Lũ lụt kinh hoàng ở Trung Quốc: Ngập tàu điện ngầm, nhiều người thiệt mạng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 20/7, nhiều nơi ở phía Bắc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) bị mưa lớn tàn phá, đặc biệt là thủ phủ Trịnh Châu ngập trong biển nước. Tuyến tàu điện ngầm số 5 Trịnh Châu phải dừng chạy do nước tràn vào toa tàu, hàng trăm hành khách bị mắc kẹt trong toa. Mực nước ngập đến ngực khiến nhiều người bị giảm thân nhiệt, thiếu oxy, ngất xỉu, một số thi thể nằm trên sân ga.

Xem video:

Ban Tuyên truyền Thành ủy Trịnh Châu đã phát đi thông báo trên Weibo chính thức vào lúc 3h50 rạng sáng ngày 21/7, xác nhận rằng vào khoảng 6 giờ chiều ngày 20/7, mưa lớn tích tụ trong nhiều ngày đã phá vỡ bức tường chắn nước và dòng nước đổ vào khu vực đường tàu điện ngầm, khiến tuyến tàu số 5 từ ga Hải Than Tự đến ga Sa Khẩu Lộ dừng hoạt động. Có ít nhất 12 người thiệt mạng trong vụ ngập tàu điện ngầm, 5 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện. Nhưng ngoại giới nghi ngờ rằng con số thương vong trên thực tế còn cao hơn.

Một công dân ở Trịnh Châu có bí danh là Lý Vân nói với phóng viên The Epoch Times rằng, tàu điện ngầm ở Trịnh Châu bị ngập và nhiều người chết chìm. Xe ô tô trôi nổi khắp nơi trong thành phố, nhiều người bị chết đuối. Hiện chưa rõ có tất cả bao nhiêu người đã thiệt mạng.

Ông Lý nói rằng video Trịnh Châu ngập trong biển nước là có thật. "Tàu điện ngầm ở khu đô thị Trịnh Châu bị ngập/ và nhiều người bị chết chìm trong đó. Hàng xóm của bạn tôi cũng ở trong tàu điện ngầm đó. Họ đã quay video rồi tải lên mạng".

"Họ cũng quay lại cảnh những chiếc ô tô và xe điện/ trôi nổi trong khu chung cư; còn có người chết đuối trên đường phố; cũng có người bị nước cuốn trôi đi. Những video đó, tất cả đều là thật. Đều là bạn bè của tôi, hoặc những người sống cùng chung cư với bạn tôi (quay được), đều có thể tìm được người quay video".

Ông Lý Vân cho biết, trận lụt ở thành phố Trịnh Châu lần này/ còn nghiêm trọng hơn thiên tai ở các thị trấn miền núi xung quanh, sập rất nhiều cầu.

Có cư dân mạng đăng bài kêu cứu cho biết, một số bệnh viện lớn cũng xảy ra tình trạng mất điện. Tầng 1 của Bệnh viện trực thuộc số 1 của Đại học Trịnh Châu bị ngập nước và mất điện/ khiến máy thở ICU không sử dụng được, bệnh nhân mắc chứng hô hấp nặng khó qua khỏi.

Ông Trương, một nhân viên văn phòng ở Trịnh Châu, nói với The Epoch Times rằng, hôm 20/7, khi tan sở, tất cả các phương tiện lưu thông trên đường đều ngừng hoạt động. Gần 90% phương tiện bị ngâm trong nước.“Tuyến đường chính, lớn nhất ở Trịnh Châu cũng bị ngập khoảng 1 mét”.

Một số người dân địa phương tiết lộ, ngoại trừ một số đội cứu hộ tự phát, họ không thấy có cán bộ, chiến sĩ nào của chính quyền. Có ý kiến cho rằng lực lượng cứu hoả đã đến thành phố Lạc Dương để chống lũ lụt, bởi vì không chỉ ở Trịnh Châu đang mưa lớn, mà bên Lạc Dương cũng ngập lụt do xả lũ.

Ngoài ra, người dân cũng không thể kết nối với các số điện thoại khẩn cấp: 110 (cảnh sát), 119 (cứu hỏa) và 120 (cứu thương) của địa phương. Các đường dây này luôn trong tình trạng bận.

Mực nước của 32 hồ chứa vượt ngưỡng cho phép, dư luận đặt nghi vấn xả lũ

Theo RFI đưa tin, các hồ chứa của tỉnh Hà Nam/ đã nhiều lần bị vỡ trong lịch sử, một lần nữa phải đối mặt với tình thế nguy hiểm. Mực nước của 32 hồ chứa lớn và vừa trong toàn tỉnh trong đợt mưa này/ đều vượt ngưỡng cho phép. Chính quyền địa phương đưa ra cảnh báo rằng, hồ chứa Y Hà Than ở thành phố Lạc Dương “có thể vỡ bất cứ lúc nào”.

Trong khi đó, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV, mực nước hồ chứa Thường Trang của thành phố Trịnh Châu dâng cao vượt mức cảnh báo. Lúc 10h57 sáng ngày 20/7, mực nước của hồ Thường Trang đạt 127,87 mét (mức cảnh báo là 127,49 mét), bắt đầu xả lũ 3 mét khối mỗi giây.

Ông Trương nói rằng, ông không chắc chắn liệu tình trạng ngập lụt có liên quan đến việc xả lũ hay không, nhưng có thông tin trên Internet nhắc nhở mọi người cẩn thận về việc xả lũ. "Trên WeChat có thông báo, [tôi] không biết là thật hay giả, họ nói rằng buổi đêm đừng ngủ say quá, đề phòng xả lũ này nọ”.

Bà Lý, một công dân của Trịnh Châu cho rằng/ việc nước dâng có liên quan đến việc xả lũ. Bà nói với The Epoch Times, chiều ngày 20/7, nước đột nhiên dâng cao, vì trời mưa liên tục nên không nghĩ là do xả lũ, sau đó mới có thông tin về việc xả lũ.

Ông Lý Vân cho hay, từ vài ngày trước, dự báo thời tiết địa phương cho biết sẽ có mưa lớn trong nhiều ngày liên tiếp/ nhưng chính quyền lại không thông báo cho một số người dân ở khu vực tương đối thấp để họ chuyển lên vùng đất cao hơn.

Đài quan sát khí tượng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo mưa bão màu da cam (tương đương với cấp độ 3 trên thang đo 4 cấp độ) vào lúc 6h tối ngày 20/7. Dự báo từ 8h tối ngày 20/7 / đến 8h tối ngày 21/7, các khu vực gồm phía bắc tỉnh Hà Nam, phía nam tỉnh Hà Bắc, phía đông nam tỉnh Sơn Tây... có mưa to đến rất to. Đặc biệt là cục bộ phía bắc tỉnh Hà Nam/ có mưa lớn bất thường (khoảng 250 - 270 mm).

Cũng vào ngày 20/7, một nhà máy nhôm ở thành phố Đăng Phong của tỉnh Hà Nam/ đã phát nổ dữ dội do nước lũ tràn vào khu bể điện phân nhiệt độ cao. Những đám mây hình nấm được tạo ra từ vụ nổ/ giống như nổ bom nguyên tử. Hiện chính quyền vẫn chưa thông báo con số thương vong cụ thể.

Trận lụt lớn ở Hà Nam đã khơi dậy ký ức đau thương của người dân địa phương.

Ký ức lịch sử đau thương

Vào tháng 8/1975, trận lụt lịch sử đã phá hủy 102 km đường sắt Bắc Kinh-Quảng Châu, vỡ đập lúc 1 giờ sáng, hàng chục nghìn người vẫn đang ngủ, nhiều làng mạc và thị trấn đã biến mất.

Theo báo cáo của cơ quan thủy văn tỉnh Hà Nam, trận lụt này đã khiến gần 170.000 người thiệt mạng, trong đó 26.000 người chết trong lũ, số còn lại thiệt mạng do dịch bệnh/ và nạn đói sau lũ lụt. Thêm vào đó, khoảng 11 triệu người đã trở thành vô gia cư/ khi hơn 5 triệu ngôi nhà bị phá hủy.

11 triệu mẫu đất nông nghiệp bị phá hoại, cuốn trôi 3.743 triệu con gia súc gia cầm, ách tắc giao thông 18 ngày, thiệt hại kinh tế lên đến gần 10 tỷ nhân dân tệ.

Lũ lụt thường xảy ra trong mùa mưa ở Trung Quốc, nhưng chúng đã trở nên tồi tệ nhất trong những năm gần đây/ một phần do sự gia tăng các công trình xây đập, mà theo các nhà môi trường, là nguyên nhân gây tắc nghẽn của các kênh thoát nước.

Ông Tập Cận Bình đã kêu gọi các cơ quan liên quan của chính phủ/ khôi phục sinh kế của những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa đang xảy ra, thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn tình trạng tái nghèo/ và lây nhiễm COVID-19.

Minh Nguyệt



BÀI CHỌN LỌC

Lũ lụt kinh hoàng ở Trung Quốc: Ngập tàu điện ngầm, nhiều người thiệt mạng