ dữ để trao đổi lấy tất cả những thứ mình ước. Trao đổi này là một loại trao đổi phải mất nhiều hơn là được.

Ông Vương Duy Lộ lấy Thượng Hải làm ví dụ. Ông nói rằng ông Hoàng Vạn Lý từng đề cập rằng, tại cửa sông Dương Tử hàng năm có khoảng 100.000 mẫu đất được xây dựng, các bãi biển của Thượng Hải tiến lên hơn 40 mét về phía đông mỗi năm; việc xây dựng đập Tam Hiệp sẽ ngăn chặn phù sa và giảm lượng phù sa ở cửa sông Dương Tử, khiến bờ biển Thượng Hải lùi về phía tây. Đây là một mất mát lớn cho Thượng Hải, nơi mà ‘tấc đất tấc vàng’.

Ông Hoàng Vạn Lý đắc tội với nhóm lợi ích lớn

Bà Hoàng Tiêu Lộ nói rằng bà chưa bao giờ nghĩ đập Tam Hiệp là một công trình hình tượng. Bà cho biết, trong mắt của cha mình - ông Hoàng Vạn Lý, đây là một công trình hại nước hại dân. Đây hoàn toàn là một quá trình tham ô mục nát của các nhóm lợi ích.

Bà nhớ lại rằng cha bà đã được cởi chiếc mũ "phần tử cánh hữu" sau Phiên họp toàn thể thứ 3 của Ủy ban Trung ương khóa XI. Sau khi bị cấm lên tiếng trong hơn 20 năm, lần đầu tiên ông đã xuất bản một bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo, nói rằng "dự án điều nước theo hướng Đông-Nam-Bắc là không khả thi".

Sau khi bài báo được xuất bản, nhiều nhà khoa học của Viện Địa lý của Viện Hàn lâm Khoa học Trung QUốc đã đến thăm cha bà. Tất cả họ đều nói rằng bài báo của ông rất hay, nhưng đã đắc tội với rất nhiều nhóm lợi ích. Bởi vì khi nghe nói rằng sẽ có một tuyến đường thủy lợi từ Đông - Nam sang Bắc, Bộ Thủy lợi và nhiều quan chức dọc theo tuyến Đông đã được sắp xếp xong xuôi hết. Nếu một dự án lớn được phê duyệt, sẽ có tiền. Có tiền rồi, nhiều quan chức khác nhau sẽ được chỉ định để thực hiện dự án lớn này. Sau đó, mọi quan chức có thể tham ô ở đây.

Minh Thanh

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lũ lụt thách thức đập Tam Hiệp, 'quả bom hẹn giờ' treo trên đầu 600 triệu dân Trung Quốc