Lũ dâng cao tại 3 con sông chính, sinh mạng của hàng triệu người Trung Quốc gặp nguy hiểm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 21/7, lũ lụt dâng cao do mưa lớn ở cả 3 con sông lớn của Trung Quốc là sông Trường Giang (Dương Tử), sông Hoàng Hà và sông Hoài, với mực nước ở hầu hết các vùng đều vượt qua mức báo động.

Lưu vực 3 con sông này đều là những vùng sản xuất ngũ cốc phát triển nhất của Trung Quốc. Nước lũ đã nhấn chìm những vựa lúa ở lưu vực sông Châu Giang trong tháng Sáu. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc lại không đưa ra đánh giá tổng thiệt hại đối với các vụ mùa của nước này.

Ngoài ra, lở đất cắt vào một phần của sông Trường Giang đã hình thành một hồ chứa ở tỉnh Hồ Bắc. Nếu lở đất tiếp diễn, một lượng nước lớn có thể bất ngờ tràn vào các khu vực ở hạ lưu. Giới chức Trung Quốc cảnh báo hàng triệu cư dân thành phố rằng nước lũ có thể tấn công các khu dân cư bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, hàng chục ngàn người ở tỉnh An Huy đang cần được giải cứu, vì họ bị bao vây bởi nước lũ mà không được sử dụng điện, nước sạch và viễn thông.

Dự báo mưa lớn sẽ còn tiếp tục kéo dài và gia tăng trong những ngày tiếp theo.

Lũ lụt xâm chiếm Trung Quốc

Lúc 6h tối ngày 21/7, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo mưa lớn, lưu ý rằng các khu vực ở thượng nguồn sông Trường Giang và hạ lưu sông Hoàng Hà, cũng như toàn bộ lưu vực sông Hoài sẽ hứng chịu các trận mưa lớn trong 24 giờ tới. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất có mực nước dâng lên khoảng 7cm trong vòng một giờ.

Mưa lớn ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) gây ngập lụt nhiều nơi, ngày 6/7/2020. (Ảnh: Caixin)
Mưa lớn ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) gây ngập lụt nhiều nơi, ngày 6/7/2020. (Ảnh: Caixin)

Trong số 3 con sông chính, sông Trường Giang nằm ở phía nam, sông Hoài ở miền trung Trung Quốc và sông Hoàng Hà nằm ở phía bắc.

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 20/7, chính quyền trung ương Trung Quốc đã ra lệnh xả lũ ở sông Hoài qua đập Vương Xa Bá thuộc tỉnh An Huy, đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng này kể từ 13 năm trước. Rất nhanh, các cánh đồng hoa màu trong khu vực, bao gồm đậu nành và ngô sắp thu hoạch, đã bị phá hủy hoàn toàn.

Báo Tân Hoa Xã đưa tin rằng mực nước sông Hoài đã đạt đến mức báo động vào đầu ngày 20/7, nghĩa là bờ kè dọc sông có thể bị vỡ. Để bảo vệ các thành phố ở khu vực hạ lưu khỏi thảm họa này, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định để các khu vực nông thôn hứng chịu lũ lụt thay.

Bài báo tuyên bố rằng các nhà chức trách đã cho người dân địa phương 7 giờ để đóng gói và thu dọn các vật dụng có giá trị khỏi nhà của họ trước khi xả lũ.

Ngày 19/7, chính quyền tỉnh An Huy đã phá vỡ 2 con đê và xả lũ từ sông Chu, một nhánh của sông Trường Giang, đến các vùng nông thôn.

Trong những ngày gần đây, chính quyền cũng đã xả lũ vào các vùng nông thôn ở các tỉnh Hồ Nam, Chiết Giang và Giang Tây, khiến nhà cửa và ruộng vườn của người dân ngập trong nước lũ.

Chùa Quán Âm, một ngôi chùa 700 năm tuổi được xây dựng trên nền một tảng đá lớn, bị ngập trong dòng lũ từ sông Trường Giang đoạn chảy qua thành phố Ngạc Châu, Trung Quốc vào ngày 19/7/2020. (STR / AFP qua Getty Images)
Chùa Quán Âm, một ngôi chùa 700 năm tuổi được xây dựng trên nền một tảng đá lớn, bị ngập trong dòng lũ từ sông Trường Giang đoạn chảy qua thành phố Ngạc Châu, Trung Quốc vào ngày 19/7/2020. (STR / AFP qua Getty Images)

Năm nay, mưa lớn cũng khiến sông Hoàng Hà ở miền bắc Trung Quốc ngập lụt. Đây là một sự việc bất thường.

Kể từ ngày 1/7, hồ chứa của đập Tiểu Lãng Để (Xiaolangdi) trên sông Hoàng Hà bắt đầu xả nước lũ tích tụ từ nhiều ngày trước đó, gây nguy hiểm cho khu vực hạ lưu.

Vào ngày 21/7, lũ lụt cũng tràn ngập những con đường dọc theo bờ sông Hoàng Hà đoạn chảy qua thành phố Lan Châu. Khu vực Nội Mông và các tỉnh khác dọc theo con sông này bắt đầu gia cố bờ đê trước những cơn mưa lớn.

Người dân Trung Quốc sống trong nguy hiểm

Thành phố Ân Thi ở tỉnh Hồ Bắc với dân số 4 triệu người, đã yêu cầu tất cả người dân chuẩn bị cho một cuộc di tản vào ngày 21/7, kèm cảnh báo rằng lũ lụt có thể tràn vào thành phố bất cứ lúc nào.

Tình hình ngập lụt ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc (Ảnh: Twitter)

Báo Tân Hoa Xã dẫn lời giới chức cho biết một trận lở đất xảy ra gần thượng nguồn sông Thanh - một nhánh của sông Trường Giang - đã chặn dòng chảy của sông và tạo ra một hồ nước sâu hơn 4,88m.

“Các bờ đê của hồ chứa có thể bị vỡ. Khi điều này xảy ra, nước lũ sẽ tràn vào hạ lưu khu vực [thành phố Ân Thi]”, thông báo cho biết.

Chính quyền thành phố cũng thừa nhận rằng họ đã xả thêm nước lũ từ hồ chứa Đại Long Đàm (Dalongtan) ở thượng nguồn sông Thanh. Điều này có thể khiến mực nước dâng cao, tràn qua bờ đê mà chảy vào thành phố sau đó.

Tối ngày 21/7, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, tờ Nhật báo Đô thị phương Nam (Southern Metropolis Daily) đưa tin rằng hồ chứa Vân Long ở thượng nguồn đã xả lũ tràn vào sông Thanh và gây ra lở đất một phần tại hồ chứa.

Tuy nhiên, lở đất đã không kết thúc trong ngày thứ Ba (21/7).

Do việc xả nước gia tăng tại hồ chứa Đại Long Đàm, nhà máy xử lý nước địa phương không thể xử lý nước ngọt. Tin tức cho biết, thành phố sẽ không có nước sạch trong vòng 10 ngày tới.

Thành phố Ân Thi đã bị nước lũ nhấn chìm kể từ ngày 17/7. Bởi vì các hồ chứa nước địa phương liên tục xả nước và mưa lớn không dứt, nước lũ mãi không thể rút cho đến ngày 21/7.

Mười vạn người Trung Quốc bị cô lập vì lũ lụt

Thị trấn Cố Trấn (Guzhen) ở thành phố Lưu An thuộc tỉnh An Huy là nơi sinh sống của khoảng 44.000 người dân. Chiều ngày 19/7, nước lũ đã tràn tới đây, nhấn chìm tất cả các con đường, các tòa nhà cũng ngập trong nước.

Đường phố và các tòa nhà bị ngập nước sau khi mưa lớn gây ra lũ lụt ở tỉnh phía tây nam Tứ Xuyên, Trung Quốc vào ngày 27/6/2020 (Ảnh: STR / AFP / Getty Images)

Thị trấn Cố Trấn gần như trở thành một hòn đảo bị cô lập, không có điện và nước sạch. Đến 2 giờ chiều ngày 20/7, hơn 10.000 người vẫn bị mắc kẹt trong thị trấn.

Một quan chức chính quyền địa phương nói với hãng truyền thông Trung Quốc Caixin rằng, hai hồ chứa ở thượng nguồn thuộc thị trấn Guzhen đã xả lũ, khiến mực nước sông Ji của địa phương dâng cao trong những ngày gần đây. Sau khi một đoạn đê gần thị trấn bị vỡ, nước lũ đã tràn vào.

“Thị trưởng của chúng tôi chết lặng khi lũ lụt tràn vào”, một quan chức nói.

Người dân địa phương nói với The Epoch Times qua điện thoại rằng tình hình của họ đang rất tệ.

Chen Yan, cư dân sống ở trung tâm thị trấn, đã rời khỏi thị trấn trước khi lũ lụt kéo tới, nhưng các thành viên gia đình cô vẫn bị mắc kẹt ở đó. Cô nói: “Họ cần thức ăn, họ rất sợ”.

Cô Chen cho biết có rất nhiều khu phố ở Guzhen không thể tiếp cận bằng thuyền do dòng lũ chảy xiết.

Anh Yu cũng là một người dân ở thị trấn. Cha mẹ vợ của Yu và 4 đứa con anh đều bị mắc kẹt tại làng Yutang ở Guzhen. Anh Yu rất lo lắng, vì anh không thể liên lạc với bất kỳ ai trong số họ.

Theo Caixin đưa tin, có hơn 10 thuyền cứu hộ tại khu vực, với mỗi thuyền chỉ có khả năng chở 5 người mỗi lượt cứu hộ.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lũ dâng cao tại 3 con sông chính, sinh mạng của hàng triệu người Trung Quốc gặp nguy hiểm